Lm. Trịnh Ngọc Danh
CN VII PS / B : LỄ THĂNG THIÊN
Bài đọc 1 : ( Cv 1:11). Bài đọc 2 : ( Eph 1: 17-23 hay Eph 4:1-13). Tin Mừng : ( Mc 16:15-20)
Qua thời gian hơn một tháng, chúng ta đã mừng lễ Phục Sinh của Đức Kitô, đã ca tụng Đức Kitô là ánh sáng thế gian, đã thắp lên cây nến phục sinh bằng những tiếng hát Alleluia, đã nghe các chứng nhân thuật lại những lần hiện ra của Đấng Phục sinh. Cây nến phục sinh rồi sẽ cất đi, những bài hát alleluia sẽ ít được nghe hơn. Đúng là lễ Thăng Thiên có một chút u buồn và luyến tiếc: “ Hỡi những người Galilê, sao còn đứng đó nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến như các ông đã thấy Người lên trời.” ( Cv 1: 11) . Thôi, đừng đứng đó mà tiếc nuối, u sầu! Hãy trở về thực tại với nhiệm vụ mới.
Ngày Đức Giêsu được rước lên trời, không phải là ngày chấm dứt nhiệm vụ ở trần thế để về nơi Ngài đã ra đi. Sau một thời gian đi gieo lời hằng sống, thiết lập và xây dựng môt nền móng đạo đức dựa trên tình yêu và bác ái công bằng và sau khi sống lại từ cõi chết, Ngài đã được Chúa Cha tôn vinh, được vào trong vinh quang của Chúa Cha với quyền cai trị vũ trụ, và ngự bên hữu Thiên Chúa.
Đức Giêsu lên trời, đánh dấu sự kết thúc giai đoạn thi hành sứ vụ ở trần thế và mở ra một giai đoạn mới qua vai trò của Giáo Hội đưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh thần, một giai đoạn chuyển tiếp giữa thế giới hữu hình và vô hình, từ một vùng đất nhỏ hẹp với một thế giới rộng lớn, từ một dân tộc với một cộng đồng nhân loại.
Đức Giêsu lên trời không có nghĩa là Ngài hết hiện diện nơi trần gian, nhưng là một sự thay đổi. Ngài không hiện diện bằng xương bằng thịt như trước kia, nhưng hiện diện bằng quyền năng, bằng Thánh Thần và bằng sự quan phòng. Ngài không còn bị lệ thuộc về không gian và thời gian.
Sự kiện Đức Giêsu lên trời chứng tỏ cho chúng ta thấy được mục đích của cuộc hành trình trên dương thế của chúng ta sẽ đi về đâu. Ngoài trái đất, còn có một thế giới linh thiêng, ngoài cuộc sống trần gian chóng qua còn có cuộc sống vĩnh cửu. Chúa Giêsu về trời cho chúng ta một niềm hy vọng vào cuộc sống mai sau như lời Ngài đã nói: Thầy đi để dọn chỗ cho anh em, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó với Thầy. Ngài về trời nhưng Ngài không để con người mồ côi. Ngài hứa sẽ ban Đấng Phù trợ đến và quyền năng để cùng con người hành động và lướt thắng trở ngại.
Nhưng để được ở với Thầy, được vào trời mới, đất mới, thì việc trước tiên chúng ta phải làm là hoàn tất những công việc được giao phó. Nhiệm vụ đó là loan báo Tin Mừng, làm chứng về tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa cần sự cộng tác của con người. Con người là cánh tay nối dài của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ loài người. Vì thế, trước khi về trời, Ngài đã truyền lệnh cho các môn đệ: “ Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ, anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất.” ( Cv 1: 8)
Việc Thầy Giêsu lên trời không làm cho các môn đệ buồn sầu, chán nản; ngược lại, các ông lại vui mừng phấn khởi vì các ông tin rằng có Chúa cùng đồng hành và cùng hoạt động với họ. Các ông được trang bị sức mạnh của Chúa Thánh Thần, cùng với khả năng làm những dấu lạ như sẽ trừ được qủy, nói được những tiếng mới lạ, sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, cũng chẳng sao, và nếu đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được khỏe mạnh.
Mừng lễ Chúa Giêsu lên trời cũng là dịp Giáo hội nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm rao giảng Tin Mừng cho hết mọi người, mọi nơi. Chúa sẽ cùng đồng hành, cùng hoạt động với chúng ta. Chúa Giêsu, sau khi hoàn tất nhiệm vụ ở trần gian, Ngài đã về trời. Mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng phải nổ lực hòan tất nhiệm vụ Chúa đã giao phó cho hết mọi người, mọi nơi bằng chính cuộc sống của mình “ cho đến tận cùng trái đất” để rồi chúng ta cũng sẽ được rước lên trời trong vinh quang của Thiên Chúa.
Views: 0