Nguyễn Khoa Toàn
Vietcatholic.net 30/Sep/2018
“Cha nghĩ sao về thỏa hiệp giữa Vatican và Trung Cộng?” môt linh mục Ba Lan cùng khóa học tại Viện Ngôn Ngữ Cổ Điển tại Rôma tưởng nhầm tôi là Tàu Chệt!!! Trỏ ngón tay cái xuống đất, tôi nói ngay câu tục ngữ La tinh mới vừa học: Auribus Teneo Lumpum. Nôm na là “xách tai chó sói”: buông cũng chết mà giữ cũng chết! Rồi nói thêm: “Ba Lan, Việt Nam, Trung Quốc đều đã và đang có một mẫu số chung: Cộng Sản. Và bất kỳ thỏa hiệp nào với Cộng Sản thì chẳng khác gì …xách tai chó sói!!!”
Thực thế, Đức Hồng Y Jospeh Zen, nguyên Tổng Giám Mục Hồng Kông, đã công khai phản đối cực liệt và ví thỏa hiệp giữa Vatican và Trung Cộng vẫn chưa khô mực vào hạ tuần tháng 9 này là “cúng dâng cho chó sói!” Tưởng cũng cần nên biết, khi tiến trình đàm phán vừa với manh nha, Ngài đã sang tận Rôma trao tận tay thư riêng cho Đức Giáo Hoàng đương kim Phanxicô khẩn khoản can ngăn Vatican đừng vội qúa ngây thơ với chủ nghĩa cộng sản vô thần!!!
Thiết tưởng cần giở lại một vài trang lịch sử. Thỏa hiệp trên, theo học giả George Weigel, người rất am hiểu về đường lối chính trị tại giáo triều Rôma, có thể là sản phẩm từ các môn đệ của Đức Cố Hồng Y Agostini Casaroli vào thập niên 1970 dưới triểu đại Giáo Hoàng Phaolô VI. Mục tiêu của Vatican Ostpolitik lúc ấy là thỏa hiệp bằng mọi giá nhằm giảm đi tình trạng bách hại giáo hội Công Giáo trong toàn khối Cộng Sản Đông Âu.
Đau đớn và mỉa mai thay! Khi bức tường Ba Linh sụp đổ kéo theo sự tan rã toàn bộ của Liên Bang Sô Viêt cùng toàn khối Đông Âu, Vatican Ostpolitik được phơi bày ra ánh sáng. Từ Hung gia Lợi nơi giáo hội một sớm một chiều trở thành công cụ của Đảng Cộng Sản Hung, cho đến các quốc gia ‘xã hội chủ nghĩa anh em’ như Tiệp Khắc, Ba Lan, v.v… phe cực tả, thậm chí ngay cả đảng viên cộng sản, đã xâm nhập rồi phân hóa nội tình các giáo hội hầm trú và ngay trong giáo triều Rôma.
Và lịch sử một lần nữa tái diễn!!! Khoảng tháng 6 năm 2015, Linh Mục Federico Lombardi đã tiết lộ về tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Bắc Kinh. Vị Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh lúc ấy đã thản nhiên tiết lộ rằng việc bổ nhiệm các Giám Mục tại Việt nam có thể là “khuôn mẫu” cho Giáo hội lục địa đỏ Trung Hoa. Cũng vào thời điểm này, linh mục ký giả lão thành Gerard O’Connell, trong một bài báo tựa đề ‘Progress with China’ trên tạp chí America do dòng Tên tại Hoa Kỳ chủ trương, đã cho biết theo thỏa thuận hiện hành, Tòa Thánh sẽ đệ trình danh tính ứng viên Giám Mục nhưng nhà cầm quyền Hà Nội có quyền chấp thuận hoặc bác bỏ. Viết lại và trang trọng viết hoa, CÓ QUYỀN. Nếu bác bỏ, danh tính một ứng viên khác sẽ được đệ trình và cứ như thế cho đến khi được chấp thuận.
Jeremy Clarke, mà luận án tiến sĩ tại Đại Học Quốc gia Úc Châu Canberra (ANU) nghiên cứu về lịch sử Công Giáo Trung Hoa, đã tái xác nhận việc đã rồi này! Vấn đề không phải là sự can dự của chính quyền trong việc đệ trình và tuyển chọn Giám Mục, vì tiền lệ đã có từ Việt Nam gần đây, và nếu không lầm, đã từ lâu tại một vài quốc gia Tây Phương. Điều khác biệt, theo tiến sĩ Clarke, là Vatican, nói theo một tục ngữ Anh, đang bước theo tiếng trống của chủ nghĩa bá quyền Bắc Kinh. Giáo triều Rôma đương thời không còn là “ánh sáng cuối đường hầm” của giáo hội hầm trú và hàng triệu người công giáo Trung Hoa trên toàn thế giới.
Ngay trên chuyến bay về lại Rôma sau lần công du mục vụ tại ba quốc gia vùng Ba Nhĩ Cán gần đây, tuy Đức Thánh Cha Phanxicô đã cả quyết với phái đoàn báo chí tháp tùng là quyền phủ quyết vẫn hoàn toàn tùy thuộc vào Đấng kế vị thánh Phêrô theo giáo luật điều 377.1: “Ðức Giáo Hoàng được tự do bổ nhiệm các Giám Mục,” Ngài lại rất mập mờ về giáo luật cốt lõi 377.5: “không được cho chính quyền dân sự quyền lợi và đặc ân bầu cử, bổ nhiệm, đề cử hoặc chỉ định các Giám Mục.”
Theo thiển ý cá nhân, chỉ nguyên việc chấp nhận những Giám mục thiên Cộng được chọn bởi những kẻ cổ súy chủ nghĩa vô thần và làm ngơ để họ mặc tình nhúng tay chủ động, là một phán đoán lệch lạc thiếu chiều sâu, kém độ dày kinh nghiệm và một sai lầm có tính chất lịch sử!
Đã từ lâu, tiến trình đề cử và bổ nhiệm Giám Mục dưới các chế độ Cộng Sản đã gây không ít hoang mang; thậm chí nhiều khi đã là mầm chia rẻ trong và ngoài Giáo hội. Tuy dẫu cho quyền phủ quyết vẫn hoàn toàn thuộc về Đức Thánh Cha, điều tột cùng nguy hiểm là việc tuyển chọn và đệ trình ứng viên Giám Mục vô hình trung đã và đang được Vatican và các giáo hội tại các quốc gia cộng sản cổ súy và xem như điều bình thường. Đau đớn và cay đắng hơn, rất bình thường đến độ được đem làm khuôn mẫu cho các những nơi đang quằn quại dưới ách vô thần!
Dư luận trên toàn thế giới đã phản ứng khác nhau, thậm chí hoàn toàn trái ngược, về thỏa hiệp này. Phía cổ động, như Hồng Y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin, trong một tuyên bố báo chí, đã nhấn mạnh đến hai chữ hiệp thông: “đây là lần đầu tiên các Giám Mục Trung Cộng được hiệp thông với Đấng kế vị Thánh Phêrô.”
“Có thật không?” bình luận gia George Weigel mỉa mai đặt câu hỏi. “Thế bao nhiêu năm qua những Giám Mục thuộc giáo hội hầm trú đã không hiệp thông với Đức Thánh Cha ư?” Chẳng những hiệp thông, mà kể từ năm 1949 khi toàn lục địa Trung Hoa rơi vào nanh vuốt cộng sản và bị nhuộm đỏ bởi chủ nghĩa giáo điều và cái gọi là đại cách mạng văn hóa, giáo hội hầm trú vẫn là một biểu tượng đức tin bền vững trung kiên. Họ, theo cách nói của một sử gia, đã không chia động từ tử đạo theo thời quá khứ, nhưng là hiện tại: Sống Tử Đạo.
Cũng theo ĐHY Parolin, với việc “công nhận các Giám mục được tuyển lựa bởi chính quyền Trung Quốc, Tòa Thánh có thể giúp gàn hắn những bất đồng quá khứ hướng sự hiệp thông hoàn toàn với Vatican. Nhưng theo quan điểm của tiến sĩ Jeremy Clarke, tham vọng này “khó nếu không muốn nói là không thể trong bối cảnh và tình hình hiện tại.”
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra về vai trò “tông truyền” khi Giám Mục chỉ là những bù nhìn công cụ của chế độ. Nhất là khi những “Đấng kế vị các Tông Đồ” lại là đồng lõa, hoặc oái ăm hơn, chính là thủ phạm của tội ác ấu dâm kinh khiếp làm lung lay giáo hội công giáo toàn cầu và không còn là đuốc thiêng tin cậy cho những thế hệ tương lai.
Hoc giả George Weigel phê phán rất tiên tri là cả guồng máy ngoại giao Vatican đã không mảy may nghĩ đến nhân quyền: tham củ cà rốt trước mặt mà quên đi những cây gậy sau lưng! Weigel thẳng thắn đặt vấn đề là một mai không xa khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ tại Hoa Lục, như đã sụp đổ tại Liên Xô và khối Đông Âu, liệu Giáo Hội trong một xã hội dân chủ tự do tại quốc gia đông dân số nhất thế giới này còn được chấp nhận là “công giáo, duy nhất và tông truyền” khi chính Vatican và cái gọi là “Công Giáo Ái Quốc’ lại mặc cả đi đêm với những kẻ đóng đinh Giáo hội thầm lặng của Chúa Kitô?
Không ai có thể phủ nhận Đảng Cộng sản Trung Quốc đang dùng nhiều đòn phép chính trị, quân sự, ngoại giao “cá lớn nuốt cá bé” để đạt được mục đích bá quyền. Và tuy dẫu Hồng Y Parolin đã biểu lộ sự tin tưởng khá mãnh liệt là sự đàm phán giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng nhiều đến hòa bình thế giới, việc lệ thuộc quá độ vào sự hướng dẫn của các nhà cầm quyền Cộng Sản sẽ, chẳng ngạc nhiên chi, dồn việc tranh đấu cho nhân quyền vào hàng thứ yếu.
Sử gia Pháp Alexis de Tocqueville đã, vào đầu thế kỷ 19, nghiêm khắc cảnh báo việc phó mặc trách nhiệm về xã hội cho chính quyền thao túng. Thực thế, điều 2419 trong Bộ Giáo Lý Công Giáo đã khẳng định rằng “khi chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng, Hội Thánh nhân danh Ðức Ki-tô, xác nhận cho con người biết phẩm giá riêng và ơn gọi hiệp thông của con người. Hội Thánh dạy cho con người biết các yêu sách của công lý và hòa bình, hợp với ý định khôn ngoan của Thiên Chúa.”
Dietrich Bonhoeffer, trong lúc bị biệt giam trong ngục tối dưới thời Đức Quốc Xã, đã mạnh dạn thúc giục “Giáo Hội phải thực sự là Giáo Hội để thế giới có thể trở thành thế giới.” Muốn được như thế, theo thần học gia rất mực can trường này, Giáo hội nên từ chối những đặc quyền xã hội trao cho để có thể đón nhận trọn vẹn thập giá theo chân Đức Kitô.
May mắn thay vẫn còn những tiếng nói ươm xanh mầm hy vọng. Như Đức Giám Mục Phụ Tá Hồng Kông Joseph Ha Chi-shing đã mạnh dạn đòi buộc nhà cầm quyền Trung Cộng phải “lắng nghe tiếng nói của lương tâm.” Như chính quyền Đài Loan đã không kiêng nể khuyến cáo Vatican nên dè dặt cẩn trọng hơn với những tham vọng của Bắc Kinh.
Và như ĐHY Joseph Zen. Trong “For Love of My People I Will Not Be Silent,” vị lãnh đạo đầy tâm huyết và có tầm nhìn kia đã nói rất tiên tri là chủ nghĩa cộng sản, không chóng thì chày, sẽ sớm muộn bị đào thải theo tiến trình thoái hóa và quy luật tất nhiên của lịch sử. Mỉa mai thay, khi đến ngày chế độ cáo chung, giáo hội Công Giáo sẽ không còn chỗ đứng vì đã quá ngờ ngạc đánh mất sứ mạng ngôn sứ cao qúy mà Thiên Chúa đã rất tín cẩn trao ban…
Nguyễn Khoa Toàn
Rôma 30.9.2018
Views: 0