Giáo hội hoàn vũ

“Làm thế nào chúng ta có thể nói về Thiên Chúa trong thời đại của chúng ta đây?”

 Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI

Trong loạt bài giáo lý về Đức Tin Thứ Tư 28/11/2012
bài thứ 7 về cách thức nói về Thiên Chúa

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh chuyển ngữ

 Anh Chị Em thân mến,

 Vấn đề chính chúng ta đặt ra hôm nay đó là làm thế nào chúng ta có thể nói về Thiên Chúa trong thời đại của chúng ta đâyLàm sao chúng ta có thể truyền đạt Phúc Âm, mở đường cho chân lý cứu độ nơi những cõi lòng thường khép kín của những con người đương thời với chúng ta, cũng như nơi trí khôn của họ, đôi khi bị phân tán bởi nhiều thứ ánh sáng trong xã hội? Chính Chúa Giêsu, Đấng chính là Vị Truyền Bá Phúc Âm Hóa, nói với chúng ta rằng, khi loan truyền về Vương Quốc của Thiên Chúa đã tự đặt vấn đề ấy. “Chúng ta có thể sánh ví Vương Quốc của Thiên Chúa với gì đây, hay đâu là dụ ngôn chúng ta có thể sử dụng nào? (Marco 4:30). Ngày nay chúng ta có thể nói về Thiên Chúa thế nào đây? Câu trả lời đầu tiên đó là chúng ta có thể nói về Thiên Chúa, vì Ngài đã nói với chúng ta. Điều kiện tiên quyết để nói về Thiên Chúa, bởi thế, đó là lắng nghe những gì chính Ngài đã nói. Thiên Chúa đã nói với chúng ta! Vì thế Thiên Chúa không phải là một giả thuyết xa xôi về nguồn gốc của thế giới, hay là một thứ tinh thông toán học xa vời đối với chúng ta. Thiên Chúa chăm sóc chúng ta, yêu thương chúng ta, và đã đích thân đi vào thực tại của lịch sử chúng ta, Ngài đã thông ban bản thân mình cho tới độ nhập thể.

Thế nên Thiên Chúa là thực tại của đời sống chúng ta, Ngài cao cả tới độ thậm chí Ngài đã có giờ với chúng ta, Ngài chăm sóc cho chúng taNơi Đức Giêsu Nazarét, chúng ta gặp được dung nhan của Thiên Chúa, Đấng đã từ trời xuống để trầm mình vào thế giới của con người, vào thế giới của chúng ta, để dạy “nghệ thuật sống”, con đường dẫn đến hạnh phúc, để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và làm cho chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa (xem Epheso 1:5; Roma 8:14). Chúa Giêsu đã đến để cứu độ chúng ta cũng như để tỏ cho chúng ta thấy cuộc sống tốt lành theo Phúc Âm.

Nói về Thiên Chúa, trước hết, có nghĩa là phải rõ ràng về những gì chúng ta cần phải mang đến cho thành phần nam nữ của thời đại chúng taở chỗ Vị Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô là câu giải đáp cho vấn nạn cốt yếu về lý do tại sao chúng ta sống và cách thức chúng ta sống. Chúng ta không được sợ cái khiêm hạ của những bước đi nhỏ nhoi và phải tin tưởng vào nắm men đang thấm nhập đấu bột và khiến nó gia tăng một cách diệu kỳ (xem Mathêu 13:33). Trong việc nói về Thiên Chúa, trong việc truyền bá phúc âm hóa, theo sự hướng dẫn của Thánh Linh, chúng ta cần phải lấy lại tính chất đơn sơ chân thành, cần phải trở về với những gì là thiết yếu trong việc loan báo ấy, đó là Tin Mừng của Vị Thiên Chúa Tình Yêu là Đấng đến gần với chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô cho tới độ Tử Giá và là Đấng nơi cuộc Phục Sinh đã ban cho chúng ta niềm hy vọng và mở ra cho chúng ta một sự sống vô tận, sự sống trường sinh. (…) Tông đồ Phaolô là một vị truyền đạt ngoại thường đã cống hiến cho chúng ta một bài học nhắm thẳng tới tâm điểm của đức tin một cách hết sức đơn sơ chân thành.

Trong Thư Thứ Nhất gửi Giáo Đoàn Corinto ngài đã viết: “Khi tôi đến giữa anh chị em, tôi không thực hiện việc loan báo mầu nhiệm Thiên Chúa bằng lời lẽ hùng hồn hay khôn ngoan. Vì tôi không muốn biết gì khác nơi anh chị em ngoài Đức Giêsu Kitô và Đấng tử giá” (2:1-2). Như thế, điều trước tiên đó là Thánh Phaolô không nói về một thứ triết lý ngài đã khai triển, ngài cũng không nói về những tư tưởng ở đâu khác hay được tạo ra, mà ngài nói về một thực tại đời sống của ngài, về vị Thiên Chúa đã đến với cuộc đời của ngài, ngài nói về một vị Thiên Chúa thực sự đang sống, Đấng đã nói với ngài và sẽ nói với chúng ta, ngài nói về Đức Kitô tử giá và phục sinh.

Điều thứ hai đó là Thánh Phaolô không nói về bản thân mình, ngài không muốn tạo nên một thứ cơ sở hâm mộ ngài, ngài không muốn đi làm lịch sử như một nhà lãnh đạo của một trường phái đại kiến thức, ngài không tìm kiếm bản thân ngài. Trái lại, Thánh Phaolô công bố Đức Kitô và muốn mang người ta về với Vị Thiên Chúa chân thật. Thánh Phaolô chỉ nói bằng lòng ước muốn rao giảng những gì đã thấm nhập cuộc sống của ngài và đó là sự sống thật sự đã chiếm đoạt ngài trên đường đi Đamacus. Vậy, để nói về Thiên Chúa nghĩa là giành chỗ cho Đấng làm cho Mình được nhận biết, Đấng tỏ dung nhan yêu thương của mình ranghĩa là tước đoạt bản thân mình mà cống hiến cho Chúa Kitô, ý thức rằng chúng ta không thể nào chiếm được người khác cho Thiên Chúa, nhưng chúng ta cần phải đợi chờ họ từ chính Thiên Chúacần phải cầu khẩn Ngài cho họ. Như thế nói về Thiên Chúa được xuất phát từ việc lắng nghe, từ việc chúng ta nhận biết Thiên Chúa, được hiện thực hóa nơi tính chất quan thuộc của chúng ta đối với Ngài, trong đời sống cầu nguyện và theo các Giới Răn.

Đối với Thánh Phaolô thì việc truyền đạt đức tin không nhắm đến việc làm chứng về chính bản thân của ngài, mà là cởi mở và công khai nói về những gì ngài đã thấy và đã nghe trong việc ngài đuợc gặp gỡ với Chúa Kitô, những gì ngài đã cảm nghiệm thấy trong đời sống của ngài, một cuộc đời đã được biến đổi nhờ cuộc gặp gỡ ấy: nó nhắm đến việc mang Chúa Giêsu là Đấng ngài cảm thấy đang hiện diện trong bản thân ngài và đã Đấng đã trở thành hướng đi đích thật của cuộc sống ngài, để cho tất cả mọi người thấy rõ rằng thế giới cần đến Người và Người là những gì thiết yếu cho tự do của hết mọi người.

Vị Tông Đồ này không mãn nguyện với việc chỉ loan báo bằng ngôn từ, mà còn phải bao gồm cả đời sống của ngài trong đại công cuộc của đức tin nữa. Để nói về Thiên Chúa, chúng ta cần phải giành chỗ cho Người, tin tưởng rằng Người hoạt động nơi nỗi yếu hèn của chúng ta: hãy mạnh dạn giành chỗ cho Người, một cách đơn sơ chân tình và hân hoan, sâu xa xác tín rằng chúng ta càng lấy Người làm tâm điểm chứ không phải bản thân chúng ta, thì việc truyền đạt của chúng ta càng mới sinh hoa kết trái. Điều này cũng áp dụng cho các cộng đồng Kitô hữu: họ được kêu gọi để chứng tỏ cho thấy tác động biến đổi của ân sủng Thiên Chúa, tác động thắng vượt tất cả mọi cá nhân chủ nghĩa, khép kín, vị kỷ, dửng dưng và bằng việc sống trọn tình yêu của Thiên Chúa trong hết mọi liên hệ hằng ngày. Phải chăng các cộng đồng của chúng ta thực sự là như thế?

Đến đây chúng ta cần phải đặt vấn đề là Chúa Giêsu đã truyền đạt như thế nào. Chúa Giêsu, theo tính chất đặc thù của mình, nói về Cha – Abba – của Người và về Vương Quốc của Thiên Chúabằng ánh mắt đầy cảm thương đối với những khốn khó và khó khăn của cuộc sống con người. Người nói rất thực tiễn và tôi có thể nói khía cạnh quan trọng nhất của việc Chúa Giêsu loan báo là ở chỗ nó làm cho thế giới trở nên trong sáng và đời sống của chúng ta trở nên có giá trị đối với Thiên Chúa. Chúa Giêsu chứng tỏ cho thấy rằng trên thế giới này cũng như nơi thiên nhiên tạo vật có bóng dáng của Thiên Chúa và như thế chúng ta mới thấy rằng trong các biến cố hằng ngày Thiên Chúa hiện diện trong đời sống của chúng ta ra sao, cả ở nơi các dụ ngôn về thiên nhiên, dụ ngôn về hạt cải, về thửa ruộng với những hat gieo vãi khác nhau, hay trong đời sống của chúng ta, chẳng hạn như nơi dụ ngôn người con trai hoang đàng, dụ ngôn về Lazarô và những dụ ngôn khác của Chúa Giêsu.

Ở các Phúc Âm chúng ta thấy Chúa Giêsu chú trọng ra sao đối với hết mọi tình trạng của con người Người gặp gỡ, Người trầm mình vào thực tại của thành phần con người nam nữ của thời đại Người sống, với tấm lòng tràn đầy tin tưởng vào sự trợ giúp của Cha. Và thật sự là trong tình tiết ấy, một cách kín đáo, Thiên Chúa đang hiện diện, và nếu chúng ta chú ý chúng ta có thể gặp gỡ Ngài. Các vị môn đệ, những vị đã sống với Chúa Giêsu, những đám đông đã gặp gỡ Người, đều thấy phản ứng của Người trước các vấn đề khác nhau, họ thấy cách thức Người nói năng, cách thức Người tác hành, họ thấy nơi Người tác động của Thánh Thần, tác động của Thiên Chúa. Nơi Người việc loan báo và đời sống xoắn quyện lại với nhau, ở chỗ Chúa Giêsu tác hành và dạy dỗ, bao giờ cũng được bắt đầu bằng mối liên hệ thân mật với Thiên Chúa Cha. Lối sống này trở thành một dấu hiệu thiết yếu cho Kitô hữu chúng ta: cách sống theo đức tin và đức ái trở thành việc nói năng về Thiên Chúa trong thời hiện đại, vì nó cho thấy, nơi một cuộc đời sống trong Chúa Kitô, cái uy tín, cái thực tiễn về những gì chúng ta nói theo ngôn từ, những ngôn từ không phải là lời lẽ mà cho thấy thực tại, thực tại đích thực.

Và về điều này chúng ta cần phải cẩn thận thấy được các dấu chỉ thời đại của thời điểm chúng ta, tức là cần phải nhận ra những tiềm năng, các ước muốn, những trở ngại gặp phải trong nền văn hóa đương thời, đặc biệt là ước muốn thấy được tính chất chuyên chính, lòng khát vọng siêu việt thể, cảm quan an toàn về thiên nhiên tạo vật, và cần phải can đảm thông đạt cái đáp ứng được đức tin vào Thiên Chúa cống hiến. Năm Đức Tin là một cơ hội để khám phá, bằng những sáng kiến của chúng ta được Thánh Linh tác động, những đường lối mới mẻ, ở tầm mức cá nhân cũng như cộng đồng, nhờ đó bất cứ  ở nơi đâu thì quyền lực của Phúc Âm cũng trở thành những gì là khôn ngoan cho cuộc sống và trở thành hướng đi cho cuộc đời.

Trong thời đại của chúng ta, một nơi đặc biệt để nói về Thiên Chúa đó là gia đình, học đường đầu tiên để truyền đạt đức tin cho các thế hệ mới. Công Đồng Chung Vaticanô II nói về cha mẹ như là những sứ giả tiên khởi của Thiên Chúa (cf. Dogmatic Constitution Lumen Gentium, 11; Decree Apostolicam Actuositatem, 11), được kêu gọi để tái nhận thức sứ vụ của mình, thực hiện trách nhiệm giáo dục, hướng tâm trí của con cái về tình yêu của Thiên Chúa, như là việc phục vụ thiết yếu đối với đời sống của chúng, trở thành những giáo lý viên và thày dạy đầu tiên về đức tin đối với con cái của mình. Và trong công việc này, quan trọng nhất là việc tỉnh táo, tức là biết cách chộp lấy những cơ hội thuận lợi, để đưa vào gia đình bài nói về đức tin, và giúp cho con cái suy tư một cách nghiêm chỉnh, về nhiều thứ hình thức bị lệ thuộc chúng phải chịu. Việc chú trọng này của cha mẹ cũng có nghĩa là tinh tế trong việc nhận thức được các vấn nạn khả dĩ về đạo nghĩa, nơi tâm trí của con cái, đôi khi rõ ràng, đôi khi kín đáo.

Rồi tới niềm hân hoan: việc truyền đạt đức tin bao giờ cũng cần phải có một giọng điệu hân hoan. Nó là niềm vui của Phục Sinh, một niềm vui không thinh lặng, cũng không che dấu đi những thực tại đớn đau, khổ sầu, cơ cực, khó khăn, hiểu lầm và chính chết chóc, trái lại, có thể cống hiến các qui chuẩn để dẫn giải hết mọi sự, theo quan điểm của niềm hy vọng Kitô giáo. Đời sống tốt lành theo Phúc Âm thực sự là cái nhìn mới mẻ này, cái khả năng nhìn hết mọi hoàn cảnh bằng ánh mắt của Thiên Chúa. Cần phải giúp cho tất cả mọi phần tử của gia đình hiểu được rằng, đức tin không phải là một gánh nặng, mà là nguồn vui sâu xa, nó nhận thấy được tác động của Thiên Chúa, nhận thấy sự hiện diện của sự thiện, một sự hiện diện không ồn ào, và cung cấp sự hướng dẫn đáng giá, để sống một cách tốt đẹp cuộc đời của con người. Sau hết là khả năng lắng nghe và đối thoại: gia đình cần phải là một môi trường cho các phần tử trong gia đình biết ở với nhau, hòa giải những xung khắc, bằng việc đối thoại với nhau, một môi trường được làm nên bởi lắng nghe và nói chuyện, hiểu biết và yêu thương nhau, trở thành cho nhau một dấu hiệu của tình yêu nhân hậu Chúa.

Bởi vậy, việc nói về Thiên Chúa nghĩa là chứng tỏ bằng lời nói và đời sống của mình rằng Thiên Chúa không phải là một kẻ tranh thủ đối với đời sống của chúng ta, mà là một bảo đảm viên thực sự của nó, một bảo đảm viên cho tính chất cao cả của con người. Vậy, chúng ta trở về vấn đề chúng ta bắt đầu, đó là, việc nói về Thiên Chúa là để mạnh mẽ và chân thành truyền đạt, bằng lời nói và đời sống của con người, những gì là thiết yếuđó là Vị Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Vị Thiên Chúa là Đấng đã tỏ cho chúng ta một tình yêu cao cả đến độ nhập thể, tử nạn và phục sinh vì chúng ta; Vị Thiên Chúa xin chúng ta theo Người và để cho bản thân chúng ta được tình yêu vô biên của Người biến đổi, hầu canh tân đời sống của chúng ta và những mối liên hệ của chúng ta; Vị Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Giáo Hội để cùng nhau tiến bước, và qua Lời Chúa cùng các Bí Tích, canh tân toàn thể Thành Đô của con người, hầu nó trở nên Thành Đô của Thiên Chúa. Xin cám ơn anh chị em.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 28/11/2012 (nhan đề và những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.