Giáo hội hoàn vũ

Đức Giáo Hoàng đầu tiên đi máy bay là ai?

VietCatholic News.

Thế Giới Nhìn Từ Vatican18/Sep/2021

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, trong số ra ngày 15 tháng 9, có một bài nghiên cứu khá thú vị của Daniel Esparza nhan đề “The first pope who traveled by plane”, nghĩa là “Đức Giáo Hoàng đầu tiên đi máy bay”.

Trước Công đồng Vatican II, các Đức Giáo Hoàng hiếm khi đi ra ngoài thành phố Rôma.

Đức Innocent 12 là vị giáo hoàng có râu cuối cùng,

Đức Clement thứ 8 là người đầu tiên thử cà phê,

và Đức Leo 10 là người đầu tiên và cuối cùng nuôi voi làm thú cưng.

Còn Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, được gọi là “Giáo hoàng hành hương” là người đầu tiên đi du lịch bằng máy bay. Ngài cũng là vị Giáo Hoàng đầu tiên rời Ý kể từ năm 1809, và là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến thăm tất cả các lục địa.

Ngài đã có những chuyến thăm mục vụ đến Uganda, và do đó trở thành vị Giáo Hoàng tại vị đầu tiên trong lịch sử đến Phi Châu và Phi Luật Tân, tham dự các Đại Hội Thánh Thể ở Bombay, Ấn Độ và Bogotá, Colombia, và phát biểu trước Liên Hợp Quốc tại Thành phố New York ở Tháng 10 năm 1965.

Thời nay, chúng ta có thể quen nhìn thấy các vị Giáo Hoàng đi tông du khắp thế giới, nhưng trong các thế kỷ trước, việc một vị Giáo Hoàng đi du lịch bên ngoài Rôma là một điều ngoại thường. Trong 500 năm đầu tiên của Kitô Giáo, các vị Giáo Hoàng chỉ rời khỏi Rôma nếu bị buộc phải làm như thế, thường là do bị chính quyền đế quốc đưa đi lưu vong. Trên thực tế, lưu đày dường như là quy luật trong những ngày đầu của Kitô Giáo. Đức Giáo Hoàng Clement Đệ Nhất, tức là vị giáo hoàng thứ tư, ngay sau Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Linus và Đức Giáo Hoàng Cletus, đã bị hoàng đế Trajan lưu đày, và sau đó tử vì đạo tại Biển Đen vào khoảng năm 99. Đức Giáo Hoàng Pontian trị vì từ năm 230 đến năm 235 đã chết trong thời gian lưu vong ở Sardinia. Đức Giáo Hoàng Cornelius trị vì từ năm 251 đến năm 253 cũng qua đời sau một năm lưu đày ở Civitavecchia, chỉ cách Rôma 80 cây số. Đức Giáo Hoàng Liberius trị vì từ năm 352 đến năm 366 bị hoàng đế Constantius Đệ Nhị đày đến Beroea. Nhưng lưu đày không thể được coi là “đi du lịch”.

Từ thế kỷ thứ sáu trở đi, chúng ta thấy có ít nhất ba vị Giáo Hoàng đi từ Rôma đến Constantinople: Đức Vigilius năm 547, Đức Agatho năm 680, và Đức Giáo Hoàng Constantine năm 710. Đức Giáo Hoàng Stêphanô Đệ Nhị trở thành vị Giáo Hoàng đầu tiên vượt qua dãy Alps vào năm 752 để trao vương miện cho Pepin the Short, và Đức Piô Đệ Thất đã làm điều tương tự khoảng một nghìn năm sau trong lễ đăng quang của Napoléon. Nhưng, tất nhiên, không ai trong số các vị đi bằng máy bay.

       

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thực hiện nhiều chuyến tông du hơn tất cả những vị tiền nhiệm của ngài cộng lại: ngài đã đi khoảng 721.052 dặm, trong 31 chuyến tông du khắp thế giới. Nhưng Đức Phaolô VI vẫn giữ danh hiệu không chỉ là vị Giáo Hoàng đầu tiên đi máy bay, mà còn là vị đầu tiên tông du bên ngoài Âu Châu. Chuyến đi của ngài đã nêu gương cho các vị Giáo Hoàng tiếp theo, và được tiếp tục bởi các vị kế vị của ngài là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Chuyến đi đầu tiên của Đức Phaolô Đệ Lục bên ngoài Âu Châu là chuyến hành hương đầu tiên của một vị Giáo Hoàng đến Thánh Địa trong lịch sử. Ngài thăm cả Jordan và Israel vào tháng Giêng năm 1964. Vào tháng 12 cùng năm đó, ngài đã đi đến Li Băng và Ấn Độ. Vào tháng 10 năm 1965, ngài đến thành phố New York và gặp Tổng thống Lyndon B. Johnson, phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, và cử hành Thánh lễ tại Sân vận động Yankee.

Source:AleteiaThe first pope who traveled by plane

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.