Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh chuyển ngữ
Thân mến chào anh chị em,
Bài Phúc Âm của Phụng vụ hôm nay (Mk 9:30-37) thuật lại rằng, trên đường đi Jerusalem, các môn đệ của Chúa Giêsu đang bàn luận “với nhau xem ai là người lớn nhất” (v.34). Bởi vậy mà Chúa Giêsu đã nói thẳng với các vị những lời nhức nhối vẫn còn hiệu năng cho tới ngày nay: “Nếu ai muốn làm đầu thì phải làm người thấp hèn nhất tất cả và làm đầy tớ của mọi người” (v.35). Nếu các con muốn làm đầu, các con cần phải ở vào chỗ cuối cùng và phục vụ hết mọi người. Bằng câu nói nẩy lửa này, Chúa muốn tung ra một thứ đảo ngược: Người lật đổ các tiêu chuẩn về những gì thực sự là chính yếu. Giá trị của con người không lệ thuộc vào vai trò của họ nữa, vào công việc họ làm, vào tiền bạc họ có trong ngân hàng. Không, không, không, nó không lệ thuộc vào những thứ ấy. Tính cách cao cả và thành đạt trước mắt của Thiên Chúa được đánh giá một cách khác hẳn: chúng được đánh giá bằng việc phục vụ. Không phải vào những gì ai đó có được, mà là vào những gì họ cho đi. Anh chị em có muốn làm đầu hay chăng? Thì hãy phục vụ nhé. Như thế mới được.
Ngày nay, chữ “phục vụ” được sử dụng có vẻ nhàm chán một chút. Thế nhưng nó có một ý nghĩa chính xác và cụ thể trong Phúc Âm. Phục vụ không phải là một thứ bày tỏ lịch sự, mà là tác hành như Chúa Giêsu, Đấng đã tóm gọn đời sống của mình bằng mấy chữ là Người đã đến “không phải để được phục vụ mà là để hầu hạ” (Mk 10:45). Đó là những gì Chúa đã nói. Bởi thế, nếu chúng ta muốn theo Chúa Giêsu, chúng ta cần phải theo đường lối chính Người đã vạch vẽ là đường lối phục vụ. Việc trung thành của chúng ta với Chúa lệ thuộc vào việc chúng ta sẵn sàng phục vụ. Chúng ta biết được làm như thế thì phải trả giá, bởi “hương vị thập giá của nó”. Thế nhưng, khi mà việc chúng ta chăm sóc và trở nên thuận lợi cho người khác gia tăng, thì nội tâm của chúng ta trở nên tự do thanh thoát hơn, chúng ta trở nên giống như Chúa Giêsu hơn. Chúng ta càng phục vụ, chúng ta càng nhận thức được sự hiện diện của Thiên Chúa. Nhất là khi chúng ta phục vụ những ai không thể đáp đền, thành phần nghèo khổ, tỏ ra gắn bó với những khó khăn cùng nhu cầu của họ một cách dịu dàng cảm thương: để rồi ngược lại, chúng ta khám phá thấy được tình yêu thương và vòng tay ôm ấp của Thiên Chúa ở đó.
Sau khi đã nói về tính chất chính yếu của việc phục vụ, Chúa Giêsu còn làm một điều để minh họa cho thấy nữa. Chúng ta đã thấy rằng các hành động của Chúa Giêsu còn mạnh mẽ hơn cả những lời Người nói. Vậy đâu là hành động này? Người đem một em nhỏ mà đặt em vào giữa các môn đệ, ngay tại trung tâm điểm, vào một vị thế quan trọng nhất (v.36). Trong Phúc Âm, con trẻ không tiêu biểu cho tình trạng vô tội cho bằng tính chất bé mọn. Vì như con trẻ, những con người nhỏ bé này lệ thuộc vào người khác, vào người lớn, chúng cần được đón nhận. Chúa Giêsu đã ôm lấy những con trẻ ấy mà nói rằng những ai đón nhận một con người bé nhỏ nào, đón nhận một con trẻ, là đón nhận Người (v.37). Những ai cần phải được phục vụ trên hết là những người cần được đón nhận mà không có gì đền đáp. Phục vụ những ai cần được đón nhận và không thể đáp đền. Khi đón nhận những ai sống ở bên lề xã hội, những con người bị bỏ rơi quên lãng là chúng ta đón nhận Chúa Giêsu, vì Người đang ở đó. Để rồi nơi con người bé nhỏ này, nơi con người nghèo khổ chúng ta phục vụ, chúng ta cũng nhận được vòng tay ôm ấp dịu dàng của Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến, được Phúc Âm thách thức, chúng ta hãy tự hỏi xem: là người theo Chúa Giêsu, tôi có chú ý tới những ai bị bỏ rơi hay chăng? Hay tôi lại tìm kiếm những gì là thoả mãn cá nhân mình, như các vị môn đệ hôm ấy? Tôi có cho rằng đời sống có tính cách đối chọi cạnh tranh để chiếm đoạt, bất chấp cái giá người khác phải trả, hay tôi tin rằng làm đầu tức là phục vụ? Một cách cụ thể hơn là tôi có cống hiến thời gian cho “một con người bé nhỏ”, cho một ai đó không thể nào đền đáp cho tôi hay chăng? Tôi có quan tâm về một ai đó không thể trả lại cho tôi bất cứ sự gì chăng, hay chỉ quan tâm tới những người thân nhân và thân hữu của tôi thôi? Đó là những câu hỏi chúng ta phải tự vấn.
Xin Trinh Nữ Maria, người tôi tớ khiêm hèn của Chúa, giúp chúng ta hiểu được rằng phục vụ không phải là làm cho chúng ta thụt xuống, mà là giúp chúng ta tăng trưởng. Và cho đi thì phúc hơn là nhận lãnh (cf Acts 20:35).
(Sau Kinh Truyền Tin, trong số các điều ngỏ cùng cộng đồng dân Chúa bấy giờ, ĐTC nhắc đến Đức Mẹ La Salette như sau:)
Tôi đang nghĩ đến những ai đang qui tụ lại ở Đền Thánh La Salette ở Pháp, nhân dịp kỷ niệm 175 năm biến cố hiện ra của Đức Mẹ châu lệ với hai con trẻ. Những giọt nước mắt của Mẹ Maria làm cho chúng ta nghĩ đến những giọt nước mắt của Giêsu thương thành Jerusalem và nỗi thống khổ của Người trong Vườn Nhiệt: những giọt nước mắt ấy là phản ảnh nỗi đớn đau của Chúa Kitô phải chịu vì tội lỗi của chúng ta và là một lời kêu gọi luôn hiện đại là hãy phó thác bản thân chúng ta cho lòng thương xót Chúa.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề.
Views: 0