VĂN HÓA

Năm Thìn, nói chuyện con Rồng

Lm Phêrô Nguyễn Văn Mễn

Giáo phận Long Xuyên

 

Năm nay 2024. Theo Âm lịch thì gọi là năm Giáp Thìn. Năm Thìn cầm tinh con Rồng.

Chúng ta biết: Năm Âm lịch, đã lấy 12 con. Giáp, làm biểu tượng cho từng năm, trong một chu kỳ 12 năm. Đó là Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

Nói theo kiểu dân gian, thì gọi là: Năm con Chuột, con Trâu, con Cọp, con Mèo, con Rồng, con Rắn, con Ngựa, con Dê, con Khỉ, con Gà, con Chó, con Heo.

Con Rồng là chi thứ 5 trong 12 con giáp.

Sách xưa có ghi rõ về các loại Rồng như sau: Rồng có cánh thì gọi là Ứng Long. Rồng có sừng thì gọi là Cù Long. Rồng không có sừng thì gọi là Ly Long. Rồng có vảy thì gọi là Giao Long. Rồng sống được 500 tuổi thì có sừng. Rồi sống được 1.000 tuổi thì có cánh. Rồng chưa bay lên được thì gọi là Bàn Long.

Nhưng, có ai đã từng thấy con Rồng bao giờ chưa? Thưa chưa, bởi rồng là một con vật không có thực, mà chỉ hiện diện ở trong các huyền sử, huyền thoại, truyền thuyết, ca dao, tục ngữ, tích chuyện dân gian.

Rồng là một linh vật cao quí nhất, đứng đầu 4 loài linh vật là: Long, Ly, Quy, Phụng.

Rồng tượng trưng cho Vua Chúa, cho sự cao quí sang trọng, cho quyền năng, cho sức mạnh vô địch, cho sự thiện mỹ, cho sự dũng cảm phi thường, cho sự huyền bí linh thiêng, và cho sự nhân hậu, vì Rồng hút nước lên trời, rồi phun nước làm mưa xuống đất, làm cho mùa màn được màu mở xanh tốt.

Tất cả những câu chuyện, vật dụng, ngôi thứ, có liên quan đến rồng, đều là chuyện cao cả, tốt đẹp và hạnh phúc. Rồng được tin là đem lại sự trường sinh, sung túc, ấm no và an vui cho mọi người.

Các Vua Chúa thời quân chủ, luôn tự xem mình là Rồng. Và những gì thuộc về nhà vua đều được thêm chữ long vào. Chẳng hạn:

– Long Vương, là Thần biển (Tứ hải Long Vương).

– Long Nhan, là mặt của Vua.

– Long Bào, là áo Vua mặc,

– Long sàn, là giường của Vua nằm.

– Long Xa, là xe để Vua đi,

– Long Thuyền là ghe xuồng để Vua đi,

– Long Mạch là mạch rồng, theo người ta nghĩ: Đây chỗ đất thịnh vượng, nếu cha mẹ được chôn cất ở nơi đó, thì con cháu sẽ làm ăn thịnh vượng, phát đạt, giàu sang.

– Long Huyệt là hàm rồng.

– Long Phi là rồng bay.

– Ngân Long Phi là tiền có hình con rồng bay.

– Đền rồng là đền Vua.

– Ngai Rồng là Ngai Vua ngự.

– Bệ Rồng là bệ để Vua đặt chân khi ngự giá.

– Rồng Chầu là rồng chầu chực bên vua khi vua ngự triều.

Ngoài ra, chúng ta thấy có nhiều danh từ nói về rồng:

– Như Múa Rồng múa Rắn, cây xương Rồng, cây lưỡi Rồng, đậu Rồng, cá Rồng Rồng… hoặc là duyên cỡi Rồng, để ám chỉ các cô gái lành, gặp được chồng tốt…

  

Tại Việt Nam, người ta cũng thích dùng chữ long, để đặt tên cho các công trình, cho các địa danh.

Chẳng hạn: Hàm Rồng, Hàm Long, Long Hải, sông Cửu Long, thành Thăng Long, Long Đổ, (rún Rồng), Long Biên, Vịnh Hạ-Long, Bình Long, Phước Long, Long Thành, Long Khánh, Long Hải, Long Bình, Long An, Long Hồ, Long Mỹ, Thới Long, Vĩnh Long và Long Xuyên vv…

Hình tượng con Rồng thường được khắc, được chạm trổ một cách công phu và trang trọng, được đặt nơi các kiến trúc văn hóa, trong các cung điện nhà Vua, hoặc ở các nơi công viên công cộng, ở các nơi vui chơi giải trí, hoặc ở những nơi trang nghiêm thờ phượng, như bàn thờ gia tiên, đình, chùa, miếu, đền…

Người Việt chúng ta coi rồng là một vị thần linh, là chủ của nguồn nước, là sự hiện thân của hạnh phúc cho nhà nông.

Rồi, theo quan niệm của người Việt, Rồng thì phải được vẽ, phải được khắc theo đúng tiêu chuẩn này, đó là thân rắn, vảy cá chép, đầu lạc đà, sừng hưu, mắt tôm hùm, bùng con sò, gang bàn chân của con hổ, vuốt móng của chim ưng, mũi, bờm, đuôi của sư tử.

Rồng còn là biểu tượng của học vị tiến sĩ, còn hổ thì tượng trưng cho học vị cử nhân.

Con Rồng được quan niệm là một trong những con giáp hùng mạnh nhất. Cho nên những người mang tuổi con rồng, thường rất là cao thượng, quảng đại, vị tha, thông minh, bền bĩ, và có tài lãnh đạo. Họ luôn biết chắc là mình muốn gì, và khi đã quyết, thì quyết tâm làm cho bằng được mới thôi. Hơn thế nữa, người mang tuổi con Rồng thường dễ tạo ảnh hưởng trên các bạn bè, và cũng dễ là trung tâm điểm, gây chú ý trong các sinh hoạt, và trong các cuộc họp mặt giao tế.

Trong văn chương và thi ca Việt Nam, Rồng cũng được nhắc đến khá nhiều. Chẳng hạn:  Rồng bay phượng múa là ám chỉ những nét chữ viết lả lướt, bay lượn, uốn khúc thật đẹp, thật mỹ thuật.

Còn trong nhà đạo, người ta nói, là Thánh Anphongsô, vị Sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, khi giảng thuyết đến lúc hùng hồn, cũng đã có những cử chỉ lả lướt giống như rồng bay phượng múa! Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa là ám chỉ đến những người, ăn thì rất nhiều, nói thì huyên thuyên, thao thao bất tuyệt, còn khi tra tay vào việc làm, thì lại biếng nhác, làm chẳng đâu ra đâu.

Rồng đến nhà tôm là ám chỉ một kẻ nghèo hèn, mà lại được vinh dự đón tiếp một vị thượng khách, hay một vị khách quí đến nhà.

Rồng đen lấy nước thì nắng, rồng trắng lấy nước thì mưa, đó là câu tục ngữ ca dao, diễn tả kinh nghiệm của các nhà nông khi làm ruộng.

Rồng vàng tắm nước ao tù, người khôn ở với người ngu bực mình: Rồng vàng là giống quý, nên sẽ không bao giờ lại đi tắm nước đục ở các ao tù. Cũng vậy, người khôn ngoan mà phải chung sống với những kẻ ngu đần, thì rõ thật là bực mình.

Rồng nằm bể cạn phơi râu, mấy lời anh nói giấu đầu hở đuôi: Con rồng thân hình thì to lớn, cho nên khi nằm phơi nắng, thì ai cũng trông thấy. Tương tự như thế, những lời nói dối, thiếu thành thực, nếu có giấu giếm khúc đầu, thì thế nào, rồi cũng lòi khúc đuôi ra, nghĩa là sự thật rồi sẽ chẳng giấu được ai đâu. Là lời nhắc nhở chúng ta, hãy cố gắng mà sống chân thực theo như Chúa Giêsu từng dạy, trong Mt 5,37: “Có thì phải nói có, không thì phải nói không. Còn thêm điều, đặt chuyện là do ma quỉ mà ra”.

Chuyện “Con Rồng Cháu Tiên”.

Tích xưa kể lại rằng: Lạc Long Quân là vị thần của vùng biển, là con trai của Kinh Dương Vương và Long Nữ (con gái của Long vương), có thân hình một con rồng, sức khoẻ phi thường. Lạc Long

Quân được cha trao cho nhiệm vụ cai quản miền Lĩnh Nam, diệt trừ yêu quái và dạy dân chúng trồng lúa nước, nấu cơm, đốn gỗ làm nhà. Còn Âu Cơ, là con gái của thần Đế Lai, là tiên nữ ở trên trời.

Khi hai người gặp nhau, thì đã kết duyên với nhau. Bố rồng, mẹ tiên đã ăn ở với nhau, và sinh ra một bọc trăm trứng, nở thành 100 con trai. Trong cuộc sống hôn nhân, hai vợ chồng luôn có nhiều xung khắc bất đồng, nên một hôm, Lạc Long Quân mới nói với Au Cơ: “Ta là loài rồng, nàng là giống tiên, Thủy và Thổ, luôn tương khắc với nhau, nên không thể nào sống lâu bên nhau được”.

Thế là, hai người đành thỏa thuận chia con ra, 50 con theo cha về biển, 50 con theo mẹ về núi. Họ đã chia nhau, để cai quản các vùng, các miền. Khi chia tay từ biệt nhau, hai vợ chồng đã hẹn ước: Sau này, nếu có gặp phải nguy hiểm nào, thì báo cho nhau hay, để cứu giúp lẫn nhau.

Trăm người con trai đó đã tỏa đi khắp các nơi, trở thành tổ tiên của người Bách Việt. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu, được tôn làm vua Đất Văn Lang, lấy hiệu là Hùng Vương.

Con trai của vua thì gọi là Quan Lang, con gái của vua thì gọi là Mỵ Nương. Ngôi vua nhiều đời nối tiếp nhau, được gọi chung một danh hiệu là Hùng Vương. Vua Hùng là người dựng nước, truyền nối được mười tám đời.

Do sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ, mà dân tộc Việt Nam, đã nhận mình là dòng giống Lạc Hồng, Con Rồng Cháu Tiên.

Lạy Chúa, câu chuyện “Lạc Long Quân và Âu Cơ”, tuy chỉ là một truyền thuyết mà thôi. Nhưng chúng con rất hãnh diện về nguồn gốc dân tộc của chúng con.

Dịp năm mới đang đến, năm Giáp Thìn 2024, chính là dịp để nhắc nhở chúng ta hãy sống sao cho xứng đáng là con Rồng cháu Tiên. Nghĩa là chúng con phải cố gắng sống nhân ái, sống bao dung

giúp đỡ lẫn nhau, biết đoàn kết yêu thương nhau, biết tổ chức cuộc sống gia đình và xã hội, sao cho hài hòa, để mọi người Việt Nam chúng con trong năm mới này, được thêm ấm no, được thêm hạnh phúc, hầu xứng danh là “Con Rồng Cháu Tiên”.

Mà trên hết, nguồn gốc của chúng con là từ Thiên Chúa, bởi mọi sự trong trời đất vũ trụ này, đều là do Thiên Chúa tạo dựng nên, cho nên, chúng con quyết cố gắng trong năm mới này, sẽ sống xứng đáng hơn nữa là con hiếu thảo đích thực của Chúa, là Cha chúng con ở Trên Trời.

Xin Chúa giúp chúng con. Xin Chúa chúc lành cho cho chúng con, và xin Chúa cũng chúc lành cho mọi công ăn việc làm của chúng con trong năm mới này, được thuận lợi, được tiến triển một cách tốt đẹp. Amen.

________

Nguồn: Thắp Sáng số 9

Đạo Binh Hồn Nhỏ Úc

https://mail.google.com/mail/u/0/#inbox?projector=1

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.