SỐNG TIN MỪNG

Sống phục vụ như Chúa

Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền

 

Cuộc sống có đau khổ và hạnh phúc. Hai yếu tố này luôn lẫn lộn đan xen trong cuộc sống con người. Nhưng hình như con người thường hay ca thán về đau khổ hơn là oà lên niềm của hạnh phúc. Đức Phật cũng cho rằng “đời là bể khổ”. Đối với Vua Đavid thì cho rằng đau khổ là phần tất yếu của cuộc sống:

“Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục,

Mạnh giỏi chăng là được tám mươi

Mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ” (Tv 90 (89).

Đau khổ làm cho ta thất vọng và bi quan về cuộc sống, đến nỗi người xưa còn nói rằng:

“Kiếp sau xin chớ làm người,

Làm con chim nhạn tung trời mà bay…”

Hoặc:

“Kiếp sau xin chớ làm người,

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo…”

Với cái nhìn Kytô giáo thì đau khổ là một trong những hậu quả của Tội Nguyên tổ, dẫn đến sự mỏng dòn, yếu đuối, tội lỗi mà con người đã, đang và sẽ gây nên cho mình và cho nhau. Câu chuyện về ông Gióp là tiếng kêu thống khổ của con người khi đứng trước đau khổ, nhưng đồng thời cũng giúp cho những ai gặp đau khổ có thể đứng vững và vượt qua. Gióp là một người công chính, nhưng phải chịu không biết bao nhiêu đau khổ. Tuy nhiên, sau những giây phút phản tỉnh, hồi tâm lại ông Gióp thưa với Thiên Chúa: “Con hiểu rằng Chúa có thể làm được mọi sự, không gì mà Chúa không làm được, ai có thể dò thấu ý định của Thiên Chúa” (x. G 42, 2-3).

 Cuộc sống nhân sinh chẳng mấy ai thoát được quy luật của cuộc đời là: “sinh, bệnh, lão,tử”. Khi xuống thế làm người, Chúa Giêsu cũng chấp nhận kiếp sống như vậy để trở nên “giống con người chúng ta mọi đàng, chỉ trừ tội lỗi…” . Trong ba năm công khai rao giảng Tin Mừng, Ngài vẫn dành thời gian quan tâm, an ủi và chữa lành cho những mảnh đời bất hạnh đang đau khổ phần hồn và phần xác.

Lời Chúa hôm nay mô tả một ngày làm việc thật bận rộn của Chúa Giêsu. Ngài giảng dạy trong Hội đường. Ngài cứu chữa một người bị quỷ ám. Ngài đến tận nhà nhạc mẫu Phê-rô để chữa lành cho bà. Ngài còn dành thời giờ đón tiếp rất đông khách thập phương đến để cầu cứu Ngài. Ngài đã đặt tay và chữa lành bệnh tật cho họ. Dường như thời gian của Ngài luôn dành cho Chúa Cha và cho con nhân loại khổ đau.

Đây là cách sống mà Chúa Giê-su muốn mời gọi chúng ta nên một với Ngài. Con người chúng ta được tạo dụng để bổ túc, nâng đỡ chia sẻ với nhau. Đau khổ được chia sẻ sẽ vơi đi. Lo âu được chia sẻ sẽ tan đi và hạnh phúc sẽ đến khi cuộc sống quanh ta luôn được quan tâm và chia sẻ với nhau.

Ông Gióp khi đối diện với nghịch cảnh của dòng đời đã không tìm được sự nâng đỡ từ bạn bè và người thân, ông còn bị người đời chế giễu và vợ con bỏ rơi. Nỗi khổ đau và sự cô đơn đã khiến ông kêu lên trong u buồn, sầu thảm: “Số phận của tôi phải chăng là những đêm đau khổ ê chề?”.

Hình ảnh ông Gióp vẫn tồn tại trong thế giới văn minh hôm nay. Vì vẫn còn đó những người chồng, người vợ đang tuyệt vọng khi không tìm được sự nâng đỡ chia sẻ từ  người bạn đời. Vì vẫn còn đó những giọt nước mắt buồn đau của phận người bị ngược đãi, bị xúc phạm, bị chà đạp lên danh dự và phẩm giá làm người. Người nghèo đói, bệnh tật, già nua vẫn bị bỏ rơi, cô đơn ngay chính trong gia đình của mình.

Ước gì mỗi người chúng ta có được trái tim như Chúa để có thể chạnh lòng thương xót những mảnh đời khổ đau của anh em. Ước gì mỗi người chúng ta cũng có tấm lòng như Chúa để sẵn lòng dấn thân quảng đại vì hạnh phúc tha nhân. Xin cho mỗi người chúng ta luôn có trách nhiệm với nhau, với cuộc đời. Xin đừng để ai đau khổ, thất vọng vì sự thờ ơ và thiếu trách nhiệm của chúng ta. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

https://www.youtube.com/watch?v=xj10TVvyu2w

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.