Tràm Cà Mau
Rất nhiều bà vợ hiểu biết, hiền lành, dễ thương, ngày đêm vun xới cho hạnh phúc gia đình. Bởi hạnh phúc gia đình, có thể nói là thứ quý báu nhất trên đời, khó có gì sánh bằng. Sống trên thế gian, ai ai cũng mưu cầu hạnh phúc, chỉ có người mất trí khôn mới không biết quý không khí êm ấm của gia đình. Nếu trong một đất nước, mà nhà nhà đều được hạnh phúc đơm đầy, thì quốc gia đó, đạt được lý tưởng mơ ước, không cần giàu, mạnh, hay tiếng tăm.
Người ta kiếm cho ra nhiều tiền, không kể nhọc nhằn, lao tâm khổ trí, cũng chỉ để mưu cầu hạnh phúc. (Họ tưởng tiền bạc có thể mua được hạnh phúc) Theo đuổi danh vọng, cũng là một thứ đi tìm hạnh phúc cá nhân, khoan kể đúng hay sai.
Tuy nhiên, có không ít bà vợ đã cố ý hay vô tình phá vở hạnh phúc êm đềm thường ngày, bằng cách làm khó chồng, đay nghiến, nói lời độc ác, hành động hoang loạn, bất mãn triền miên và chê bai chồng đủ điều. Các bà nầy, đã tự đập vỡ hạnh phúc đang có, và bỏ phí tháng ngày trời cho. Có thể, đến khi mất đi ông chồng dễ ghét đó, các bà mới chợt ý thức được hành động đáng trách của họ, và lúc đó tiếc thương thì cũng đã quá muộn màng như nhân vật trong tập truyện ngắn “Hương Tóc Cố Nhân” của Tràm Cà Mau, trích từ trang 59:
Ông Tư là người chỉ huy trực tiếp của tôi, có dáng vẻ hiền lành, đứng đắn, ăn nói nhỏ nhẹ. Mỗi sáng bà vợ đi theo vào sở, ngồi trước mặt ông để canh chừng. Mỗi khi điện thoại reo, bà cầm lên nghe trước, hỏi xem ai bên kia dây, rồi mới trao cho ông. Những khi nghe giọng đàn bà bên kia đường dây, thì bà ghé tai sát vào ống nghe, để biết hai người đang nói chuyện gì. Bà ngồi từ sáng sớm đến chiều tối cùng đi, cùng về với ông. Đứa con còn nhỏ bà giao cho vú em săn sóc. Ông như một tù nhân bị giam lỏng. Mỗi khi có chuyện cần, ông đi qua phòng khác, lầu khác, thì bà lẽo đẽo đi theo như một cái đuôi. Bà đứng đợi ông nói chuyện xong, rồi dẫn độ ông về lại văn phòng. Những lần họp chung trong phòng ông tổng giám đốc, bà đứng canh trước cửa. Thế cũng chưa đủ. Lâu lâu bà dùng điện thoại của phòng khác, kêu vào, và xin được nói chuyện với ông Tư. Nhiều khi tôi nghe ông Tư càu nhàu trên điện thoại: “ Bà làm phiền hoài. Người ta đang họp. Khổ quá, như thế nầy thì làm ăn chi được?” Có lẽ ông tổng giám đốc cũng nghe, nghe rõ, và thông cảm cho ông Tư hơn ai cả, vì cả hai ông đều chung hội chung thuyền, thuộc loại râu quặp vào bên trong, khổ vì vợ.
Một lần tôi hỏi bà Tư:
“Bác đứng canh bên ngoài cửa, ai vào ra bác đều biết. Có phải họp lâu, bác nhớ bác trai quá, nên kêu điện thoại để nghe tiếng cho đỡ nhớ phải không?”
Bà xí một tiếng dài, nói mà hai hàm răng nghiến lại:
“Nhớ cái khỉ. Tên già dịch đó, nhớ làm chi cho bận tâm. Tôi kêu điện thoại, vì sợ lão tụt ống máng xuống, trốn đi làm chuyện bất chính.”
Tôi phì cười nói:
“Ở trên lầu ba cao thế nầy, ai mà đủ can đảm tuột ống máng xuống. Té một cái là vỡ đầu chết ngắt. Mà cả sở đông đảo vào ra, thể diện đâu mà ông giám đốc Tư lại tụt ống máng giữa ban ngày ban mặt? Giả dụ như bác Tư thành công trong việc tuột ống máng đi nữa, làm sao mà leo trở lại được. Có là siêu nhân mang cánh bay chăng. Giả như ông ta xuống được, về lại được, thì thời gian cấp bách đó, đâu có làm được cái trò khỉ gì mà bác lo?”
“Tôi vẫn cứ lo như thường. Trên đời nầy, chuyện gì vô lý nhất, cũng vẫn có thể xẩy ra. Muốn là được. Anh có nghe câu nói đó chăng?”
Tôi thấy tội nghiệp cho bà, và tội cho cả ông Tư rất hiền lành. Tôi nắm tay bà, thân mật nói đùa:
“Tôi cũng rất thù ghét cái bọn đàn ông trăng hoa, gạt vợ dối con. Tôi đứng về phe bác. Tôi sẽ canh ông Tư cho bác. Khi nào có họp, mà ông Tư lẻn đến cửa sổ, có vẻ muốn tuột máng xối xuống lầu, thì tôi sẽ chạy ra hô hoán, thông báo cho bác ngay. Bác yên chí lớn.”
“Thật không? Anh không sợ ‘thằng chả’ trù ếm sao?”
“Sợ cái quái gì? Không làm sở nầy, thì tôi đi làm sở khác. Việc chi sợ ai. Tôi chỉ sợ…chỉ sợ …”
Tôi định nói chỉ sợ dàn bà con gái mà thôi, nhưng kịp giữ miệng không nói ra. Bà mừng rỡ, mắt sáng lên và nói:
“Thật nghe! Anh đứng về phe tôi. Nếu thật, thì anh thề độc đi”
“Tôi sợ chi mà không thề độc?”
“Anh tử tế quá. Tôi sẽ giới thiệu cô em gái út của tôi cho anh. Đẹp, giỏi không ai bằng.”
Nghe bà đòi giới thiệu em gái, mà tôi sợ tái mặt, lạnh cả người.
Mấy lần, tôi thấy ông Tư đi làm, mà không có bà đi theo. Chưa kịp hỏi thăm xã giao rằng bà vợ của ông có được mạnh khoẻ không, thì nghe tiếng chân bà chạy xồng xộc bên ngoài, phóng vào phòng, áo quần xốc xếch, mặt mày hớt hải, mắt nhìn lơ láo. Bà hỏi anh thư ký riêng của ông Tư:
“Nãy giờ ông ấy có đi đâu không?”
“Thưa bà không.”
“Có thật không? Hay là anh nói dối.”
Bà bước mau qua phòng tôi ngồi, hỏi tôi có chắc ông Tư không đi đâu từ sáng đến giờ. Tôi xác nhận, và hỏi bà:
“Sáng nay bác ngủ trể hay sao mà không đi chung với bác trai?”
Bà ghé sát, tai thì thầm:
“Tôi vờ nói mệt, sáng nay không đi theo được. Khi ổng vừa lái xe ra đi, tôi đang mang đồ ngủ, vội vã kêu taxi bảo rượt theo đến đây. Thấy xe của giả đậu trong sân, chắc chắn là không đi đâu khác, tôi chạy gấp về, thay mau áo quần, và kêu xe đến ngay đây. Tôi sợ trong thời gian đó, giả trốn đi đâu khác.”
Một lần, anh thư ký riêng bị ông Tư la rầy, anh giận, chờ dịp trả thù. Lần đó, bà Tư cũng giả mệt, đến sở sau. Bà cũng hớt hải hỏi anh thư ký. Anh bảo rằng, ông có đi đâu đó một chốc. Quả thật ông có qua lầu khác bàn chuyện sở với đồng nghiệp. Thế là bà Tư nổi cơn tam bành lên, kêu gào, khóc lóc, la hét, chửi ông Tư bằng những lời tục tỉu. Từ chuyện nhỏ, xé thành lớn.
Không biết ông Tư nỗi đoá, doạ dẫm bà thế nào, mà bà chạy ra đường khóc lóc, la hét. Bà nạy đá, cục lớn bằng nắm tay, pháo kích vào sở ào ào. Mấy ông lao công phải chạy ra ngăn cản, và doạ bà. Bà không sợ. Bà thét to từ ngoài vào sở rằng, ông Tư mang bằng kỹ sư giả từ Pháp về, dối gạt chính quyền. Bà yêu cầu bỏ tù ông Tư, vì ông có liên hệ đến bọn buôn hàng quốc cấm.
Bà thoá mạ ông chồng đủ các thứ ngôn ngữ hàng tôm hàng cá, bình dân nhất. Bao nhiêu hư hại do bà pháo kích, ông Tư phải trả đủ, trừ vào lương.
Ông Tư giận, sa thải anh thư ký riêng. Rồi ông bà cũng làm hoà nhau. Nhiều hôm tôi thấy bà mệt mỏi, ngủ gật, mặt mày phờ phạc. Tôi hỏi xã giao:
“Bác có vẻ mệt đấy. Về nhà ngủ một giấc cho sướng. Để tôi canh ông Tư cho.”
“Không được đâu. Cả đêm tôi không dám ngủ say, sợ giả lén dậy đi đâu. Phải nắm chặt tay giả cho chắc.”
“Tội nghiệp bác. Chắc vì thương bác trai quá, nên ghen và khổ như vậy.”
Bà Tư nghiến răng nói như gào:
“Thương! Thương cái xương không còn. Tôi ghét cay ghét đắng, hận thù thằng chả đến tận tim gan. Kiếp trước tôi mang nợ thằng chả, nên kiếp nầy khổ như thế đấy.”
“Bác trai có làm điều gì bậy bạ, tổn thương đến tình nghĩa vợ chồng không?”
“Phải chờ cho đến khi làm việc bậy bạ sao?”
Tôi nói đùa:
“Bác muốn ngủ yên mỗi đêm, thì cứ mua một sợi xích, khoá chân bác trai vào chân giường, cất kỹ chìa khoá. Thế là bác tha hồ mà ngáy.”
Bà Tư cười. Mấy hôm sau, ông Tư vào sở la lối om sòm, xổ giọng mầy tao với tôi. Tôi không ngờ bà Tư làm thật, muốn xích ông Tư vào giường như xích nô lệ. Ông không chịu, và hai vợ chồng gây gổ nhau. Tôi biết lỗi. Xin lỗi ông Tư nhiều lần ông mới tạm nguôi.
Tôi tưởng bà Tư nguyên là thôn nữ, thất học ngu dốt nên ghen tuông bậy bạ. Ghen tuông một cách vô lý, dốt nát. Nhưng một lần có phái đoàn viện trợ đa quốc gia, tới thăm khu kỹ nghệ, để xem viện trợ của họ có được dùng hợp lý hay không. Gồm đại diện của Pháp, Anh, Đức, Ý và Tây Ban Nha. Trong buổi tiếp tân, bà Tư nói tiếng Đức, tiếng Ý, và tiếng Anh theo giọng Luân Đôn, nói rôm rốp như nói tiếng mẹ đẻ. Bà còn kể cả chuyện khôi hài, làm các ông cười vui nhộn. Sau đó, tôi mới biết bà được gởi đi du học bên Pháp từ thuở nhỏ. Chỉ học chuyên về sinh ngữ. Bà có khiếu, nói song suốt tám ngôn ngữ khác nhau.
Thưa các bạn đọc, bạn có thấy sung sướng khi so sánh vợ nhà với quý phu nhân nầy hay không? Thì ra, vợ mình cũng còn dễ thương quá, chưa đến nỗi nào./.
Tràm Cà Mau
Nguồn: Peter Nguyenthanh
Tuesday, August 15, 2023 at 8:02AM
Views: 0