Trần Mỹ Duyệt
“Chồng già vợ trẻ là tiên, vợ già chồng trẻ là duyên nợ nần.” Dù là duyên hay nợ khi đã về chung một nhà là nên nghĩa vợ chồng. Nhưng cái duyên, cái nợ ấy liệu sẽ kéo dài được bao lâu và trong những điều kiện nào còn tùy thuộc nhiều yếu tố, trong đó có tuổi tác. Thực tế, tuy không chứng minh được sự chênh lệch tuổi tác sẽ gây nên những khó khăn cho hạnh phúc hôn nhân như thế nào, nhưng chắc chắn nó có ảnh hưởng đến sự lâu bền của một cuộc tình. [1]
Các nhà khảo cứu đã phân tích rõ về ảnh hưởng tuổi tác liên quan đến ly dị. Paula England, giáo sư tại New York University và nhóm khảo cứu của bà đã phỏng vấn 3.622 cặp vợ chồng trong một nghiên cứu mang tính quốc gia từ 1987 – 1988, 1992 – 1994, và 2001 – 2002. Cùng với thời điểm từ 1987-2002, phỏng vấn 747 cặp đã ly thân hoặc ly dị. Kết quả cho thấy là những người đàn ông lấy vợ lớn tuổi đa số chủ động ly dị. Nếu người đàn bà hơn người đàn ông 3 tuổi hoặc hơn, con số ly dị có thể lên đến 87%, trong khi người vợ chủ động ly dị khoảng 23%. Nhưng nếu người vợ trẻ hơn cơ hội ly dị vợ sẽ là 50%.
Theo tâm lý phát triển, khi bước vào tuổi 60 cũng là thời gian bắt đầu cho sự đi xuống về thể lý, đồng thời kéo theo những mặc cảm tâm lý của cả hai phía. Khởi đầu của sự đi xuống đó là mắt mờ, tóc bạc trắng, răng lung lay, da nhăn nheo… Tiếp đến là một số bệnh của “người già” như tiểu đường, thoát vị đĩa đệm, gout, cộng với huyết áp cao, mỡ cao. Sức khỏe thể lý đi xuống kéo theo phong độ cũng xuống dốc về phía đàn ông. Về phía phụ nữ thì sắc đẹp ở tuổi này cũng bắt đầu về chiều. Hơn thế, sự xuống dốc này theo cấp số nhân. Có nghĩa là càng ngày càng kém đi. Chuyện chăn gối giữa vợ chồng cũng không còn mặn nồng nữa. Người chồng lớn tuổi sẽ mang mặc cảm là không đem lại hạnh phúc cho vợ, và người vợ lớn tuổi cũng mặc cảm vì không đáp ứng được nhu cầu sinh lý của chồng. Từ đó những tư tưởng “chán cơm, thèm phở”, ghen tương, ngờ vực bắt đầu nhen nhúm. Trong tương quan xã hội, giao tiếp bạn bè, nếu có ai đó nửa đùa, nửa thật hỏi một câu: “Cụ ông, lão bà ở nhà dạo này như thế nào, có khỏe không?”, thì không khỏi chạnh lòng!
Làm gì mà không khỏi chạnh lòng. Người đàn ông năm nào nhìn đẹp trai, phong độ, giầu có, thành đạt, có địa vị lại lãng mạn, tâm lý đã khiến trái tim người vợ trẻ rung động. Còn bây giờ! Làm gì mà không khỏi giật mình. Người đàn bà mới đây cũng còn “mặn mòi” duyên dáng, đã khiến trái tim mình “mù lòa”, nhưng không ngờ!…
TÂM SINH LÝ VÀ KINH TẾ
Đi vào những đòi hỏi thực tế của đời sống hôn nhân, tâm sinh lý, những nhu cầu và khả năng sinh lý của cả hai phía sẽ có những thay đổi khi người phụ nữ bước vào tuổi “hồi xuân”, tuổi mà từ ngữ chuyên môn gọi là “midlife crisis” từ 40 đến 60 tuổi. Một phụ nữ hơn chồng 5, 10 tuổi hoặc hơn nữa sẽ không còn khả năng thoả mãn nhu cầu chăn gối của chồng. Nên biết rằng, sinh lý đối với đàn ông vừa là một hành động theo bản năng, và cũng vừa là một nhu cầu. Ngược lại, với những người chồng già hơn vợ 10 tuổi hoặc hơn nữa sẽ khó theo kịp đòi hỏi của người vợ trẻ. Từ đó vấn đề ngoại tình, hoặc nhàm chán rất khó tránh khỏi.
Xét về phương diện tài chính, một số ý kiến cho rằng những cô gái trẻ chấp nhận mối tình già thường là lý do tài chính, quyền lực, hoặc danh giá, “Gái tham tài, trai tham sắc”. Và điều này càng khiến cho các người vợ trẻ ở vào vị trí dễ bị tổn thương. Trong các nền kinh tế trước đây và ngay cả bây giờ, đa số phụ nữ lệ thuộc vào kinh tế do chồng mang lại. Về phía đàn ông, khi sức mạnh xã hội tăng lên, họ có thể tìm được vợ trẻ, đẹp và hấp dẫn.
Ngoài ra, nếu một người đàn ông 40 hoặc 50 tuổi muốn có con, chắc chắn họ sẽ không kết hôn với một người đàn bà ở độ tuổi tương tự, vốn ít khả năng hoặc không còn sinh con được. Do đó, phần đông nếu đàn ông ở tuổi này mà nghĩ đến chuyện có con, thường là họ tìm những người vợ trẻ hơn họ, vì đàn ông cũng như phụ nữ, khả năng sinh sản có xu hướng giảm sau độ tuổi khoảng 35. Ở một số phụ nữ khả năng thụ thai còn mất sớm hơn. Thêm vào đó, phụ nữ càng lớn tuổi, cơ hội sinh con mang hội chứng Down’s syndrome càng cao.
Lấy vợ quá trễ đối với người đàn ông còn phải chịu cảnh: “Cha già con mọn.” Theo Tiến sỹ Elena Touroni, nhà tâm lý học và là nhà sáng lập Văn Phòng Tâm Lý Chelsea tại Luân Đôn (London) nhận định, nếu nhìn về đường dài của đời sống hôn nhân, chúng ta : “cần cả cha mẹ còn sống để nuôi dạy con cái.” Đây là cái nhìn của những người nghiêm túc muốn có một đời sống gia đình và con cái.
NHẬN ĐỊNH CỦA CÁC NHÀ CHUYÊN MÔN:
Nói chung, xã hội hôm nay vẫn nhìn người đàn ông già sánh bước bên người vợ còn quá trẻ bằng cặp mắt không mấy thiện cảm. Một câu nói ví von ám chỉ như: “trâu già gặm cỏ non” hay “già mà còn chơi trống bỏi”. Tại Âu Mỹ, những người đàn ông ham gái trẻ, hiếu sắc thường được gọi là “cougar” (beo già) và “toyboy” (trai bao). Còn những cô gái trẻ với những người chồng già là “đào non” hay “đào mỏ”.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy người trẻ nói chung, đặc biệt ác cảm với các mối quan hệ mà người đàn ông lớn tuổi hơn, và cho rằng mối quan hệ này là một sự đổi chác – đổi tình dục để đạt được một kiểu sống, mức sống nào đó. Một mối tình vợ già, chồng trẻ hiện đang gây sự chú ý của truyền thông là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với người vợ hơn ông 24 tuổi. Họ được chú ý vì một người là tổng thống, còn người kia là cô giáo trước đây của tổng thống.
Cũng theo Tiến sỹ Touroni, về mặt tâm lý, cặp với người cùng tuổi khiến cho mối quan hệ của họ có nhiều khả năng đi xa hơn. Họ dễ hiểu nhau hơn, cùng có những đam mê hoặc sở thích giống nhau nên dễ dàng chấp nhận nhau, nhờ đó, họ có thể tiếp tục tìm thấy những điểm chung. “Trong 10 năm đầu tiên của hôn nhân, mọi người cho biết họ có mức độ hài lòng hôn nhân cao hơn nếu bạn đời của họ nhỏ tuổi hơn.”
Tóm lại, các mối quan hệ và hạnh phúc của các cặp vợ chồng chênh lệch tuổi tác, theo thời gian sẽ giảm nhiều hơn nếu so với các cặp cùng tuổi.
HẠNH PHÚC HAY KHÔNG HẠNH PHÚC?
Phụ nữ ly dị tăng 38% nếu kết hôn với những người đàn ông trẻ tuổi hơn mình. Mức độ gia tăng tùy theo tuổi tác.
-Hạnh phúc hơn với vợ trẻ
Phần đông đàn ông muốn mình lớn tuổi hơn vợ. Một khảo cứu về khác biệt tuổi tác giữa hai vợ chồng có thể ảnh hưởng lâu dài như thế nào trong hôn nhân đăng trên the Journal of Population Economics năm 2017, theo đó, các nhà khảo cứu cho thấy rằng hạnh phúc gia tăng mỗi năm nếu người chồng hơn tuổi người vợ. Nhưng đối với phụ nữ thì ngược lại.
Đàn ông có vợ trẻ hơn, dĩ nhiên không phải là quá trẻ, hài lòng hơn so với những người kết hôn với những người vợ già. Theo Terra McKinnish, giáo sư kinh tế học tại CU Boulder và đồng tác giả trong cuộc khảo cứu thì phụ nữ phần nào không hài lòng với người chồng già, và một cách nào đó, “hạnh phúc với những người chồng trẻ.”
-Hạnh phúc giảm dần sau 10 năm
Khảo cứu cũng cho thấy rằng, những người có vợ trẻ không phải lúc nào cũng hạnh phúc với người chồng lớn tuổi. Trên thực tế, những người hạnh phúc cao lúc ban đầu lại trở thành mất hạnh phúc cách dễ dàng sau này. Mức độ hạnh phúc cao ban đầu với người vợ trẻ sẽ trở nên giảm dần chỉ sau 6 tới 10 năm. Ngoài ra cũng theo thời gian, những người lấy vợ quá trẻ sẽ trở nên kém dần hạnh phúc so với những người đàn ông lấy vợ ngang tuổi của họ.
KẾT LUẬN
Ngoài những yếu tố thu hút, quyến rũ lúc ban đầu như giầu sang, tiền của, danh giá, địa vị… Hạnh phúc hay không hạnh phúc, hài lòng hay không hài lòng trong đời sống hôn nhân giữa những cặp vợ già chồng trẻ, hoặc chồng trẻ vợ già còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố: thể lý, tâm lý, tâm sinh lý, và tâm linh. Không thể phụ nhận có những cặp đôi chênh lệch tuổi tác nhưng vẫn hạnh phúc, chung thủy với nhau, nhưng các cuộc khảo cứu đều cho thấy rằng khác biệt tuổi tác từ 4 đến 5 tuổi được cho là khoảng cách lý tưởng. Cách nhau từ 8 đến 10 tuổi thường có những dấu hiệu cao của dè chừng, cãi cọ, và bất hòa dễ dẫn đến ly thân, ly dị. Xã hội thường tỏ ra khắt khe, nghi ngờ những mối tình chênh lệch từ 10 tuổi trở lên. Vì thời gian sẽ qua mau, còn lại là trách nhiệm và bổn phận thay thế cho sự lãng mạn, tình tứ. [2]
_______
Tài liệu tham khảo:
- https://bestlifeonline.com › age-gap-divorce-news
A Three Year Age Gap Can Raise Men’s Risk of Divorce
- Knot the ‘right’ Age: Age gap of spouses matters, but – The …
https://www.asianage.com › discourse › knot-the-right-ag…
Views: 0