Tâm lý giáo dục

Người thầy chân chính

Thanh Nguyên sưu tầm

Một chàng trai nhận ra thầy giáo dạy tiểu học của mình trên đường.

Anh lại gần ông giáo già và hỏi:

– Thầy có nhận ra em không? Em là học sinh của thầy đây.

– Ừ, thầy nhớ là dạy em hồi lớp ba. Bây giờ em làm gì rồi?

– Em cũng đi dạy học. Chính thầy có ảnh hưởng sâu sắc đến em, nên em cũng muốn đi dạy những em nhỏ.

– Vậy sao? Cho phép tôi tò mò một chút, ảnh hưởng của tôi thể hiện ở việc nào?

– Thầy thực sự không nhớ gì sao? Thầy cho phép em nhắc lại chuyện cũ nhé.

Có lần, một bạn học đến lớp đeo một chiếc đồng hồ rất đẹp được bố mẹ tặng.

Bạn ấy tháo ra và đặt nó vào ngăn bàn.

Em luôn mơ ước có một chiếc đồng hồ như thế. Em đã không kiềm chế được lòng tham và quyết định lấy chiếc đồng hồ đó từ ngăn bàn của bạn ấy.

Một lúc sau, bạn ấy đến chỗ thầy, vừa khóc và vừa than bị mất đồ.

Thầy nhìn khắp cả lớp một lượt rồi nói: “Ai đã lấy chiếc đồng hồ của bạn, xin hãy mang trả cho bạn ấy”.

Em rất xấu hổ, nhưng em không muốn bỏ chiếc đồng hồ ra, do vậy em đã không nhận lỗi.

Thầy đi ra đóng cửa lớp lại và ra lệnh cho tất cả học sinh nam đứng dọc bờ tường. Thầy báo trước: “Thầy sẽ khám túi tất cả các em với một điều kiện: tất cả phải nhắm mắt lại”.

Chúng em nghe lời thầy, và em cảm thấy, đó chính là khoảnh khắc đáng xấu hổ nhất trong thời thơ ấu của mình.

Thầy đi từ đứa này đến đứa khác, sờ từ túi quần này sang túi quần khác.

Khi rút chiếc đồng hồ ra khỏi túi quần của em, thầy vẫn tiếp tục đi đến đứa học trò cuối cùng.

Sau đó, thầy nói: “Các em, tất cả đã xong. Các em có thể mở mắt ra và đi về bàn của mình”.

Thầy đưa trả lại chiếc đồng hồ cho bạn ấy và không bao giờ nói một lời về sự việc đó.

Ngày hôm đó, như vậy là thầy đã cứu vãn danh dự và tâm hồn em.

Thầy đã không tố giác em là kẻ cắp, kẻ lừa dối, là đứa vô tích sự.

Thầy cũng không cần nói chuyện với em về sự việc đó. Mãi sau này, em mới hiểu tại sao.

Bởi vì, thầy là người thầy chân chính, nên thầy không muốn làm hoen ố phẩm cách một đứa trẻ chưa trưởng thành. Bởi vậy, em đã trở thành thầy giáo như thầy.

Cả hai cùng im lặng, bồi hồi nhớ lại chuyện xưa. Sau đó, thầy giáo trẻ hỏi:

– Chẳng lẽ hôm nay nhìn thấy em, thầy không nhớ đến chuyện này?

Ông giáo già trả lời:

– Vấn đề là, khi thầy soát túi quần các Em thầy cũng NHẮM MẮT !

 

Nguồn:  Fb: Peter Nguyenthanh. Monday, June 14, 2021 at 9:39PM

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.

Có 1 ý kiến độc giả

  • Cha kính mến,
    Con thật sự biết ơn về bài viết này, nó không chỉ dành cho những nhà mô phạm mà hết sức cần thiết cho những anh chị em chúng ta. Thách thức ở đây, chính là sự không đồng thuận với những hành vi sai trái mà vẫn “cứu vãn danh dự và tâm hồn em”. Cho thấy một điểm sáng ở trong bài là: SỰ TÔN TRỌNG. Tại sao như vậy? Chữ “tôn trọng” có nguồn gốc từ Latinh RE – nghĩa là “lại” (như trong chữ “chạy lại”) và SPECERE có nghĩa là “nhìn” (như trong chữ “nhìn chăm chú”). Nói cách khác, ‘tôn trọng” có nghĩa là “nhìn lại” hay “quan sát chăm chú”, mục đích giúp chúng ta nhận ra tận sâu thẳm bản chất con người phía sau một thái độ hay một hành vi nào đó.
    Khi tôn trọng, có nghĩa là chúng ta đang học cách quan sát con người theo đúng bản chất của họ, lắng nghe, tìm hiểu những nhu cầu của họ để hiểu được những gì đang thật sự diễn ra trong chính con người của họ. Và như vậy, tất cả mọi người trong chúng ta đều được xứng đáng cơ hội đó.
    Kính chúc quý Cha cùng quý Ban Biên Tập luôn Thân tâm An lạc.
    Kính mến.
    Phê-rô Hoằng.