Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh chuyển ngữ
Lời người dịch:
Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa,
Chúng ta đang theo dõi diễn tiến về Giáo Hội ở Đức Quốc có thể xẩy ra ly giáo, trở thành Giáo Hội Đức Quốc như Giáo Hội Anh Giáo vào tiền bán thế kỷ 16.
Chúng ta đã cầu nguyện cho Giáo Hội ở Đức Quốc hôm 10/5/2021 khi họ phát động và thực hiện chiến dịch chống đối Tòa Thánh bằng cách dùng ngày này để cùng nhau chúc lành cho các cặp đồng tính.
Chúng ta cũng có thể đã biết sự kiện ĐHY TGM Marx TGP Munich và Freising, nguyên chủ tịch HĐGM Đức mới mãn nhiệm năm 2020, đã đệ đơn xin ĐTC Phanxicô cho ngài từ nhiệm TGM ở TGP đương nhiệm.
Vậy thì ĐTC đã trả lời ngài ra sao: chấp nhận hay không, mà sao lại cần phải viết riêng cho vị chủ chăn này một bức thu đặc biệt hơn các vụ từ chức khác trên thế giới từ trước đến nay?
Chính vì tính cách quan trọng của bức thư lịch sử này mà người dịch này đã cố gắng bỏ giờ ra để đọc và phổ biến nguyên văn từ đầu đến cuối, hơn là chỉ loan tin đại khái vậy.
Bức thư này, được đề ngày hôm nay, mùng 10/6/2021, theo người dịch, có thể có tác dụng quan trọng và bất ngờ đến Con Đường Công Nghị của Giáo Hội ở Đức Quốc hiện nay.
***
Nhà Khách Santa Marta ngày 10/6/2021
Huynh thân mến, trước hết, xin cám ơn huynh về lòng can đảm của huynh. Nó là một thứ lòng can đảm của Kitô giáo không sợ thập giá, không sợ hạ mình trước thực tại ghê tởm của tội lỗi. Chúa đã làm như thế (xem Phil 2:5-8). Đó là một ơn Chúa đã ban cho huynh, và tôi thấy rằng huynh tỏ ra chấp nhận nó và giữ lấy nó để sinh hoa trái. Xin cám ơn huynh.
Huynh nói với tôi rằng huynh trải qua một giây phút khủng hoảng, mà chẳng những huynh mà cả Giáo Hội ở Đức nữa cũng đang trải qua cuộc khủng hoảng này. Toàn thể Giáo Hội đang bị khủng hoảng gây ra bởi các thứ lạm dụng; thậm chí còn hơn thế nữa, Giáo Hội ngày nay còn không thể bước tới nếu không biết chấp nhận cuộc khủng hoảng ấy. Thứ chính trị kiểu đà điểu chẳng có lợi lộc gì, và cuộc khủng hoảng này cần phải biết chấp nhận khởi đi từ niềm tin Phục Sinh của chúng ta. Khoa xã hội học, tâm lý học đều vô bổ. Việc chấp nhận cuộc khủng hoảng này, theo cá nhân cũng như cộng đồng, là đường lồi hiệu năng duy nhất, vì cuộc khủng hoảng không xẩy ra một mình mà là trong cộng đồng, và chúng ta cũng phải lưu ý là người ta thoát được một cuộc khủng hoảng một là khá hơn hai là tệ hơn, chứ không bao giờ lại cứ như thường [1].
Huynh nói với tôi rằng từ năm ngoái huynh đã suy nghĩ: huynh đã bắt đầu, bằng việc tìm biết ý muốn của Thiên Chúa để quyết định chấp nhận ý muốn của Ngài, dù ý muốn này ra sao đi nữa.
Tôi đồng ý với huynh trong việc khẳng định về câu chuyện lạm dụng tình dục buồn thảm, cùng với đường lối giải quyết nó, được Giáo Hội áp dụng cho tới mới đây, như là một thảm họa. Việc nhận ra được cái giả hình này bằng đường lối sống đức tin là một ân sủng, nó là bước đầu tiên chúng ta cần phải thực hiện. Chúng ta cần phải chịu trách nhiệm trước lịch sử, cả về phương diện cá nhân cũng như cộng đồng. Người ta không thể giữ thái độ dửng dưng lãnh đạm trước tội ác này. Việc chấp nhận cuộc khủng hoảng ấy bao hàm cả việc nhập cuộc khủng hoảng.
Không phải là hết mọi người đều chấp nhận thực tại này đâu, nhưng nó lại là đường lối duy nhất, vì việc thực hiện “các quyết tâm” thay đổi đời sống mà không “để thịt lên vỉ nướng” thì chỉ là những gì hão huyền. Những thực tại về cá nhân, xã hội và lịch sử là những gì cụ thể và không được chấp nhận bằng các ý nghĩ; vì các ý nghĩ được bàn luận (một điều tốt đẹp), thế nhưng thực tại bao giờ cũng cần phải được chấp nhận và xem xét. Đúng là những trường hợp lịch sử cần phải được giải thích bằng những dẫn giải, ở vào lúc xẩy ra những trường hợp ấy, thế nhưng việc giải thích này vẫn không không châm chước cho chúng ta thừa nhận và chấp nhận chúng như một thứ lịch sử của “cái tội vây hãm chúng ta”. Bởi thế, theo ý nghĩ của tôi, hết mọi vị Giám mục của Giáo Hội cần phải chấp nhận nó và tự vấn: Tôi phải làm gì trước cái tai họa này?
Việc “đấm ngực thú tội – mea culpa” trước quá nhiều những sai lầm lịch sử trong quá khứ chúng ta đã hơn một lần gây ra khi đối diện với nhiều trường hợp, ngay cả khi cá nhân chúng ta không dự phần gì vào tình huống lịch sử ấy. Ngày nay chúng ta cũng cần phải có cùng một thái độ ấy. Chúng ta cần phải thực hiện việc canh tân đổi mới, một thứ canh tân đổi mới – trong trường hợp này – không phải ở ngôn từ mà là bằng những thái độ can đảm nhập cuộc khủng hoảng, chấp nhận thực tại bất chấp hậu quả. Hết mọi cuộc canh tân đổi mới đều được bắt đầu với chính nó. Việc canh tân đổi mới trong Giáo Hội được thi hành bởi những con người nam nữ không sợ nhập cuộc khủng hoảng, và để mình được Chúa canh tân đổi mới. Nó là con đường duy nhất, bằng không, chúng ta chẳng là gì ngoài “những kẻ theo lý tưởng đổi mới”, nhưng không thực tế áp dụng đổi mới.
Chúa không bao giờ chấp nhận thực hiện “cuộc đổi mới” (cho phép tôi sử dụng cách diễn tả này) theo dự phóng của thành phần Biệt phái hay của phái Saducê hoặc Zealot hay Essene. Nhưng Người thực hiện đổi mới bằng đời sống của Người, bằng lịch sử của Người, bằng xác thịt của Người trên thập tự giá. Đó là con đường, con đường mà huynh, huynh thân mến, chấp nhận để dấn thân từ bỏ.
Huynh nói đúng trong bức thư của huynh rằng việc chôn vùi quá khứ chẳng giúp ích gì cho chúng ta. Những thái độ câm nín, bỏ qua, khi coi trọng thế giá của cơ cấu tổ chức chỉ dẫn đến thảm bại của cá nhân cũng như lịch sử, và dẫn chúng ta tới chỗ sống với gánh nặng giấu diếm những gì là xấu xa, theo một câu nói diễn tả như là giấu diếm “bộ xương trong tủ áo”.
Rất cần phải “xem xét” thực tại về những thứ lạm dụng này và cách thức Giáo Hội đã tiến hành, và hãy để cho Thần Linh dẫn chúng ta vào sa mạc của những gì là cô tịch, đến thập tự giá và đến cuộc phục sinh. Đó là con đường của Thần Linh chúng ta cần phải theo đuổi, mà khởi điểm là việc khiêm tốn tự thú: chúng ta đã sai trái, chúng ta đã phạm tội. Chúng ta sẽ không được cứu bằng những việc điều tra hay bằng quyền lực của các thứ cơ cấu tổ chức. Thế giá của Giáo Hội chúng ta có khuynh hướng che đậy tội lỗi của mình sẽ không cứu được chúng ta; quyền lực của tiền bạc hay ý kiến của truyền thông sẽ không cứu chúng ta (mà nhiều lần chúng ta quá lệ thuộc vào chúng). Chúng ta sẽ được cứu bằng cách cởi mở cho Đấng Duy Nhất có thể làm được điều đó, và thú nhận cái trần trụi của chúng ta: “Tôi đã phạm tội”, “chúng tôi đã phạm tội”…, cùng kêu la và lắp bắp như chúng ta có thể là “xin hãy tránh xa con là kẻ tội lỗi”, một gia sản được vị Giáo hoàng tiên khởi lưu lại cho các Giáo hoàng cùng các Giám mục của Giáo Hội. Để rồi chúng ta sẽ cảm thấy rằng việc chữa lành nỗi hổ thẹn là những gì mở đường cho lòng cảm thương và niềm êm ái dịu dàng của Chúa là Đấng luôn gần gũi cận kề với chúng ta. Là Giáo Hội, chúng ta cần phải xin ơn biết hổ thẹn, và xin Chúa cứu chúng ta khỏi nỗi hổ thẹn đàng điếm ở đoạn 16 của Sách Tiên Tri Êzêkiên.
Tôi thích cách huynh kết thúc bức thư: “Con sẽ hân hoan tiếp tục làm linh mục và giám mục của Giáo Hội này, và con sẽ tiếp tục dấn thân ở lãnh vực mục vụ, luôn luôn và trong bất cứ trường hợp nào được cho là tế nhị và thích hợp. Con muốn cống hiến những năm sau này trong việc phục vụ của con một cách tha thiết hơn với việc chăm sóc mục vụ, cùng dấn thân cho việc canh tân về tinh thần của Giáo Hội, như Đức Thánh Cha đã không ngừng cảnh giác”.
Huynh thân mến, đây là câu trả lời của tôi. Xin huynh hãy tiếp tục những gì huynh đề ra, nhưng với tư cách là Tổng Giám Mục Munich và Freising. Nếu huynh có khuynh hướng nghĩ rằng, trong việc khẳng định sứ vụ của huynh và không chấp nhận việc từ nhiệm của huynh, vị Giám Mục Roma đây (người anh em của huynh yêu mến huynh) không hiểu huynh, thì hãy nghĩ về những gì Tông đồ Phêrô cảm thấy trước nhan Chúa, theo cách thức của ngài, khi ngài tỏ ra muốn từ bỏ: “Xin Thày hãy tránh xa con là kẻ tội lỗi”, và hãy lắng nghe câu trả lời của Chúa cho ngài: “Con hãy chăn dắt chiên của Thày”.
Với lòng mến thương huynh đệ,
Phanxicô
—————————————-
[1] Nguy hiểm có thể xẩy ra khi không chấp nhận khủng hoảng và ẩn nấp nơi những thứ xung khắc, một thái độ tiến đến chỗ dập tắt và ngăn cản bất cứ một thứ biến đổi nào. Vì cuộc khủng hoảng chất chứa một cái mầm mống hy vọng, còn xung khắc – trài lại – là mầm mống của thất vọng; khủng hoảng là những gì bao gồm — trái lại, những gì là xung khắc lại giam nhốt chúng ta và tái diễn thái độ rửa tay của Philatô: “Tôi vô tội nơi màu người này” (Mt 27:24)… hãy nghĩ đến chuyện ông ta đã gây ra nhiều tai họa cho chúng ta và vẫn còn đã làm như thế với chúng ta.
—————————————-
from L’Osservatore Romano , Year CLXI n. 129, Thursday 10 June 2021.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề.
Views: 0