Tâm lý xã hội

Nói hành là dịch bệnh tệ hơn dịch Covid-19

Lê Thiên

Dịch bệnh Covid-19 có sức tàn phá kinh khủng. Chẳng những nó gây chết chóc cho hàng vạn sinh linh khắp thế giới, mà còn gây xáo trộn, làm tê liệt mọi sinh hoạt về tôn giáo, kinh tế, xã hội cho tới chính trị… vô cùng nguy hiểm!

Trước tình hình đen tối ấy của xã hội loài người, ngày 06/9/2020, qua diễn từ về việc “sửa lỗi anh em”, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã không ngần ngại phê phán việc “nói hành” hay “ngồi lê đôi mách” là một “dịch bệnh còn tệ hơn cả Covid-19”.

 Trong kho tàng ngôn ngữ Việt Nam, có lẽ ý tưởng về việc nhỏ to với nhau một cách không lành mạnh về người vắng mặt được diễn tả bằng những từ ngữ hay thành ngữ khá sống động gợi hình như: đàm tiếu (nói-cười chê bai), nói hành nói tỏi, ngồi lê đôi mách, ngồi lê mách lẻo, lời đồn thổi, tin đồn nhảm… mà trong tiếng Anh dường như chỉ có mỗi từ gossip, hay trong tiếng Pháp từ bavard – lắm mồm (hay già mồm, ba hoa).

 Nói hành – bệnh dịch tồi tệ hơn Covid-19

ĐTC Phanxicô lưu ý: “Khi chúng ta thấy một người anh chị em làm điều sai lầm hoặc khiếm khuyết, thường chúng ta hay xầm xì với người khác về điều đó.” Ngài quả quyết: “Như vậy là chúng ta nói xấu họ!”  Rồi ngài kết luận: “Những lời đồn đại đó đã đóng cửa cộng đoàn lại và làm thương tổn đến tình đoàn kết.” Đức Thánh Cha cho “đó là việc làm của ma quỷ.” Ngài coi ‘lời đồn thổi’ là dịch bệnh tồi tệ hơn cơn đại dịch Covid!

 Nói hành – trái bom, cuộc khủng bố

Đây không phải là lần đầu tiên ĐTC Phanxicô lên án “nói hành nói tỏi”. Hơn hai năm trước, vào ngày 21/01/2018, trong chuyến Tông du nước Peru (Nam Mỹ) khi gặp gỡ các nữ tu tại Thủ đô Lima, Đức Thánh Cha Phanxicô đã không ngần ngại ví việc nói hành như là một ‘quả bom’, hơn thế nữa, là một ‘cuộc khủng bố’. Ngài nói với các nữ tu: “Nói hành giống như một trái bom. Khi người ta ném nó, nó tạo sức tàn phá [kinh khủng]… Vậy, chớ nói hành, và linh dược chữa bệnh nói hành là hãy tự cắn cái lưỡi của mình… Nó là một cuộc khủng bố!”

Với các chủng sinh, linh mục và nữ tu sĩ trong một cuộc triều yết hồi đầu Tháng 12/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cảnh cáo về cái mà ngài gọi là “chủ nghĩa khủng bố của tin đồn nhảm”. Ngài nói: “Nói xấu về ai đó sau lưng họ tạo sự mất tin tưởng. Đó là một loại khủng bố, phá hủy mọi thứ.”

 Nói hành – Phá hoại cộng đoàn, giáo xứ

Các đây hơn 3 năm, trong bài giảng ứng khẩu tại thánh lễ chiều Chúa nhật 15-1-2017 ở giáo xứ Santa Maria, thuộc giáo phận Roma, ĐTC Phanxicô đã từng lưu ý: “[Nếu] anh chị em muốn có một giáo xứ hoàn hảo… thì đừng nói hành nói xấu người khác”.

Đức Thánh Cha coi tội nói hành, nói xấu nhau là tội phá hoại công đoàn: “Tội phá hoại cộng đoàn chính là tội nói hành nói xấu nhau”. ĐTC Phanxicô khẳng định: “Là Kitô hữu trước tiên là làm chứng về Chúa Giêsu. Một giáo xứ không có khả năng làm chứng nếu trong giáo xứ có những vụ nói hành nói xấu nhau”.

Ngài nêu lên câu hỏi để từ đó đưa ra lời khuyến cáo: “Anh chị em có muốn một giáo xứ hoàn hảo hay không? Nếu muốn thì đừng nói hành nói xấu người khác.” Rồi ngài xác quyết: “Các tội lỗi khác chúng ta đều có, nhưng tội phá hoại cộng đoàn chính là tội nói hành nói xấu nhau”.

Một bài báo chúng tôi đọc cách đây đã lâu ghi nhận: “Theo tự điển Việt Nam, mách là nói cho người khác biết điều gì; lẻo có nghĩa nhanh mồm miệng nhưng không thật. Mách lẻo là nói hoặc bàn tán chuyện riêng tư của người khác với người này người nọ, gây nghi kỵ mất đoàn kết… Ý kiến chung cho mách lẻo là nói bất cứ điều tiêu cực, phần lớn là sai của một người cho người khác nghe.”

Nói hành xuất phát từ lòng ganh tị… phá hủy Giáo Hội.

Trở lại cái “tội phá hoại cộng đoàn”, trong bài giảng Thánh lễ tại Nhà nguyện Marta ở Rôma ngày 10/5/2020, Đức Thánh Cha lại đặt câu hỏi: “Trong việc phá hủy công cuộc loan báo Tin Mừng, ma quỷ dùng công cụ nào?”  Ngài trả lời ngay: “Công cụ của ma quỷ đó là lòng ghen tị. Ma quỷ tức giận, luôn muốn phá đổ Giáo hội. Ma quỷ xâm nhập vào thế giới với lòng ghen tị. Lòng ghen tị luôn đem lại cảm giác cay đắng.”

Vị Cha Chung của Hội Thánh lại nhấn mạnh: “Chúa Thánh Thần làm cho Giáo Hội hài hòa; còn thần dữ thì phá hủy, điều này vẫn còn cho đến hôm nay”. Chúng ta hiểu ngay thần dữ phá hủy Giáo Hội bằng cách gieo lòng ghen tị.

Trong thực tế, những cuộc “hành tỏi”, mách lẻo, đàm tiếu… hầu hết xuất phát từ sự ganh ghét hay ghen tị mà ra.

 Kiêu ngạo sinh ganh tị

Chúng tôi chợt nhớ bài giảng của một vị linh mục cách đây không lâu. Vị linh mục nói rằng, bài giảng của ngài nhằm vào chủ đề “Tội kiêu ngạo là tội thứ nhất, trọng hơn cùng hiểm nghèo hơn các tội khác”. Nhưng vị linh mục lại thú nhận rằng, với ngài, giảng về cái gọi là tội kiêu ngạo… không dễ! Vì “kiêu ngạo là một ý niệm… trừu tượng, khó hình dung nếu bỏ qua ý tưởng về ganh tị.” Theo vị linh mục, “thường thường kiêu ngạo được thể hiện qua sự ghen tức, ganh tị, đố kỵ. Những thứ đó rõ ràng là biểu hiện của lòng kiêu ngạo, bộc lộ thói kiêu căng.”

Vị linh mục nhấn mạnh: Máu ghen tị hay ganh tị lưu thông trong huyết quản con người từ khi con người bắt đầu có trí khôn! Một đứa trẻ vừa lớn lên đã tỏ rõ lòng ganh tị đối với anh nó, chị nó, em nó và với bất cứ ai “có được thứ gì, món gì hơn cái nó đang có”; nhiều khi “lòng ganh tị tỏ lộ một cách quyết liệt, ăn thua đủ, ít khi lùi bước”. Lòng ganh tị trở thành thứ bệnh mãn tính nếu người ta không được nhắc nhở, giáo dục, uốn nắn.

Vị linh mục quả quyết: “Có hơn 90 phần trăm những cuộc nói hành nói tỏi xuất phát từ lòng ganh tị, mà ganh tị nẩy sinh chính là do kiêu ngạo, sợ kẻ khác vượt qua mình”. Nỗi sợ ấy khiến kẻ ganh tị càng tăng “máu ganh”, tìm cách hạ cho bằng được kẻ bị soi mói là “đối thủ”, nếu không hạ được thì người ta trở nên tức tối, “bằng mặt, không bằng lòng”. Thấy đối phương sa cơ thất thế thì lại hả hê cười thầm, thậm chí hớn hở ra mặt.

Cha giảng khẳng định: “Là con người, dù ở giai tầng nào trong xã hội và cả trong Giáo Hội, ai cũng có máu ganh tị, không nhiều thì ít.” Ngài kêu gọi giáo dân ‘đừng thần thánh hóa’ quá đáng các đấng bậc trong Hội Thánh đến nỗi xem hết thảy các ngài là hoàn toàn ‘trong sạch’ trước cơn cám dỗ của ganh tị.

Người ta nói: ‘Trâu cột ghét trâu ăn’. Nhưng trớ trêu thay! “Trâu ăn ghét cả trâu ăn’, gườm nhau bởi miếng ăn hơn kém. Hiện tượng khá phổ biến ở mọi thời và có lẽ nó có dấu hiệu cao độ nhất ở thời đại này, khắp mọi ngả ngách xã hội nhân sinh.

 Kết

Ý tưởng và lời lẽ trong bài giảng của vị linh mục phản ánh lời dạy sâu sắc của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Cha Chung Hội Thánh mà chúng tôi đã trích dẫn trên: “Trong việc phá hủy công cuộc loan báo Tin Mừng, ma quỷ dùng công cụ nào?…  Đó là lòng ganh tị (hay ghen tị)!”  Trong bài dụ ngôn về thợ làm vườn nho, Chúa Giêsu cũng đánh mạnh vào lòng ganh tị “Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt. 20, 15).

 Lê Thiên

Nguồn: Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam, Số 390, Chúa Nhật 18.10.2020

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.