Nguyet Le
Tiền thân chiếc áo dài bắt nguồn từ chiếc áo dài lãnh tương tự áo tứ thân. Phía trước có hai tà (hay hai vạt), phía sau hai tà, tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu (cha mẹ chồng, cha mẹ vợ). Một vạt cụt, hay vạt chéo phía trước có tác dụng như một cái yếm che ngực, nằm phía bên trong hai vạt lớn, tượng trưng cho cha mẹ ôm ấp đứa con vào lòng. Trong chiếc áo tứ thân, người ta thường buộc hai vạt trước lại với nhau để giữ cho chiếc áo cân đối, tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng âu yếm, quấn quít bên nhau.
Đến ngày nay, chiếc áo dài của quí bà quí cô là một tác phẩm mỹ thuật tuyệt vời. Nó đă trở thành một thứ y phục độc đáo của phụ nữ Việt nam. Tại cuộc hội chợ quốc tế Osaka, năm 1970 tại Nhật bản, chiếc áo dài phụ nữ Việt Nam đă lên ngôi và đem lại vinh dự cho phái đoàn Việt Nam. Khách quốc tế trầm trồ thán phục trước các vạt áo dài lả lơi như đôi cánh bướm đùa vui trong gió. Khách bình phẩm:
Hơi mỏng! Nhưng rất kín đáo, đủ sức che mắt thánh!
Một nhiếp ảnh gia quốc tế của Việt nam cũng đă hãnh diện về sức quyến rũ của chiếc áo dài nên có nhận xét:
Nó có sức chở gió đi theo.
Những lời nhận xét trên không có gì quá đáng. Chiếc áo dài Việt nam phô diễn được tất cả đường nét tuyệt mỹ của thân thể, vừa kín đáo e ấp, lại vừa như khêu gợi. Thi sĩ Xuân Diệu thú nhận:
Những tà áo lụa mong manh ấy
Đã gói hồn tôi đến trọn đời.
Chiếc áo dài hiển nhiên là một loại “quốc phục”. Khách đến thăm, chủ nhà trịnh trọng mặc chiếc áo dài như là một chiếc áo lễ để tiếp khách. Tại học đường nó là chiếc áo học trò ngây thơ, tung tăng như cánh bướm, gói trọn mộng đẹp của tương lai.
Một chiếc vương miện, thêm vào chiếc áo choàng bên ngoài sẽ trở thành bộ y phục “hoàng hậu” cho cô dâu khi bước lên xe hoa. Trong buổi dạ tiệc, chiếc áo dài Việt nam cũng sẽ lộng lẫy, độc đáo, không thua bất kỳ bộ trang phục của quốc gia nào khác trên thế giới.
Tại Huế những người buôn thúng bán bưng, mặc dầu nghèo khổ, cũng luôn luôn bận chiếc áo dài khi ra chợ. Nếu áo rách, sờn vai thì chắp vào chỗ rách một phần vải mới, gọi là áo “vá quàng”. Dầu là áo rách, áo vá quàng, vẫn còn nguyên giá trị:
Áo may cái thuở thương nàng
Thương em mặc áo vá quàng năm thân.
Trong bài “Áo Trắng” Huy Cận có câu:
Dịu dàng áo trắng trong như suối
Tỏa phất đôi hồn cánh mộng bay.
Còn thi sĩ Đông Hồ cũng đã tình nguyện bán thơ mình để “Mua Áo” cho cô gái xuân, lời thơ nhẹ nhàng phơi phới yêu đương, lả lơi mà trong sạch, nũng nịu mà dễ thương:
Chiếc áo năm xưa đã cũ rồi,
Em đâu còn áo mặc đi chơi.
Bán thơ nhân dịp anh ra chợ.
Đành gởi anh mua chiếc áo thôi.
Hàng bông mai biếc màu em thích,
Màu với hàng, em đã dặn rồi.
Còn thước tấc, quên! Em chưa bảo:
Kích tùng bao rộng, vạt bao dài?
Ô hay! Nghe hỏi mà yêu nhỉ!
Thước tấc anh còn lựa hỏi ai.
Rộng hẹp, tay anh bồng ẳm đó,
Ngắn dài, người mới tựa bên vai!
” Mối tình đầu của tôi….. Là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp… Là áo ai bay trắng cả giấc mơ…”
Thi sĩ Phan Long cũng trải hồn mình qua bài cảm tác “Chiếc Áo Dài Tà Áo quê Hương” sau đây:
Em yêu mến chiếc áo dài,
Thướt tha duyên dáng đẹp hoài thời gian.
Ngày xuân nắng trải tơ vàng,
Khoe tà áo mới ngập tràn tuổi thơ.
Lớn theo lứa tuổi học trò
Tình che vạt trước gió lùa vạt sau.
Những ngày đẹp mãi bên nhau,
Vạt vui in dấu vạt sầu còn vương.
Đẹp sao tà áo quê hương,
Áo dài màu trắng nhớ thương năm nào.
Trong muôn vàn thứ lụa là gấm vóc bội phần lộng lẫy, có gì đến phải ngạc nhiên khi chiếc áo dài nhẹ bay giữa lòng thành phố Sài gòn vàng rực một màu nắng phương Nam, làm ngơ ngẩn trong lòng mỗi chúng ta.
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng…
Nói cách khác, chiếc áo dài mỗi khi được lồng vào thơ ca sẽ có dịp tỏ bày hết những nỗi niềm của nó. Một sự đan xen giữa màu áo với thời gian và sự rung động đầy chất tình tự và lãng mạn.
Có phải em về, mang theo… tà áo trắng
Để khỏi phai màu như em nói chăng em!
Nguồn: Internet
Views: 0