Văn

Mẹ, người phụ nữ tuyệt vời

Trần Mỹ Duyệt

Viết về mẹ, tôi muốn nhìn mẹ bằng cái nhìn tuổi thơ, với những câu nói ngớ ngẩn, những nhận xét ngu ngơ nhưng dễ thương về mẹ. Những câu nói mà có lẽ mẹ cho đến tuổi già vẫn nhớ, vẫn lập lại như những kỷ niệm khó quên khi con còn thơ bé. Ký ức tuổi thơ của tôi cũng đã ghi nhận được một số “danh ngôn” về mẹ của các đấng “con nít”. Những câu nói ngây thơ mà dễ thương mỗi khi tôi nghĩ về mẹ mình.

“Mẹ là người mà mỗi lần em làm gì lỗi thì em thấy Đức Chúa Trời đứng ở trước mặt”.

“Mẹ là người có quả tim to và cái miệng cũng to. Mẹ thương em, nhưng cũng la em dữ lắm.”

“Mẹ là người mà bao giờ cãi nhau bố em cũng phải xin lỗi dù sai hay đúng.”

“Mẹ là người ăn chay trường, nhưng có một thứ mẹ không thể ăn chay là nói, la, và cằn nhằn!”

“Mẹ em có cái mặt đẹp nhưng tại sao cứ phải bôi phấn, bây giờ em mới biết là mỗi lần giận em, trông mặt mẹ xấu lắm.”

Nhưng những nhận xét ngân thơ về mẹ đã bắt đầu thay đổi theo tháng năm. Cũng vẫn những nét dễ thương, dễ yêu, dễ mến ấy giờ đây đã đi sâu vào từng hơi thở, từng nhịp đập của con tim, thấm đậm vào từng miếng cơm, manh áo, và giấc ngủ của con. Để nói về mẹ một cách vừa thơ mộng, vừa hồn nhiên, và cũng vừa chan hòa, dạt dào tình thương có lẽ là những diễn tả của Y Vân qua nhạc phẩm Lòng Mẹ:

Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào,
Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào,
Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì ràọ,
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu.

Lòng Mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu,
Tình Mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ,
Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ,
Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ.

Thương con thao thức bao đêm trường,
Con đà yên giấc Mẹ hiền vui sướng biết bao,
Thương con khuya sớm bao tháng ngàỵ,
Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn.

Dù cho mưa gió không quản thân gầy Mẹ hiền,
Một sương hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền,
Ngày đêm sớm tối vui cùng con nhỏ một niềm,
Tiếng ru êm đềm mẹ hiền năm tháng triền miên.

Lòng Mẹ chan chứa trên bao xóm làng gần xa,
Tình Mẹ dâng tới trăng ngàn đứng lặng để nghe,
Lời ru xao xuyến núi đồi suối rừng rặng tre,
Sóng ven Thái Bình im lìm khi tiếng Mẹ ru.

Một lòng nuôi nấng vỗ về những ngày còn thơ,
Một tình thương mến êm như tiếng đàn lời ca,
Mẹ hiền sớm tối khuyên nhủ bao lời mặn mà,
Khắc ghi bên lòng con trẻ muôn bước đường xa.

Thương con Mẹ hát câu êm đềm,
Run lòng thơ ấu quản gì khi thức trắng đêm.
Bao năm nước mắt như suối nguồn,
Chảy vào tim con mái tóc chót đành đẫm sương.

Dù ai xa vắng trên đường sớm chiều về đâu,
Dù khi mưa gió tháng ngày trong đời bể dâu,
Dù cho phai nắng nhưng lòng thương chẳng lạt mầu,
Vẫn mong quay về vui vầy dưới bóng mẹ yêu.

Những lời hát mượt mà ấy mỗi khi cất lên đều khơi lại trong tôi hình ảnh của người mẹ hiền mà tôi sẽ chẳng bao giờ gặp lại trên cõi đời này nữa. Mỗi lần nhìn vào tấm hình mẹ trên bàn làm việc, tôi vẫn bồi hồi và cảm thấy xao xuyến. Những lúc ấy, tôi chợt nhận ra mình đã mồ côi mẹ!

Không phải chỉ mẹ tôi, mà có thể nói là hầu hết mọi người mẹ đều tuyệt vời. Tuyệt vời ở tấm lòng, và tuyệt vời cả với nhan sắc mỹ miều mà Thượng Đế đã ban cho họ. Điều này khiến ta   không thể nói rằng mình không có tội nếu như ai đó đã khinh thường, bất kính và bất hiếu với mẹ mình. Điển hình như câu truyện mà hôm qua, tình cờ khi tôi xem trên một chương trình truyền hình nói về những tệ trạng và những chuyện bất thường trong cuộc sống. Qua câu truyện này, tôi cảm thấy thương cho một người mẹ và dĩ nhiên, tôi cũng thấy tội nghiệp cho đứa con gái của bà.

Câu truyện bắt đầu khi người hướng dẫn chương trình hỏi cô gái 21 tuổi, liệu cô có yêu người mẹ đẻ của cô mà đây là lần đầu tiên cô gặp mặt không? Cô đã trả lời một cách dứt khoát “không”. Người dẫn chương trình hỏi lại cô: “Vậy cô xuất hiện trong chương trình này với mục đích gì?” Cũng bằng một nét mặt sắt thép, bằng những lời nói bực bội, cô cho biết lý do: “Tôi muốn lên đây để hỏi bà, tại sao bà lại bỏ tôi lúc tôi được 9 tháng tuổi? Tại sao và tại sao?”

Khởi đầu bằng một bầu khí căng thẳng, tội lỗi của một người mẹ, nhưng những giây phút càng về sau của chương trình càng làm tôi nhận ra cái vẻ đẹp tuyệt vời của người phụ nữ làm mẹ. Khi bà tiến ra phim trường, vừa ngỏ lời với người con gái đang ngồi đó bằng một giọng nói hết sức dễ thương, vừa như cầu xin một sự tha thứ nơi con bà. Bỗng nhiên, bà bị người con ngồi dậy và đấm vào thẳng mặt bà. Không buông tha bà, người con ấy bắt đầu tố cáo bà với nhiều tội danh, đĩ điếm, nghiện ngập, sa đọa, loạn luân, nhất là đã đày đọa, xâm phạm, bỏ rơi con… Cô như mở toang những vết thương quá khứ của bà mà nay vẫn còn đang rỉ máu. Cô không ngừng tố bà bằng tất cả tội lỗi mà bà đã làm trong quá khứ. Xét ra thì tội bà nhiều lắm, và quả thật bà đã bị ngồi tù 13 năm về những tội trạng ấy.

Nhưng có một câu nói của bà mà theo tôi đã đủ để bà được tha thứ, chấp nhận và xót thương, đó là bà nói rưng rưng trong nước mắt: “Mẹ không đến đây để trả lời con về quá khứ của mẹ. Quá khứ của mẹ, mẹ đã trả giá rồi. Hôm nay, mẹ đến đây là để nói lời xin lỗi con và cho biết là mẹ rất thương con.”

Nghe câu nói của bà, tôi cảm thấy như mọi tội lỗi của bà đã được tha. Bà xứng đáng được đền bù bằng lòng hiếu thảo và tình thương mến của con bà. Và tôi cũng cảm thấy thật tội nghiệp cho cô con gái vì những mất mát của tuổi thơ, vì những oán hận và sự nông nổi của tuổi trẻ mà đã đấm vào mặt mẹ mình. Tôi không thấy người mẹ nói gì về cái đau đớn thể lý ấy, nhưng trong chiều sâu tâm linh, chắc chắn bà đau lắm.

Người mẹ ở một góc độ nào đó, vẫn luôn luôn ẩn chứa một tình yêu thương đối với con, mặc dù vẫn có những người mẹ đã lầm lỗi quên mất con mình. Tuy nhiên, theo tôi, chắc chắn chỉ là quên trong giây lát, quên trong những nông nổi, mù quáng của tình yêu, tình dục, hoặc những đòi hỏi, những nhu cầu vật chất, thể xác. Tự trong tâm hồn, Thượng Đế đã ghi khắc vào lòng người mẹ một tình yêu không bao giờ mờ phai đối với con mình. Và đó cũng là lý do Ngài bảo con cái phải thảo kính cha mẹ: “Hãy thảo kính cha mẹ ngươi.” (Xuất Hành 20:12) Trong văn hóa Việt Nam, tình yêu cha mẹ được so ngang với trời biển:

“Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Nhân ngày Hiền Mẫu, xin thắp nén hương lòng nhớ về mẹ hiền của con, và những người mẹ còn sống hay đã qua đời. Vì mẹ chính là:

“Người yêu con cho đến khi con nhắm mắt lìa đời”.

Và:

“Tình yêu người cha chỉ được nhận ra sau khi ta đã làm cha. Tình yêu người mẹ được nhận biết ngay sau khi ta vừa sinh ra.”

(Theo Beautiful Quotes Group.)

Ngày Hiền Mẫu, 13 tháng 5 năm 2018.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.