Trần Mỹ Duyệt
“Không biết Thánh Kinh là không biết Đức Kitô” (St. Giôrônimô). Ông là một vị tu hành ẩn mình suốt cuộc đời trong hang tại Đất Thánh, chuyên chăm suy niệm và phiên dịch Thánh Kinh từ tiếng Hy Lạp qua tiếng La tinh, nhờ đó mà ngày nay chúng ta có thể đọc được Thánh Kinh xuyên qua những bản dịch từ La tinh ra tiếng địa phương.
Nhưng thế nào là “biết” về Thánh Kinh? Có ít nhất ba cách biết, mà mỗi cách đều bổ túc cho nhau để làm nên sự hiểu biết đầy đủ về Lời Chúa: Cái biết thần trí, cái biết lý trí, và cái biết cảm nghiệm.
Nếu đọc Thánh Kinh mà chỉ dùng lý trí, trí tưởng tượng để suy diễn, tìm hiểu, cái biết này chỉ là cái biết thuộc trí khôn con người. Nó có thể chinh phục được những ai ưa tìm hiểu, thích suy tư, nhưng trí khôn con người thì không thể dùng để truy tìm sự khôn ngoan của thượng trí. Ngoài ra, con đường từ khối óc xuống trái tim tuy gần nhưng cũng rất xa, và vì thế, sự hiểu biết do cảm nghiệm, do những xúc cảm của con tim, của tình cảm lại là cái biết có khả năng thu hút được nhiều người. Đây là cái biết của quảng đại quần chúng, của những tâm hồn nhỏ bé mà chính Chúa Giêsu cũng có lần đã đề cao: “Vào lúc ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngơi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11:25). Tuy vậy, để biết về Chúa Giêsu một cách đầy đủ, chúng ta còn cần đến sự hiểu biết của thần trí được ban cho từ Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Giêsu đã hứa với các Tông Đồ trước khi về trời: “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Gioan 14:26). Sự hiểu biết đã làm biến đổi các ngư phủ từ nhút nhát, quê mùa, dốt nát thành những tông đồ hăng say rao giảng Chúa Giêsu, và sẵn sàng chấp nhận dù phải chết để minh chứng về Ngài.
Cuộc hành hương Đất Thánh Mùa Chay 2019 vừa qua đã cho tôi cơ hội được nhìn, được thấy, và được đụng chạm đến những nơi mà khi còn trên dương thế Chúa Giêsu đã sống, đã rao giảng, và đã đi qua.
1.NỐI KẾT GIỮA CỰU ƯỚC VÀ TÂN ƯỚC
Chúa Giêsu là Đấng nối kết giữa Cựu và Tân Ước. Ngài là Đấng mà Cựu Ước đã mô tả, và nơi Ngài hoàn tất những lời hứa Thiên Chúa với các Tổ Phụ Abraham, Isaac và Jocob. Lời hứa quan trọng nhất, đó là nhờ cái chết của Ngài trên thập giá,Thiên Chúa đã giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi, bẻ gẫy xích xiềng Satan vì Nguyên Tội, đã giao hòa và phục hồi quyền làm con Thiên Chúa cho nhân loại. Ngài cũng là Đấng đã đến để kiện toàn mọi lề luật.
Hình ảnh Vượt Qua
Hình ảnh đầu tiên khi viếng thăm Đất Thánh và đến bờ Biển Đỏ nhìn từ bên Do Thái qua Ai Cập hay từ Ai Cập qua Do Thái, là hình ảnh của Maisen. Ông cũng là hình ảnh sau này của Chúa Giêsu khi đưa dân Chúa vượt qua Biển Đỏ trần gian để về miền đất hứa là thiên đàng.
Trong Sách Xuất Hành có ghi, khi con cái Israel kêu đến Chúa và xin Ngài giải thoát họ khỏi kiếp nô lệ người Ai Cập. Ngài đã nhận lời, và đã thiết lập chương trình giải thoát họ. Đầu tiên, Ngài đã tỏ mình cho Maisen. Tại núi Horeb, trong quyền năng, Ngài đã xuất hiện trong bụi gai cháy, nhưng bụi gai không hề hấn gì để lưu ý sự tò mò của Maisen khi ông đang chăn chiên cho nhạc phụ là Jethro. Nhưng khi ông định đến gần bụi gai thì ông nghe tiếng Chúa phán đây là đất thánh và bảo ông phải cởi dép. Thiên Chúa phán bảo ông, Ngài đã nghe tiếng kêu cứu của con cái Isreal, và Ngài đã chọn ông làm thủ lãnh trong biến cố vượt qua này. Maisen đã hỏi Chúa tên gì, và Ngài đã trả lời ông “I am who I am”. Ngài truyền cho ông trở lại Ai Cập nói với Pharaoh cho phép ông dẫn dân Israel trở về đất tổ phụ của họ. Nhưng ông đã thưa với Ngài, ông là người không có tài ăn nói, thuyết phục. Thiên Chúa nổi giận vì sự thiếu lòng tin của Maisen, Ngài hứa sẽ cho Aaron, người anh họ của ông làm người phụ tá, giúp ông khi phải giao tiếp, ăn nói. (Exodus 4:10-12, NIV)
Sau 10 phép lạ, đặc biệt phép lạ Chúa giết hết con trai đầu lòng từ người đến súc vật xứ Ai Cập, Pharaoh đã để Maisen đưa dân Do Thái ra khỏi Ai Cập.
Maisen là ai?
Maisen là một nhà tiên tri theo các tôn giáo Abrahamic. Theo Thánh Kinh Hebrew, ông cũng được xem như một siêu nhân, một lãnh tụ. Ông là con nuôi của công chúa Ai cập, nữ hoàng Bithia ở Midrash.
Sách Xuất Hành ghi, Maisen sinh ra trong thời gian dân ông đang làm nô lệ người Ai Cập. Pharaoh thấy dân số Israel tăng nhanh nên bắt đầu lo ngại, và đã ra lệnh giết chết tất cả con trai của người Israel. Vì không muốn giết con mình, mẹ ông là Jochebed đã để ông vào một chiếc thúng và thả theo dòng sông Nile. Công Chúa đang tắm bên dòng sông nghe tiếng trẻ thơ khóc trong bụi sậy gần đó, bà đã cho vớt ông rồi nhận làm con nuôi.
Tuy được nuôi dưỡng, ăn học và lớn lên trong hoàng cung Ai Cập, nhưng Maisen cũng sớm nhận ra thân phận của mình, ông đã giết một người vệ binh Ai Cập vì hành hạ người nô lệ Do Thái. Khi Pharaoh biết chuyện này và có ý định giết ông, ông bèn bỏ Ai Cập trốn sang Midan tránh nạn. Ở đây, bên bờ một cái giếng, ông đã gặp vợ là Zipporah, một trong 7 ái nữ của thượng tế Jethro của Midian. Ông kết hôn và sinh sống tại đây. (Exodus 2:16-22)
Nhận lệnh của Chúa, Maisen đã từ giã nhạc phụ, cùng Aaron trở lại Goshen, Ai Cập, nơi người Do Thái đang sống kiếp nô lệ. Aaron đã giải thích cho các trưởng lão ý Chúa muốn giải thoát họ, và lời cầu của họ đã được Ngài nhận lời. Tất cả những trưởng lão đều cúi đầu phủ phục tôn thờ Thiên Chúa.
Sau khi Maisen đưa dân Israel vượt qua Biển Đỏ và họ dừng chân đóng trại tại Núi Sinai. Tại đây Chúa ban cho Maisen 10 giới răn. Nhưng qua 40 năm trong sa mạc, Maisen đã không được vào đất hứa. Trên ngọn núi Nebo, ông chỉ được Chúa cho nhìn thấy phần đất mà Ngài hứa ban cho con cái Israel bên kia sông Jordan, còn ông thì không được vào. Hiện giờ cũng không ai biết mộ phần của ông ở đâu.
Biển Đỏ và bụi gai cháy
Biển Đỏ nơi Maisen đưa cây gậy phân rẽ nước làm đôi cho dân Israel đi qua nếu nhìn từ phía Ai Cập nó không xa kênh đào Suez và nơi này ngày nay rất cằn cỗi. Rải rác một số chòi lá được dân địa phương dựng lên để bán những kỷ vật cho người hành hương. Cũng tại nơi này, khách hành hương sẽ chiêm ngắm một cái giếng cạn được lưu truyền là do từ tảng đá mà Maisen đã dùng gậy đập để vọt ra nước cho dân chúng dùng trong sa mạc.
Nhìn Biển Đỏ dù là bên này Ai Cập hay bên kia Do Thái, tư tưởng đầu tiên đến với những ai có mặt nơi đó là một đức tin lớn mạnh của Maisen, và sự tín thác của dân Israel vào Thiên Chúa và vào Maisen. Tuy chỉ là một eo biển nhỏ, nhưng chắc chắn chẳng ai dám liều mạng lao xuống đó để chết chìm mà bài ca khải hoàn Maisen và con cái Israel đã hát lên khi nhìn thấy xác quân Ai Cập dạt vào bờ sau khi bị sóng biển vùi dập:
Vang lên muôn lời ca, ta ca ngợi Chúa, vì uy danh Người cao cả. Chiến mã với kỵ binh, Ngài đã quăng chìm đáy biển (ư).
1.Ấy sức mạnh con, lời ca nơi miệng con là Chúa, nguồn cứu thoát của con.
2.Thiên Chúa của con, con hát khen Ngài. Thần của tổ tiên con, con tán dương Ngài.
3.Chúa là Ðấng anh hùng chiến sĩ, Ðấng anh hùng chiến sĩ. Danh Ngài là Ðức Chúa, là Ðức Chúa. (Xuất Hành – Hoàng Kim)
Bụi gai cháy là bước đầu dẫn đến biến cố vượt Biển Đỏ. Tuy nhiên, tiếng vang Biển Đỏ đã củng cố niềm tin của dân Israel vào Thiên Chúa, đến nỗi không mấy ai nghĩ đến bụi gai cháy, nơi mà Masen đã gặp Chúa, và được Ngài trao cho sứ mệnh giải phóng dân Ngài. (Exodus 3 and 4).
Ngày nay khách hành hương còn nhìn thấy hình ảnh bụi gai nơi Maisen gặp Chúa và chiếc giếng nơi ông gặp vợ tại dưới chân dặng núi Sinai, bên trong khuôn viên Tu Viện Thánh Catharine, một tu viện cổ kính nhất hiện nay tại vùng sa mạc Sinai.
Maisen trên núi Sinai
Ngoài Biển Đỏ ra, hình ảnh Maisen còn gắn liền với núi Sinai nơi ông được Thiên Chúa ban cho 10 giới răn. Đây là một ngọn núi cao gần 3 Km. Để lên được đỉnh của nó, khách hành hương phải ngồi trên lưng lạc đà hơn một tiếng rưỡi, rồi sau đó phải bước lên 700 bậc tam cấp gập ghềnh, trơn trượt. Dưới chân núi là sa mạc, trên đỉnh là gió hú. Không khí lạnh ban đêm và nóng bức ban ngày đủ nói lên cái uy linh, cao cả, và huyền bí khi nghĩ đến Thiên Chúa, nghĩ đến Maisen và nghĩ đến 10 giới răn.
Maisen đã lên ngọn núi này hai lần. Lần đầu khi xuống núi ông thấy dân chúng đang đúc bò vàng để thờ nên đã nổi giận ném vỡ hai hòn bia ghi tạc 10 giới răn, vì thế, ông đã phải lên một lần nữa để xin Chúa ban lại cho Israel và cho nhân loại sau này 10 giới luật vừa yêu thương, vừa răn đe, và cũng vừa an ủi cho những ai yêu mến Thiên Chúa.
Maisen trên núi Nebo
Và ngọn núi cuối cùng Maisen đã lên, đó là núi Nebo, nơi đây ông được Thiên Chúa cho xem thấy phần đất hứa, nhưng ông không được vào. Từ Nebo nhìn xuống Jericho là một thành cổ nhất và có lịch sử trên 1000 năm. Thành này xây trong đất Canaan, giáp Jordan khoảng chừng 8 dặm phía bắc Biển Chết.
SUY NIỆM
Maisen đã đưa dân Israel qua Biển Đỏ, đã đồng hành với họ suốt 40 năm trong sa mạc, đã lãnh nhận 10 giới răn trên núi Sinai cho dân ông, và cho nhân loại sau này.
Nhưng Maisen không vào được đất hứa. Có lẽ vì ông bị Chúa phạt do đã tỏ ra hoài nghi khi giơ cây gậy đập hai lần vào tảng đá thay vì chỉ có một lần để lấy nước cho dân chúng uống? Nhưng theo tôi, có thể là Chúa muốn ông thuộc trọn vẹn về Ngài. Ngài muốn chính Ngài trở nên gia nghiệp đời ông thay vì niềm đất mà Ngài đã hứa.
Cũng như Chúa Giêsu sau khi chết trên thập giá cho phần rỗi nhân loại, đưa nhân loại vượt biển chết trần gian là tội lỗi vào miền đất hứa hạnh phúc vĩnh hằng, Ngài cũng không chiếm hữu thế gian, nhưng đã trở về cùng Chúa Cha. Vì chỉ có Thiên Chúa mới là hạnh phúc viên mãn, là phần gia nghiệp cho những ai yêu mến Ngài.
Chúng ta sinh ra không để thuộc về thế gian, không để chiếm hữu thế gian, nhưng để thuộc về nước trời, thuộc về Thiên Chúa.
(Còn tiếp)
Lưu ý: Để tiếp tục theo dõi loạt Hồi Ký HÀNH TRÌNH TÌM VỀ DẤU CHÂN CHÚA, xin vào thăm facebook Duyệt Trần, hoặc theo dõi trên trang nhà www.giadinhnazareth.org
Views: 0