Đặng Tự Do
Vietcatholic.net. 30/Oct/2018
Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, Giám Mục về hưu của Hương Cảng vừa cho ra mắt cuốn sách mới “For Love of My People I Will Not Be Silent” – “Vì Tình Yêu Dành Cho Dân Tộc Mình, Tôi Sẽ Không Im Lặng”. Vị Hồng Y 86 tuổi tranh luận trong cuốn sách mới rằng thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc được ký kết hôm 22 tháng 9 đã gây nguy hiểm cho tương lai của Công Giáo ở Hoa Lục. Chế độ Cộng sản Trung Quốc không phải là vĩnh hằng, Đức Hồng Y viết; và nếu hôm nay “bạn xếp hàng đứng sau lưng cái chế độ này, ngày mai Giáo Hội của chúng ta sẽ không được chào đón trong việc tái thiết một Trung Quốc mới.”
Bình luận về cuốn sách này, tiến sĩ George Weigel, thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo, cho biết như sau:
“Một nguồn vốn đạo đức to lớn đang được xây dựng tại Trung Quốc bởi những cộng đồng tôn giáo từ chối không chịu khom lưng trước sự đàn áp của Cộng sản. Ngược lại, các cộng đồng tôn giáo gắn bó với chế độ sẽ phải mang dấu ấn của cái chế độ đó khi nó sụp đổ, và chắc chắn rằng cái chế độ Cộng sản sẽ phải sụp đổ. Sự đàn áp ngày càng gia tăng của Tập Cận Bình – không chỉ giới hạn trong các cuộc đàn áp tôn giáo – tự nó đã nói lên một cách hùng hồn rằng chế độ này thiếu tự tin về sự ổn định của nó; ngay cả cái chuyện quay ngược lại chính sách của Mao tôn mình làm Đại Đế cai trị suốt đời cũng cho thấy nỗi âu lo của Cộng sản. Trung Quốc có những vấn đề xã hội to lớn, tình trạng nhân khẩu học tệ hại, nạn tham nhũng gia tăng, trong khi tỷ lệ dân số có học thức ngày càng đông hơn cùng với nỗi bất bình về sự bất công trong phân phối thu nhập xã hội và việc kiểm soát xã hội một cách hà khắc của đảng Cộng sản (không phải chỉ trên không gian mạng mà còn nhiều mặt khác trong đời sống xã hội). Cộng tất cả những yếu tố đó lại, xem ra tiên đoán của Đức Hồng Y Quân là đúng: Chủ nghĩa Cộng sản Trung Quốc không phải là bất tử.”
Nhìn về tương lai của xã hội Trung Quốc trong thời hậu Cộng sản, tiến sĩ George Weigel viết:
“Và khi chế độ đó biến mất, thì sao? Lúc đó, theo tôi nghĩ, Trung Quốc sẽ là cánh đồng truyền giáo lớn nhất của Kitô giáo kể từ khi người châu Âu đến khu vực Tây bán cầu này vào thế kỷ 16.”
So sánh giữa Ấn Độ và Trung Quốc, George Weigel nhận xét rằng Ấn Độ là nơi có một hệ thống tôn giáo truyền thống đan quyện với văn hóa làm cho việc rao giảng Tin Mừng Kitô giáo trở nên cực kỳ khó khăn. Trong tổng số gần 1 tỷ 3 dân số, các Kitô hữu chỉ chiếm 2.3%, và, bất kể các nỗ lực truyền giáo rất lớn, tỷ lệ này không ngừng sút giảm sau khi người Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ vào năm 1947.
Trái lại, “Trung Quốc sẽ là một lãnh thổ mở rộng cho các cơ hội truyền giáo.” Giải thích nhận xét này, ông viết: “Cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao về cơ bản đã phá hủy các tôn giáo truyền thống Trung Quốc, và một xã hội hậu Cộng sản tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống cũng như việc phân phối công bằng sự thịnh vượng vật chất sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những gì sứ điệp Tin Mừng đưa ra.”
“Và ai sẽ đưa ra lời đề nghị của sứ điệp Tin Mừng một cách đáng tin cậy? Những người đã phải chịu đựng vì Chúa Kitô và sự thật, chẳng hạn như các giáo hội Tin Lành đang phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc? Hay những người đã thực hiện các giao dịch với những kẻ bách hại trước đó? Câu hỏi tự nó đã có câu trả lời.”
Source: National Review Did Pope Francis Just Make China Protestant?
Views: 0