Lê Đình Bảng
- Đối với những ai muốn tìm hiểu hoặc nghiên cứu về Công giáo ở Việt Nam, có một điều khá thú vị, đến ngạc nhiên, đó là thấy rất rõ bước đi của lịch sử truyền giáo luôn nhịp nhàng với quá trình hình thành–phát triển của ngôn ngữ – văn tự.
Khởi đi từ Chữ Hán, đến chữ Nôm và Quốc ngữ. Có kế thừa, chuyển giao, kinh điển. Có khai phá, thích nghi, hội nhập. Và có cả sáng tạo, thăm dò, chuyển động, kết nối. Hệt như xu thế của lịch sử và văn học truyền thống nước ta: Hán văn, Quốc âm và Quốc ngữ.
Nói như thế, có nghĩa là, Đức Tin đã được diễn tả, loan truyền; được đón nhận, được cộng sinh, cộng nghiệp, tiếp biến và thăng hoa ở miền đất này và với dân tộc thân yêu này bằng nhiều cung cách, ở nhiều mức độ, tầng bậc, nơi chốn khác nhau.
Vắn vỏi chỉ vài trăm năm thôi, mà bén giọt thông đồng, ra tấm, ra món hẳn hoi. Trong đó, rõ nét hơn cả, là dấu ấn của ngôn ngữ và văn tự – cụ thể là Quốc Ngữ – đã để lại nơi cửa miệng, trong ký ức, hoài niệm, trên sách vở, tư liệu và đặc biệt nằm sâu thẳm nơi các tầng bậc tâm thức u trầm của mỗi người.
Không phải chỉ là di sản, mà mãi mãi tồn tại như một hiện thực sinh động cứ mỗi ngày một cập nhật, phong phú, đa dạng, đáp ứng được mọi yêu cầu cấp thiết của thời đại đang lao về phía trước.
Xin tạm gọi đó là” tính chất Công giáo”, là”ngôn ngữ nhà đạo”, một cõi rất riêng, không lẫn vào đâu được, mà hễ cứ nhìn/nghe/ đọc tới là y như nhận ra ngay là của người bên đạo, là của xứ đạo, nhà thờ ở buổi ban đầu.
Nhưng qua chuyển biến của thời gian và cuộc sống, ngôn ngữ – văn tự ấy đã từng bước, vượt ra khỏi xứ đạo – nhà thờ, để trở thành tiếng nói và chữ viết chung của dân tộc.
Vâng, chính lúc ấy, Đức Tin– hiểu theo ý nghĩa thuần tuý của tín lý và thần học Ky tô giáo – đã trở thành Niềm Tin và Lòng Tin, vì đã thấm đẫm vào hồn cốt, máu thịt, chứ không chỉ ở ngoài đầu môi chót lưỡi.
Nó vừa là tín điều, trói buộc khắt khe; lại vừa là ân sủng, phúc đức, hạnh nguyện và hiến dâng, không tài nào đong đếm, cân đo được.
Nó đã là của ăn thánh thiêng để nuôi sống và nuôi sống dồi dào những người con Chúa Việt Nam xuyên suốt dòng lịch sử đón nhận Tin Mừng, đặc biệt trong những thời đoạn nghiệt ngã nhất của cấm cách, bão giông đầy máu lửa, hận thù. Như dụ ngôn hạt giống gieo vào lòng đất, phải hư đi để trổ sinh bông lúa trĩu vàng. Như hạt cải bé tí ti kia, gặp mưa thuận gió hoà, nảy ngọn xanh ngành, cho chim trời rủ nhau về nương bóng. Nhờ đó, ta tìm lại được những mầm chồi đã ương gieo, phát nguyên từ nguồn cố cựu Hán Nôm. Ta cũng gặt hái được hoa quả đầu mùa vừa nứt nụ, còn chân chất ruộng vườn của Quốc ngữ phôi thai, như một thể nghiệm. Con thuyền văn hoá ấy mang tên Hán Nôm- Quốc ngữ, đã”tải đạo”, đã vượt qua muôn trùng đại dương, đã dong ruổi, bồng bềnh khắp sông ngòi, kinh rạch, vạn chài Việt Nam. Đã lặn ngòi ngoi nước, chân lấm tay bùn trên đồng cạn đồng sâu của châu thổ sông Hồng, sông Cửu, sông Hàn, sông Hương. Để rồi, chạy cùng đường không khỏi nắng. Đã cập bến, đã neo đậu, đã lên bờ và đã nhận nơi này làm quê hương. Đây là cuộc hành trình của khai hoang, vỡ đất và dựng nghiệp. Mà đã gọi là khai hoang và mở cõi thì xét cho cùng, không thể tránh được một số hệ quả tất yếu, có thể là hoang sơ, vụng dại; biết đâu là thiếu sót, nhọc nhằn; đôi khi còn là va vấp, liều lĩnh, phiêu lưu nữa là đàng khác?
Nhưng phải thành thật nhìn nhận rằng, đây là lần đầu tiên, toàn bộ tiếng nói dân dã, thuần thành, tự nhiên theo quán tính, bẩm sinh và cha truyền con nối của người mình bao đời nay đã được đưa vào bài bản, khuôn phép, hệ thống nhất định theo mẫu tự La Tinh ABC.
Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Cái khó khăn ban đầu, tưởng như tuyệt vọng, là làm sao chọn được mẫu tự nào để ghi nhận, để lồng vào mỗi âm phát ra theo đúng khẩu hình của người mình?
Để khi mở miệng thành tiếng thì mỗi tiếng phát ra thành lời uốn lượn theo cửa miệng ( dù là âm môi, răng, lưỡi, nướu hay âm mũi, họng, óc, bụng. . . ) . Âm thanh ấy vang lên, thành tiếng nói có ý nghĩa, có luyến láy, ngân nga, có cung giọng bổng trầm, tiết nhịp của âm nhạc; , có vần điệu bằng trắc, đối đăng của thi phú, có ví von của ngữ nghĩa ViệtNam.
Viết đến đây, xin lỗi quý độc giả, cho phép tôi thay mặt rất nhiều anh chị em môn sinh để tưởng niệm giáo sư Lê Ngọc Trụ, thầy dạy chúng tôi môn Ngữ học Việt Nam tại trường Đại Học Văn Khoa và Đại Học Sư Phạm Sài gòn những năm 1960. (1) Âm thanh ấy – như từng câu chữ trong giảng khoá tâm huyết và khổ công của thầy đã truyền thụ – là”từ”, là”ngôn” để nghe, để nói; là”tự”, là”ngữ” để viết thành”chữ” và ghép lại thành”từ ngữ”hay”ngôn từ” để biểu cảm, trao đổi, chuyện trò, thông tin, chuyển tải, giao tiếp, ứng xử.
Và ở một lĩnh vực khác, từ ngữ ấy đi vào văn bản của văn hoá, nghệ thuật; trở thành tác phẩm, thành tư liệu, sách báo thuộc nhiều thể loại, mang nhiều nội dung khác nhau như : văn, thơ, kinh, kịch, truyện, hịch, chiếu, biểu, cáo. . .
Chữ và nghĩa vừa là xác, vừa là hồn, vừa mô tả cái cụ thể vật chất, lại vừa khái quát hoá những gì trừu tượng, vô ảnh vô hình. Thi ngôn chí / ý tại ngôn ngoại.
Riêng ở đặc điểm này, trộm nghĩ, giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre De Rhodes 1593-1660) là một trong những nhà truyền giáo Tây phương đầu tiên – với trái tim nhạy cảm và đầu óc tinh tế của một nhà ngữ học – đã sớm nhận ra”tiếng Việt rất giàu nhạc tính. . . Trong khi tiếng Tàu chỉ có 5 giọng, thì tiếng Việt có tới 6 giọng, rất phù hợp với các dấu nhạc Do, Re, Mi, Fa, Sol, La” của phương Tây. (2)
Không lạ gì, thi thoảng đó đây, vẫn có đấy ít nhiều cảm giác ngượng nghịu, lơ lớ, pha trộn khiến lạ tai lạ mắt khi ta nghe/đọc một số từ ngữ còn mang hơi hướm ngoại văn, từ gốc La Tinh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp.
Nhưng nên công bằng mà hiểu cho rằng, đa phần những ngôn ngữ văn tự ở dạng ấy lại là ngôn ngữ văn tự đặc thù của kinh sách lễ nhạc của giáo hội, mà ta thường gọi là”ngôn ngữ nhà đạo”hoặc”văn nhà thờ – thơ nhà đạo”.
Dễ hiểu thôi, ở thời điểm còn chạng vạng, tranh sáng tranh tối ấy – như đứa trẻ tập nói và học vần – làm sao có thể tròn vành, rõ chữ và chuẩn mực như ý muốn được?
Ngôn ngữ có đời sống nội tại của nó, chưa kể ảnh hưởng khách quan từ mọi phía. Tức là phải chuyển động, va chạm, phức hợp, thêm bớt, vay mượn, để đãi cát tìm vàng.
Thành thử ra, mấy trăm năm rồi, ta cứ như còn thoảng nghe chút dư vang lạ lẫm, hương xa, nhưng rặt mùi đạo trong câu hát vè, có xuất xứ ngay sau khi con tàu truyền giáo của Đắc Lộ bị bão dạt vào cửa bể Thanh Hoá.
Ngạc nhiên chưa, hôm ấy đúng vào ngày lễ mừng kính Thánh Giuse 19. 3. 1627, mở đầu trang giáo sử ở xứ Đàng Ngoài:
Thứ nhất, đền thánh Pha-pha
Thứ nhì, Cửa Bạng, thứ ba Thần Phù. . .
Và đây nữa, rõ ràng có một hợp âm hai chiều, vừa mang giai điệu bình ca La Tinh, lại vừa rộn ràng cung giọng dân nhạc Việt Nam :
Các thầy đọc tiếng La Tinh
Các cô con gái thưa kinh dịu dàng.
- Ngôn ngữ văn tự ấy là chứng từ phản ánh cả một sự thật tỏ tường rằng, các nhà truyền giáo Tây phương (với sự hợp tác của một số người Công giáo bản địa) đích thị là tác giả đã có công đầu trong việc sáng tạo và điển chế chữ Quốc ngữ, thiết lập nền tảng một ngôn ngữ, một văn tự hoàn toàn mới mẻ cho người Việt Nam.
Chưa hẳn triệt để và hoàn hảo, nhưng đã có chuyển dịch, đổi mới. Như một đề nghị, một thay thế cho Hán Nôm, đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình.
Đây là lần đầu tiên, như nàng dâu sắp về nhà chồng – qua Phép Giảng Tám Ngày và Tự Điển Việt Bồ La (1651) – Đắc Lộ đã giới thiệu chữ Quốc ngữ làm quà để ra mắt với bà con họ hàng người Việt mình.
Cùng lúc, nó đã được sử dụng làm phương tiện chính thức để ghi ký (theo mẫu tự La Tinh ABC) tiếng nói đời thường ở cửa miệng của người Việt mình, mà trước đây chỉ là những mẫu mã ước lệ hoặc sao chép từ phần thư rập khuôn”hình tượng” rất phức tạp và cố định của Trung quốc. . .
Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nói đến một số đóng góp mở đường cho Quốc ngữ từ 1651 đến 1882 của nhiều giám mục, linh mục, thầy giảng, nho sĩ, trí thức, giáo dân, như Alexandre De Rhodes (1651) , Pigneau de Béhaine (1749) , Phelippe Rosario Bỉnh, (1833) , Louis Taberd (1794-1840) , Philliphe Phan Văn Minh (1815-1853) ) , Nguyễn Trường Tộ (1827-1871) , Petrus Ký (1837-1898) , Huỳnh Tịnh Paulus Của (1834-1903) Genibrel (1898) , L. Cadiere (1869-1955) , Henri Maspero, Genibrel (1898) , E. Souvignet, Jacques Dournes. . .
Tóm lại, theo cách nói của Thánh Phao lô thì, dù Do Thái hay Hy Lạp – dù chữ Hán, chữ Nôm hay Quốc ngữ – miễn sao “chúng tôi rao giảng Đức Ki-tô bị đóng đinh”. (1Cr1, 23) .
Ở đây và lúc này, Lời của Thiên Chúa rõ ràng đã nhập thể-nhập thế vào một đất nước và một dân tộc cụ thể, mà Lời của Thiên Chúa không chỉ là ngôn từ, nhưng đã trở thành”xác phàm và ở giữa chúng ta”. (Ga1, 14) .
Càng đọc kỹ và ngẫm ngợi các bản văn, tường trình, thư từ, bút ký, lịch sử, địa dư, kinh sách, lễ nhạc, phụng tự của các giáo đoàn, thừa sai, cũng như của các thầy giảng, các nho sĩ cộng tác trong thời điểm này, ta càng thấy nỗi lòng trăn trở, khát khao cháy bỏng của họ: làm sao tháo gỡ được bức tường ngăn cách, dẹp bỏ cái rào cản bất đồng giữa nói và nghe; làm sao bắc được một nhịp cầu nối kết, liền lạc?
Tức là phải có một ngôn ngữ, một văn tự để nói, để nghe, để viết, để đọc, để ghi chép, để diễn tả, để thông tin, để truyền đạt?
Một trường đoạn gian nan, một con đường tơ lụa để hội nhập Đức Tin vào Văn hoá, nhằm phục vụ cộng đồng dân Chúa Việt Nam, một giáo hội còn non trẻ, những mong sao chân cứng đá mềm, thuận buồm xuôi gió.
Nỗ lực không mệt mỏi ấy, trên thực tế, đã diễn ra xuyên suốt chiều dài lịch sử mấy trăm năm, từ 1651 đến 1882. Nghĩa là từ buổi khai sinh của chữ Quốc ngữ cho đến Nghị Định số 82 do Thống đốc Nam Kỳ Lafont ký (1. 1. 1882) về việc bắt buộc dùng Quốc ngữ.
Tự biểt mình chậm chân và đến sau, thậm chí đã quá muộn mằn, bên cạnh Phật, Khổng, Lão và các tín ngưỡng dân gian đã cắm rễ thật sâu trong tâm khảm của người mình, ắt hẳn Công giáo đã phải nhẫn nhịn, tương kế tựu kế, để tìm đường, tồn tại. Đơn giản, bởi người Việt mình lúc ấy còn quá nặng nợ với chữ Hán, với Nho học, với chữ Nôm, văn Nôm. Không dễ gì dứt bỏ, xa rời.
May mắn thay, trước sau, Hán Nôm vẫn là Hán Nôm, một thứ văn hoá kiểu cách, xa lạ, chẳng phải là cơm gạo cần thiết cho bữa ăn độ nhật của người mình. Trong khi ấy, để học ăn học nói thành thạo thứ tiếng nói bản địa, xem ra cũng đã là một chuyện không dễ chút nào, mặc dầu trong con mắt của giáo sĩ Đắc Lộ thì đất nước- dân tộc này đã là miền đất hứa, nửa bước không muốn rời, bởi nó” vừa đẹp, vừa hiền hoà, dễ thương”; còn tiếng nói của họ thì”nghe cứ ríu rít như chim hót. . . “ (3)
Chắc hẳn, khi mới đặt chân lên vùng đất xa lắc xa lơ này, các nhà truyền giáo Tây phương đã sớm nhận ra thực tế lịch sử ấy. Thêm vào đó, là kinh nghiệm vừa nhận được còn tươi nguyên từ R. Nobili, Mic. Ruggieri và Nicolo Longbardi trong công cuộc truyền giáo ở Ấn Độ và Trung Hoa đã nhắc nhở họ phải khéo léo và mềm mỏng, nếu không muốn tự chuốc lấy hậu quả về mình.
Bởi vì, tranh thủ được người bình dân, đứng về phía quần chúng lao động, xem ra có phần dễ hơn là phiêu lưu xâm nhập vào cái hoàng triều cương thổ của giai cấp vua chúa, quan quyền, nho sĩ, quý tộc.
Đây cũng là nội dung cơ bản qua Huấn dụ 1659 của Giáo hội tha thiết muốn nhắc nhở hai vị chủ chiên tiên khởi của Đàng Ngoài và Đàng Trong”Đừng tìm cách, tìm lý lẽ để thuyết phục các dân tộc phải thay đổi nghi thức, tập tục và phong hoá của họ, trừ phi điều đó trái ngược hẳn với tôn giáo và luân lý. . . Đừng đem đến cho các dân tộc ấy cái xứ sở của quý vị, mà chỉ đem đức tin, một đức tin không khước từ, cũng không làm tổn thương các nghi thức và tập tục của bất cứ dân tộc nào. Quý vị hãy tìm cách làm quen với những tập tục đó. . . “ (4)
- Như trên đã nói, bản thân chữ Hán, vốn phức tạp, nhiêu khê, nên cứ mãi xa lạ, khó tiếp cận. Nói gì đến chuyện học cho ra học, để được coi là người chữ nghĩa, theo miệng đời. Bởi có chữ, hay chữ, nhiều chữ, hoặc xin chữ, cho chữ, chơi chữ và thờ chữ là chuyện đại sự của cả một đời, một bậc thang giá trị của xã hội. Thậm chí, đó còn là một trong những thói quen văn hoá, một thú vui được coi là bắc bậc nho nhạc của giới “trưởng giả học làm sang”?
Kỳ dư, thảy đều là trò đùa, báng bổ, nôm na mách qué của đám dân đen vô học! Chẳng lạ chi, nhà nghèo xưa chỉ một chữ cắn đôi, ù ù cạc cạc mấy câu tam tự kinh”nhân chi sơ, tính bản thiện.” Nhỡ mắc oan sai, kiện cáo gì, khi phải đến chốn công đường, chỉ chấm mực lăn tay, chứ nghiên bút văn bài gì đâu mà ký với cóp ?
Nói đâu xa, cứ nhìn rộng ra các nước xung quanh mà xem. Sau nhiều phen cải cách xoay xở khá vất vả, nhọc nhằn và tốn phí công sức tiền của – kể cả cuộc đổi mới được mệnh danh là cách mạng đại nhảy vọt – thì chữ viết của mấy nước có chung nền văn hoá với ta như Trung Hoa, Nhật Bản và Hàn Quốc ( gọi là tứ quốc đồng văn) vẫn như còn loay hoay, chưa thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn của “cấu trúc tượng hình”ngày xửa ngày xưa. Thực tế là họ cũng muốn La Tinh hoá chữ viết của họ như Quốc ngữ của Việt Nam ta lắm chứ, mà chưa được !
Hoá ra, nhờ cái vốn quý là Quốc ngữ – theo nhận định của Missi, cũng là quan điểm chung của giới chuyên môn – khi áp dụng các mẫu tự La Tinh vào tiếng Việt, giáo sĩ Đắc Lộ đã đưa Việt Nam đi trước thời đại tới 3 thế kỷ. (5)
Trộm nghĩ, ông tổ có công khai sáng ra Quốc ngữ là giáo sĩ Đắc Lộ, có lẽ cũng đã thấy trước một phần nào cái ngày hoàng đạo rạng rỡ bình minh của Quốc ngữ này? Cho nên, dẫu đòi phen bảy nổi ba chìm – hết quản thúc, rình rập, đến cách ly, ngăn cấm, trục xuất – ông vẫn một niềm đau đáu, bồi hồi, hoài tưởng. Cho đến khi hoàn toàn bị cô lập ở ngoại ô thành phố Esfahan của xứ Iran những năm tháng cuối đời, xa mặt, nhưng không cách lòng. Trái tim ông vẫn đập những nhịp đập xót xa, khi thốt lên: “Tôi từ giã xứ Nam bằng thể xác, chứ không phải bằng lòng trí. . . Thật sự, tâm hồn tôi đã để trọn ở nơi ấy và tin tưởng không bao giờ tôi có thể rời khỏi đó. “ (6)
Là con cháu mãi mấy trăm năm sau buổi hừng đông Quốc ngữ ấy, ở đây và bây giờ, đúng là lúc cả thế giới cùng sống trong một ngôi nhà chung, chỉ một cái click nhẹ trên bàn phím là mọi chuyện đã phơi mở dưới ánh sáng mặt trời, cùng sánh vai với thế giới văn minh trên mạng lưới của công nghệ thông tin.
Chúng ta tin chắc rằng hơn 90 triệu con dân nước Việt ở khắp năm châu bốn biển đã, đang và mãi mãi nhớ ơn khai sáng của ông.
Nhờ Quốc ngữ, người Việt mình đã vượt thoát khỏi vòng tăm tối nô lệ ngàn năm Bắc thuộc, đã phải ngậm đắng nuốt cay, để vay mượn chữ Tàu làm quốc gia văn tự, trong khi Quốc ngữ của ta đang ở vào thế thượng phong, hiện đại và thuận lợi trăm bề.
Một bên là đất nước-quê hương- dân tộc. Và một bên là Hội thánh tôi yêu. Cả hai cùng chung một gia tài của Mẹ Việt Nam, đó là ngôn ngữ- văn tự. Đó là Quốc ngữ, là phần hồn của một dân tộc. Tiếng ta còn, nước ta còn. So với Hán Nôm, Quốc ngữ rất dễ học, mà đâu có kém phần thâm thuý ?
Chẳng như chữ Nho ta ngày trước
Học mười năm, mới được nên thân
Biết bao đèn sách gian truân
Tới kỳ thi cử, muôn phần, khó thay
( Bài Ca Quốc Ngữ. Lê Khắc Ứng, 1880-1945)
Tham khảo từ nhiều nguồn tư liệu có giá trị chuyên sâu về đề tài này của Đào Duy Anh, Vũ Ngọc Phan, Dương Quảng Hàm, Hoàng Xuân Hãn, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Nghiêm Toản, Hoàng Trọng Miên, Thanh Lãng, Phạm Thế Ngũ, Võ Long Tê, Nguyễn Khắc Xuyên, Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Hưng, Nguyễn Hồng, Bùi Đức Sinh, Vũ Văn Kính, Phạm Đình Khiêm, Đỗ Quang Chính, Vũ Đình Trác, Trương Bá Cần, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Thế Thoại, Cao Thế Dung . . . thì câu chuyện Công giáo Việt Nam và Quốc ngữ – cũng là nỗi trăn trở về”con đường tơ lụa của Đức Tin và Văn hoá” – đã rõ, có thể khép lại.
Để kết luận, mời độc giả chia sẻ mối đồng cảm với kẻ viết bài này, khi cùng ngẫm ngợi trích đoạn sau đây của một trong những nhà chuyên khảo uy tín nhất về “Alexandre De Rhodes- Quốc ngữ và Lịch Sử Công giáo ở Việt Nam”.
Để cùng chia sớt chút ngậm ngùi với những người ở mãi đâu đâu, nhưng chỉ vì quá nặng lòng với miền đất này mà đành gửi thân cho đời sông, đời cát, theo sóng nước mênh mông.
“. . . Chữ quốc ngữ ban đầu đúng là do sáng kiến của một nhóm người trong giáo hội đưa ra. . . Nói được chăng là nhóm người đầu tiên mới sáng tạo ra cái” thân xác” chữ quốc ngữ, dù là quan trọng nhất. Nhưng người Việt chúng ta mới là kẻ”thổi hồn” cho thứ chữ này; vì đọc lên, chúng ta mới là người dễ cảm nghiệm được cái ý vị, cái tinh tế của tiếng Việt, đã nghe thấy từ lúc còn nằm trong nôi, với giọng ru êm ả của mẹ mình. Vậy có phải là cường điệu quá không, khi nói: dù có một số người Âu châu thông thạo chữ quốc ngữ. . . chưa chắc các ông đã “cảm thức” nhiều được tiếng Việt, dù có “trí thức sâu xa”, có cặn kẽ hơn biết bao nhiêu người Việt. Bởi vì, biết thì khác, mà cảm nghiệm được cũng lại là chuyện khác. . .
Những người nước ngoài ấy, nếu bây giờ sống lại thì sẽ phải vô cùng bỡ ngỡ trước cái hiệu quả nó mang lại cho cả một dân tộc, điều mà có lẽ chẳng bao giờ các ông dám mơ tưởng. Các ông đã sống trong đất nước Con Rồng Cháu Tiên, tập ăn tập nói tập sống như người Việt. Cũng nuôi tóc dài quá vai, cũng mặc áo thụng, đi thuyền và ở nhà sàn như nhiều người Việt thời ấy ở xứ “yến sào trầm hương”
Đàng Trong. Nhưng ông Pina bị chết đuối ở vùng biển Hội An lúc vừa 40 tuổi; ông Amaral cũng bị chết đuối nốt trong vịnh Bắc bộ khi được 54 tuổi. Còn ông Đắc Lộ tha thiết gắn bó với người Việt, khi rời bỏ Đàng Trong năm 1645 mà lòng vẫn đau như cắt. . . “ (7)
Chú Thích :
(1) . Tham khảo Vũ Đình Trác. Công giáo Việt Nam Trong Truyền Thống Văn Hoá Dân Tộc, Thời Điểm, Hoa Kỳ, 1996.
Đặc biệt, qua trao đổi trực tiếp với Bà Bernadette Pauline Lê Kim Ngọc Tuyết – trưởng nữ của giáo sư Lê Ngọc Trụ – tại văn phòng giáo xứ Thánh Phan xi cô Xavie ( nhà thờ Cha Tam) , quận 5 Sài gòn ngày 6. 7. 2010, chúng tôi có thêm một số thông tin mới nhất. Rằng Thầy đã tìm về đạo Chúa năm 1978, nhận Thánh Phê rô làm bổn mạng. Sinh thời, thầy là một tên tuổi lớn trong giới văn chương, học thuật từ 1940 đến 1975: Viết hàng trăm bài về Ngữ học Việt Nam trên các báo chí (1939-1975) ; Giảng dạy chuyên khoa Ngữ Học Việt Nam tại Đại Học Văn Khoa, Đại Học Sư Phạm Sài gòn (1956-1975) ; Chủ Sự Phòng Sưu Tầm và Thư Viện Quốc gia (1961-1964) ; Giám đốc Viện Khảo Cổ (1965-1970) ; Biên Tập Viên của Nhóm Soạn Thảo Từ Điển Bách Khoa Việt Nam (1956) ; Thành Viên Ban Điển Chế Văn Tự (1970) ; Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc bộ môn biên khảo (1961) với tác phẩm về Ngữ học”Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị”. Thầy là bạn thân với các bậc thức giả: Vương Hồng Sển, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, Vi Huyền Đắc, Đào Văn Tập, Toan Ánh, Nguyễn Bạt Tuỵ, Thái Văn Kiểm, Thanh Lãng, Lê Thọ Xuân, Đỗ Quang Chính, Nguyễn Khắc Xuyên, Lê Văn Lý, Nghiêm Toản, Đông Hồ, Nguyễn Đăng Thục. . .
(2) A. De Rhodes. Histoire du Royaume de Tunkin, Paris, 1651.
(3) và (6) A. De Rhodes. Divers Voyages et Missions, Paris, 1653.
(4) Huấn Dụ 1659 của Toà Thánh về Truyền giáo tại Việt Nam.
Cùng với biến cố trên, năm 1658, Đức Giáo hoàng Alexandre VII thiết lập 2 giáo phận đầu tiên ở Việt Nam; đồng thời bổ nhiệm 2 Giám mục tiên khởi: Francois Pallu (1626-1684) ở Đàng Ngoài và Pierre de la Motte (1624-1679) ở Đàng Trong.
(5) Tên một tờ báo chuyên về truyền giáo của các linh mục Dòng Tên, đặt toà soạn tại Hà Nội, 1950, do Đức Giám mục Giuse Trịnh Như Khuê làm chủ nhiệm.
(7) Đỗ Quang Chính. Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ, Ra Khơi, Sài gòn 1972 . Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt, 1998 và Tản Mạn Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, 2005; Hai Giám mục Tiên Khởi Ở Đàng Ngoài và Đàng Trong, 2004; Đắc Lộ và Phép Giảng Tám Ngày. . .
Views: 0