Elizabeth Nguyễn
Tôi sinh ra và lớn lên tại thành phố mù sương nơi mà nhiều người ưa thích thường đặt cho những mỹ danh đầy thơ mộng: Thành phố hoa, thành phố thơ, thành phố xanh, thành phố mộng mơ v.v và v.v…
Tôi hãnh diện là con cái của mảnh đất thân thương này và tự hào về quê hương của chính mình. Do đó những gì của Dalat cũng chính là của tôi. Và tôi yêu Dalat, yêu cả những nơi chốn, ngõ nghách của Dalat, những đồi cỏ xanh mướt với những hàng thông xanh nổi bật trên nền xanh của bầu trời, những con lạch nhỏ, những luống rau xanh, những con đường quanh co, những ngôi nhà gỗ đơn sơ và cả những biệt thự sang trọng khoe đủ mọi kiểu kiến trúc của tây phương… dấu kín trong những hàng rào kiên cốđược trang hoàng bằng những loại hoa leo đủ mầu sác, thật thơ mộng.
Pằng-Tiêng là một thôn làng mà tôi có nhiều cảm xúc yêu quí cần ghi lại. Pằng-Tiêng là một phần thân thể của Dalat, là một thôn làng xa xôi hẻo lánh của đồng bào dân tộc thuộc tộc họ K’ho, cuộc sống nơi đây còn lạc hậu, nghèo đói, lại nằm sâu trong rừng núi rậm rạp Tây Nguyên. Pằng-Tiêng trước đây thuộc xã Pitô, huyện Lâm Hà, và bây giờ đã được sát nhập vào xã Lat, huyện Lạc Dương, là một thôn làng nghèo nhất của xã này. Muốn đi từ Pằng-Tiêng về Thành Phố Dalat cũng phải trải qua đoạn đường dài hơn 40 cây số, với đường sỏi đá gồ ghề cheo leo, nguy hiểm.. Pằng-Tiêng với dân số trên hơn 700 với nguồn sống chính là trồng càphê, sản xuất lúa nước, lúa thổ và các loại khoai củ, nhưng nguồn thu không đáng kể.
Năm 2009 tôi có dịp theo chân linh mục Gioan Nguyễn Xuân Thu, dòng Chúa Cứu Thế đến thăm viếng nơi nầy, địa điểm gần như hàng ngày cha phải với chiếc xe máy cọc cạch lê từ làng Tùng Lâm cách hơn 20 cây số đến có mặt để giúp đỡ bà con người dân tộc nơi đây. Chúng tôi dừng chân chỗ trung tâm thung lũng, chung quanh rải rác, lưa thưa một vài căn chòi, nằm hắt hiu, cheo leo chung quanh trên các sườn đồi với kế bên là một con suối mà dân làng nói là nước mắt của chàng K’lang khóc nàng Biang từ núi Lâm Viên (LangBiang) chảy về, ghé qua thăm làng. Nơi đây cha Thu cho biết ngày 18.11.2009 vừa qua, Đức cha địa phận, Phê rô Nguyễn Văn Nhơn đã đến đặt viên đá đầu tiên để xây dựng nhà nguyện. Một địa điểm tương đối phù hợp cho một nơi muốn tụ tập đông người giữa một thung lũng mà chung quanh chập chùng nhiều đồi núi, khó có nơi nào tốt hơn hơn. Tôi chúc mừng cha. Cha cười nói: Khó lắm mới có được chỗ này đấy bác ạ. Khu đất này nguyên thuộc đất tư của một số giáo dân muốn nhượng lại với giá phải chăng trong tinh thần đóng góp trong ước muốn tại địa điểm này có một nhà nguyện để hằng ngày đến với Chúa Giê su và Mẹ maria. Phần chính quyền sở tại dứt khoát không muốn, nhưng dân thì nhất quyết. Cuối cùng là Ý Chúa được thể hiện – ngôi nhà tình yêu kết nối giữa Thiên Chúa và con người được đặt viên đá hình thành.
Điểm nổi bật nhất ở đây là ý muốn hình thành một ngôi Thánh Đường tại Pằng-Tiêng để giúp đỡ giáo dân Pằng-Tiêng khỏi phải hằng tuần vất vả từ chiều thứ sáu sắp xếp bồng bế lội đèo vượt suối trên quãng đường gần 20 cây số ra Tùng Lâm học hỏi Giáo Lý, dự Thánh Lễ, để ngày Chúa Nhật lại vội vã vất vả lộn trở về.
Dự án xây cất thì ổn định tốt đẹp, nhưng phần thực hành xây dựng thì thiên nan vạn nan, giáo dân thì còn quá nghèo khổ không thể đóng góp được gì hơn ngoài công sức và tấm lòng yêu mến Chúa. Cha Thu phải kêu gọi sự hảo tâm của toàn thể dân Chúa ở khắp nơi, kẻ ít người nhiều góp gió thành bão, góp tiểu thành đại để thực hiện dự án, giúp giáo dân nơi đây có một ngôi Thánh Đường để cầu nguyện, tâm sự cùng Chúa.
Cha dẫn tôi đến nơi viên đá Đức Cha vừa về đặt, bên trên được đậy bằng một vài mảnh ván, chỉ cho biết đây sẽ là Cung Thánh của ngôi Thánh Đường tương lai.
Tạ ơn Chúa, Chúa đã chọn nơi đây làm Nhà Chúa, để ban tình thương của Chúa cho anh em dân tộc nơi xa xôi hẻo lánh này. Trên viên đá vừa đặt Chúa đã xây Giáo Hội của Chúa tại đây. Nguyện xin Chúa hãy gìn giữ và chở che họ.
Tôi trở về thành phố với lo nghĩ không biết dự án xây cất này có hình thành được không? Có ngoài sức lo lắng của cha Thu không? Khi nhà cầm quyền đang chực chờ một một cơ hội thuận tiện nào đó là sẽ bắt ngưng ngay dự án. Tôi không tin khả năng của Cha Thu mặc dú cha rất năng nổ, cương quyết. Tôi mất tin tưởng trong chờ đợi sự tráo trở của những kẻ cầm quyền. Nhưng tôi tin vào quyền năng của Thiên Chúa, cảm nhận được Ý Chúa, biết Chúa xử dụng cha Thu như công cụ để Ngài thực hiện kế hoạch của Ngài. Tôi liên lỉ cầu nguyện.
Qua sự an bài của Thiên Chúa vào lúc 9g30 sáng ngày 27.7.2011 Đức Giám Mục Giáo Phận Đàlạt, Nguyễn Văn Nhơn, nay là Đức Hồng Y tại Việt Nam đang nghỉ hưu, đã đến chủ tế nghi thức cung hiến ngôi nhà thờ Pằng Tiêng. Cơ sở này thuộc Giáo xứ Tùng Lâm, Dalat.
Địa điểm năm 2009 tôi đến thăm là một thung lũng, khúc khỷu, cây cối um tùm, rậm rạp, nơi hang, hố hùm beo ẩn trốn. Chính nơi đó do công sức của cha Thu hằng ngày chăm bón, cùng chung sức với giáo dân, bưng, xê, khiêng vác những tảng đá từ lòng suối lấp đầy những hố thủng để có mặt phẳng tốt đẹp của ngày hôm nay. Năm nay 2011. Nơi này có Ngôi Thánh Đường Chúa ngự trị nổi bật giữa nền trời trong xanh, nương rẩy tốt tươi bao bọc chung quanh.
Vùng thung lũng Pằng-Tiêng ngày nay có thể được gọi là „Thung Lũng Tình Yêu“. Vì nơi đây Tình Yêu của Thiên Chúa đã và đang tuôn đổ cách dồi dào trên nhóm dân nhỏ bé của Ngài. Ngài không bỏ sót một ai bao giờ, dù con người đó ở đâu? Chỗ hang cùng ngõ tận cũng không bao giờ Ngài bỏ sót, nhờ các mục tử của Ngài đạ vâng lời đi rao truyền Lời Chúa cho đến tận cùng trái đất. Vinh Danh và Tạ Ơn Thiên Chúa.
Elisabeth Nguyễn (viết dùm người bạn tình)
Views: 0