Elizabath Nguyễn
Nói đến Dalat chắc chắn ai ai cũng đều biết, nghe tên, hoặc đã có lần đặt chân đến miền đất lạnh cao nguyên sương mù này. Dalat là quê hương nhỏ bé của riêng tôi, nơi tôi được sinh ra và lớn lên, nơi vẫn được mệnh danh là trung tâm du lịch hàng đầu của Việt Nam mà một số du khách ngoại quốc gọi là „Petit Paris“.
Thành phố xinh đẹp này nằm trên vùng đồi núi cao nguyên Lâm Viên, cách thủ đô Saigon 250km đường chim bay. Nhờ ở cao độ 1500m nên khí hậu lúc nào cũng dễ chịu. Nhiệt độ trung bình là 18 độ bách phân. Dalat có hai mùa mưa nắng rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4, thỉnh thoảng có mưa đá.
Tôi còn nhớ có trận mưa đá thật lớn đổ xuống rất nhiều đá, lúc đó tôi mới 10 tuổi và cô em gái kế thích quá, hai đứa rủ nhau chạy ra tắm mưa, bốc những hòn đá từ trời rơi xuống một cách say mê sung sướng bỏ vào miệng nhai rau ráu. Báo hại đêm đó chúng tôi lên cơn sốt vì bị nhiễm lạnh. Mẹ tôi đang buồn rầu vì tất cả rau trái trong vườn bị hư hại nặng, nhất là những trái dâu tây chín mọng tới kỳ sẽ hái vào sáng ngày hôm sau, thế mà vì trận mưa vừa rồi làm tan nát tất cả, nhìn những mảnh vườn bắp sú, cải thảo, spinat, carotten v.v.. xơ xác mẹ tôi cứ thở dài thườn thượt, giờ lại phải lo cho 2 cô con gái bịnh nữa. Mùa mưa thường hay có sương mù bao phủ trên các thung lũng như tấm lụa trắng che phủ không gian lạnh toát. Riêng trên toàn diện cao nguyên chỉ tỏa một lớp sương mù mỏng mầu lam tím làm cảnh vật càng trở nên diễm ảo.
Trước năm 1897 Dalat vẫn còn là vùng đất xa lạ đối với nhiều người. Rừng núi hoang vu, quanh năm mây mù, lác đác dưới những thung lũng một vài thôn ấp nhỏ, mấy cụm chòi tranh lưa thưa, những nhà sàn thô sơ được bao quanh bởi những rặng thông xanh bát ngát cùng những đóa lan rừng hoang dại. Đó đây bầy cà-tong (loài hươu cao cẳng) nhàn nhã dạo chơi, bầy nai lững thững gặm cỏ bên những con suối nhỏ róc rách nước trong veo. Ngày ấy, vùng đất này thuộc quyền cai trị của viên Tù Trưởng người Thượng tên Yagut, thuộc chủng tộc Koho. Dân chúng Dalat đã lấy tên ông đặt tên cho một con đường để nhớ sự góp công khai phá thành phố đó là đường Yagut nối từ đường Hoàng Diệu (Lò Gạch cũ) với đường Trần Bình Trọng dẫn đến dinh thự của bà Ngô Đình Nhu.
Mùa thu năm 1897, một y sĩ Pháp, ông Yersin và người yêu là nữ hầu tước Luxembourg, lần đầu tiên đặt chân lên vùng đất này đã nhận thấy đây là nơi lý tưởng để khai hoang lập nghiệp. Ý nghĩ của y sĩ Yersin phù hợp với tham vọng của viên toàn quyền Pháp lúc bấy giờ là Paul Doumer. Ông này cho thiết lập các cơ sở hành chánh, đài khí tượng, vườn ương cây…, đắp một con đường giao thông huyết mạch nối Dalat với vùng hạ du qua đèo Ngoạn Mục (Bellevue) và một đường khác xuôi nam qua đèo Bảo Lộc (Blao), dẫn về Saigon.
Đến năm 1903 đường xe lửa răng cưa từ Phan Rang lên Dalat tên là „đường xe lửa răng cưa Lâm Viên“ được bắt đầu thực hiện. Đoạn đường này chỉ có 84km mà phải mất đến 30 năm mới hoàn thành. (Đoạn đường từ Tháp Chàm đến Sông Pha 41km được hoàn tất và xử dụng năm 1919; đọan đường từ Sông Pha lên Dalat 43km hoàn thành năm 1932).
Dalat thuở đó như một thiếu nữ dậy thì duyên dáng, kiêu sa đã thu hút mọi giới đổ xô đến lập nghiệp và một số những doanh gia giàu có cùng những quan quyền thời đó đổ xô đến Dalat xây cất những dinh thự làm nơi nghỉ mát. Dalat có khá nhiều hồ, hồ Xuân Hương (Tên của hồ này không phải tên của nữ sĩ Hồ Xuân Hương như nhiều du khách thường nghĩ) nằm ở trung tâm thị xã, rất nên thơ với những hàng thông xanh thiên nhiên và hàng cây anh đào được trồng ở ven bờ hồ. Mùa Xuân Dalat hết sức thơ mộng, vào những ngày cậnTết quyến rũ biết bao du khách từ khắp nơi đổ về để thưởng thức không khí lành lạnh, để dạo chơi bên bờ hồ, dưới những hàng anh đào đỏ hồng nở rộ, trang điểm cho Dalat thêm phần lãng mạn. . Thời còn cắp sách đến trường nữ trung học Bùi Thị Xuân, lũ con gái chúng tôi, khi có giờ nghỉ giữa giờ học, thường rủ nhau xách xe đạp chạy vòng quanh bờ hồ và luôn luôn chúng tôi dừng chân nơi vườn „Bích Câu Kỳ Ngộ“, mặc dù chẳng có chàng nào để mà kỳ ngộ cả. Sau đó lại phải bay về trường thật nhanh để kịp giờ học kế tiếp.
Hồ Mê Linh, hồ Than Thở, hồ Đa Thiện nằm cách thị xã khoảng 5 km với những rặng cây bạch tùng, ngô tùng và những loại thông hai lá, thông ba lá, thông bốn lá mọc san sát ven các con đường uốn khúc quanh co, tạo cho toàn cảnh Dalat một vẻ nên thơ đặc biệt. Ngoài ra, do cấu tạo địa chất, các sông suối của Dalat chảy qua nhiều loại đá khác nhau, tạo nên nhiều ghềnh thác; thác Cam Ly rất đẹp là đầu nguồn của sông Đồng Nai. Đập Suối Vàng cách Dalat 18km. Nơi đây lớp chúng tôi (năm học đệ thất, tức lớp 6 ngày nay)cũng đã có dịp được cô giáo hướng dẫn cho đi du ngoạn một lần. Nhìn mặt nước óng ánh vàng lấp lánh khi phản chiếu tia nắng mặt trời, chúng tôi cứ nghĩ, thảo nào tên đập được gọi là Suối Vàng. Thác Prenn với lượng nước rất mạnh, nhất là vào mùa mưa, tọa lạc trên tuyến đường Saigon-Dalat nên rất được nhiều du khách thăm viếng, Thác Gougah, thác Datanla hùng vĩ nằm khuất trong đồi thông xanh.
Đối với nhiều người, nhắc đến Dalat là nhắc đến thành phố của các loại hoa, các loại rau vùng ôn đới. Nhờ khí hậu ôn hòa, thành phố này có thật nhiều màu xanh. Màu xanh của những rặng thông già, của những đồi cỏ trùng trùng điệp điệp, hòa lẫn màu xanh của những hồ nước trong, màu xanh của bầu trời tạo cho con người cảm giác bình an, thoải mái, nhàn nhã gần gũi với thiên nhiên. Vì thế con người Dalat hiền hòa, nhu mì, chất phác, Dalat quy tụ rất nhiều kỳ hoa dị thảo. Tất cả các loại hoa hiếm qúy trên thế giới đều có thể trồng được ở Dalat, từ những khóm hoa nhỏ bé như violet, forger-me-not, pensée, mugée đến những loại hoa anh đào Nhật Bản, những loại hoa tulipe đủ mầu của Hòa Lan v.v… Chỉ riêng hoa hồng, Dalat đã có mấy chục loại, khác nhau từ hương đến sắc khiến du khách đến Dalat đều mê mẩn vì hoa. Ngày nay có rất nhiều nhà trồng hoa ở Dalat được các chuyên gia canh nông từ Hòa Lan đem các loại hoa giống của Hòa Lan đến Dalat hướng dẫn cách trồng và chỉ cách lai tạo giống cũng như lai tạo màu, rất thành công. Hoa của Dalat ngày nay đã xuất cảng ra ngoại quốc rất nhiều, là nguồn thu nhập lớn cho thành phố này.
Hoa lan có đến hàng ngàn thứ, từ những loại dễ trồng trong chậu như thổ lan đến các loại phong lan sống bám trên cây, hương sắc vô cùng phong phú. Tôi còn nhớ vườn lan của ông nội chúng tôi cũng có thật nhiều loại lan, sáng nào cũng có những người Thượng mang lan trong những chiếc gùi đem đến bán cho ông nội tôi. Chúng tôi, lũ cháu nội (khoảng 30 đứa) lau nhau quỷ quái suốt ngày thích thú chạy chơi, đùa giỡn dưới những giò hoa lan muôn màu treo lủng lẳng ở trên đầu với thoang thoảng hương thơm của đủ loại lan. Tôi cứ tưởng vườn lan của ông nội tôi là đẹp nhất Dalat rồi, ngờ đâu trong một dịp theo ba tôi về thăm rẫy ở Tùng Nghĩa, khi trở về được ba tôi cho ghé thăm vườn lan của nhà văn Nhất Linh, tôi mới thấy vườn lan của ông nội mình thật còn kém xa vì chẳng những hoa lan đã ít hơn mà cách trang trí để làm tôn vẻ kiêu sa những giò lan lên một cách điệu nghệ thì vườn lan của ông nội tôi thua xa.
Là một thành phố tân lập, ngoài những sắc dân thiểu số như Koho, M-nông, Tày, Thái v.v… Cư dân Dalat đến từ nhiều vùng đất nước nên giọng nói mang một âm hưởng thật đặc biệt, pha trộn giọng nói của ba miền Bắc Trung Nam, nghe thật ngộ nghĩnh, ngọt ngào dễ thương. Các thiếu nữ Dalat, nhờ khí hậu hiền hòa nên có làn da thật mịn màng, đôi má lúc nào cũng hây hây đỏ hồng làm rung động biết bao trái tim trai trẻ. Năm tôi thi đỗ trung học đệ nhất cấp, bố tôi thưởng cho đi du lịch một chuyến về Saigon với cô bạn thân cùng lớp. Hai chúng tôi được các anh chị cùng lứa dắt đi dạo phố Bonnard, chúng tôi thật mắc cở quá sức vì người dân ở Saigon kéo đến bu quanh chúng tôi để xem hai cô gái có má hồng tự nhiên, không son phấn. (thực ra lúc đó tôi cảm thấy nóng bừng bừng, mặt đỏ như gấc)
Sinh hoạt Dalat bắt đầu từ tờ mờ sáng. Khi màn đêm còn bao phủ, người người còn nồng say giấc điệp thì tiếng chuông chùa Linh Sơn đã ngân vang, thức tỉnh thế gian. Đây là ngôi chùa lớn nhất Dalat, tọa lạc trên ngọn đồi ở đường Phan Đình Phùng, sau chùa là đồi chè bát ngát xanh um, kế bên tháp chuông chùa là trường trung học tư thục Bồ Đề. Từ ngày rời xa Dalat dấu yêu, đi định cư ở Tây Đức, những năm đầu tiên trên xứ người, cứ vào khoảng trời gần sáng tôi đều nằm mơ nghe thấy rõ ràng tiếng chuông chùa Linh Sơn ngân vang… mãi những năm sau này mới không còn bị ám ảnh nữa.
Giờ này, trên khắp các nẻo đường từ phố chợ dẫn về những thôn làng, những người sống bằng nghề trồng rau đang lũ lượt kéo nhau về sau phiên chợ khuya. Ai nấy gánh những quang gánh nhẹ tênh vì tất cả những rau cải, bắp sú, cà rốt, củ cải, rau, bắp và mận, dâu…(những đặc sản của nhà vườn) đã được bán hết cho bạn hàng tiểu thương mua chở về các tỉnh. Vài chiếc xe ngựa nặng nhọc thồ những kiện rau cải lớn về chợ Dalat, tiếng móng ngựa gõ trên đường khuya hòa lẫn tiếng nói cười xôn xao của những cô gái quê đi chợ về sớm tạo thành một âm thanh ma quái trong sương khuya.
Chợ Đêm, đây là một sinh hoạt rất đặc biệt của Dalat, họp từ 1 giờ khuya kéo dài đến khoảng 4, 5 giờ sáng. Giờ họp chợ này thường chỉ bán rau trái, bông hoa của nhà vườn và các tiểu thương mua bán trong lãnh vực này mà thôi. (ngày nay Dalat vẫn còn sinh hoạt này) Dĩ nhiên cũng có tất cả những hàng quà vặt và hàng quà sáng như hàng cà phê, bánh mì, các hàng xôi, hàng bánh v.v… Khi ánh dương ló dạng, những tia nắng đầu ngày chiếu xuyên qua làn sương mù trông như những hào quang của phép lạ, chiếu lóng lánh những hạt sương đêm còn đọng trên những búp hoa, tàu lá và trên những thảm cỏ xanh biếc… thì lác đác trên các nẻo đường từ buôn làng dẫn vào thành phố, vài nhóm người Thượng thuộc chủng tộc Koho đi hàng một, thành từng nhóm nhỏ, những cô gái Thượng mình trần phơi làn ngực căng tròn nhựa sống, chỉ quấn quanh bụng một chiếc Sàrông dài đến gót chân, lưng đeo gùi và địu con nhỏ trước bụng. Người nào cũng đen đúa, đi chân đất, con trai, đàn ông có người vẫn còn đóng khố, vai vác chà gạc, lưng đeo gùi đựng đầy nhưng khúc củi ngo dùng để nhóm bếp hay những giò lan rừng đem ra chợ để đổi lấy gạo, muối.
***
Dalat vào đêm với màn sương giăng giăng một màu lam tím nhạt, ánh đèn đường vàng vọt yếu ớt chiếu không lọt qua màn sương tạo thành một thứ ánh sáng mờ ảo huyễn hoặc như từ một thế giới không thực. Những cơn gió từ mặt hồ Xuân Hương gây gây lạnh khiến ta thèm không khí ấm cúng và giòng nhạc trữ tình của quán cà-phê Tùng với hương vị cà-phê thật đặc biệt, đậm đà ấm áp, uống một lần là nhớ mãi. Người ta đồn cà-phê Tùng có pha hạt cau khô nên hương vị khác những cà-phê của quán khác, điều này không biết thực hư thế nào nhưng tất cả dân Dalat đều kháo nhau như thế. Nếu thích không khí bập bùng quyến rũ với ly cà-phê pha Rhum thì bạn nên đến Ca-phê Vui của nữ minh tinh màn bạc Kim Vui giữa dốc đường Minh Mạng nối Khu Hòa Bình với đường Phan Đình Phùng. Nữ tài tử này có thân hình rất đẹp, quyến rũ nên mỗi buổi trưa ấm áp, nàng thường diện bộ bikini, leo lên xe hơi bỏ mui chạy vài vòng thành phố và quanh một vòng bờ hồ khiến dân chúng Dalat rất ngưỡng mộ, nhất là lũ học trò con gái chúng tôi. Chiếc xe mui trần chạy đến đâu là tiềng huýt sáo, tiếng la của những bậc nam nhi và đám học trò chúng tôi vang lừng một góc phố Dalat,
Sau đó nếu còn hứng thú đi thăm một vài nơi, mời bạn cùng tôi „từng bước từng bước thầm“ tay trong túi áo manteau nhẩn nha dạo phố. Đi vòng quanh Khu Hòa Bình gặp không biết bao nhiêu nam thanh nữ tú, ai ai cũng ăn mặc thật lịch sự, thật đúng là thành phố thanh lịch. Đi một lúc đã mỏi chân, khát nước. Thì đây, mời bạn ghé lề đường Minh Mạng uống một ly sữa đậu nành nóng hổi thơm phức mùi lá dứa mà bạn đã ngửi thấy từ xa trên đầu ngọn gió. Bạn cũng nên mua vài trái bắp nướng nóng hổi của người bán rong bên vỉa hè, trước tiệm bánh mì Vĩnh Chấn, Vĩnh Hòa vừa đi vừa lẩy từng hạt nhỏ bỏ vào miệng, vị ngọt ngào và dẻo quánh của từng hạt bắp mới hái ngon mộc mạc mà đằm thắm tình quê hương. (Ngày nay tôi cũng đi du lịch khắp nơi và nơi nào có bắp nướng, tôi cũng sà vào mua vài trái, nhưng chưa có trái bắp nào mà nó ngon như những trái bắp Dalat năm xưa).
Nhắc đến Vĩnh Chấn mà không nhắc đến những buổi tụ tập của chúng tôi, lũ học sinh, sinh viên, trước tiệm bánh mì này, vừa tán gẫu, vừa liếc mắt đưa tình, vừa chờ những chiếc bánh mì thật thon dài và thật nóng dòn vừa mới ra lò, mà hợp với túi tiền của lũ học trò chúng tôi. Rồi chúng tôi vừa ăn vừa tiếp tục tán gẫu đủ thứ chuyện học hành, chuyện trường lớp, chuyện thời sự, chuyện bồ bịch, chuyện riêng tư …
Bạn cũng đừng quên ông già bán đậu phụng rang của Dalat, ông này có biệt tài rang đậu phụng thật khéo, thật dòn, thật nóng mà lớp vỏ nâu nâu duyên dáng của hạt đậu phụng vẫn còn nguyên. Một đặc điểm khác là trông ông rất nghệ sĩ, điển trai kiểu tài tử gánh xiệc, lúc nào cũng đóng bộ quần áo của ông bầu đoàn xiếc, chiếc nơ không khi nào thiếu trên cổ áo chemise và nụ cười không khi nào vắng trên môi. Ông thường đeo chiếc thùng gỗ, đựng đậu phụng rang trước bụng đi bán trong các rạp chiếu bóng Ngọc Lan, Ngọc Hiệp và Hòa Bình. Sau đó ông đeo thùng đậu phụng đằng sau xe đạp, rảo quanh khắp các phố chính, nơi nhiều du khách qua lại với tiếng rao khàn khàn đục đục: “Đậu phụng don don, đậu phụng dòn dòn đây…“.
Đêm đã khuya, bụng đã đói, mời bạn ghé đường Trương Vĩnh Ký, sau lưng nhà hàng khách sạn Thủy Tiên. Nơi đây bạn tha hồ chọn món ăn: Một tô cháo lòng hay phở xào Bà Béo, miến gà Thủy Tiên hay mì hoành thắn Chú Ba, một bát chè trứng vịt hay chè chế-mà-phù, chè kê … của cô Tàu trẻ có nụ cười duyên dáng, ăn nói dễ thương ngọt ngào không kém chi chè của cô ta. Những thức ăn bình dân ở đây cam đoan với bạn, nấu không thua gì nhà hàng Chic-Changhai hoặc Sơn Nam, Nam Kinh.
Đối diện với những quán ăn khuya này là trường Đoàn Thị Điểm mà trước kia là trường tiểu học công lập đầu tiên của thành phố Đalạt (École Primaire de Dalat), là trung tâm các kỳ thi lấy bằng Tiểu Học (Primaire) thời bấy giờ của toàn tỉnh. Vị hiệu trưởng các niên học 1950 – 1953 là thầy Lê Thêm.
Ngoài thắng cảnh nên thơ, khí hậu tươi mát, Dalat còn nổi tiếng là nơi tọa lạc của Trường Võ Bị Quốc Gia, Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, nơi đào tạo quân sự những thanh niên ưu tú của đất nước. Trường Đại Học Quân Sự (Chỉ Huy Tham Mưu), huấn luyện bổ túc cho các sĩ quan từ cấp tá, chỉ huy những đơn vị lớn của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Những ai từng dự Lễ Mãn Khóa tại trường Võ Bị Dalat, chắc hẳn không thể quên hình ảnh oai hùng của sinh viên thủ khoa lúc dương cung bắn bốn mũi tên đi bốn phương trời, tượng trưng cho chí tang bồng hồ thỉ, cũng như không thể quên được đêm Chiêu Hồn Tử Sĩ vào trước ngày Lễ Mãn Khóa. Những chiều cuối tuần, khắp các nẻo đường phố Dalat và nhất là con đường quanh bờ hồ Xuân Hương, chúng ta thấy những chàng trai khôi ngô, tuấn tú oai hùng trong bộ quân phục sinh viên sĩ quan song hành bên cạnh những tà áo dài muôn mầu, muôn sắc trang điểm cho Dalat những ngày cuối tuần thơ mộng, nhộn nhịp, tươi vui và đầy sinh khí. Dalat còn nổi tiếng với Viện Đại Học Thụ Nhân (viện Đại Học Công Giáo), nơi có phân khoa Chính Trị Kinh Doanh đầu tiên của Việt Nam và trụ sở Giáo Hoàng Học Viện PIO X Dalat là nơi đào tạo các linh mục cho cả vùng Đông Nam Á, mà ngày nay đã có nhiều vị trở thành các vị Giám mục. Dalat cũng có những trường học chương trình Pháp Couvent des Oiseau, Domaine de Marie cho nữ sinh, trường Lycee-Yersin giảng dạy cho nam sinh.
„Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím Dalat sương phủ mờ, từng đôi đi trên phố vắng, bước chân em giữa không gian hoàng hôn của màn đêm…“ Bản nhạc gợi nhớ đến Thanh Tuyền, cô ca sỹ nổi tiếng của Dalat; rồi danh ca Khánh Ly, rồi Lệ Khánh với thi phẩm „Em là gái trời bắt xấu“ giờ đang lưu lạc nơi đâu? Hỡi những nữ sinh Bùi Thị Xuân, nam sinh Trần Hưng Đạo, các bạn Trí Đức, Văn Học, Việt Anh, Lycee-Yersin, Couvent des Oiseaux… giờ này các bạn đang ở đâu, có nhớ về Dalat với bao nhiêu nuối tiếc như tôi?
Rừng Ái Ân, Hồ Than Thở, Vườn Bích Câu, nơi hẹn hò của bao nam thanh nữ tú. Thung Lũng Tình Yêu bên Bờ Hồ Đa Thiện với Đường Vòng Lâm Viên, cùng bạn bè thi đua đạp xe đạp leo dốc Nhà Thờ Chánh Tòa dựng đứng. Rồi Sân Cù với những buổi rủ nhau „cúp cua“ ôm cặp sách lang thang trên những thảm cỏ xanh mướt hay túm năm tụ ba, chuyện ngắn chuyện dài dưới bóng mát gốc thông già. Những buổi được nghỉ học lũ con gái chúng tôi ngồi trên xe đạp, kéo nhau chạy trên con đường vòng qua Giáo Hoàng Học Viện đến Nhà Dòng Đông Các Cô (Don-Bosco) để ăn cắp hoa tươi và được tận mắt nhìn các thầy dòng đàn hát thánh ca vang dội cả một góc trời Dalat.
Giờ đây Dalat đã nghìn trùng xa cách. Kể từ khi lọt vào tay những người lãnh đạo cộng sản, Dalat mất hẳn địa vị thành phố du lịch. Những vườn hoa của các ngôi biệt thự đã thay thế bằng những vồng khoai lang, những luống hành ngò, rau húng v.v… Tôi không biết Dalat ngày nay ra sao, như thế nào?
Xin mượn lời của Vũ Lâm, tác giả „Câu chuyện về đường xe lửa Dalat“ thay lời kết: „Dalat ngày nay, Dalat nhân tạo, xanh xanh đỏ đỏ với những kiến trúc rẻ tiền của đám lãnh đạo có trình độ thấp kém, vô học trong chế độ cộng sản. Kiểu kiến tạo giả dối, tiểu công nghệ, ăn xổi ở thì, cho mong mau tay móc túi du khách, kiểu xin tiền lẻ, moi bạc cắc. Dalat ngày xưa như người con gái đẹp thơ ngây hồn nhiên mộc mạc không son phấn, Dalat ngày nay như cô gái ăn sương, đứng đường chờ khách trong đêm tối, lòe loẹt phấn son!“./-
Elisabeth Nguyễn (06.01.1999)
Views: 0