Văn

Một chút tuổi thơ

Trần Mạnh Hảo

 

BẢN THÂN TUỔI THƠ của mỗi chúng ta dù phải sống trong chiến tranh, trong tù ngục, trong đói và rét, trong sợ hãi và buồn đau vẫn cứ là tuổi thơ đẹp, là vườn địa đàng dưới thế.

Quê tôi gần biển và sông ngòi bao quanh, 9 tuổi đầu đi chăn trâu, sương mù tháng ba che phủ hết, tôi ngoái lại phía sau lưng, thấy làng mình chìm ngập trong khói, sợ quá tưởng cả làng bị cháy, khói bốc lên ngập trời; tôi bỏ trâu trên đê, chạy về nhà cứu mẹ, vừa chạy vừa khóc.

Về tới nhà, thấy mẹ đang chạy ra ngõ tìm tôi bảo : “Sương mù đấy, không phải cháy nhà đâu con trai!”. Tôi mừng quá, ôm mẹ khóc oà, khóc xong sướng quá, cứ muốn mình bé mãi, bé đến muôn đời; nhưng tôi phải buông mẹ ra mà đi tìm con trâu đang gặm vạt sương mù thăm thẳm ấy.

Những kỷ niệm bé tiu tiu này, mỗi lần ngoảnh lại tuổi thơ, tôi thấy ấm lòng vô cùng…Những đêm đông dài như vô tận, gió bấc vò xé tầu lá chuối sau nhà như xé vải, bố đi cải tạo (đi tù- hồi đó chưa có “mỹ từ : học tập”), mấy mẹ con như bầy chuột vón vào nhau trên ổ rơm cho đỡ rét.

Bốn anh em đói quá, mẹ phải kể chuyện sau này nếu giữ đạo tốt, chết sẽ lên thiên đường, được thánh Phê-rô cho ăn uống thỏa sức, đủ cả thịt cá, cơm ăn không hết, quả cây thơm ngon vô tận để các con đỡ đói mà dễ ngủ , đặng mơ giấc mơ sau khi chết mới được ăn no.

Sau năm 1954, quê tôi rận chấy tràn ngập, tôi đi bắt rận thuê, lấy từng lon gạo về nấu cháo cho các em ăn và chăm sóc mẹ mới đẻ em bé. Tối tối tôi lại đến nhà thờ cầu nguyện Chúa và Đức Mẹ : “Xin ơn trên cho rận chấy tràn ngập cả làng con, để con bắt rận thuê cho cả làng mà làm giàu!”.

Chín giờ tối ra khỏi nhà thờ, rét quá, người dúm lại như chiếc giẻ lau, ánh trăng mờ bỗng tràn ngập mưa phùn, tôi mừng vô cùng, sướng quá hét lên : “Con cám ơn Thiên Chúa đã cho mưa trứng rận xuống làng con, để cứu mấy mẹ con con khỏi chết đói !”.

Những kỷ niệm này tôi có hàng nghìn vạn, là những kỷ niệm đẹp mà buồn đã làm nên tâm hồn tôi sau này trong văn học. Ngoài hình ảnh mẹ, ông nội của tôi (giờ đang là nấm đất ở Nam Cali Hoa Kỳ) cũng cho tôi bao nhiêu hình đẹp thơ mộng trước năm 1954 (năm ông bà nội và các cô, các chú thím di cư vào Nam).

Con đê sông Đáy dài loằng ngoằng như rắn cuốn, nắng nõn chuối và mây cánh buồm, sông au au má đỏ, gió the the hương bưởi hương cau, một giờ yên ả không có tiếng súng, tiếng bom, tiếng tầu bay đầm già của Pháp ò ò trên đầu, tôi chạy theo ông nội qua đò, sang nhà thờ Phát Diệm đi lễ.

Ông đi trước, tôi làm chiếc đầu rau chạy theo sau, vừa chạy vừa nhặt thuốc tễ ai đánh rơi đầy mặt đê. Từng viên thuốc tễ tròn tròn, to hơn đầu đũa, màu nâu sậm, ông tôi thỉnh thoảng vo viên phơi trên tầu lá chuối khô, nay ai vứt bừa trên đê, nhiều vô kể. Tôi sung sướng vô cùng, hơn bắt được vàng, nhặt thuốc tễ cho vào hai túi áo căng phồng, tiếc rẻ, bỏ 3 viên vào miệng nhai nuốt trửng. Ông quay lai hỏi, kinh ngạc bảo tôi khạc ra : ” Không phải thuốc tễ, cứt dê đấy, nôn ra ngay !”.

Tôi sợ quá, khóc rống lên, không thể nôn ra được nữa rồi ông ơi ! Ông bắt tôi uống nước sông thật nhiều để dạ dày không trúng độc ! Quê tôi không ai nuôi dê, cả đời đã trông thấy món “thuốc tễ-dê” này bao giờ ! May mà nhờ Chúa, tôi không bị đau bụng, vì đã chén 3 viên cứt dê trong sự lầm lẫn trẻ thơ. Lịch sử, đôi khi cũng chỉ là đứa trẻ con đi theo ông nội, đã bốc nhầm thuốc như tôi ngày nào chăng ?

Nguồn: Internet

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.