Trần Mỹ Duyệt
-Mother’s Day này mẹ muốn tụi con mời mẹ đi ăn nhà hàng nào? Nhà hàng Tàu, Thái, Đại Hàn, Nhật, Mỹ hay Việt Nam. Chúa nhật tới là Ngày Hiền Mẫu, ngày của mẹ. Mẹ tự do quyết định.
-Nhà hàng nào thì cũng mỡ màng, bột ngọt, thức ăn nhiều hóa chất lại đắt đỏ. Mẹ chỉ thích quán “nhà tôi” thôi. Vừa bình dân, thực phẩm thanh khiết, lại vừa có bố làm đầu bếp chính. Thức ăn ngon, bổ, giá cả phải chăng, lại thêm bầu khí gia đình ấm cúng.
-Thôi đi mẹ ơi! Nói chuyện huề vốn nghe mệt quá. Nhưng nếu không ai ăn với tụi con, thì còn phải đợi đến Ngày Hiền Mẫu sang năm tụi con mới lại được dịp báo hiếu đấy.
Nói rồi mấy đứa nhìn nhau nhéo nhéo cặp mắt như chọc quê mẹ.
Mẹ mấy đứa con tôi là thế. Và nàng cũng là người vợ của tôi. Suốt đời chỉ biết hy sinh cho chồng, cho con, nay thì thêm mấy đứa cháu mà ít khi nghĩ đến cho mình. Suy nghĩ này xem như chỉ đúng và có ý nghĩa khi những người con đã khôn lớn, và đặc biệt, là đã có gia đình, đã làm cha hoặc làm mẹ. Ca dao Việt Nam có câu: “Sinh con mới biết lòng cha mẹ”. Đó cũng là lý do hôm nay, ngồi đây nghĩ về người mẹ đã khuất, dù tuổi đời đã về chiều, tôi vẫn thấy lòng mình nao nao, với những giọt nước mắt lăn nhẹ trên gò má.
Mẹ ơi! Trên nơi cao thẳm kia mẹ có thấy con đang ngồi đây và đang nhớ đến mẹ không? Mẹ biết con đang nghĩ gì về mẹ không? Con cho là mẹ biết, vì mẹ là mẹ con, vì mẹ vẫn thường nói mỗi khi la mắng đứa nào đó trong chúng con: “Chúng mày đứa nào làm gì tao cũng biết, tao đi guốc trong bụng chúng mày”. Và vì mẹ thương con rất nhiều. “Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào”.
Như con đã có lần tâm sự, là một người bạn đã xem chỉ tay con, xem tướng mặt con và nói với con: “Anh có số sống xa người thân. Cả đời anh lúc nào cũng cô đơn, xa nhà, xa cha mẹ, và anh chị em.” Mặc dù con bề ngoài lúc đó phủ nhận điều này và làm bộ như không biết, không tin, nhưng trong lòng thì con biết, con đã, đang, và cho đến hôm nay con vẫn là người sống xa những người thân.
Người thân đầu tiên là thầy. Sau những năm tháng vì học hành mà phải xa nhà, và sau 21 năm bố con xa cách, con chỉ về gặp lại người thân mình vỏn vẹn 2 tuần lễ để rồi vĩnh viễn con không được gặp thầy. Một sự xa cách làm con rất buồn. Và còn mẹ, tuy có một số lần con về thăm mẹ, nhưng mẹ ơi, lúc đó mẹ đã già rồi. Tai mẹ điếc, lưng mẹ gù, răng mẹ chiếc rụng chiếc lung lay. Những lần mẹ ra đứng đầu ngõ đón con từ xa về con thấy nét mặt mẹ tươi tỉnh, nhưng con hiểu rằng, mẹ tươi tỉnh vì thấy con mẹ về bằng an, và những khắc khoải mong chờ của mẹ phần nào được đền đáp. Để rồi nước mắt mẹ lại hoen mi khi con từ giã mẹ…
Những kỷ niệm cuối đời mẹ dành cho con là những nụ cười rạng rỡ của mẹ mỗi lần con về thăm mẹ, những lo lắng, hỏi han, những ân cần săn sóc. Nhưng một kỷ niệm tuyệt vời nhất mà con không bao giờ quên, đó là tình yêu của một người mẹ đã giúp mẹ gắng tranh dành từng hơi thở để chờ con về trước khi mẹ nhắm mắt. Con nhớ rất rõ khi nhận được tin em gọi cho biết mẹ yếu lắm và không biết sẽ ra đi ngày nào, con lập tức bay về và quả thật, mẹ đã chờ con, Mẹ nằm đó cố gắng dành dựt từng hơi thở để chờ con mặc dù mắt mẹ nhắm nghiền và miệng mẹ không nói lên lời. Nhưng con biết mẹ vẫn đang chờ con vì chỉ khi con gặp mẹ, đặt lên trán mẹ một nụ hôn cuối thì sau đó 5 phút mẹ mới lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng. Mẹ ra đi bình yên không một lời từ biệt, trăn trối. Nhưng còn gì nữa mà trăn trối vì cả đời mẹ, cả những hơi thở cuối mẹ cũng đã dành cho chúng con rồi. Mẹ yêu thương và hy sinh cho các con của mẹ đến phút chót.
Tiếng hát ai đó đang vang vọng trong gió nhẹ, đưa dòng nhạc Phạm Thế Mỹ với lời thơ đầy tình mẹ của Thích Nhất Hạnh lên cao, ập vào hồn con.
Một bông Hồng cho em
Một bông Hồng cho anh
Và một bông Hồng cho những ai
Cho những ai đang còn Mẹ
Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn
Rủi mai này Mẹ hiền có mất đi
Như đóa hoa không mặt trời
Như trẻ thơ không nụ cười
ngỡ đời mình không lớn khôn thêm
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm
(Bông Hồng Cài Áo. Nhạc Phạm Thế Mỹ. Thơ Thích Nhất Hạnh)
Người ta bảo, trong ngày hiền mẫu những ai còn mẹ nên cài một đóa hồng màu đỏ trên áo để cám ơn mẹ, còn những ai đã mất mẹ thì cài một đóa hồng màu trắng để nhớ mẹ. Con cũng chả biết lúc này trên áo con nên cài hoa màu gì? Màu hồng hay màu trắng. Bởi vì mẹ tuy mất đi nhưng mẹ vẫn mãi còn đó. Con dù gì thì vẫn chỉ là đứa con nhỏ bé trong mắt mẹ, và mẹ không nỡ bỏ con bơ vơ trên đường đời. Phần con, chỉ nghẹn ngào thưa với mẹ là “con yêu mẹ nhiều.” Nhưng những lời “con yêu mẹ nhiều.” lúc này dù nói lên hay không nói lên thì con vẫn mãi mãi không có mẹ bên con trên cõi đời này nữa.
Ngày hiền mẫu. Ngày nhớ về mẹ.
2019
Views: 0