Thanh Nguyên sưu tầm
Hình hài con khi còn là hạt bụi, lớn lên dần qua tim mẹ bao dung. Tình mẹ, ấm áp và rộng lớn lắm. Biết viết làm sao cho hết công lao mẹ đổ, biết nói làm sao cho thỏa tấm lòng mẹ dành cho tôi. Những gì mẹ hy sinh, cả đời này tôi cũng chẳng bao giờ trả hết. Mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày, nuôi nấng, dạy dỗ tôi. Tuổi mẹ, hết một nửa đã cho tôi mất rồi.
Mẹ tôi phúc hậu lắm. Dáng mẹ hơi tròn với làn da ngâm đen. Mẹ tôi không điệu đà. Tóc mẹ lúc nào cũng được túm gọn bằng dây thun. Mẹ tôi không giày cao gót, không váy đầm thướt tha, không phấn son kẻ mắt. Mẹ chỉ mộc mạc và bình dị vậy thôi. Là một cô giáo mầm non; sáng dạy dỗ những đứa trẻ, tối chăm lo cho gia đình. Bốn mùa nắng mưa, mẹ chỉ gắn bó với chiếc xe đạp già. Chiếc xe đã cũ, đã hỏng hóc nhiều; khi đi cứ phát ra tiếng “kót…két”. Ấy vậy mà thân thương, nghe cứ thấm đượm lòng tôi mỗi chiều về. Để được chờ đợi, được nhìn dáng người đạp xe trong nắng, đội chiếc mũ tai bèo mà thương lắm thương ơi.
Tôi thích những ngày như vậy, chứ tôi ít thích những ngày vào cuối tháng. Mẹ ít nói và thường trầm lặng. Đêm đêm lại thấy mẹ ngồi trước hiên, lẩm bẩm…tính tiền. Mẹ tính tiền điện, tiền mạng, tiền học, tiền sắm sửa,…Tính làm sao để chia ra mà trả cho đủ với số tiền lương ít ỏi. Suy nghĩ nhiều, tóc mẹ bạc càng nhiều, tôi lại càng đau lòng nuốt nước mắt vào trong.
Bao nhiêu là việc từ trên trời dưới đất rớt vào lưng mẹ tôi, khiến mẹ phải gồng lên mà gánh. Gánh nặng, mẹ phát bệnh đau lưng. Mỗi tối mẹ thường nằm ở ghế, than “đau lưng quá”. Đi bộ với tôi một chút, mẹ cũng vợi tay đấm nhẹ phía sau lưng. Và lúc không làm gì, chỉ ngồi chơi thôi, bệnh mẹ cũng bị tái phát. Những lúc ấy, xoa bóp cho mẹ mà sóng mũi cứ cay cay. Mẹ đã cực nhiều, mà sao cứ hay đau vặt.
Ừ, mẹ tôi đau vặt nhiều lắm. Năm cấp một, mẹ phải đi mổ vì khối u trên cổ. Khối u tròn tròn lẩn trốn phía bên cổ mẹ đã lâu, lúc đấy còn nhỏ tôi không biết. Thấy hay hay giống trái bóng thường sờ thử chơi. Ai ngờ, mùa đông năm đó “trái bóng” ấy bỗng to lên, ửng đỏ rất đáng sợ. Mẹ đi huyện khám, sáng đó tim tôi cứ đập liên hồi. Mẹ về, nói phải đi tỉnh mổ; tôi nghe, đêm nằm nước mắt cứ rơi. Tôi cầu nguyện, tôi khấn phật, tôi xin ông bà phù hộ cho mẹ tôi tai qua nạn khỏi. Và thế là qua thật, là u lành nên ca mổ thành công tốt đẹp.
Vậy mà mọi chuyện vẫn chưa dừng tại đó. Lên cấp hai, khối u đó tái phát. Mẹ phải đi mổ lần nữa, lần này tôi thấy ghét ông trời quá đỗi. Sao có thể hành hạ mẹ tôi đến như vậy, khiến cổ mẹ giờ đầy những sẹo, khiến mặt mẹ mỗi ngày một bơ phờ. Mặc dù cũng là u lành, mọi chuyện cũng đã qua. Nhưng thỉnh thoảng nhớ lại, vẫn thấy lòng đau lắm.
Sức khỏe mẹ không được tốt, thế mà mẹ càng không biết giữ gìn. Tôi thương mẹ, mà cũng có lúc giận ghê. Rửa chén, giặt áo quần, mẹ không mang găng tay. Để mấy ngón tay bị nứt nẻ, đến độ chảy cả máu. Trời hay mưa giông, mẹ quên không mang áo mưa. Để giầm mưa, ướt sũng. Gió mùa đông tràn về, mẹ bỏ quên chiếc áo len. Để cả ngày hôm đó phải chịu lạnh, mà ốm. Tính mẹ hay quên, mẹ quên trước quên sau. Nhưng lại chẳng bao giờ quên quan tâm đến tôi. Mẹ có thể nhịn đói, chứ không quên làm bữa sáng cho tôi. Mẹ có thể chịu lạnh, chứ không quên nhắc tôi mặc ấm. Mẹ quên mình, chứ có quên tôi bao giờ đâu.
Tôi đi học, một bước vào đời. Vui, buồn, đều về tâm sự với mẹ. Mẹ tôi không văn chương hoa mỹ, lời mẹ nói ra không bóng bẩy đầy thơ. Mẹ chỉ cười, mẹ cười và nói những điều chân thành nhất. Nhưng đối với tôi, vậy đã là quá đủ. Lúc được thành tích tốt, mẹ cười đầy tự hào. Lúc gặp thất bại giữa chặng đường đến ước mơ, mẹ cười an ủi. Lúc bị bạn bè ganh tị, mẹ cười bảo tôi vị tha. Mẹ sống bằng nụ cười của mẹ, tôi sống từ ánh nắng của nụ cười đó. Sao mà ấm, sao mà rộng lớn, sao mà bao dung quá đỗi.
Yêu, yêu quá, yêu ơi.
Đời tôi chỉ có một mẹ. Tôi thấy mẹ khổ, nên tôi muốn san sẻ nỗi khổ đó sang bên tôi. Tôi phụ mẹ rửa chén, nấu ăn, giặt áo quần, dù công việc cũng không có gì là quá to lớn. Nhưng nhìn thấy mẹ đỡ vất vả một chút, tôi cũng vui. Mẹ tôi đó, giản dị và phúc hậu. Mẹ tôi đó, không kiêu sa quý phái. Mẹ tôi, đẹp vì chính nụ cười của mẹ. Nên tôi yêu, yêu nhiều lắm.
Views: 0