Văn

Đá Mòn…nhưng Dạ Chẳng Mòn

Tiểu Tử

“Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn. Tào khê nước chảy vẫn còn trơ trơ!”

Hai câu thơ đó nó làm tôi ứa nước mắt! Không phải nó chỉ nhắc tôi thời thơ ấu, thuở học vui bằng quyển “Quốc Văn Giáo Khoa Thư”…. mà còn nhắc tôi một cái gì sâu đậm hơn: Kỷ niệm to rộng mênh mông hơn là không gian thời gian… mà trong cuộc đời lưu vong này tôi vẫn mang trong tâm tư, giống như chất ma túy: Nó nhắc tôi quê hương, quê hương xa cách ngàn trùng!

Tính ra, tôi bỏ xứ ra đi đã hơn hai mươi bốn (24) năm… một phần tư (1/4) thế kỷ! Trôi nổi đó đây với nhiều âu lo dằn vật, thêm tuổi đời cứ chồng chất lên… nên ký ức bị xói mòn theo năm tháng. Đến nỗi chuyện gì xảy ra tuần rồi, tháng trước… có khi không nhớ! Vậy mà hình ảnh của quê hương vẫn còn nguyên đâu đó ở trong lòng, với những kỷ niệm “vụn vặt” của năm sáu chục năm (50,60) trước! Chỉ cần một chất xúc tác là nó bật lên rõ rệt… không thiếu một chi tiết, làm như mình đang sống trong đó mới hôm qua hôm kia! . . Tình yêu quê hương sao mà kỳ diệu như vậy!

Nơi tôi sanh trưởng cũng là một làng nho nhỏ: Nó không sạch sẽ, không được trang hoàng bằng những bông hoa đầy màu sắc như ở đây… cũng không có suối nhỏ chảy ngang để 2 bờ được nối với nhau bằng cây cầu đá. .. Làng tôi nằm bên tả ngạn con sông lớn, quá lớn nên thấy cái làng nhỏ xíu! Con sông đó có tên chẳng chút gì “văn chương”: Sông Vàm Cỏ! Trong làng chỉ có một con đường tráng nhựa: đó là đường Liên tỉnh, cũng còn được gọi là “lộ cái” nối xóm trên xóm dưới. Ngoài ra, toàn là đường đất mà tiền thân của chúng là những con đường mòn, nối xóm Nhà Máy, xóm Lò Heo qua xóm Lò Gạch, xóm Chùa…Cho nên những con đường trong làng đều chạy cong cong quanh quanh!

Làng tôi cũng có chợ Nhà lồng, ngày nào cũng nhóm… nhưng chỉ nhóm buổi sáng. Nằm cạnh chợ là “Nhà Việc”, nơi . . . làm việc của những “nhà chức trách” trong làng. Xế xế về phía con lộ cái là trường tiểu học với hàng rào bông Bụp lá xanh um láng mướt!

Làng tôi không có nhà Thờ… nhưng có một “kiểng chùa” nằm trên khu đất cao, có rào tre xanh chung quanh. Hồi tôi còn nhỏ, thấy chùa nằm xa dân: Vắng vẻ u tịch (hồi đó, tôi ít dám đi ngang qua đó một mình vì . . . sợ ma!).Về sau, dân càng ngày càng đông, nhà cửa cứ xây cất tiếp nối nhau kéo dài ra hướng Chùa, rồi “đi”xa hơn về phía con lộ cái.Vì vậy, chùa bị lọt trũm giữa khu nhà dân, không còn biệt lập như trước!

Nhà cửa trong làng nhỏ lớn gì cũng có hàng rào. Phần nhiều là hàng rào cây xương rồng và cây bông bụp (cũng gọi là bông lồng đèn). Xương rồng cũng trổ bông lai rai, hoa trắng nõn nà mỏng manh như lụa, khác hẳn với thân cây mang đầy gai góc! Còn bông bụp thì cứ nở thè lè đỏ cây. . .
Đó! Làng tôi đó! Quê trân! Chẳng chút màu mè. Vậy mà sao tôi vẫn thương.

. . .Thương những con đường đất mà hai bên là bờ cỏ may. Đến mùa, cọng cỏ may đưa bông lên tua tủa tím ngắt, chỉ chực bám đầy ống quần nào bất chợt đi ngang.

. . .Thương những đoạn đường quằn, mùa mưa nước ngập phải xăn quần tém áo để đi qua, trong lúc trẻ con một lũ ở truồng nằm lăn chập chũm,tóe nước nhau cười vui như hội.

. . .Thương bờ sông Vàm Cỏ với những cây dừa trồng không thẳng hàng, cũng không chia đều khoảng cách, giống như “mạnh ai nấy trồng”! Mấy cây dừa đó, nằm quá gần bờ nước nên rất nhiều cây thiếu đất để giữ gốc, chúng nằm dài ra phía sông cách mặt nước độ một đôi thước rồi uốn mình đưa ngọn đứng thẳng lên cao. Vậy mà cũng đơm bông kết trái! Trẻ con thường trèo lên đó để phóng xuống nước nô đùa lặng hụp, và dân ở dọc bờ sông hay đem mền chiếu ra vắt lên đó để phơi.

. . .Thương con đường lên chùa có hai bờ tre xanh lả ngọn giao nhau làm cho con đường giống như một cái hang mát rượi.. Ở đó, mỗi trưa đứng bóng, những người dọn hàng từ chợ về nhà thường dừng chân núp nắng, và chiều chiều đường vắng cũng thấy thẫn thơ một cặp gái trai . . .

. . .Thương cả cây phượng nằm bên bờ đường trước nhà ông Cả. Thân nó to bằng ba người ôm, gốc rễ lấn luôn ra mặt đường. Ai đi qua cũng phải bước vòng để tránh! Đó là cây phượng độc nhứt ở trong làng. Không biết ai trồng và tại sao lại trồng ở đó? Chỉ biết hằng năm vào mùa thi là cây trổ hoa đỏ trời. Sau đó là hoa rụng đỏ đất.

. . ..Và còn thương nhiều thứ nữa, kể biết bao giờ cho hết!

Nhà tôi ở trong Xóm Mới. Gia đình tôi nghèo. Cha tôi trồng rau cải, mẹ tôi hằng ngày gánh xôi ra ngồi bán ngoài chợ… Cha mẹ tôi chỉ có hai đứa con trai : tôi và thằng Cu, nhỏ hơn tôi sáu tuổi. Cha tôi chết bịnh hồi mẹ tôi sanh thằng Cu . . .

. . .Nhớ hoài, thời tôi học tiểu học. Sáng nào, sau khi húp tô cháo với miếng đường thẻ, tôi ôm cặp đựng sách vở mà ông nội tôi làm bằng giấy dầu để khỏi bị ướt nước mưa, đi theo mẹ tôi ra chợ. Vì phải đem thằng Cu theo – lúc đó nó được hơn hai tuổi – mẹ để nó ngồi trong một cái thúng, gióng ở đầu đòn gánh phía trước, còn lá chuối, xôi,dừa nạo…v…v…dồn trong một thúng gióng ở đầu sau. Mẹ gánh như vậy mà bước chân đi sai sải. Đòn gánh nhún lên nhún xuống làm thằng Cu khoái lắm. Lâu lâu, mẹ đổi vai, đầu đòn gánh nhún xuống hơi sâu và tưng lên hơi cao làm anh ta cười hắc hắc để lòi bốn cái răng cửa nhỏ xíu. Những lúc đó, anh ta thuờng gọi tôi để khoe: “Hai!Hai! Coi nhè! Coi nhè!”.

Tôi học chỉ có buổi sáng. Mẹ tôi bán ở chợ cũng vậy. Trưa, chợ tan sớm hơn trường học, mẹ gánh thằng Cu đến ngồi đợi tôi dưới cây trứng cá gần cổng trường. Thấy tôi ra, thằng Cu đứng lên, vừa nhảy tưng tưng trong cái thúng vừa la:“Hai! Hai!”. Anh ta ở truồng – lúc nào cũng ở truồng – bên trên bận áo bà ba vải đen của bà nội may cho, đầu đội cái nón hình chóp bằng lá chuối mẹ xếp rồi ghim bằng cọng chân nhan . . . Mẹ đưa tôi gói xôi (đã thành lệ, ngày nào mẹ cũng chừa cho tôi một gói) tôi ngồi xổm cạnh mẹ, vừa ăn vừa đút cho thằng Cu. Ăn xong, tôi chạy qua bên kia đường xin một gáo nước ở nhà thầy giáo Hiển, rồi mang cho ba mẹ con uống (vì trong trường chỉ có một lu nước, không đủ cho đám học trò nên thầy Hiển đặt trước nhà thêm một lu. Vào giờ ra chơi, học trò bu qua đó đông như kiến.) Uống xong, mẹ gánh thằng Cu bước đi thông thả, tôi lon ton chạy theo song song!..

Hồi đó, vì phải chạy lúp xúp nên có lần tôi nhìn xuống bước chân của mẹ,coi mẹ đi cách nào mà mình cứ phải chạy theo lúp xúp! Mẹ đâu có bước lẹ, mẹ bước đều. Mẹ đi chân không, mỗi bước chân của mẹ giậm xuống làm tung lên một chút bụi đường.Tôi nhìn chỉ thấy có như vậy. Bây giờ, hơn sáu chục năm sau, ngồi ở trời Tây này, tôi đâu cần nhìn mà sao vẫn thấy được – thấy rõ – hai bàn chân của mẹ. Hai bàn chân to bề ngang, mấy ngón chân chè bè không bao giờ xếp lại được. Hai bàn chân xấu xí đó chưa từng đụng tới đôi giày đôi dép. Hai bàn chân chỉ biết có đôi guốc dong khi rửa chân đi ngủ, hay khi đi dự dám giổ, đám tang . . . Hai bàn chân đó đã bám lấy đất để đứng vững một mình nuôi hai thằng con, hỏi sao không chè bè cục mịch cho được?

Tôi bồi hồi nhớ lại lần tôi lau rửa đôi bàn chân của mẹ. Đó là hồi mẹ tôi mất sau một thời gian dài nằm bịnh ở nhà thương (Mẹ ngã bịnh từ ngày hay tin thằng Cu chết trận ở Đắc Lắc…).Tôi lau chân mẹ lần đó là lần đầu và dĩ nhiên cũng là lần cuối cùng. Tôi lau gót chân nứt nẻ.. Tôi lau lòng bàn chân chai mòn. Tôi lau những ngón chân tròn cứng như những hòn sỏi. Tôi lau chân mẹ bằng suối nước mắt và bằng sự thận trọng như khi lau một món đồ trân quí…

Tôi đốt điếu thuốc, thở một hơi khói dài. Lại nhớ hồi học lớp Nhứt: Có hôm tôi bắt chước bạn bè lén hút thuốc. Mẹ tôi thấy được, lôi tôi vào nhà bắt đứng khoanh tay để “hỏi tội”:

“Hai!.. Ai cho mầy hút thuốc, hả? Ai dạy mầy hút thuốc, hả? Mầy bắt chước ai, nói tao nghe coi? Mới có bây lớn đó mà bày đặt hút thuốc!”. Rồi mẹ chụp cây chổi chà dựng gần đó: “Tao phải đánh mầy cho mầy chừa.” Mẹ vừa nói “Chừa nè!” vừa đập cây chổi lên đít tôi thật mạnh. Cứ mỗi một câu “Chừa nè!” là một phát chổi. Mẹ đánh một lúc rồi liệng cây chổi, trèo lên bộ ván, ngồi co chân, rút cái khăn rằn đấp lên mặt khóc. Tôi đứng chết điếng, nghe mồ hôi chảy dài theo xương sống, không thấy đau ở đít mà đau ở đâu trong lòng. Bởi vì đó là lần đầu tiên tôi làm cho mẹ tôi khóc. Tôi mếu máo, rặn ra mấy tiếng : “Dạ . . . con xin chừa . . . “

Vậy mà lớn lên, khi ra đời, tôi đã . . . không chừa! Tôi tập tành hút thuốc hồi tôi đi lính, bởi vì “ở tiền đồn trời khuya đêm lạnh, ta chia nhau điếu thuốc ấm lòng”. . . Mỗi lần về phép, chẳng bao giờ tôi dám hút ở nhà vì trận đòn chổi chà thuở nhỏ vẫn còn đeo theo ám ảnh! Tôi hút ngoài đường . . .

Một hôm, đang đứng hút thuốc với mấy thằng bạn cùng xóm, bất thần mẹ tôi đi qua. Tôi vội vã liệng điếu thuốc xuống đất. Mẹ tôi dừng lại, mỉm cười : “Mầy làm cái gì vậy, Hai? Mầy lớn rồi chớ bộ còn con nít sao. Bây giờ, mầy có hút thuốc, tao cũng đâu có bắt mầy chừa!” Rồi bỏ đi một nước!

Mẹ tôi như vậy đó:Quê mùa mộc mạc như làng của tôi….vậy mà tôi vẫn thương.Tôi thương,đâu cần mẹ tôi phải đẹp,quê hương tôi phải sang.Tôi thương, vì tất cả đều gắn liền với tôi từ thuở tôi ra chào đời. Tôi đã quen thở, quen sống trong vòng tay của mẹ, giữa lòng quê hương; đã lớn lên trong cái thật thà chân chất đó. Cho nên hình ảnh của mẹ, của quê hương đã ghi sâu vào lòng tôi đến độ khi thiếu vắng, tôi thương tôi nhớ. Và tình thương đó vẫn chưa thấy mòn,mặc dầu bây giờ tôi đã ngoài bảy mươi! . .

* * *

Mặt trời đã lên cao!.. Thấy có vài người hứng nắng bên bờ suối:Tôi đứng lên đi về nhà mà miên man nghĩ:“Hình ảnh mà mình vừa gợi lại khi nãy sao mà dễ thương như vậy!..Mình phải viết để cho nó có chỗ đứng bên ngoài ký ức, cho các con & các cháu thấy và hiểu tại sao hơn hai mươi bốn (24)năm sống trên đất Pháp,cha và ông của chúng nó không nói…”thương nước Pháp,mà cứ nhắc hoài người mẹ đi chân đất và cái làng quê mùa không có đến 2 con đường tráng nhựa!”

Vào nhà, tôi đi thẳng lại bàn viết.Vợ tôi chắc đang nấu bếp nên nghe phất ra thơm phức mùi “thịt kho tiêu”!.Tôi lấy xấp giấy trắng, không cần đốt điếu thuốc, không cần hớp mấy ngụm nước trà để trợ hứng. Bởi vì cái hứng đang ở ngay trong tôi, căng đầy.

Tôi cầm bút nắn nót viết cái tựa bằng chữ hoa: “ĐÁ MÒN… NHƯNG DẠ CHẲNG MÒN”… ./.

Nguồn: Internet

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.