Văn

Ba tôi và âm nhạc

Lm. Giuse Lê Quang Uy, DCCT

 

Dòng họ bên nội tôi hình như hiếm ai say mê và có khiếu về âm nhạc. Bản thân ba tôi cũng không chơi được nhạc cụ nào, ông chỉ biết thưởng thức âm nhạc. Nghe kể như một giai thoại, hồi trẻ ba tôi quen một cô gái theo Tây học, rất giỏi chơi piano. Ông anh của cô học rất giỏi, trên ba tôi mấy lớp ở trường Bưởi (trường Chu Văn An ở Tây Hồ, Hà Nội), hay xuống tìm ba tôi để trò chuyện, chỉ vì, của đáng tội, ba tôi cũng học giỏi nổi tiếng. Thế là ba tôi có cơ hội được đến chơi nhà ông anh ấy.

Đó là một nhà vừa gia giáo lại vừa phong lưu, học hành đỗ đạt, thuộc tấng lớp trên đối với gia đình nhà ông nội tôi. Và ba tôi, “cậu” Lộc đã quen được với “cô” Q., tiểu thư xinh đẹp, nết na và giỏi giang. Lần nào lại chơi nhà, sau khi “đàm đạo” chuyện học hành xong, ông anh lại tế nhị bảo có việc phải đi một lúc, để cô em gái ở nhà tiếp khách qu‎ý. Đương nhiên là sẽ có một bản đàn piano của cô Q. được biểu diễn, còn bên cạnh là cậu Lộc với tấm bảng và giấy bút cho một bức phác họa thật nhanh bằng bút chì làm quà tặng. Trời ơi, tôi cứ hình dung ra cái cảnh nên thơ lãng mạn ấy mà thấy… bàng hoàng rung cảm !

Ba tôi kể cho cả nhà nghe, có cả mẹ tôi ngồi đó, câu chuyện tình năm 17 tuổi, vừa có âm nhạc lại vừa có hội họa. Mẹ tôi buông cho một câu kết thúc: “Hèn gì thằng Út nhà mình vừa… biết nhạc vừa biết vẽ !” Năm ấy tôi được 13 tuổi, đâu có ngờ chỉ một năm sau đó, thấy tôi học kém môn Toán, ba tôi đã nổi giận, t‎ý nữa thì đập vỡ tan cây đàn guitare anh tôi mới mua cho thằng Út. Còn mẹ tôi thì thẳng tay xé tan tành cuốn nhật k‎ý tình yêu đầu đời của tôi và một loạt tranh tôi vẽ đóa hồng hàm tiếu định để tặng “người trong mộng”. Mẹ tôi quát: “Mới t‎ý tuổi đầu mà đã yêu với đương, vớ vẩn !”

Thế đấy, những tưởng được thừa hưởng di truyền cái gen nhạc họa từ ba tôi thì may mắn, không ngờ thành… tai họa !

Trở lại chuyện ba tôi và âm nhạc. Hình như ông thoáng thấy cậu con út là “truyền nhân” duy nhất trong nhà về âm nhạc, nên từ rất sớm, khi tôi mới 3 tuổi, ông đã cho tôi được tiếp cận với thế giới âm thanh kỳ diệu. Dạo ấy máy magnétophone AKAI M5 vừa ra lò bên Nhật năm 1960 thì hai năm sau, hai chiếc đầu tiên được nhập cảng vào Sàigòn, ba tôi một cái, chú Minh, em kết nghĩa với ba tôi một cái, giá không rẻ chút nào đối với lương công chức ba cọc ba đồng của ba tôi dạo ấy.

Máy được “cắt băng khánh thành” với cậu Út nhà ta, đứng trên ghế cao, ngang với mặt bàn có đặt chiếc micro be bé vuông vuông, hát bài “Con mèo mà trèo cây cau hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà”. Hai cuốn băng tape hiệu Scotch quay tròn và phát lại âm thanh qua hai chiếc loa stereo. Chắc lúc đó mắt tôi tròn xoe, miệng tôi há hốc thấy cái máy to đùng đang… hát lại nguyên si bằng chính giọng loi choi con nít của mình. Ôi tiếng sét âm nhạc đầu đời của tôi !

Lớn lên, nhiều lần tôi được ba “tâm sự” là bản nhạc ông thường đắm mình thưởng thức từ ngón đàn thuở xa xưa của cô Q. chính là bản Sonate Ánh Trắng (Moonlight Sonata) của Ludwig Van Beethoven. Ông hỏi tôi như hỏi một người bạn “tri âm” vong niên: “Con nghe thấy… màu gì với đoạn Adagio mở đầu này ?” Không hiểu sao tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi trả lời: “Thưa ba, con nghe thấy… màu tím hoa cà ánh bạc ạ !” Ông bất ngờ đập mạnh vào đùi thằng bé hai cái liền: “Hay quá ! Giỏi quá ! Con thấy y như ba thấy, đúng là màu tím hoa cà ánh bạc !”

Thế là từ buổi tối hôm ấy, tôi mơ hồ hiểu được một điều mầu nhiệm: đó là với tình yêu lãng mạn, người ta có thể lắng-nghe-thấy-màu-sắc, và ngắm-nhìn-được-âm-nhạc !

Nghe ba tôi kể, sau này bà nội tôi không chịu đi hỏi cưới cô Q. cho ba tôi chỉ vì gia đình cô ấy mất cả cha lẫn mẹ rất sớm, e là sau này cô cũng yểu mệnh chăng ? Bà nội chấm mẹ tôi là cô gái láng giềng gần nhà, lớn hơn ba tôi mấy tháng tuổi, chỉ học được tới lớp certificat (lớp Năm bây giờ) thì phải nghỉ ngang để phụ lo cửa hàng xén, vì ông ngoại tôi đột ngột qua đời. Cô Q. sau này cùng người anh vào Nam từ khoảng năm 1940, rồi bặt vô âm tín.

Tôi mang máng nhận ra vết tích còn lại mối tình đầu của ba tôi khi chị Ba của tôi được ba đặt tên là Ngọc Q.. Khoanh vườn nhỏ xíu nhà tôi ở Sàigòn cũng có một cây hoa Q,. Những đêm trăng sáng, ba tôi trải chiếu ra hàng hiên, mẹ tôi pha ấm trà Tàu, bày đĩa hạt sen, hạt lạc, bảo là để nhâm nhi mà nghe ba tôi bình thơ. Thế rồi khi trời về khuya, lúc lũ con chúng tôi sắp ngủ gà ngủ gật thì ba tôi đọc Truyện Kiều: “Khi chén rượu, khi cuộc cờ, khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên…” Đúng lúc ấy, cây hoa Q. duy nhất của vườn nhà tôi… nở một đóa tuyệt vời !

Vậy đó, đối với ba tôi, có mối dây liên hệ giữa Thi – Nhạc – Họa. Sau này, không ngờ dòng lịch sử xoay vần thế nào từ Bắc vào Nam mà chị Sáu tôi (mới mất năm 2021 vì Covid) lại là học trò của… ma xơ Q.. Mẹ tôi giục ba tôi đi thăm Xơ Q. đi, ba tôi còn ngượng, chần chừ mãi, thì xơ lâm trọng bệnh rồi qua đời ở tuổi hơn 50. Lần này đích thân mẹ tôi đi với ba tôi đến nghĩa trang của Nhà Dòng viếng mộ xơ. Mẹ thắp mấy cây nến rồi khấn: “Xơ sống khôn chết thiêng phù hộ cho ông nhà tôi và con bé Hiền, học trò của xơ, được khỏe mạnh, bình an mọi sự là tôi biết ơn xơ vô cùng !”

Từ dạo ấy, thỉnh thoảng, ba tôi lại rủ tôi buổi tối, tắt hết đèn phòng khách, hai bố con ngồi đắm mình trong ánh sáng màu tím hoa cà có ánh bạc của bài Sonate Ánh Trăng. Ông còn dạy cho tôi nghe Méditation của Thais, Concerto Piano số 20 và 23 của Mozart, Concerto Bốn Mùa của Vivaldi, Ave Maria của Schubert, Halleluyah của Handel, Lagrima của Tarrega, Hoài Cảm của Cung Tiến…

Ba tôi không phải là một nhạc sĩ chơi đàn hay sáng tác, cũng chẳng hề là một ông nhà giàu sính nhạc cổ điển Tây Phương, ông chỉ là một công chức bậc trung, chạy xe Mobylette cọc cạch đi làm, xong là về nhà ngay, sụm họp với gia đình vợ con, đi Lễ Nhà Thờ, giữ nhiệm vụ đọc Sách Thánh, đến cuối đời thì chuyên lo dịch sách Đạo cho các Nhà Dòng. Đi làm bao nhiêu tiền lương về đưa hết cho mẹ tôi, bà cứ kiểm tra ví của ông, lúc nào cũng có một tờ năm trăm Nguyễn Huệ. Nếu thấy có xấp tiền lẻ tức là ông đã mua quyển sách “Livre de Poche” nào đó, mua một dĩa nhạc cổ điển 33 tours nào đó, hoặc mua mấy bánh thuốc lào 3 số 8, và mẹ tôi rút hết số tiền lẻ ấy ra, thay vào một tờ năm trăm mới, sạch bong…

Năm 1975, tất cả sụp đổ. Nhà cần có tiền để thăm nuôi ông anh tôi đi cải tạo, mẹ tôi gọi người đến bán dần giàn máy nghe nhạc qu‎ý báu của ba tôi: cái Tape deck Sony TC355, cái Ampli Kenwood, cặp loa Pionneer, cái Tourne-disque hiệu Dual. Lúc người mua đến, ba tôi bỏ đi sang Nhà Thờ để khỏi thấy cảnh đau lòng.

Không gian buổi tối nghe nhạc của ba tôi cũng chẳng còn, bộ bàn ghế salon bán đi lấy chỗ đào lỗ căng giàn go để dệt chiếu cho hợp tác xã mây tre lá Ba Nhất. Tủ sách văn chương và lịch sử bằng tiếng Pháp là sở thích thứ nhì sau âm nhạc của ba tôi lại bị mối xông thê thảm, rồi cũng đến ngày phải cân k‎‎ý bán ve chai vì bị coi là văn hóa nô dịch và đồi trụy của xã hội cũ.

Ba tôi chỉ còn có mỗi một cây hoa Q. ngoài sân. Sau này, năm 1988, ba tôi lâm bạo bệnh rồi mất ở tuổi 72, tôi ở Tổng Đội TNXP về thọ tang, nghe mẹ kể cây hoa Q. cứ héo rũ ra, tưới nước cũng không tươi lại được, mẹ bảo: “Cô Hiền xé một giải khăn xô ra buộc vào cành cây cho cây nó được chịu tang ba…” Chỉ nửa giờ sau cây hoa Q. đã hồi sinh y như lúc ba tôi sinh tiền hằng ngày vẫn ra chăm sóc nhặt sâu tỉa cành cho cây…

Phần tôi, tôi may mắn nhận được di sản ba tôi cho tôi chính là một chút tài vẽ, chút tài viết văn làm thơ, và cũng biết viết các bài Thánh Ca cầu nguyện và tạ ơn. Tôi hiểu sâu xa là Thiên Chúa yêu thương ba mẹ tôi, các anh chị của tôi và cho chính tôi hôm nay ngồi nhớ tất cả những giai thoại của gia đình mình, của đời mình mà ghi lại để tạ ơn Thiên Chúa, để tri ân ba tôi, cám ơn tất cả mọi người.

Không có gì chúng ta có hiện tại mà lại không khởi nguồn từ Thiên Chúa Tình Yêu, rồi chan hòa từ cha mẹ anh chị em ruột thịt trong gia đình truyền lại cho mình.

Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ cho linh hồn Antôn, ba của con, Maria Angela, mẹ của con, được lên chốn nghỉ ngơi, mà xem thấy Mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.

Giuse Maria Antôn Lê Quang Uy, DCCT, 2022

___________

#KyUcYeuThuong

Giuse Lê Quang Uy

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.