Văn

Ba tôi

Elizabeth Nguyễn

 

Tôi lớn lên ở ấp Đa Thiện, làng Hà Đông, thành phố Dalat, một thôn ấp sống bằng nghề trồng rau. Người dân chung sống với nhau như một đại gia đình rất nhân hiền, hòa thuận, vui vẻ và an bình. Tôi là con út của gia đình 11 người con.

Năm tôi bắt đầu cắp sách đến trường làng Trung Bắc, ngôi trường tiểu học nhỏ bé nằm trên sườn đồi cỏ xanh mướt, tôi đi học với thằng cháu bằng tuổi tôi, con của chị cả tôi, bố nó là một sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã tử trận, nên ba mẹ tôi đưa chị về cưu mang tại nhà chúng tôi. Từ nhà đến trường chúng tôi, bọn trẻ đi từ đồi bên đông xuyên qua thung lũng, qua suối, thay vì đi trên cầu với lũ chúng bạn, hai cậu cháu tôi lội suối rồi té nước cho các bạn bị ướt chơi, chúng tôi vui đùa lúc lâu mới chịu chạy đua tới trường, nằm ở ngọn đồi bên phía tây.

Cuộc sống đang êm đềm và vui vẻ như vậy thì vào một mùa hè năm nào, ba me tôi di chuyển cả nhà xuống Cam Ranh để sống. Chị cả tôi ở lại Dalat đi làm trong trường Đại Học Quân Sự Chiến Tranh Chính Trị, anh thứ  hai của tôi đã đi du học ở USA, hai chị kế thứ ba, thứ tư cũng đã đi lấy chồng, các anh rể của tôi đều là sĩ quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Từ ngày sống ở Cam Ranh, trong căn nhà nhỏ hẹp, không sân chơi rộng rãi như nhà ở Dalat. Không bạn bè người thân thiết nào cả. Sống ở đây thật buồn chán, khí hậu nóng nảy và phố xá Cam Ranh nghèo nàn thế nào, tôi khó chịu và cũng rất nhớ căn nhà Dalat với vườn hoa cây cảnh vườn tược ao cá v.v…

Và luôn luôn trong cái sân rộng trước nhà là sân chơi của bọn chúng tôi, lũ bạn cùng lớp trong làng. Nào là chơi u mọi, chơi tổng, chơi đá lon, chơi dích hình, chơi nhảy bao bố, chơi búng dây thung. Chơi chán chúng tôi leo lên cây ổi hoặc cây đào  được trồng ở hai góc sân từ bao giờ không biết mà cành lá xum xuê phủ đầy bóng mát cho chúng tôi chơi. Những trái ổi trái đào này không thể chín nổi vì bọn trẻ chúng tôi phá đến nỗi  trái non cũng bỏ vào bụng được, những trái trên cây còn xanh lè mà vẫn thấy ngon ơi là ngon. Bọn con gái cũng chơi chung với bọn trai chúng tôi nhưng khi chúng nó chơi lò cò hay chơi đánh thẻ, chúng nó tiểu nhân lắm không cho bọn con trai tụi tôi tham gia. Tôi bèn chia cho chúng nó một góc sân nho nhỏ thôi.

Ba tôi mê đọc sách, đọc báo vừa đọc vừa nhâm nhi ly rượu nhỏ với vài hột đậu phụng. Nhờ ba tôi mê sách báo nên chúng tôi được đọc nhiều truyện bằng tranh cho con nít, những truyện tấm cám, cô bé lọ lem, cô bé quàng khăn đỏ, phạm công cuc hoa, cậu bé Natra v.v…

Tôi hỏi ba tôi tại sao lại về đây ở, con thấy buồn quá. Ba tôi trả lời với chút ngậm ngùi:  „khi nào con khôn lớn thì con sẽ hiểu“. Ba tôi mua một chiếc xe Lambretta để chạy đưa đón khách, điều mà suốt cuộc đời chưa bao giờ tôi thấy ba tôi phải vất vả như vậy. Ông nội tôi xưa nay vốn là người giàu có nhất nhì làng Hà Đông. Ông lại là một trong những người có công đầu với một số người lập ra làng này từ những năm 1930, khi Dalat còn rất hoang sơ, là vùng đất „Hoàng Triều Cương Thổ“. Ba tôi sống như một công tử con nhà giàu nên khi ông lập gia đình với mẹ tôi, ông chưa hề nhúng tay vào bất cứ công việc gì. Từ khi tôi sinh ra và lớn lên tôi chả thấy  ba tôi làm việc gì mà vẫn sống ung dung. Mọi việc nhà đã có đôi bàn tay khéo léo và tấm tình chịu thương chịu khó của mẹ tôi quán xuyến, mẹ tôi không được học hành mà giỏi lắm, mẹ quán xuyến mọi việc trong ngoài ai cũng phải khen.Thỉnh thoảng có phim nào hay hoặc có đại nhạc hội từ Saigon đem ca sĩ ra Dalat trình diễn là ba tôi mua vé cho cả nhà cùng đi xem. Mẹ tôi không thích chuyện này tí nào song chiều chồng thương con bà cũng diện đẹp đi cùng.

Có lần vào dịp Tết, tại rạp Ngọc Hiệp đường Phan Đình Phùng chiếu phim hoạt họa Bambi của Walt Disney, ba tôi mua vé cho tất cả con nít trong nhà và các cháu, khoảng gần ba chục đứa đi xem phim. Chúng tôi vui lắm, đứa nào cũng mặc quần áo mới và đem theo bánh mứt kẹo ngọt và hạt dưa. Phim chiếu permenant nên khi vào rạp không còn chỗ ngồi, chúng tôi cứ chờ xem có người nào bước ra là vội vàng vào ngồi nên không ngồi chung với nhau được. Phim thật hay, hình vẽ rất đẹp, sống động với nhạc tuỵệt vời, đám con nít chúng tôi mê mẩn xem đi xem lại bốn năm lần cho đến khi đói bụng quá sức mới chịu rời rạp đi về. Riêng có chị Thanh Vân của tôi say mê phim quá mà gần nửa đêm chưa thấy về.

Cả nhà đổ đi tìm, ba tôi cứ đứng ở cửa rạp hát chờ giờ vãn tuồng, thì may quá, vào đúng 1.00 khuya rạp đóng cửa ba tôi mới thấy chị ấy ngơ ngác và đờ đẫn bước ra khỏi rạp. Ba tôi không một lời la mắng, chỉ hỏi con đói lắm rồi phải không, rồi dắt chị vào xe mì hoàn thắn của ông chủ người Tàu bên vỉa hè, hai cha con no nê rồi mới dắt chị về nhà.

**

Bé nhất nhà, năm đó tôi mới học lớp ba nên tối nào tôi cũng được ôm ba ngủ. Sáng ba tôi thức dậy sớm lái xe đi làm. Trước khi đi ba tôi để trên gò má của tôi một đồng kẽm trị giá 5 đồng. Đồng tiền có năm cánh như một bông hoa lạnh lạnh làm tôi thức giấc, cảm thấy mình thật sung sướng được cưng chiều. Tôi nằm im ôm đồng tiền mỉm cười sung sướng nghĩ đến buổi ăn sáng của mình khi thì xôi, khi thì bánh mì xíu mại hay bánh mì bơ đường, khi thì bún riêu, bún cá v.v…chả bù với khi ở Dalat buổi sáng, thì chỉ cơm rang với trứng, khi thì cháo đậu, lâu lâu mới có được bánh mì.

Có hôm sung sướng quá tôi nằm mơ mộng và ngủ quên mất, khi choàng tỉnh dậy thì vội vàng không kịp đánh răng rửa mặt, vội vàng ôm cặp sách chạy một mạch đến trường. Trường học ở đây cũng chán lắm. Cô giáo và học trò nói tiếng Việt mà lạ lắm, tôi chả hiểu gì cả, chả có bạn bè, phải mấy tháng làm quen với lớp, tôi mới hiểu được tiếng của họ và vẫn chưa có thằng bạn nào thân thiết để cùng chơi.

Buổi chiều ở nhà làm bài, học bài cùng các anh các chị. Tôi làm cho nhanh xong và khoảng 3 hay 4 giờ, tôi lang thang chạy ra chợ, nơi sạp bán rau và trái cây của mẹ tôi. Lần nào thấy tôi mẹ cũng hỏi con ăn gì chưa, có đói bụng không? Và chẳng đợi tôi trả lời, thường thường mẹ tôi cũng  dúi cho tôi vài đồng để cho tôi muốn ăn gì thì ăn. Tôi lang thang quanh chợ rồi thế nào cũng sà vào hàng chè đậu ván của cô bán hàng  xinh xinh, trong hơi hơi giống một bà chị của tôi ở Dalat, hoặc ngồi phụ mẹ bán hàng chờ đến chiều ba tôi tới đón mẹ con về nhà.

Tháng 4.1975.

Lúc này tôi đang ở trong Saigon với các anh chị tôi nên không biết tình hình ở Cam Ranh ra sao. Nỗi lo buồn cho gia đình luôn luôn canh cánh bên lòng, không ngủ được tôi mới thấm thía nỗi nhớ cha nhớ mẹ và các anh chị mà các cụ thường hay ví von là „ruột thắt gan teo“. Ngày ngày cứ mong chờ những tin tức và mong ngóng người nhà từ Dalat và Cam Ranh, mong  ước có người thân của mình theo đoàn người di tản về đây. Trong thời gian lo âu và chộn rộn này, một đêm nọ tôi nằm mơ thấy ba tôi chết vì bị trúng đạn thật đau thương. Tôi thương ba và nhớ quá khóc sướt mướt, sáng thức dậy thấy ướt cả chiếc gối. Tôi thật ngỡ ngàng, buồn rầu, không biết thực hư ra sao mà tin tức thì biệt vô âm tín. Chị tôi an ủi, nói chỉ là giấc mơ thôi, chắc ba không sao đâu. Em vì thương nhớ ba nhiều nên mơ vậy thôi. Mình cứ tin tưởng gia đình mình ai cũng an toàn cả em ạ.

Một tuần sau, tôi được tin của một người hàng xóm ở Cam Ranh chạy vào Saigon với gia đình để vào Tòa Đại Sứ Mỹ di tản theo diện người nhà làm việc cho cơ quan của Mỹ. Anh này cho tôi biết tin ba tôi bị máy bay tuần tra bắn trúng chết tại chỗ. Bà con làng xóm xúm nhau lại lo mai táng cho ông rất tử tế. Sở dĩ chỉ còn ba tôi ở lại một mình vì ba tôi chờ mẹ tôi về, chờ các anh chị ở Dalat xuống. Lúc này mẹ tôi đang ở Pleiku với anh trai tôi là phi công đang đóng quân tại đây. Khi cả nhà thuê thuyền tàu để di tản vào Saigon thì ba chịu cùng đi, nhưng chủ thuyền lừa chúng tôi, họ lấy tiền trước rồi cao chạy xa bay luôn. Nên chuyến tàu lần sau ba tôi nhất định không chịu đi. Ba nói: „Ba chờ mẹ các con về rồi ba mẹ cùng đi sau. Các con cứ chờ ba mẹ ở Saigon“.

Ba ơi, ba ra đi trong lúc nước nhà chộn rộn vì đổi chủ, ba ra đi thật là đau thương và cô đơn quá trong khi gia đình nhà mình, ba còn mẹ con, ba có đông con và một đàn cháu nội ngoại cả hơn chục đứa cháu ngoan ngoãn kháu khỉnh.

Chị tôi lập bàn thờ ba để thắp hương cầu nguyện cho linh hồn ba được siêu thoát. Chị tôi kể chuyện, trước kia, mỗi khi cha con thỉnh thoảng có những lúc hàn huyên tâm sự với nhau, ba có nhắc với chị là khi nào ba có đau ốm hay hấp hối thì nhớ mời linh mục đến cho ba nhé. Chị tôi rất ngỡ ngàng mà không dám hỏi  lại, chị chỉ nghĩ là ba vui đùa thôi, vì chắc ba nghĩ, chị theo đạo Thiên Chúa nên ba nói vậy cho chị vui thôi, chứ ở nhà ba thường thắp nhang trên bàn thờ Phật vào những ngày rầm và mồng một, trên bàn thờ luôn luôn phải có hai bình hoa tươi và thỉnh thoảng ba đòi ăn chay, chỉ ăn rau ăn đậu thôi.

 Tôi được biết ba tôi phải dọn về Cam Ranh những ngày đó vì ba lỡ thua bài bạc, thua rất nặng nên mẹ tôi phải bán tất cả tài sản để trả nợ, rồi lưu lạc về Cam Ranh. Vì ba tôi xấu hổ với anh em trong gia tộc và với tất cả dân làng nơi mình sinh sống, nên muốn rời xa nơi đã cưu mang gia đình hơn nửa đời người của ba và ba nhất quyết bỏ bài bạc, xông xáo làm một người lao động tầm thường, lái xe Lambretta chở khách để chia sẻ với bao cực khổ mà mẹ  đã suốt đời hy sinh cho chồng con.

“Mẹ cha trọng quá ngọc vàng, đền bồi sao xiết muôn vàn công ơn” (Ca dao.) Mỗi năm đến ngày giỗ ba, chúng tôi quây quần bên mộ ba tôi đã được cải táng nằm chung bên mộ mẹ tôi. Chúng tôi cầu nguyện và kéo nhau về nhà ông anh thứ 5 trong gia đình để cùng nhau chia sẻ bên mâm cơm đoàn tụ gia đình. (vì ngày nay mỗi người một phương trời nên mỗi năm đều có mỗi hội ngộ gia đình  anh chị này mà không có gia đình anh chị khác v.v…)

Mỗi lần cầm chùm chìa khóa trên tay có gắn đồng bạc cắc năm cánh hoa có con số 5 tròn đẹp tôi vẫn giữ từ thuở đó như ba tôi luôn bên cạnh mình với nhiều kỷ niệm yêu thương thật trân quý trong đời thơ ấu của tôi. Ba ơi, ba sống mãi mãi trong lòng con. Con út ít yêu dấu của ba. Nguyễn Phượng Thành Phương.

Elisabeth Nguyễn (viết cho cậu Phương)

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.