VĂN HÓA

Những phong tục tập quán trong ngày Tết Nguyên Đán của người Việt Nam

L.Vũ (th)

 

GĐXH – Trải qua chiều dài lịch sử, các phong tục tập quán của người Việt trong dịp Tết cổ truyền vẫn được lưu giữ từ đời này qua đời khác. Hãy cùng Gia Đình và Xã Hội điểm lại những phong tục đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt.

Tết Nguyên đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam với đa dạng các phong tục tập quán. Những ngày là Tết dấu mốc quan trọng để bắt đầu cho việc khởi đầu một năm mới với những điều tốt đẹp nhất, mang đến hy vọng một năm mới an lành, may mắn, thành công cho người người, nhà nhà.

Tết Nguyên đán Việt Nam có ý nhĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, thể hiện sự trường tồn và khao khát của con người về sự hài hòa Thiên – Địa – Nhân. Tết là sự biểu hiện của mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong tinh thần văn hóa nông nghiệp, với gia tộc và xóm làng trong tính cộng đồng dân tộc, với niềm tin thiêng liêng, cao cả trong đời sống tâm linh…

Tết Nguyên đán là ngày mọi người trở về nhà sum họp, hỏi thăm nhau sau một năm dài xa nhà. Trải qua bao biến động lịch sử, những phong tục tập quán Việt Nam trong ngày Tết Nguyên đán vẫn được lưu giữ từ năm này qua năm khác, từ đời này qua đời khác. Nó dần trở thành nét đẹp trong văn hóa ngày Tết, những phong tục này cũng chính là thay cho lời chúc một năm mới may mắn, bình an.

Phong tục tập quán gói bánh chưng ngày Tết Nguyên đán được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Ảnh: Diễm Hằng

Phong tục là gì?

Theo Bách khoa toàn thư, phong tục là toàn bộ những hoạt động sống của con người được hình thành trong quá trình lịch sử. Ổn định thành nề nếp, được cộng đồng thừa nhận, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Phong tục không mang tính cố định, bắt buộc như nghi thức, nghi lễ nhưng cũng không tùy tiện như hoạt động sống thường ngày. Nó trở thành một tập quán xã hội tương đối bền vững và tương đối thống nhất.

Phong tục có thể ở một dân tộc, địa phương, tầng lớp xã hội hay thậm chí một dòng họ, gia tộc. Phong tục là một bộ phận của văn hóa và có thể chia thành nhiều loại.

Tập quán là gì?

Bách khoa toàn thư cũng nêu rõ, tập quán là thuật ngữ được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau. Dưới góc độ ngôn ngữ, tập quán là một thói quen được hình thành lâu đời được mọi người tuân theo. Là những quy tắc xử sự được hình thành một cách tự phát lâu ngày trong đời sống, xã hội và được chủ thể thừa nhận là quy tắc ứng xử chung.

Dưới góc độ pháp lý, tập quán là thói quen đã thành nếp trong đời sống, xã hội; trong sản xuất và trong sinh hoạt thường ngày, được cộng đồng có tập quán đó làm theo như một quy ước chung của cộng đồng.

Phong tục tập quán là gì?

Trong cuốn Văn hóa du lịch của Giáo sư Nguyễn Phạm Hùng có viết: “Phong tục tập quán là những thói quen văn hóa có tính dân tộc và tính lịch sử được hình thành trong đời sống của con người, trở thành những chuẩn mực văn hóa được mọi người thừa nhận và tuân theo.

Những chuẩn mực văn hóa đó có thể là những quy phạm xã hội mang tính bắt buộc, hay cũng có thể là những quy ước văn hóa mang tính tự nguyện đối với các thành viên trong một cộng đồng xã hội. Đó là những ứng xử văn hóa của con người đối với tự nhiên, đối với xã hội và đối với chính bản thân mình đã trở thành quen thuộc có tính chuẩn mực được lưu truyền lâu dài trong một cộng đồng xã hội”.

Từ khái niệm nêu trên có thể hiểu, phong tục tập quán là những hành vi ứng xử, thói quen, nếp sinh hoạt tương đối ổn định thuộc về đời sống của con người được công nhận bởi một cộng đồng, quần thể và được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tùy theo mỗi địa phương và tín ngưỡng khác nhau, phong tục tập quán ở mỗi cộng đồng, quần thể cũng đều sẽ có những sự khác biệt với nhau.

Phong tục tập quán là nét đặc trưng của mỗi dân tộc. Những phong tục tập quán tốt đẹp đều sẽ cần được duy trì bảo tồn. Đa phần các dân tộc vẫn giữ được phong tục tập quán, bản sắc của dân tộc mình.

Nguồn gốc của phong tục tập quán

Các phong tục tập quán đều có nguồn gốc từ lâu đời và mỗi một phong tục tập quán lại có những lịch sử hình thành khác nhau. Tất cả các phong tục tập quán đều luôn mang tính lịch sử, tính dân tộc, tính vùng miền và tính giai cấp cụ thể.

Phong tục tập quán được hình thành từ từ, lâu dài trong quá trình phát triển lịch sử. Các phong tục tập quán chính là cơ chế tâm lý bên trong, nó điều khiển, điều chỉnh hành vi, lối sống các thành viên trong một nhóm.

Phong tục tập quán sẽ xuất hiện và được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác bằng cách truyền đạt, bắt chước thông qua giao tiếp của cá nhân.

Phong tục tập quán có những chức năng quan trọng trong đời sống xã hội. Nó có tác dụng hướng dẫn hành vi ứng xử của con người trong một nhóm xã hội. Thông qua phong tục tập quán cũng sẽ góp phần giáo dục nhận thức cho thế hệ trẻ, xây dựng tình cảm và kỹ năng sống, hành vi ban đầu cho con người. Ngoài ra, phong tục tập quán còn gắn bó các thành viên trong nhóm ảnh hưởng rất mạnh mẽ tới hoạt động, đời sống của các cá nhân và các nhóm người.

 

 

Phong tục tập quán có ý nghĩa gì?

Phong tục tập quán Việt Nam vô cùng đa dạng và phong phú với hơn 54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Việt Nam phát triển dựa trên nền công nghiệp lúa nước. Đây là nguyên nhân ảnh hưởng đến đời sống của người Việt. Đa phần là gắn bó với quê hương, xóm giềng nên những phong tục tập quán từ xưa đến nay của người Việt vẫn luôn đề cao sự gắn bó đoàn kết giữa những gia đình hay hàng xóm với nhau.

Phong tục tập quán Việt Nam là một nét đẹp văn hóa. Các phong tục tập quán đều cần được bảo tồn và phát huy. Điều đó không chỉ mang ý nghĩa bảo tồn những giá trị truyền thống mà việc bảo tồn các phong tục tập quán của người Việt còn là cách để chúng ta có thể ghi nhớ cội nguồn của dân tộc.

Phong tục tập quán Việt Nam trong ngày Tết Nguyên đán

Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền của người Á Đông trong đó có người Việt, những phong tục tập quán trong ngày Tết vẫn được lưu giữ từ năm này qua năm khác, từ đời này qua đời khác. Dưới đây là các phong tục ngày Tết:

Dựng nêu ăn tết

Tết Nguyên đán tại Việt Nam. Khi cây nêu được dựng lên là báo hiệu ngày Tết chính thức bắt đầu.

Theo quan niệm truyền thống dân gian, việc dựng cây nêu ngày Tết mang ý nghĩa chính là để xua đuổi ma quỷ và những điều bất hạnh của năm cũ, cầu mong một năm mới tốt lành.

Những năm gần đây, phong tục trồng cây nêu ngày Tết đã dần bị mai một, thay vào đó người dân thường chơi hoa, cây cảnh hoặc sắm các loại cây như đào, mai, quất… để bày biện trong nhà với mong muốn một năm mới phát tài phát lộc, sum xuê, đủ đầy. Tuy nhiên tại một số vùng thôn quê hoặc vùng dân tộc thiểu số việc dựng cây nêu ngày tết vẫn diễn ra nhưng ý nghĩa nguyên bản để trấn quỷ trừ ma hầu như không còn nữa. Cây nêu được trồng chủ yếu mang ý nghĩa tượng trưng, cầu chúc những điều tốt đẹp trong năm mới, cũng là sự hoài niệm về một phong tục của tết cổ truyền Việt Nam xưa.

Tảo mộ tổ tiên

Trước Tết, để thể hiện lòng kính trọng, trọn đạo hiếu đối với ông bà, tổ tiên thì con cháu trong gia đình thường dọn dẹp, làm sạch đẹp nơi an nghỉ của của người đã khuất, và thăm viếng. Đây là một phong tục phổ biến của người Việt trước khi đón Tết Nguyên đán gọi là Tảo Mộ.

Cúng ông Công, ông Táo

Ngày cúng ông Công, ông Táo là ngày 23 tháng Chạp Âm lịch. Vào ngày này mọi gia đình sẽ dọn dẹp sạch sẽ bếp, mua cá vàng, quần áo, tiền vàng về cúng để ông Công, ông Táo về trời. Báo cáo mọi việc với của gia chủ trong suốt 1 năm qua với Ngọc Hoàng. Cá vàng sau khi cúng xong thì sẽ được phóng sinh đem thả ra sông, ra suối.

Đoàn tụ bên gia đình

Theo quan niệm của người Việt Nam, ngày Tết đầu xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên. Mối quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho cả xã hội. Tết cũng là ngày đoàn tụ với cả những người đã mất. Từ bữa cơm tối đêm 30, trước Giao thừa, các gia đình đã thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên và những người thân đã qua đời về ăn cơm, vui Tết với con cháu (cúng gia tiên).

Gói bánh chưng, bánh tét

Bánh chưng, bánh tét là những món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán của người Việt. Đây là món quà ý nghĩa dành cho người thân, bạn bè.  Những ngày trước Tết, nhiều gia đình, dòng họ, thôn xóm thường tụ tập cùng nhau trò chuyện, gói bánh, luộc bánh thâu đêm.

Miền Bắc thường gói bánh chưng còn miền Nam thì gói bánh tét. Nhờ gói bánh chưng, bánh tét mà Tết cổ truyền Việt Nam trở nên ấm cúng và ý nghĩa hơn.

Chơi hoa dịp Tết

Ở miền Bắc loài hoa Tết đặc trưng là hoa đào, còn miền Nam là hoa mai. Ngoài ra, các gia đình còn chơi cây quất cảnh một trong những cây tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, thịnh vượng trong ngày Tết cổ truyền. Ngoài ra, các gia đình cũng mua hoa cúc, hoa lan, hoa đồng tiền… để trang trí nhà cửa thêm vui tươi, rước lộc vào nhà.

Bày mâm ngũ quả

Mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ tổ tiên là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Mỗi vùng miền sẽ có những cách bày mâm ngũ quả khác nhau, sử dụng những loại hoa trái khác nhau. Mâm ngũ quả thể hiện lòng thành kính đối với trời đất, ông bà tổ tiên và để cầu mong một năm mới bình an, may mắn, hạnh phúc, an khang, phú quý.

Dọn dẹp nhà cửa

Vào dịp giáp Tết, gia đình Việt đều có thói quen dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ nhằm dọn bỏ hết đi những điều không may của năm cũ và chuẩn bị đón năm mới với những điều may mắn, tài lộc nhiều hơn.

Cúng tất niên

Trong ngày 30 Tết, các gia đình thường làm những mâm cỗ tươm tất để thắp hương mời thần linh, gia tiên về ăn Tết cùng gia đình. Bữa cơm tất niên cũng là để kết thúc một năm cũ và chuẩn bị đón

Giao thừa là khoảnh khắc mà rất nhiều người chờ mong trong dịp Tết. Đây là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Là khoảnh khắc đất trời giao hoa, thiên nhiên và con người trở nên gần gũi nhất. Trong đêm giao thừa thường có nhiều hoạt động rất hấp dẫn như ca múa nhạc, bắn pháo hoa, đi chùa, hái lộc…

Đi chùa, hái lộc

Đi chùa, hái lộc là phong tục tập quán của người Việt trong dịp Tết Nguyên đán. Đi lễ chùa đầu năm không chỉ là để cầu xin một năm mới may mắn, phúc lộc và tỏ tấm lòng thành kính đối với đức Phật, tổ tiên. Trong đêm giao thừa, khi đi chùa người ta thường kết hợp hái lộc để cầu may mắn, rước lộc vào nhà.

Xông đất

Theo quan niệm của người Việt thì xông đất đầu năm là vô cùng quan trọng. Vì vậy, nhiều gia đình đi xem tuổi, nhờ người hợp tuổi xông đất cầu mong gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt.

Thời điểm xông đất là thời điểm sau phút giao thừa và người xông đất thường là người vui tính, hay gặp may mắn.

Chúc Tết và mừng tuổi

Dịp Tết người Việt có phong tục đi chúc Tết họ hàng, bạn bè: “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”. Vào dịp này mọi người đều dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất đồng thời không quên tặng những phong bao lì xì may mắn.

 

Xuất hành

Hết ngày mùng 1 Tết nhiều gia đình chọn xem ngày tốt, xem hướng để xuất hành nhằm cầu mong năm mới với nhiều thuận lợi đặc biệt là trong công việc, buôn bán, học tập.

L.Vũ (th)

____________

Nguồn: Thứ ba, 06:00 24/01/2023 | Đời sống

https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nhung-phong-tuc-tap-quan-khong-the-thieu-trong-ngay-tet-nguyen-dan-cua-nguoi-viet-172230110103858154.htm

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.