VĂN HÓA

Nguồn gốc, ý nghĩa, phong tục Tết Nguyên Đán

 

Trần Mỹ Duyệt

 

Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất của người dân Việt Nam, mang ý nghĩa nhân văn, phong tục, tập quán, và truyền thống của một dân tộc. Vậy nguồn gốc, ý nghĩa, và phong tục ngày Tết như thế nào?

NGUỒN GỐC TẾT NGUYÊN ĐÁN

Theo những tài liệu lịch sử, nguồn gốc Tết Nguyên Đán bắt nguồn từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế, tức  khoảng năm 2879 Trước Công Nguyên bên Trung Hoa. Nó đã trải qua nhiều thay đổi. Khác với Tây phương, người Trung Hoa thời đó theo dõi và sử dụng Âm Lịch, tức chu kỳ của mặt trăng. Vì vậy, Tết Nguyên Đán cũng được tính theo Âm Lịch.

Thoạt đầu, Tết đã trải qua nhiều thay đổi theo các thời kỳ trong lịch sử. Mỗi triều đại Trung Hoa chọn một tháng của Âm Lịch. Sự chọn lựa này lại căn cứ vào màu sắc của hàng tháng mà mỗi triều đại ưa thích. Thí dụ, nhà Hạ thích màu đen nên chọn tháng Dần (tháng một), nhà Thương thích màu trắng nên chọn tháng Sửu (tháng mười hai); còn nhà Chu thì chọn tháng Tý, tức tháng mười một. Đến thời Đông Chu, Khổng Tử quay về với tháng Dần (tháng Giêng), và Tần Thủy Hoàng chọn tháng Hợi (tháng mười). Thời Hán (thế kỷ III trước Công Nguyên), Hán Vũ Đế đã ấn định tháng Dần (tháng Giêng) để cử hành Tết, và tiếp tục đến ngày nay.

Tết Nguyên Đán thường diễn ra trễ hơn so với tết Dương Lịch và thường rơi vào khoảng 23 tháng 1 và không quá 19 tháng 2 theo Dương Lịch. Đông Phương Sóc thời nhà Hán cho rằng khi tạo ra thế gian, ngày thứ nhất Tạo Hóa sinh ra gà, tiếp theo là chó, lợn (heo), dê, trâu, ngựa, và con người vào thứ ngày thứ bẩy. Sau đó ngày thứ tám sinh lúa gạo. Điều này ứng với 8 ngày từ mùng 1 đến mùng 7, và vì thế Tết Nguyên Đán kéo dài từ mùng 1 đến mùng 7 tháng Giêng. Tuy nhiên Tết của người Việt không chỉ kéo dài tám ngày, mà là cả tháng: “Tháng Giêng ăn tết ở nhà.”

Một số nhà khảo cổ Việt Nam vẫn chưa thống nhất về nguồn gốc Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, dựa theo nhiều tài liệu tham khảo, vào thời loạn lạc của triều Tam Đại, tộc người Bách Việt rải rác ở phía Nam Trung Quốc đã di cư xuống miền Bắc Việt Nam bây giờ. Họ đã mang theo truyền thống ăn tết của người Trung Hoa làm ảnh hưởng vào vùng cư dân bản địa. Cũng theo nhiều nghiên cứu, người Bách Việt từng ăn tết vào tháng Tý (tức tháng mười một âm lịch), cho đến thời Hán mới chuyển về tháng Dần (tháng giêng). Như vậy, nguồn gốc Tết Nguyên Đán của Việt Nam tuy ảnh hưởng từ Trung Hoa, và sử dụng Âm Lịch cũng như Trung Hoa, nhưng đây là cái tết truyền thống do dân tộc Bách Việt và các bộ tộc bản địa xây dựng và gìn giữ, do vậy những nhận định về việc người Hán (người Trung Hoa phía Bắc) mang tết nguyên đán vào Việt Nam dưới thời Bắc thuộc là không hoàn toàn đúng.

Trong câu truyện truyền thuyết Sự Tích Bánh Chưng Bánh Dày, có thể thấy người Việt ta đã ăn Tết từ thời vua Hùng thứ 6 (1712-1632 trước Công Nguyên).

Ý NGHĨA TẾT CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

Ý nghĩa ngày Tết Nguyên Đán không chỉ nói lên những nét văn hóa, truyền thống của dân tộc,  mà còn bao gồm những giá trị về tâm linh.

Tết không chỉ là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới mà còn là sự giao thoa giữa trời đất, con người và thần linh. Theo quan niệm Á Đông, “Tết” do “Tiết” (thời tiết) đi theo sự vận hành của vũ trụ giữa 4 mùa: Xuân – Hạ – Thu – Đông. Do nền văn minh nông nghiệp cổ xưa, người nông dân xem Tết là dịp cảm ơn các vị thần linh như thần Đất, thần Mưa, thần Mặt Trời, thần Sấm. Nhờ những vị thần này mà mưa thuận, gió hòa, giúp mùa màng tươi tốt.

Tết còn tượng trưng cho khởi đầu mới của năm tiếp theo. Đây cũng là thời điểm xua đi những điều không vui của năm cũ và đón nhận vận khí tốt cho năm mới. Vì vậy, mọi người thường có phong tục đi chùa, người Công Giáo thì đi lễ giao thừa và đầu năm, cảm tạ Đấng Tạo Hóa về những ân lành trong năm cũ và cầu xin được may mắn, phúc lộc, khang an, thịnh vượng trong năm mới.

Để nhắc nhở mọi người “làm mới” tinh thần. Từ những ngày cuối năm, mọi người đã cùng nhau dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để đón xuân. Mọi muộn phiền của năm cũ dường như đều tan biến để khởi đầu một năm cũ may mắn, lạc quan và đầy ắp niềm tin vào cuộc sống.

Theo truyền thống hiếu kính của người Việt Nam, Tết còn là dịp con cháu thể hiện lòng biết ơn, hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ còn sống cũng như đã khuất. Thông thường, từ tối ngày 30 hay trước thời khắc giao thừa, mọi gia đình đều sẽ thắp hương mời ông bà tổ tiên về ăn Tết, phù hộ cho con cháu trong năm mới. Bàn thờ Tổ Tiên ngày Tết cũng được bày biện rất đặc biệt gồm mâm ngũ quả, mâm cỗ truyền thống và khói hương nghi ngút.

“Mồng một tết cha,
Mồng ba tết thầy.”

Câu ca dao trên nói về hành động hiếu kính và biết ơn của con cái đối với ông bà, cha mẹ và người thầy của mình. Theo truyền thống văn hóa Việt Nam, họ là những người đã sinh ra chúng ta trong thể xác và tâm trí. Câu ca dao trên sau này được đọc là:

“Một một tết cha,
Mồng hai tết mẹ,
Mồng ba tết thầy.”

Tại sao lại tết cha, rồi mới tết mẹ? Điều này không nói lên được ý nghĩa liên kết của hai chữ phụ mẫu, cha mẹ, ông bà. Cha mẹ thường đi đôi với nhau, vậy tại sao tết ông mà không tết bà luôn, tết cha mà không tết mẹ luôn. Những người chủ trương theo “mồng hai Tết mẹ” thì người ta lại tìm cách giải thích: cha là bên nội, mẹ là bên ngoại cho hữu lý. Tức là mồng một thì chúc Tết bên nội, mùng hai thì về nhà ngoại thăm hỏi, chúc Tết. Giải thích này như gò gượng, mới nghe xem như hợp tình, hợp lý, nhưng để ý suy nghĩ sẽ thấy có những khác biệt, phân chia nội, ngoại, cha và mẹ.  Sách khảo cứu lễ tiết về dịp Tết Nguyên Đán của các cụ Phan Kế Bính, Toan Ánh, Nhất Thanh cũng không nói chuyện Tết mẹ, hay Tết bên ngoại như thế nào.

Sau cùng, Tết cũng là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, sum họp sau một năm làm việc vất vả. Với những người con xa quê, đây cũng chính là cơ hội trở về nhà bên cạnh những người yêu thương bên ông bà, cha mẹ, anh, chị, em, con, cháu cùng nhau bập bùng bên bếp lửa hồng và nồi bánh chưng xanh.

“Dù ai buôn bán nơi đâu. Nhớ đến ngày Tết rủ nhau mà về.”

PHONG TỤC NGÀY TẾT CỔ TRUYỀN Ở VIỆT NAM

Là một lễ hội mang tính cách quốc gia, gắn liền với văn hóa và truyền thống dân tộc, nên Tết Nguyên Đán cũng bao gồm nhiều phong tục được phổ biến trong toàn dân gian. Thiếu những phong tục, tập quán này, Tết mất đi cái nét đặc trưng văn hóa của Việt Nam.

1. Thăm mộ tổ tiên, tảo mộ

 “Thanh minh trong tiết tháng 3 lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”.

Trước khi bắt đầu năm mới, con cháu sẽ ra nghĩa trang đến thăm mộ ông bà, tổ tiên. Mộ phần các ngài sẽ được dọn dẹp sạch sẽ, thắp hương để tỏ lòng thành kính với những người đã khuất. Đồng thời, phong tục này còn để mời ông bà về ăn Tết cùng gia đình, phù hộ cho con cháu năm mới may mắn, sức khỏe và tài lộc.

 

2. Dựng cây nêu

Tương truyền, hàng năm cứ đến năm mới ma quỷ sẽ xuất hiện để làm hại con người, để xua đuổi tà ma và những điều không may mắn, ở mỗi nơi đều dựng cây nêu để báo hiệu rằng nơi đây đã có chủ, ma quỷ không được tới quấy nhiễu.

 “Dựng nêu thì dựng đầu hè,
Để sân gieo cải, lấy mè mà ăn.” 

Cây nêu là một cây tre cao khoảng 5 đến 6 mét, ở ngọn cây thường treo nhiều thứ bằng giấy vàng bạc, bùa trừ tà, bầu rượu bện thêm bằng rơm, cạnh đó có treo một cái đèn lồng đèn nhỏ, vừa mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, những điều không may mắn, vừa mang ý nghĩa soi đèn để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Cây nêu được dựng từ ngày 23 tháng Chạp đến hết ngày mùng 7 tháng Giêng thì được hạ xuống.

“Cu kêu ba tiếng cu kêu,
Cho mau đến Tết dựng nêu ăn chè.”

 

3.  Nấu bánh chưng, bánh tét

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ,
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.”

Bánh chưng, bánh tét là một phần không thể thiếu trong nét văn hóa của người Việt. Hàng năm vào ngày Tết khoảng từ ngày 27, 28, 29 Tết mọi gia đình lại ngồi quây quần bên nhau gói những chiếc bánh chưng bánh tét.

Truyền thống này có từ thời vua Hùng và cho đến nay là điều không thể thay đổi được trong nét đẹp văn hóa những ngày Tết, gia đình nào cũng phải gói cho mình vài chục chiếc bánh để thờ cúng tổ tiên, tặng bạn bè, người thân hay ăn vào dịp Tết. Thời gian ngồi gói bánh chính là lúc mọi người có thêm thời gian quây quần bên nhau, kể chuyện về một năm cũ đã qua và hy vọng về một năm mới vuông vức tràn đầy. Trẻ em thì đêm thức chờ bánh chín.

Miền Bắc thì có bánh chưng hình vuông, miền Nam thì có bánh tét, bánh có hình trụ tuy hình dáng có khác nhau nhưng nguyên liệu thì hầu như giống nhau, lúa gạo là nguyên liệu chính của bánh, bánh tượng trưng cho nền văn hóa lúa nước lâu đời của người Việt. Những chiếc bánh bánh tét càng tròn, bánh chưng càng vuông thì năm mới càng đầy đủ, sung túc, thành công.

4.  Mâm ngũ quả

Mâm ngũ quả là lòng thành kính của con cháu dâng lên bàn thờ tổ tiên, thể hiện sự biết ơn với những người đã khuất. Mỗi vùng miền sẽ có cách bày trí mâm ngũ quả, lựa chọn các loại trái cây khác nhau.

Tại miền Bắc, cách bày mâm ngũ quả thường theo quan niệm ngũ hành (Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ). Theo đó, một mâm ngũ quả đẹp, đúng tiêu chuẩn phải là một mâm ngũ quả có đầy đủ các loại trái cây như: chuối xanh, bưởi, phật thủ, sung, hồng …

Do chịu sự giao thoa văn hóa hai miền Bắc – Nam nên mâm ngũ quả của người miền Trung bày biện đủ chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ…

Tại miền Nam, mâm ngũ quả phải có chuối, còn ở miền Nam thường chưng ngũ quả theo câu nói “cầu dừa đủ xoài sung”.

5.  Cúng ông Công, ông Táo

Theo truyền thống của người Việt Nam ta, cứ vào ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Công, ông Táo lên thiên đình để báo cáo mọi việc trong gia đình nhà chủ với Ngọc Hoàng. Vào ngày này, mọi gia đình phải dọn dẹp nhà bếp sạch sẽ, làm một mâm cơm cúng ông Công ông Táo để tiễn về chầu trời, đặc biệt trong nghi lễ này không thể thiếu mũ, áo mã bằng giấy và một hoặc ba con cá chép vàng được thả trong một chậu nước để ông Táo cưỡi về trời.

Ông Táo cũng chính là người đại diện cho sự ấm no hạnh phúc của một gia đình, gia đình ấy có sung túc, hạnh phúc, no ấm hay không là phụ thuộc vào bữa cơm gia đình. Do đó, việc cúng ông Công ông Táo trong ngày Tết cũng là biểu tượng cho sự êm ấm, hạnh phúc của một gia đình, mong muốn sang năm mới sẽ ngày càng hòa thuận, hạnh phúc hơn. Sau lễ tế ông Công ông Táo về trời cá chép được mang đi phóng sinh. Những gia đình không có điều kiện mua cá chép thật, họ sử dụng cá chép bằng giấy sau đó hóa cùng mũ áo.

6.  Cúng tất niên, đón giao thừa

Nghi lễ quan trọng này được thực hiện vào ngày 30 tết, thường vào thời khắc giao thừa để tạm biệt năm cũ. Theo quan niệm xa xưa, gia chủ sẽ làm mâm cỗ mặn và hoa quả để báo cáo với tổ tiên và các chư vị thần linh, cầu chúc năm mới an khang, thịnh vượng hơn.

7.  Xông đất

Xông đất là một tục lệ không thể thiếu trong ngày đầu năm mới. Ngay sau thời khắc giao thừa, người đầu tiên bước vào nhà sẽ là người xông đất đầu năm cho gia đình. “Xông đất” còn gọi là “xông nhà” hay “đạp đất”, diễn ra sau khoảnh khắc giao thừa, khi đất trời vạn vật đã bước sang một năm mới. Theo truyền thống văn hóa quan niệm người “xông đất” sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến may mắn, hạnh phúc, công danh, tài lộc của cả gia đình trong năm mới. Bởi đó, gia chủ thường tìm người hợp tuổi, hợp mệnh với gia chủ để xông đất với hy vọng sẽ mang đến nhiều điều may mắn, một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn tấn tới.

 

8.  Chúc Tết, lì xì

Cuối cùng, Tết được xem là sinh nhật của tất cả mọi người. Tất cả đều cùng chúc nhau một năm mới với những lời chúc tốt đẹp, như:

Vui vẻ như chim sẻ. Mạnh khỏe như đại bàng. Giàu sang như chim phụng. Làm lụng như chim sâu. Sống lâu như đà điểu.

Đối với những người cao niên thì ông bà hưởng thọ, cha mẹ khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi, đông con nhiều cháu. Gia đình hạnh phúc, con cháu hiếu thuận, sum vầy hạnh phúc.

Với những bạn bè, thân hữu thì chúc nhà nhà no đủ, gia chủ phát tài, già trẻ gái trai, giầu tiền, giầu phúc, lộc đến quanh năm, an khang thịnh vượng.

Tóm lại là những gì tốt đẹp nhất, hạnh phúc nhất, may mắn nhất thì chúc cho nhau nhân ngày đầu năm mới, hy vọng những điều ấy sẽ sảy ra trong năm mới.

Theo sau tục lệ chúc tết là đến phần mừng tuổi. Người lớn sẽ mừng tuổi (lì xì) cho con cháu, và những người dưới với những lời cầu phúc ngoan ngoãn, học hành sáng suốt, thành đạt, mạnh khỏe và năm mới tràn đầy niềm vui, hạnh phúc. Tiền mừng tuổi thường được bỏ vào những bao bì màu đỏ.

__________

Tài liệu tham khảo:

Tết Nguyên Đán – Wikipedia tiếng Việt

Những phong tục trong ngày Tết cổ truyền. hanu.edu.vn

https://hanu.edu.vn › Nhung-phon…

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.

Góp ý kiến