VĂN HÓA

Chuyện dài: I ngắn, Y dài

Trần Chấn Trí

https://baomai.blogspot.com/2024/09/ban-luan-ve-y-dai-i-ngan.html

 

Trong những tranh luận về tiếng Việt, nhất là về chính tả, hẳn chúng ta đã được đọc nhiều bài viết về cách dùng hai chữ cái “ i “ và “ “ trong nhiều năm qua. Cuộc tranh luận này dường như còn lâu lắm mới đến hồi kết thúc. Bài viết này không nhằm đưa ra một tranh luận mới, mà chỉ xin đưa ra một cái nhìn chung và những dữ kiện khách quan về vấn đề này.

Người viết bài đã sinh hoạt trong Ban Đại Diện các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California từ tám năm nay với các Khoá Huấn Luyện và Tu Nghiệp Sư Phạm hằng năm vào mùa hè. Trong Khoá HLTNSP năm 2003, nhân nói chung về những điểm vô lý trong chính tả tiếng Việt, chúng tôi cũng có đưa ra một số nhận xét về cách dùng i và y một cách khái quát. Gần đây hơn, vào Khoá HLTNSP năm 2011, trong một lớp nói về cách phát âm phụ âm của học sinh Mỹ gốc Việt, chúng tôi cũng được vài khoá sinh hỏi về cách dùng hai chữ này. Chúng tôi đã dùng cách “khôi hài hoá” vấn đề và trả lời như sau:

Cách dùng i hay y là tuỳ theo sự việc mà từ ngữ diễn tả. Khi hai vợ chồng bỏ nhau mà làm thủ tục êm xuôi, nhanh chóng, thì viết là li dị; nếu thủ tục rườm rà, có nhiều tranh chấp, kéo dài thời gian, thì viết là ly dỵ. Người chữa bệnh lâu năm, có nhiều kinh nghiệm thì gọi là bác sỹ; kẻ mới ra trường y khoa, chưa có kinh nghiệm, thì gọi là bác sĩ. Cũng vậy, loại bánh baguette dài thì viết là bánh mỳ, còn loại bánh ngắn thì viết là bánh mì, v.v. Cứ theo cách này, chúng ta sẽ tha hồ mà có muôn ngàn từ ngữ với i và y để diễn tả những khác biệt tinh tế về ý nghĩa của tiếng Việt.

Nhưng đấy chỉ là nói đùa cho vui mà thôi. Nếu nghiêm chỉnh mà nhìn vào vấn đề của i và y thì chúng ta thấy được những gì? Trước khi vào chuyện, chúng tôi xin được phép không đồng ý với một ý kiến là cách phát âm của i và y khác nhau. Theo ý kiến này, i đọc ngắn lại còn y đọc dài ra. Xin quý vị thử nghĩ, chúng ta có đọc ngắn chữ i trong chữ ti tiện và đọc dài chữ y trong chữ công ty không? Đó là chưa nói đến có một số chữ mà xem ra viết với i hay y cũng đều được chấp nhận, không nhiều thì ít, như quí báu hay quý báu (hay lại theo cái kiểu, quí có nghĩa là quí in ít, còn quý là quý nhiều nhiều?!!), hoặc là lâm li hay lâm ly, v.v.

Khi bàn đến ngôn ngữ, nếu chúng ta có thể dẫn chứng một vài ngôn ngữ khác để rộng đường dư luận thì cũng là một điều hay. Không riêng gì tiếng Việt mà tiếng Anh xem chừng cũng khá lúng túng với i và y. Trong một cuộc trao đổi ý kiến với một đồng nghiệp của chúng tôi là giáo sư Lâm Lý Trí, ông đưa ra một ví dụ trong tiếng Anh mà tôi rất lấy làm tâm đắc. Ông bảo ngay trong chữ city của tiếng Anh cũng đã có hai chữ đó sống chung hoà bình với nhau. Chúng ta biết rằng tiếng Anh là thứ tiếng có trọng âm (stress), và trong chữ city vần đầu có trọng âm. Nhưng như vậy thì hoá ra vần ci- có trọng âm phải đọc chữ i kéo dài, còn vần –ty không có trọng âm thì phải đọc chữ y ngắn lại hay sao? Và như vậy thì ngược với ý kiến trong tiếng Việt mà chúng tôi đã nêu trên.

Có quý vị sẽ bảo, Nhưng không thể lấy tiếng Anh hay một thứ tiếng nào khác để chứng minh một điều trong tiếng Việt! Điều này có thể đúng mà cũng có thể không đúng. Các ngôn ngữ trên thế giới có liên quan với nhau về nhiều mặt. Hẳn quý vị có biết một ngân hàng lớn ở Mỹ đã lấy tên là Citibank với chữ i, như vậy đủ chứng tỏ là i cũng thay thể y được, mà cách đọc của chữ mới này có khác với cách đọc của chữ city đâu?

Chúng tôi xin đưa thêm một ví dụ trong tiếng Anh nữa để chúng ta thấy là i và y thật ra có thể thay thế lẫn nhau trong rất nhiều trường hợp. Trong tiếng Anh, một trong những tiền tố (prefix) phủ định là dis-, có thể thấy trong rất nhiều chữ như disrespectful, dishonest, discontinue, v.v. Thế nhưng, đùng một cái, chúng ta thấy chữ dysfunctional viết với chữ y. Như vậy thì tiền tố dys- này có đọc dài hơn với tiền tố dis- hay không? Chắc quý vị đã có câu trả lời.

Trở lại với tiếng Việt, đặc biệt là chính tả tiếng Việt, chúng tôi xin nêu ra hai đặc tính căn bản trong chính tả, áp dụng không những cho chính tả tiếng Việt, mà cho bất cứ thứ tiếng nào có hệ thống chữ viết. Đặc tính thứ nhất của chính tả là tính tuỳ tiện (arbitrariness). Theo đặc tính này, người nói ấn định một dấu hiệu nào đó trong cách viết để biểu hiện một âm, một vần hay một chữ nào đó trong cách nói. Thí dụ như trong chính tả tiếng Việt, chữ p là để biểu hiện âm /p/. Sự biểu hiện này chỉ đúng với tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, v.v., nhưng lại chẳng có nghĩa lý gì với một số tiếng khác.

Chẳng hạn như trong tiếng Tagalog (dùng ở Phi-luật-tân), chữ p có âm /f/ (như trong chữ pamilya, có nghĩa là gia đình), còn trong tiếng Nga, chữ p lại có âm /r/ (như trong chữ роза, có nghĩa là hoa hồng). Đấy, chính tả tuỳ tiện là ở chỗ đó. Không có chân lý tuyệt đối trong chính tả.

Đặc tính thứ nhì của chính tả là tính ước lệ (conventionality). Sau khi đã tuỳ tiện quy ước một dấu hiệu nào đó trong cách viết là để biểu hiện cho một âm, một vần, một chữ nào đó trong tiếng nói, những người cùng dùng chung một ngôn ngữ đồng ý với nhau về quy ước đó và cứ như vậy mà áp dụng. Tính ước lệ cũng thấy trong nhiều lãnh vực khác, như các bảng chỉ dấu hiệu đi đường.

Chúng ta đã quá quen với những bảng dấu hiệu đó và chỉ hiểu mỗi dấu hiệu theo một nghĩa duy nhất (theo ước lệ), mà không thể, hay không muốn hiểu theo một nghĩa nào khác nữa. Lấy ví dụ như tấm bảng mà chúng ta hiểu rằng “Thường có nai băng ngang” để cẩn thận trong khi lái xe trên những con đường ở vùng quê. Nhưng có thể có người lại muốn hiểu là “Ở đây có bán thịt nai” thì sao?!!

Biết được hai đặc tính của chính tả nói chung rồi, bây giờ chúng ta nhìn lại nguồn gốc của chính tả tiếng Việt. Chúng ta ai cũng biết là mẫu tự tiếng Việt dựa vào mẫu tự La-tinh, do một số nhà truyền đạo đem đến nước ta trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ. Những nhà truyền giáo này nói tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Bồ-đào-nha, tiếng Tây-ban-nha, v.v. cho nên những quy ước trong chính tả tiếng Việt phần lớn dựa vào quy ước chính tả trong những thứ tiếng đó. Có những quy ước hợp lý, cũng có những quy ước vô lý, nên chính tả tiếng Việt thừa hưởng cả hai loại quy ước đó.

Trước hết, chúng ta cần trả lời câu hỏi có tính chất căn bản, i và y là nguyên âm hay là bán nguyên âm? Xét qua cách cấu tạo vần trong tiếng Việt, và cách thể hiện những vần đó qua chính tả, chúng ta phải trả lời là i có thể dùng như nguyên âm và cũng có thể dùng như bán nguyên âm; y cũng vậy, vừa dùng như nguyên âm, vừa như bán nguyên âm trong chính tả tiếng Việt.

Lấy ví dụ, i được dùng như nguyên âm trong những chữ đi, si, chia, chịu, v.v. Nó được dùng như bán nguyên âm trong những chữ như hai, coi, tươi, v.v.

Về phần y, chữ cái này được dùng như nguyên âm trong những chữ ý, quý, ỷ lại, v.v., và được dùng như bán nguyên âm trong những chữ nguyên, yên, hay v.v.

Rắc rối thật, phải không quý vị? Chẳng trách gì có một số người muốn bỏ phức chữ y đi, để “tiếng Việt càng ngày càng trong sáng” hơn! Thế nhưng sẽ có những người “bảo thủ” bắt bẻ, Nếu bỏ y đi thì tính sao với những chữ như thuý, tận tuỵ, phát huy, v.v.?!!! Bỏ thì thương, vương thì tội, rõ ràng là thế.

Nếu xét qua những thứ tiếng như Pháp, Ý, Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha, là những thứ tiếng mà chính tả được dựa vào để làm nên chính tả tiếng Việt, chúng ta sẽ thấy những thứ tiếng này cũng dùng i và y, có khi là nguyên âm, có khi là bán nguyên âm, y hệt như trong chính tả tiếng Việt vậy. Chẳng hạn như trong tiếng Tây-ban-nha và tiếng Pháp, có quy luật là hễ âm /i/ viết thành một chữ riêng biệt thì phải viết với y (và tiếng Việt của chúng ta cũng y như thế!)

Ví dụ: María y Juan (Maria và Juan – tiếngTây-ban-nha)

Ça y est! (Vậy đó! Xong rồi – tiếng Pháp)

Hay trong tiếng Tây-ban-nha, i và y đều có thể dùng như bán nguyên âm trong những trường hợp khác nhau. Ví dụ như trong chữ bien (nghĩa là hay, tốt đẹp), i được dùng như bán nguyên âm (tựa như chữ biên trong tiếng Việt vậy). Còn trong chữ huyen (có nghĩa là họ chạy trốn), y được dùng như bán nguyên âm (tựa như chữ huyên trong tiếng Việt).

Tuy nhiên, nhập gia thì tuỳ tục, khi vào đến chính tả tiếng Việt, ngoài những nét tương đồng với các thứ tiếng gốc La-tinh nói trên, i và y cũng được dùng theo một số quy ước riêng chỉ áp dụng cho tiếng Việt. Để tóm tắt một cách có hệ thống, sau khi quan sát cách dùng i và y trong chính tả tiếng Việt, chúng ta có thể thấy có những quy luật chính tả sau đây:

  1. Cách dùng chữ i. Chữ i được dùng trong những trường hợp sau:
  1. Dùng như nguyên âm đơn theo sau một phụ âm: mi, đi, phi, thi, mít, thịt, v.v.
  1. Dùng như nguyên âm chính trong một nhị trùng âm: chia, chịu, quít, quì, v.v
  1. Dùng như bán nguyên âm đầu trong một nhị trùng âm: tiếc, kiếm, thiệp, v.v.
  1. Dùng như bán nguyên âm sau trong một nhị trùng âm: hai, mái, coi, hơi, cúi, v.v.
  1. Dùng như bán nguyên âm đầu trong một tam trùng âm: chiếu, tiêu, kiểu, v.v.
  1. Dùng như bán nguyên âm sau trong một tam trùng âm: cười, tuổi, chuối, v.v.
  1. Cách dùng chữ y. Chữ y được dùng trong những trường hợp sau:
  1. Dùng như nguyên âm trong những chữ chỉ có nguyên âm (không có phụ âm

trước hay sau): y, ỷ, ý, v.v.

  1. Dùng như nguyên âm chính trong một nhị trùng âm có chứa bán nguyên âm /w/

(biểu hiện bằng chữ u): quý, thuý, luỹ, suýt, v.v.

  1. Dùng như bán nguyên âm đầu trong môt nhị trùng âm trong những chữ không

bắt đầu bằng một phụ âm: yến, yếm, yết, v.v.

  1. Dùng như bán nguyên âm đầu trong một tam trùng âm trong những chữ không

bắt đầu bằng một phụ âm: yêu, yểu, yếu, v.v.

  1. Dùng như bán nguyên âm thứ nhì trong một tam trùng âm: nguyên, quyết,

chuyện, v.v.

  1. Dùng như bán nguyên âm sau trong một nhị trùng âm: hay, đây, xay, v.v.
  1. Dùng như bán nguyên âm sau trong một tam trùng âm: quay, xoay, quậy, v.v.

Quan sát cách dùng của i và y, chúng ta thấy y dùng nhiều hơn i trong một trường hợp, và có vài cách dùng của hai chữ cái này có vẻ trùng hợp nhau. Đó là lý do một số người muốn giản lược cách dùng, gộp hai thành một là vậy.

Tuy nhiên, có trường hợp i và y được “giao phó” cho một nhiệm vụ là phân biệt cách phát âm. Nhìn vào cách dùng (4) của i và cách dùng (6) của y, chúng ta thấy cấu trúc vần như nhau, nghĩa là nguyên âm + bán nguyên âm. Nếu đem hai chữ hai và hay ra so sánh, chúng ta sẽ thấy “nhiệm vụ” của i và y quan trong như thế nào. Tuy hai chữ hai và hay khác nhay ở cách viết i và y, sự thật là chỗ khác nhau trong cách đọc không phải ở i và y, mà là ở cách đọc chữ a đứng trước. Vô hình chung, có một quy ước như thế này:

  • Khi a có i theo sau, ta có nguyên âm a đọc mở, hơi dài, như trong chữ tai,

sai, cai, v.v.

  • Khi a có y theo sau, ta có nguyên âm ă đọc ngắn lại, như trong chữ tay,

say, cay, v.v.(viết là a mà kỳ thực là đọc như ă).

Một công dụng khác của i và y là giúp phân biệt hai loại nhị trùng âm cùng

dùng chữ u trong chính tả, nhưng có khi u là nguyên âm, có khi là bán nguyên

âm. Lại thêm một quy ước về i và y nữa. Quy ước đó như sau:

  • Trong một nhị trùng âm mà u là nguyên âm và i là bán nguyên âm, nhị trùng

âm đó sẽ viết là ui: cúi, túi, lui, v.v.

  • Trong một nhị trùng âm mà u là bán nguyên âm và i là nguyên âm, nhị trùng

âm đó sẽ viết là uy, thuý, quý, luỹ, suy, v.v

Nên nhớ, đây cũng chỉ là những quy ước thôi, và quy ước nào cũng có thể sửa

đổi. Tuy nhiên, qua các quy ước này, chúng ta cũng có thể thấy là i và y khá

có ích trong việc giúp phân biệt cách phát âm hay sự khác nhau giữa nguyên

âm và bán nguyên âm.

Đọc đến đây, chắc sẽ có một số quý vị phàn nàn, Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!

Nhưng câu chuyện này đi đến đâu? Giải quyết thế nào?

Xin thưa, quan điểm của chúng tôi là không sửa đổi, cải cách gì cả. Khi viết, chúng ta nên theo đa số, cách nào nhiều người dùng hơn thì chúng ta dùng (nếu chúng ta không muốn lập dị). Chúng ta cũng có thể tham khảo một số từ điển của những tác giả có uy tín để làm điểm tựa. Đành rằng cách dùng i và y phô ra nhiều điểm không hợp lý, nhưng còn biết bao nhiêu điều chưa hợp lý trong chính tả tiếng Việt đang chờ được giải quyết nữa? Xin đơn cử một ví dụ, chỉ với một âm /k/ mà chính tả tiếng Việt cần đến ba chữ cái là c, k và q để biểu hiện. Tại sao không viết kon ká thay vì con cá nếu cá ch nào cũngcó thể đọc ra cùng một âm /k/? Hay tại vì cách viết kon ká có vẻ “khó koi”?!! Nếu phải cải cách cách dùng ba chữ cái phụ âm này (chỉ dùng một chữ k cho tất cả các trường hợp), chắc chúng tôi sẽ viết ra một câu chuyện nhỏ như sau: Kô Kúk kwa nhà anh Kường rủ anh đi kâu ká. Anh Kường kẹt phải đi làm kiếm tiền nuôi lũ kon kòn nhỏ nên phải kiếu từ. Kô Kúk nghĩ anh Kường kiếm kớ không muốn kwen kô. Phen này kô Kúk kwuyết chinh phục trái tim khô kứng kủa anh Kường, để không hổ mặt giới hồng kwuần nhi nữ! Về ngôn ngữ, chúng tôi quan niệm là nó cũng bất toàn như biết bao điều bất toàn khác chung quanh chúng ta. Chúng tôi thường nghĩ đến việc cải cách chính tả như việc phái nữ (và cả phái nam) thích sửa sắc đẹp. Sửa xong cái mũi rồi, thấy đôi mắt chưa được to cho lắm, phải sửa thêm mắt. Sửa mắt rồi, thấy đôi môi chưa được chúm chím, lại phải bơm môi. Chuyện sửa sắc đẹp chắc cũng chẳng khác chi chuyện dài i và y, phài không quý vị? Thôi thì trời sinh sao để vậy. Cái đẹp lâu bền chính là cái đẹp tự nhiên.

GS Trần Chấn Trí

University of California, Irvine

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.