ĐẦU NĂM, MỜI BẠN ĐỌC MỘT TRUYỆN NGẮN RẤT NGƯỜI, ĐẸP NHƯ MỘT HOA MAI NĂM CÁNH, ĐỂ THANH LỌC CHÚT NÀO ĐÓ NHỮNG ĐỘC HẠI CỦA VIRUS CORONA VŨ HÁN VÀ CÁI ÁC TỪ ĐỒNG TÂM
Truyện Hà Thúc Sinh
Sau này nghĩ đến chị Ngát làm tôi nhớ đến cả miền Bắc mà tôi đã xa nó từ năm 1952. Cái tên của chị quả hăm mốt năm ở miền Nam tôi rất ít hoặc không hề nghe, nó như một cái tên đặc trưng của gái miền Bắc.
Khi tản cư qua Điền Hộ mùa hè năm ấy, tôi mới tám chín tuổi. Dọc đường, nhiều khi gia đình còn phải thuê người gánh hai anh em tôi mỗi đứa mỗi đầu. Những dòng sông, con đê, những thửa ruộng nứt nẻ, những đứa trẻ cỡ tôi vỏn vẹn với cái quần đùi, chăn trâu trên những cánh đồng cỏ cháy, những mẹ già mặc váy đụp lúp xúp quang gánh đi bên đường, những chiếc xe đò chạy bằng lò than chết máy dọc đường đang được đám lơ tài quay cho máy tái nổ, những ngôi nhà vách rơm trộn bùn, những thánh đường lỗ chỗ dấu đạn…
Điền Hộ cuối thời chống Pháp, sang thời Việt Minh kiểm soát trong mắt tôi là như thế. Những sản phẩm từ mạn ngược, xứ Thanh của tôi, từ những chum vại Lò Chum cho đến nước mắm Kẻ Bạng Ba Làng, qua cửa Thần Phù, đem vào đây để phân phối đi xuống phương Nam gần như vắng bóng.
Hơn một tuần, gia đình tôi tá túc nhà bác Tam ở Điền Hộ nóng như lửa đổ, nhưng với tôi đó lại là tuần lễ êm mát trong suốt cuộc đời.
Tôi gặp chị Ngát của tôi.
***
Chị Ngát là con gái lớn của bác Tam. Chị mười lăm tuổi và Lài, em chị, mười ba tuổi. Tôi chẳng có tí kỷ niệm nào với chị Lài. Chỉ có với chị Ngát.
Cứ chiều đến, nơi góc hè gần vườn chuối nhìn ra cái sân gạch Bát Tràng thường phơi lúa, có một chiếc võng luôn giăng sẵn. Từ chiếc võng này, chiều chiều tôi hay nằm nhìn những dãy vại đầy dưa cà tương mắm của nhà bác Tam. Những con ong bầu vo ve trên giàn bầu bí. Những cánh bướm vàng lượn lờ trên những dãy dâm bụt. Tôi cũng thấy những bầy cá cơm dật dờ trên con mương ngay cạnh.
Đây về Thanh không xa nhưng sao quê tôi đã sớm khốn khổ như thế. Rình mò, bắt bớ, đấu tố, giết chóc…, đến nỗi chúng tôi phải bỏ xứ mà đi. Trốn hỏa ngục, trong khối óc ấu thơ của tôi, tôi thấy như vừa được nghỉ chân trong một bóng mát thiên đàng.
Gia đình nhà bác Tam dù gì cũng quạnh quẽ lắm. Nếu tôi nhớ không nhầm, bác gái bị bệnh kinh niên, thường chiếm một phòng trong căn nhà năm gian và cửa đóng kín suốt ngày. Bác trai đi làm hay gì đó, sáng đi chiều về. Và từ hôm tá túc ở đây, bố tôi luôn đi theo bác cả ngày, cũng sáng đi chiều về. Bác giao nhà cho mẹ con chúng tôi ở. Và hai chị ở nhà với chúng tôi, không thấy đi học nữa.
Một hôm tôi nói:
“Em nhớ trường!”.
Chị Ngát nhìn tôi:
“Chị cũng thế”.
“Sao chị ở nhà?”.
“Vậy ở phía nhà em trường có mở không?”.
Ừ, tôi sực nhớ máy bay đánh hoài, suốt ngày nhảy “tăng-xê”, và anh em chúng tôi sau cùng ở nhà hết.
Tôi lắc đầu:
“Không”.
“Đây cũng thế”. Chị nói.
Và trên chiếc võng này, chiều chiều chị Ngát ngồi với tôi và đút cơm cho tôi ăn, cứ coi như tôi mới lên ba không bằng. Và khẽ hát cho tôi nghe nữa chứ.
***
Một hôm tôi hỏi:
“Chị Ngát ơi, nhà em ở đây luôn hả?”.
Chị nhìn tôi, muốn nói gì đó, rồi lại thôi.
Tôi lặp lại:
“Tụi em ở đây luôn hả?”.
Lúc ấy chị mới nói:
“Chị nghe bố em với bố chị nói, gia đình em sẽ đi Phát Diệm rồi ra Hà Nội, nay mai”.
“Phát Diệm và Hà Nội xa không chị?”.
“Chị không biết”.
Một lát tôi nói:
“Em nhớ nhà”.
Chị nhìn lũ ong bướm:
“Lũ ong bướm cũng vậy”.
“Nó cũng có nhà hả chị?”.
“Thì giàn bầu bí và bụi dâm bụt. Nhà chúng đấy. Em không thấy chúng quẩn quanh ở đó suốt ngày?”.
Rồi chúng tôi chia nhau chiếc võng mà nằm. Tôi ép sát vào chị và cảm nhận được da thịt chị mát như miếng thạch. Có lúc xoay trở, tay tôi tì trên ngực chị, và bộ ngực con gái ấy làm tôi bồi hồi mãi về sau.
Bất giác tôi hỏi khẽ:
“Chị Ngát ơi, mai em lớn, em cưới chị được không?”.
Chị ngồi lên, xóc lại tóc, cười hiền hòa:
“Khi em lớn, còn gặp, nhắc chị câu ấy nhé!”.
Chiều, cơm no, lại đong đưa trên võng, tôi trúng gió và ói đầy cả người chị.
Tôi ở cái tuổi chưa biết như thế là điều kỳ cục!
***
Năm 1970, tôi từ trại Thái Hòa sang thăm ông ngoại tôi hoài bên trại Nghĩa Hòa. Miền Nam hiền lành trù phú, thay đổi chúng tôi nhanh chóng. Và chúng tôi cũng tự cảm thấy mình “được” đồng hóa thật mau.
Lúc ấy tôi đã là một sĩ quan quân đội. Và tôi gặp lại chị Ngát, vốn là một hàng xóm sát sạt của ông ngoại tôi.
Chúng tôi đứng chuyện trò lúc trời sang xuân. Mùa xuân ở miền Nam cũng ấm lắm. Cả vùng Ông Tạ lúc này đã thay đổi và chẳng còn nhiều dấu vết của một vùng toàn đầm lầy, nghĩa trang, rừng cao su với nhiều chứng tích của đồn Kỳ Hòa xưa kia.
Cũng dưới một vòm hoa giấy nhiều màu và bụi dâm bụt hoa nở đỏ au gọi mời rất nhiều ong bướm, chị Ngát hỏi tôi:
“Em còn nhớ những bụi dâm bụt nhà chị không?”.
Tôi gật đầu.
“Cuộc đời như cái lòng chảo em nhỉ. Chạy đâu rồi tất cả cũng tụ vào giữa”.
Chị tiếp. Rồi chị kể tôi nghe những đường đi nước bước của gia đình chị nối tiếp gia đình tôi chỉ đâu chừng một tháng. Cũng ra Phát Diệm nhưng di cư ngả khác vào Nam, chứ không ra Hà Nội, rồi Hải Phòng, và đi tàu Mỹ vào Nam như gia đình chúng tôi.
Chị nói chị đã có gia đình và hai con trai. Anh là một trung tá thuộc binh chủng Nhảy Dù, nhưng trong một sô nhảy anh bị gãy xương sống.
Tôi đọc được nét đau đớn phớt qua sắc mặt chị.
“Giờ anh ở đâu? Em gặp anh ấy được không”.
Chị khẽ lắc đầu. Mãi mới nói:
“Mất rồi. Quân y nói là… tự tử!”.
“Tự tử?”.
“Thì người ta nói vậy. Tự tử trong quân y viện”.
“Nhưng tại sao?”.
Chị Ngát thở dài. Mãi mới nói khẽ:
“Gãy cột sống, anh ấy trở thành… bất lực!”.
Càng gần tới 1975 công tác càng nhiều. Thậm chí tôi cũng ít về nhà thăm cả bố tôi, nói gì chị Ngát.
Hình bóng đẫy đã của một phụ nữ tuổi bốn mươi nhạt dần trong tôi.
***
Một mùa Noel, tôi dẫn ba đứa cháu nội sang khu shopping center gần nhà, tính vào tiệm Toys ‘R’ Us mua đồ chơi cho các cháu.
Thời khí ở Houston, Texas cũng khá kỳ cục. Lúc ấm thì như mặt trời mọc ngay sau gáy, lúc lạnh thì cũng lạnh ra trò. Lúc ấy đang lạnh. Tôi mặc hai ba áo ấm mà vẫn thấy run trong bụng. Tôi bảo thằng cháu lớn:
“Ông đã dặn mặc áo lạnh vào, sao cứ phong phanh thế kia?”.
Nó bảo nó không thấy lạnh. Tôi chỉ biết lắc đầu. Con nít xứ này nó vậy. Chỉ khi trời đổ tuyết và đường đóng đá thì may ra nó nhớ tới áo len.
Tôi thả các cháu vào với đám con nít đang lùng tìm những món đồ chơi ưa thích trong tiệm. Trông chúng nó như một vườn hoa nhiều màu đang dạt dào trong gió. Tôi loay hoay kiếm cái ghế ngồi trong gian bán sách. Một bà đang xem sách gần đó chợt quay hỏi tôi:
“Ông người Việt hả ông?”.
Tôi nhìn bà ta để định tuổi. Và tôi quyết định gọi bà bằng cụ.
“Vâng, tôi cũng nghĩ cụ là người mình”.
Bà cụ ngẫm nghĩ một chút, rồi nói:
“Tôi xin lỗi đã gọi ông bằng… ông. Ở Việt Nam thì chúng ta đều là cụ hết rồi. Tôi đã tám mươi mà các cô đứng quầy ở các chợ Việt Nam chưa bao giờ thấy có cô nào gọi tôi bằng cụ như ông. Đứa thì bác, đứa thì dì, đứa thì cô. Đám trẻ Việt Nam ở Mỹ hình như bị mất ý niệm về tuổi tác”.
“Vâng, có lẽ đúng thế cụ ạ”.
“Thế Việt Nam ông ở đâu?”.
“Sài Gòn, ở Ông Tạ thưa cụ. Thế cụ ở đâu, sao tôi nom cụ quen quen”.
“Tôi cũng ở Ông Tạ đây. Hình như ông là ông…”.
“Phải chị Ngát đó không?”.
***
Cũng như tôi, chị Ngát dẫn đám cháu nội đi mua đồ chơi. Nhưng giờ chúng tôi tạm quên các cháu sang bên. Hai người hai ghế trong một gian bán sách trẻ em của tiệm Toys ‘R’ Us, chúng tôi trải cuộc đời trên dưới tám mươi năm của nhau ra sàn nhà, ngắm nhìn và nhắc cho nhau nghe những đoạn êm đềm cũng như khúc khuỷu, những đoạn tràn đầy tiếng cười và những đoạn ngập đầy nước mắt.
Sau cùng chị nói:
“Như thế chúng ta lại cũng ở cùng khu đấy. Chú cứ qua chị chơi và chị cũng sẽ qua chú chơi thường. Cho đám trẻ chúng quen biết nhau. Nhưng chắc chắn một điều…”.
Tôi nhìn vào nụ cười móm mém của chị, hỏi:
“Gì hả chị?”.
“Chị không phải đút cơm cho chú nữa. Và họa kiếp sau mới nghe lại câu chú hỏi ngày xưa: Chị Ngát ơi, mai em lớn, em cưới chị được không?”…
Houston 29-11-2019
http://vanviet.info/van/chi-ngt/
Views: 0