VĂN HÓA

Câu Chuyện Đầu Năm

Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền

Mồng Một Tết

“Nghe xuân sang thấy trong lòng mình chứa chan. Tiếng hát vui vang đó đây ôi rộn ràng..”

Không khí Xuân luôn kèm theo tiếng nhạc rộn ràng khắp nơi. Mà dường như, tết đến xuân về, khắp mọi phố phường hay thôn quê ta vẫn nghe ngân vang lên những giai điệu du dương về mùa xuân làm lòng người lại xốn xang, háo hức và mong chờ. Và hình như với người Việt Nam, Tết không thể thiếu âm nhạc và âm nhạc là cầu nối đưa con người cảm nhận không khí Tết dễ dàng hơn. Những ca khúc về mùa xuân thường có giai điệu vui tươi, rộn ràng, và luôn trao gửi những lời chúc xuân tốt lành đầy yêu thương tới mọi người.

Bài hát “Câu chuyện đầu năm” được nhạc sĩ Hoài An viết nên là những cảm xúc tâm trạng trong những ngày đầu năm, đó là những bộn bề, những lo toan, ruột rối tơ tằm, những điều không hay trong năm cũ hy vọng sẽ được trôi qua, bước sang một năm mới với nhiều ước vọng chờ mong…. Bài hát với ca từ giản dị nhưng đi sâu vào lòng người:

“Trên đường đi lễ xuân đầu năm
Qua một năm ruột rối tơ tằm
Năm mới nhiều ước vọng chờ mong
May nhiều rủi ít ngóng trông
Vui cùng pháo nổ rượu hồng”

Trong “Câu chuyện đầu năm” có hình ảnh hoa mai, gợi không khí mùa xuân ấm áp của vùng đất mẹ phương Nam với con người cởi mở chân thành và thân thiện:

“Xuân mang niềm tin tới
Bao la nguồn yêu mới
Như hoa mai nở phơi phới” >
Thế gian thay nụ cười,
đón cho nhau cuộc đời
Trên đất mẹ vui khắp nơi.

Càng đi sâu vào bài hát ta mới thấy nét đẹp của ngày xuân là cùng nhau vui xuân và cùng nhau khấn nguyện để kết chặt tình thân, hy vọng sang năm mới gặp được bạn hiền cùng chia sẻ và giúp nhau vượt qua mọi gian khó trong cuộc đời.

Xuân gieo lộc khắp chốn, xuân đi rồi xuân đến
Cho dân gian đầy lưu luyến
Đón xuân trên mọi miền, viết thư thăm bạn hiền
Một lời nguyền xin chớ quên. 

Hôm nay ngày đầu xuân chúng ta trao gởi nỗi niềm ước mơ của mình cho Đấng Tạo hoá – Đấng Càn Khôn. Ngài là Đấng làm cho đất trời thay đổi theo bốn mùa: Xuân – Hạ – Thu – Đông. Và chỉ có Ngài mới làm cho ước mơ ngày xuân trở thành hiện thực. Vì “mưu sự tại nhân – thành sự tại thiên”. Sự toan tính là của con người, nhưng điều đó có thành hiện thực hay không lại tùy thuộc vào ơn ban của Trời. Đây cũng là niềm tin của người kytô hữu, vì mọi sự đều nhờ bởi ơn Chúa, chính Chúa là Đấng ban phát mọi ơn lành, là Đấng phù trợ và bảo vệ cuộc đời chúng ta. Niềm tin này không phải là niềm tin mông lung, nhưng dựa trên chính lời hứa của Chúa Giêsu: “Các con đừng lo chi ngày mai sẽ ra sao. Hãy xem chim trời, hãy nhìn xem hoa huệ ngoài đồng, chúng không hề lo lắng ngày mai sẽ ra sao”. Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta khi dòng đời có khó khăn, khi cuộc đời gặp bất hạnh “Hãy trút mọi nỗi lo âu cho Người và Người sẽ lo cho anh em”.

Chúng ta hãy dâng lên Chúa Xuân những ước mơ, những hoài bão của chúng ta trong niềm tín thác vào Chúa. Xin Người ban phúc lành và ban cho chúng ta một năm mới bình an và tràn ngập niềm yêu thương con người dành cho nhau. Và riêng tôi cũng mong và xin cầu chúc cho quý ông bà và anh chị em một năm mới luôn gặp may và ôm nàng xuân đẹp vào tay như câu hát:

“Mong đầu năm cuối năm gặp may,

Gia đình luôn hạnh phúc vơi đầy
Trên bước đường danh lợi rồng mây
Duyên vừa đẹp ý đắp xây
Ôm nàng Xuân đẹp vào tay!”

Xin chúc nhau một mùa xuân an vui bằng một tràng pháo tay

https://www.youtube.com/watch?v=qa7BCnY7Xqo

Mồng Hai Tết

Ký Ức gia đình trong tôi

Nếu có một nơi bình yên nhất trên thế gian này, nơi đó sẽ chẳng phải đâu khác ngoài gia đình. Khi chúng ta còn bé thơ, gia đình là mái ấm bảo vệ, che chở, yêu thương và nuôi dưỡng.Khi trưởng thành, gia đình lại trở thành hậu phương, ủng hộ, cổ vũ, tiếp lửa cho chúng ta mạnh dạn và hăng hái bước vào đời. Và rồi khi vất vả bôn ba trong chốn chợ đời, sẽ có lúc chúng ta cảm thấy nhớ nhà, và thèm về với mái ấm gia đình. Nơi đó luôn cho ta cảm giác bình yên, hạnh phúc và ước gì được quay trở lại nơi mái nhà xưa.

Đây có thể là tâm trạng của nhạc sĩ Trần Tiến, khi ông hoài niệm về mái ấm gia đình xưa. Ông đã phác họa lại từ trong ký ức sâu thẳm của mình hình ảnh một gia đình nghèo khó nhưng đầm ấm tình gia đình. Ở đó có hình ảnh của cha từ chinh chiến trở về, nên mang tâm trạng u buồn vì chí lớn không thành. Ở đó có người mẹ âm thầm chịu đựng vất vả may vá thêu thùa. Ở đó có anh, có chị hát ru em những bài ca cổ nhưng đầy nhân văn. Cảm nhận về tình cảm gia đình đầm ấm nên ông đã viết ca khúc “Mẹ tôi” với ca từ như sau:

Mẹ ơi con đã già rồi con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con

Mẹ ơi con đã già rồi con ngồi ngớ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa

Ngày xưa cha ngồi uống rượu -mẹ ngồi đan áo, ngoài hiên.

Mùa đông cây bàng lá đổ.

Quả thực, với khung cảnh nhà quê với người cha còn mang nhiều tâm trạng, ngày đó nhà nghèo, trời lạnh mẹ phải tự đan áo len cho từng đứa con mặc khi mùa đông về.

Và cái ngày đó, cha mẹ vất vả đi làm thâu đêm suốt sáng nên việc chăm sóc đám trẻ phải nhờ bàn tay của những ngừơi chị lo cho đàn em. Hình ảnh đó thật bình yên lạ thường.

Ngày xưa chị hát vu vơ những câu ca cổ cho em nằm mơ

Ngày xưa mẹ đắp cho con tấm khăn quàng cổ ấm hơi mẹ tôi

Ngày xưa bên giường cha nằm -mẹ ngồi xa vắng.

Nhìn cha, thương cha chí lớn không thành.

Tác giả khi chọn câu đầu tiên của bài hát “Mẹ ơi con đã già rồi” khiến chúng ta liên tưởng tới một người mẹ già lắm rồi, không còn nghe rõ con nói, nên con phải gào thét thật to, nhưng xem ra vô vọng, vì mẹ đã không còn khả năng để nghe con nói, và rồi cao trào của âm thanh mỗi lúc một to thêm:

“Biển sóng thét gào một ngày nhớ mẹ sóng trào khơi xa

Trời gió mây ngàn một ngày khóc mẹ trăng tàn sao rơi”.

Và một mai khi khôn lớn, ta có thể tự mình dấn thân bước vào cuộc sống và đối diện với bao gian khó cuộc đời.

Thế nhưng ta nào biết được rằng dưới mái hiên xưa, cha mẹ vẫn mỏi mòn ngóng đợi tin tức của con.

Dẫu cho bao mùa trăng lúc tròn lúc khuyết

Dẫu cho con nước lớn nước sồng

Rồi có một lúc trong một thoáng suy tư ta lại bồi hồi nhớ về mẹ cha, nhớ về kỷ niệm xưa cũ nơi quê nhà. Để rồi ta muốn tìm lại cánh đồng, với gió nồng cho ta giấc ngủ ban trưa, tiếng chim níu lo ngày mới và không gian dậy thơm mùi hương lúa.

Rồi một ngày nào đó ta trở về, ta cứ tưởng rằng với sự thành đạt hiện giờ ta có thể bù đắp lại công ơn nuôi dưỡng của mẹ cha. Có thể cùng gia đình hạnh phúc đoàn tụ sau bao năm xa cách.

Thế nhưng, ta nào biết được rằng: cha mẹ đã già theo năm tháng, yếu đau triền miên, hay người đã nằm yên trong cát bụi cuộc đời.

Lúc này, người con mới ngậm ngùi nói rằng:

Mẹ ơi! Thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình.

Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ.

Trèo lên dãy núi thiên thai ối a mẹ ngồi trông áng mây vàng

Mẹ ơi! Hãy dắt con theo ối a để con mãi mãi bên mẹ.

Trèo lên dãy núi thiên thai ối a mẹ tôi về đâu?

Ngàn năm mây trắng bay theo ối a mẹ ơi -mẹ-mẹ  về đâu?

Vâng, kính thưa quý vị, Mẹ mất đi cũng là định luật của con người, nhưng con vẫn nhớ rằng : Dù cho phú quý vinh quang  … Vinh quang không bằng có mẹ …

Hôm nay ngày Mồng Hai Tết Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy dành trọn ngày này để tỏ lòng hiếu kính với ông bà cha mẹ. Vì trong đời một người, không ai có công lao với mình bằng cha mẹ. Và càng không có ai dám hy sinh một đời vì chúng ta ngoài cha mẹ. Ơn sinh thành, công dưỡng dục của cha mẹ thật lớn lao đến nỗi việc hiếu kính tổ tiên đã trở thành đạo của cả dân tộc Việt Nam:

 “Tu đâu cho bằng tu nhà- Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”.

Lòng hiếu thảo, đạo làm con ấy được Thiên Chúa quy định trong giới răn thứ tư: “Ngươi hãy thảo kính cha mẹ ngươi”. Đây là giới răn duy nhất trong 10 giới răn nhận được lời chúc phúc nếu tuân giữ một cách trọn vẹn sẽ được sống lâu trên mặt đất. “Hãy thảo kính cha mẹ ngươi thì ngươi sẽ được sống lâu trên mặt đất”.

Ước gì chúng ta  hãy biết sống hiếu thuận với những người trong gia đình. Đừng để những nỗi đau cho người thân bằng thói lười biếng, trốn tránh trách nhiệm. Hãy sống một cuộc sống để nếu một mai ta không còn nữa, kẻ ở lại nhớ về ta trong nỗi nhớ xót thương hơn là cay đắng, quặn đau.Amen

 https://www.youtube.com/watch?v=Or4icxexNO8

Mồng Ba Tết

 Đừng Cậy Vào Sức Người Sức Trâu

Năm nay, được gọi là năm con Trâu. Một con vật gắn bó với con người, luôn đi chung với con người, luôn làm theo ý của chủ mình, như ca dao xưa thường nói:

Rủ nhau đi cấy đi cầy,

Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu,

Trên đồng cạn,dưới đồng sâu,

Chồng cầy,vợ cấy, con trâu đi bừa.

Sự gắn bó, chia sẻ việc đồng áng của con trâu khiến người ta nhân cách hoá con vật như là loài hiểu biết để có thể nói với trâu như nói với bạn:

Trâu ơi ta bảo trâu này,

Trâu ra ngoài ruộng trâu cầy với ta,

Cầy cấy nối nghiệp nông gia,

Ta đây trâu đấy ai mà quản công.

Khi nào cây lúa còn bông,

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn“.

Tuy nhiên, dầu sức người, sức trâu có khỏe mấy cũng chỉ là “dã tràng se cát biển đông” nếu Trời không cho mưa thuận gió hòa. Thế nên, từ lâu cha ông ta vẫn luôn cầu Trời ban cho mưa thuận gió hòa để cuộc sống được ấm no hạnh phúc, để công việc đồng áng được thuận lợi quanh năm.

“Nhờ Trời mưa thuận gió hoà

Nào cày, nào cấy trẻ già đua nhau

Vì thế, từ lâu người Việt Nam đã biết có ông Trời. Tin ông Trời. Cầu khẩn ông Trời. ông Trời trở thành một thần linh luôn đồng hành với con người qua mọi thăng trầm. Tuy không rõ Ông Trời thế nào  nhưng không ai lại không kính Trời. Ai cũng sợ Trời và cố gắng làm vui lòng Trời. Vì ông trời làm chủ vận mệnh muôn loài. Ông Trời quyền phép vô cùng. Thế nên,

Mưu sự tại nhân – Thành sự tại thiên

Trời cho ai nấy hưởng

Sống nhờ ơn Trời – Chết về chầu Trời.

Niềm tin Ky-tô giáo cho chúng ta biết ông Trời của người Việt Nam chính là Thiên Chúa, Ngài là Chúa Cả Trời đất, chính Ngài chúc phúc cho công việc của con người được “thuận buồm xuôi gió” như lời thánh Phaolo quả quyết :”Phaolô trồng, Apollô tưới, nhưng chính Thiên Chúa mới làm cho mọc lên” (1Cr 3,6). Điều này cho ta thấy, Thiên Chúa chỉ chúc lành cho công việc của con người, đúng như câu ca dao xưa: “Có làm thì mới có ăn. Không dưng ai dễ mang phần cho ta”.

Chính Ngôi Hai Thiên Chúa đến trong thế giới, Ngài đã sinh ra trong một gia đình lao động, qua đó Chúa nâng đời sống lao động và thánh hoá đời sống lao động, Chúa làm gương về đời sống phục vụ, mỗi giọt mồ hôi, mỗi sự mệt mỏi trong lao động của Chúa Giêsu đều mặc một giá trị cứu rỗi. Con người luôn phải ý thức lời Kinh Thánh viết, hướng dẫn và chỉ bảo:” bốn mùa Chúa đổ hồng ân, 

Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi“( Tv 64, 2 ).

Vì thế, người tín hữu Việt Nam luôn có một thói quen tốt lành là dâng mọi công việc làm của mình cho Thiên Chúa trong ngày đầu năm mới. Đây gọi là thánh hóa công ăn việc làm cho Thiên Chúa.  Thánh hoá công ăn việc làm là xin Chúa lau sạch những giọt mồ hôi vất vả đổ ra vì sự làm việc của chúng ta. Thánh hoá công ăn việc làm là cầu xin Chúa chúc lành cho nghề nghiệp của chúng ta trở nên hữu ích, không chỉ là làm ra của cải mà còn phục vụ tha nhân trong tình bác ái; thánh hoá công ăn việc làm là cầu xin Chúa hướng dẫn chúng ta sử dụng tay nghề ngày càng tốt hơn để làm góp phần xây dựng quê hương ngày một giầu đẹp hơn.

Trong ngày lễ thánh hoá công việc làm ăn hôm nay, chúng ta cũng cầu xin cho những ai đang thất nghiệp có công việc làm ăn để nuôi sống bản thân. Cầu chúc cho mọi gia đình trong năm mới luôn tìm được niềm vui của sự chia sẻ của các thành viên trong gia đình, nhờ đó mà chúng ta có thể vẽ lên bức tranh thanh thản, bình an nơi gia đình như câu ca dao xưa: “chồng cầy vợ cấy, con trâu đi cầy”.

Cầu chúc cho mọi người có sức khỏe để “cày như Trâu” , chúc cho mọi người một năm mưa thuận gió hòa , người người người tận tụy, chăm chỉ làm ăn và sống hiền hòa bên nhau. Và cầuchúc cho anh em chị em một năm mới:

Phước lộc ơn trời tuôn đổ mãi

An bình hạnh phúc chẳng hề vơi”.

https://www.youtube.com/watch?v=EceMYtHUMrI

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.