Uncategorized

Yêu là chết trong lòng một ít!

Câu truyện được bắt đầu bằng một cuộc tình đẹp, rất đẹp. Chàng và nàng gặp nhau trong một buổi họp mặt bạn bè. Tình yêu bắt đầu nẩy nở và cả hai đã có những buổi hò hẹn rất nên thơ và lãng mạn. Rồi chàng qua Mỹ để nàng lại một mình đau khổ, nhớ nhung. Trong thời gian chờ đưa nàng qua Mỹ, không biết cả hai đã tốn bao nhiêu tiền điện thoại.

Câu truyện được bắt đầu bằng một cuộc tình đẹp, rất đẹp. Chàng và nàng gặp nhau trong một buổi họp mặt bạn bè. Tình yêu bắt đầu nẩy nở và cả hai đã có những buổi hò hẹn rất nên thơ và lãng mạn. Rồi chàng qua Mỹ để nàng lại một mình đau khổ, nhớ nhung. Trong thời gian chờ đưa nàng qua Mỹ, không biết cả hai đã tốn bao nhiêu tiền điện thoại.

Cuối cùng thì tình yêu cũng nối kết họ lại với nhau. Kết quả của mối tình đẹp này là hai đứa con một gái, một trai rất dễ thương, thông minh và khỏe mạnh.

Trong khi con thuyền tình của hai người đang tiến sâu vào vùng biển cả mênh mông hạnh phúc, bỗng sóng gió nổi dậy, và một cơn bão lớn đã quật ngã con thuyền. Sau những tháng ngày chơi vơi trên biển cả, cuối cùng biển cũng đã trả họ về với đất liền. Hồi tưởng lại biến cố kinh hoàng ấy chàng cũng không hiểu tại mình thiếu kinh nghiệm chèo chống, thiếu kinh nghiệm đi biển hay nàng thiếu cộng tác, thiếu bình tĩnh trong cơn thử thách? Chắc chắn là cả hai.

Bây giờ, trong những lúc một mình ngồi nhìn lại qúa khứ, chàng đôi lúc đã tự trách tại sao lúc trước mình đã chiều vợ, thương vợ, nể vợ, và tin tưởng vợ quá đến như vậy. Có người chồng nào đi làm về còn giặt ủi quần áo cho vợ, nấu cơm, rửa chén bát sau mỗi bữa ăn. Có người chồng nào nhiều đêm phải đấm bóp, phải xoa vai, bóp lưng cho vợ hàng giờ. Có người cha nào đêm đêm phải thức giấc pha sữa, thay tã cho con, và ngày từng ngày theo dõi dậy dỗ con, chăm lo bài vở cho con như chàng không? Và có người chồng nào thức giấc hàng đêm chờ vợ về sau khi shopping, giao thiệp và vui đùa với bạn bè không? Nghĩ đến những chuyện đó, chàng thấy tự trách mình, tự cảm thấy xấu hổ. Nhưng rồi chàng lại tự an ủi mình: “Yêu là chết trong lòng một ít”. Tất cả cũng chỉ vì tình yêu thôi mà. Yêu vợ, yêu con và yêu gia đình.

Còn nàng, sau những nóng giận đùng đùng, la hét, chửi bới, và hất hủi chồng, coi chồng như một thằng khờ, một thằng khùng, một thằng cù lần không biết gallant, không biết khiêu vũ, không biết nịnh đầm, nhất là mang cái bệnh nghèo mãn tính. Trước mắt nàng những ngày tháng sau này, chàng chỉ là một người chồng khó tính, xét nét, khuyên răn, giáo điều, và vô dụng.

Tình trạng bên trong con thuyền là thế, nhưng còn những cơn sóng dữ đã xô đẩy con thuyền, làm cho nó chìm là gì? Đó là cái tính nóng nảy, là cái tôi ích kỷ quá lớn của cả hai, là sức ép công ăn việc làm, là những quyến rũ của giầu sang, của đam mê, vật chất, là những sa đọa thu hút từ chung quanh môi trường sống.  

Bạn bè hai người đều nhìn rất rõ cái tính nóng nảy của cả chàng lẫn nàng. Thiếu tự chủ, dễ nóng nảy, mau tức tối, giận hờn. Dường như ở trong hai con người này đã có sẵn một thùng thuốc nổ mà hễ có dịp sáp lại gần nhau chỉ cần một tia lửa của tự ái là bùng nổ. Tính tôi vậy đó. Tôi nói năng vậy đó. Tôi hành động vậy đó. Tôi thích nói là tôi nói, ai nghe hay không nghe mặc kệ. Nhưng quan trọng là ai nhường tôi, xin lỗi tôi thì nhường, thì xin lỗi chứ tôi không nhường và cũng chẳng cần xin lỗi ai cả.  

Với cái nhìn tự nhiên, cái tôi của hai người thật là quá lớn. Dưới cái nhìn tâm lý, cái tôi của hai người đã làm cản trở nhịp cầu cảm thông nối kết giữa vợ chồng. Mặc dù quan tâm đến hạnh phúc gia đình, chăm lo đến vấn đề giáo dục con cái, nhưng xem như chàng vẫn có cái nhìn áp đặt, tinh thần gia trưởng, thiếu nhẹ nhàng, uyển chuyển. Hoặc nếu có nhẹ nhàng, thì lại mang mặc cảm tự ty, chấp nhận miễn cưỡng chứ không phải là một hành động chuyển đổi trưởng thành. Còn nàng thì cái tôi quả là quá sức lớn lao. Lớn hơn cái tôi của chàng, lớn đến nỗi sẵn sàng và bất cứ lúc nào cũng đủ sức để đè bẹp chàng. Trong những lúc chiến tranh bùng nổ, khi hai thùng thuốc nổ bùng lên thì người ta nhìn thấy cột khói của thùng thuốc nổ nàng cao hơn, đen hơn, khét lẹt hơn của cột khói của chàng. Tóm lại, dù gì đi nữa thì sau những va chạm, xử dụng các chiêu thức để thóa mạ nhau, để hạ gục nhau, chàng vẫn là người mang nhiều thương tích nhất vừa tâm lý và có khi cả về thể lý.

Nhưng cái cá tính nóng nảy và cái tôi của hai người nếu không gặp phải thời gian biển động tức là những giao tiếp bạn bè, những va chạm trong công ăn việc làm, và sức mạnh của đồng tiền thì vẫn có thể dễ dàng lướt thắng. Ca dao Việt Nam đã nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.” Điều này không chỉ đúng cho lớp trẻ trong thời gian cần được hướng dẫn, giáo dục, mà cũng đúng cho cả những người đã lớn, đã trưởng thành trong môi trường xã hội. Một khảo cứu gần đây cho thấy có tới 68% trong số 4.000 người được hỏi đã thừa nhận mình có những quan hệ tình cảm và tình dục bất chính tại các nơi làm việc. Và đó là lý do mà nàng đã bắt đầu xa chàng, từng bước và từng bước cho đến lúc nàng tuyên bố một câu rất phũ phàng, rất lạnh lùng: “Ly dị được anh là một niềm vui nhất lúc này của em. Em không bao giờ hối hận về quyết định này!”

Con cá gặp nước nhởn nhơ bơi lội. Tuy nhiên, đó chỉ là trong cái hồ cá nhỏ, nó quên rằng, trước đây nó đã vẫy vùng trong một đại dương mênh mông. Vùng trời hạnh phúc lúc này làm sao so sánh được với biển rộng mênh mông bát ngát kia. Vì thế mà chưa đầy 3 tháng nó đã thấy mình bị tù túng, bị bóp chẹt, bị giới hạn. Những người tình lẻ bắt đầu lặng lẽ ra đi. Thực tế ùa về trong vài trò làm mẹ, làm cha. Sức ép của công việc. Lời đàm tiếu của những bạn bè mà trước khi đã tung hô, đã ủng hộ, đã khuyến khích nó: “Mày bỏ cái thằng cù lần nghèo xác kiết đi thì tương lai mày mới sáng sủa được”. Những bạn bè ấy nay quay lưng, và bắt đầu xa lánh nó. Không còn đường để tiến tới, nhiều đêm gối nó ướt đẫm nước mắt. Nó bắt đầu nhớ lại người chồng khờ, không lãng mạn, thiếu gallant và nghèo thuở trước:

-Anh ơi! Em chán nản quá! Em khổ quá! Anh qua giúp em sửa cái computer, back up lại cho em system trả bill trên online, lo home works cho hai đứa trẻ. Em mỏi mệt quá!

-Em đã có những người bạn tốt, những người yêu mới thông minh hơn anh, giỏi hơn anh, giầu có hơn anh, em nên hạnh phúc, và nhờ họ giúp. Anh không muốn đến nhà em vì em đã nhiều lần xua đuổi anh khi anh nín nhịn đến hy vọng gặp em mong bắc lại nhịp cầu đã gẫy.

-Anh đừng nhắc lại quá khứ nữa. Em không muốn nghe ai nhắc lại những chuyện đã qua ấy!

Tội nghiệp chàng, lúc này tiến thoái lưỡng nan. Không biết những lời ngọt ngào kia có phải là trái táo vườn địa đàng mà Evà đang muốn cám dỗ Adam để một lần nữa xiết cổ chàng, cho chàng vĩnh viễn tàn phai cuộc đời, hay đó là những lời thật phát xuất từ con tim thống hối. Trái tim chàng tự nhiên cũng cảm thấy đau nhói! Nhưng những vết thương lòng của chàng đang từ từ lành. Những vết cắt đã thôi không rỉ máu. Lúc này con tim chàng đang vui trở lại. Chàng đang có người giúp “quên” đi những đau thương quá khứ khi đó một mình chèo chống giữa phong ba, sóng dữ, để rồi bất lực nhìn con thuyền tình của mình bị đánh chìm!

Đời là thế! Cái có trước mắt không bao giờ là cái “có” thật, nhưng cái có “ảo tưởng” lại được đón tiếp, o bế, và nâng niu. Chợt mở mắt nhìn ra sự thật, biết mình bị lừa thì lúc đó mọi sự đã muộn màng.

Không biết nhà thơ Xuân Diệu đã trải qua bao nhiêu cuộc tình, và không biết con tim thi nhân đã bị bao nhiêu vết cắt, nhưng những gì ông diễn tả qua câu thơ “Yêu là chết trong lòng một ít” quả thật quá đúng, và quá ý nghĩa. Cũng giống như Toma Aquinas dù là một nhà tu hành, nhưng ông đã bỏ giờ phân tích một cách rất tâm lý về những đòi hỏi của tình yêu, trong đó điều ông cho là quan trọng nhất, thực tế nhất, sống động nhất của những yêu sách này là “hy sinh”. Hy sinh hay “chết trong lòng một ít” cũng mang cùng ý nghĩa. Ý nghĩa của cái trìu tượng mênh mông ấy đã được Francis Assisi thực tế hóa bằng câu: “Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu!”. Đó là định luật, là lẽ sống, là đòi hỏi tối thiểu nhưng cần thiết của tình yêu. Muốn nuôi dưỡng và phát triển được tình yêu không thể thiếu những giọt máu rỉ ra từ con tim, là những hy sinh thầm kín hay công khai cho người mình yêu.

Trong hôn nhân, hai cái tôi hợp lại tự nó đã mang ý nghĩa hy sinh, chấp nhận. Nhất là hai cái tôi ấy lại phát xuất từ hai thái cực nam và nữ. Và từ nhiều ảnh hưởng tạo nên những lực đối kháng ấy như ảnh hưởng di truyền, ảnh hưởng giáo dục gia đình, ảnh hưởng xã hội, ảnh hưởng văn hóa… Vậy chỉ còn duy nhất một phương thức nuôi sống tình yêu là hy sinh, là chết đi trong lòng một ít cho những gì mình không thích, không ưa, không muốn mà người chồng, người vợ mình lại thích, lại ưa và lại muốn. Là chết đi, là rỉ máu một chút cho những ước vọng đường đời từ phía nhìn của người vợ, người chồng, để chấp nhận nhau và cùng đồng hành với nhau trong những tâm lý sinh lý khác biệt.

Bạn sẽ không bao giờ tìm được một người đàn ông hay đàn bà nào tuyệt vời trên cõi đời này. Và vì thế, trong đời sống hôn nhân, bạn cũng sẽ không có một người chồng hay người vợ tuyệt vời. Nhưng nếu tình yêu bạn được nuôi dưỡng bằng những giọt máu rỉ ra từ những vết cắt của con tim là hy sinh, cây tình yêu của bạn sẽ phát triển, sẽ nở hoa, và lúc đó bạn sẽ khám phá ra những nét tuyệt vời, đáng yêu nơi người chồng hay người vợ của mình.  

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.