Uncategorized

Yêu hết con tim, hết linh hồn, và hết trí khôn

Yêu Chúa và yêu tha nhân là hai giới răn quan trọng, liên kết, đòi hỏi và thúc bách mọi Kitô hữu trong quyết tâm thực hành. Tuy nhiên, thực hành giới luật yêu thương không phải là điều dễ dàng, bởi vì nó va chạm đến hai đối tượng: Thiên Chúa và con người.

Yêu Chúa và yêu tha nhân là hai giới răn quan trọng, liên kết, đòi hỏi và thúc bách mọi Kitô hữu trong quyết tâm thực hành. Tuy nhiên, thực hành giới luật yêu thương không phải là điều dễ dàng, bởi vì nó va chạm đến hai đối tượng: Thiên Chúa và con người.

Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng, vô hình chẳng ai nhìn thấy bao giờ. Còn lại con người là những thụ tạo mà ta thường ngày va chạm, đối diện nhưng lại không phải là đối tượng dễ ưa, dễ nhìn, và dễ mến. Ngay trong tình trường, hai người yêu nhau thắm thiết nhưng thường chỉ ghi đậm dấu ấn ở những buổi ban đầu, càng về lâu về dài, tình yêu càng bị soi mòn, bị thử thách, và đòi hỏi nhiều cố gắng. Đó là lý do tại sao nhiều cặp vợ chồng đã có một khởi đầu rất lãng mạn, rất đắm đuối, rất nồng nàn, rất cuồng nhiệt, nhưng sau cùng đã có kết thúc đau đớn, chia ly.

Như vậy thì làm sao thực hành được giới luật yêu thương? Làm sao yêu Chúa qua yêu người? Hôm nay với câu trả lời của Chúa Giêsu cho người thông luật thuộc nhóm Sađốc, và qua ông Ngài cũng muốn nói với tất cả chúng ta. Không tránh né yêu Chúa và hơn nữa, Ngài còn đòi hỏi phải yêu mến với tất cả con tim, tất cả linh hồn, và tất cả ý chí.

Đòi hỏi quá cao vượt xa những yếu đuối của con người. Nhưng Chúa Giêsu đã khéo nhắc cho con người rằng, con đường thực hành yêu mến phải đi từ con tim qua tâm hồn rồi mới lên đến lý trí. Cả ba thánh sử Máccô, Matthêu và Luca đều ghi rõ thứ tự hành động ấy như sau: Yêu Chúa hết lòng (con tim), hết linh hồn và hết trí khôn (mind).  Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao Chúa Giêsu lại đặt linh hồn giữa trái tim và lý trí trong thứ tự thực hành đức mến đối với Thiên Chúa?

Thật ra, Chúa Giêsu không lầm, và cũng không lẫn lộn khi xếp đặt thứ tự những cung bậc mà chúng ta phải thực hành, phải luyện tập trong đức mến yêu đối với Thiên Chúa. Ai cũng biết, con đường từ trái tim lên đến khối óc tuy gần mà xa, tuy xa mà gần. Trong tình yêu cũng như trong mọi tính toán, con tim và khối óc có lý lẽ riêng của nó. Có những cái chúng ta thích mà người khác không thích. Hay lúc này thích, lúc khác không thích. Có những cái chúng ta yêu mà người khác không yêu, hoặc lúc yêu lúc ghét. Bởi đó để con tim và khối óc cùng một nhịp điệu trong tác động tình yêu, chúng cần một nhịp cầu nối kết, ít nhất trong lãnh vực tâm linh, đó là linh hồn. Linh hồn chính là tác nhân tinh thần nối kết những cái mà cả con tim và khối óc không nhận ra hoặc không đồng nhịp với nhau.

Trái tim liên quan đến những tình cảm và ước muốn. Chúa Giêsu với bản tính nhân loại, Ngài cũng có một trái tim và trái tim ấy cũng biết rung cảm, thao thức. Phúc Âm đã nhắc lại có lần Chúa đã khóc trước mộ của bạn thân Lazarô, và thổn thức trước quan tài của người con trai bà góa thành Naim. Ngài biết sự rung động của con tim luôn luôn là những nhịp điệu tha thiết nhất đi vào đời sống tình cảm cũng như ước muốn con người. Do đó, Ngài muốn chúng ta diễn tả tình yêu bằng những cảm nhận và nhịp đập con tim trước. Vì trong những rung động tình cảm, con người dễ dàng làm vui lòng Thiên Chúa qua sự đón nhận và yêu thương những anh chị em đồng loại, những thụ tạo mang hình ảnh của Ngài. 

Lý trí có liên quan đến những quyết định và nguyên tắc, đến những lý lẽ và những nhận định sáng suốt. Tình yêu Thiên Chúa không phải là một thứ tình cảm yếu ớt, ướt át, màu mè, hoặc ủy mị. Do đó, yếu tố lý trí quyết định và chọn lựa những phương thức cũng như những thực hành trưởng thành, đứng đắn phù hợp với hành vi nhân tính khi hướng những tư tưởng cũng như hành động về với tình yêu Thiên Chúa.  

Nhưng những tình cảm, ước muốn và quyết định ấy phải phát xuất từ nội tâm và để Chúa diễn đạt qua những ước muốn từ bên trong là tác động yêu mến của linh hồn. Điều đó cũng có nghĩa là từ nơi sâu thẳm của linh hồn với những lo lắng, những ước muốn, những sợ hãi được đem đặt trước Thiên Chúa để Ngài nói với chúng bằng tiếng nói và cách nói của Ngài.  

Như vậy, sau khi đã hoàn toàn để cho Thiên Chúa điều khiển và hướng dẫn, cùng với những thao thức của con tim qua tiếng Ngài phán bảo trong tâm hồn, lúc đó lý trí mới thật sự khuất phục, và mới định hình những quyết định, những nguyên tắc hành động như thế nào. Riêng Thánh Máccô và Luca thì thêm với tất cả sức lực (all your strength).

Yêu Chúa với hết trái tim, hết linh hồn, và hết ý chí là yêu một cách trọn vẹn, yêu bằng tất cả sức mạnh, tài năng, cảm tình, yếu đuối, và bằng sự sáng suốt của lý trí. Dĩ nhiên, để tình yêu này được thực hiện, đòi phải có sức mạnh và nghị lực, có nghĩa là phải chấp nhận hy sinh. Vì chỉ với những cố gắng không ngừng trong tất cả cảnh huống cuộc đời, chúng ta mới có thể thực hiện được giới luật cao cả là mến Chúa, yêu người. Chúa Giêsu là Đấng đã nói về tình yêu, và đã minh chứng tình yêu đối với những bạn hữu của Ngài: “Không ai có tình yêu lớn hơn người thí mạng sống vì bạn hữu mình” (Gioan 15:13). Đó cũng là hình ảnh một linh hồn yêu mến Thiên Chúa hết trái tim, hết linh hồn, và hết trí khôn.

“Thiên Chúa là tình yêu” (1 Gioan 4:8). Lạy Chúa! Con yêu mến Chúa. Xin giúp con biết chứng minh tình yêu của mình qua những quan tâm, chia sẻ và phục vụ anh chị em con.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.