Đức Mẹ Maria đã được hồn xác lên trời. Trời nói đây là thiên đàng. Thiên đàng là quê hương, mà mọi người con Chúa đều nhắm tới. Được vào thiên đàng là hạnh phúc sau cùng, mà mọi người tin Chúa đều mong đợi nhất.
Để được lên thiên đàng, phải đi đúng đường. Đường đó đã được đức tin dạy.
Giáo lý đức tin không thay đổi. Nhưng thế giới những người tin đã và đang thay đổi.
1/ Khủng hoảng đức tin
Mới rồi, tại Fatima, ngày 12 tháng 5 năm 2010, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói: "Thời nay, đức tin tại nhiều vùng rộng lớn đang trong nguy cơ tàn lụi". Đức Thánh Cha muốn nói tới những nơi đã có đức tin. Những nơi ấy là những vùng rộng lớn. Chúng ta được phép hiểu đó là những châu lục, những nước, những miền, những giáo phận. Lời cảnh báo của Đức Thánh Cha đáng được chúng ta suy nghĩ.
Thực rất đau lòng, khi phải nhận rằng: Đang có khủng hoảng về đức tin trong Hội Thánh. Khủng hoảng đó có những mức độ khác nhau. Nơi thì đổ vỡ như một toà nhà bị phá. Nơi thì khô cạn, như một dòng sông thiếu nước. Nơi thì hoang vu, như một cánh đồng nhiều cỏ ít lúa.
Khủng hoảng nặng nhất về đức tin hiện nay có thể nhận thấy ở mấy điểm này đang xảy ra ở nhiều nơi:
– Sự kiêu căng và đời sống buông thả.
– Mất ý thức về tội.
– Giảm bớt lòng tin đối với các bí tích.
– Nghi ngờ sự hiện hữu của thiên đàng, hoả ngục.
– Trốn tránh mầu nhiệm thánh giá.
– Coi nhẹ đời sống nội tâm.
– Sự cứu độ nhân loại sẽ được thực hiện bằng nhiều cách, mà không cần đến Thiên Chúa.
– Hạ giá các vấn đề đạo đức, mà chỉ trọng các vấn đề kinh tế và hưởng thụ.
– An tâm với những hình thức giữ đạo bề ngoài, còn trọng tâm Phúc Âm thì bỏ- An tâm với những hình thức giữ đạo bề ngoài, còn trọng tâm Phúc Âm thì bỏ.
Tại Việt Nam , khủng hoảng về đức tin còn nhẹ, nhưng không vì thế mà được chủ quan coi thường.
2/ Nguyên nhân khủng hoãng
Nếu tìm hiểu nguyên nhân sự sa sút của tình hình đức tin và đạo đức, chúng ta có nhiều cái nhìn.
Theo cái nhìn của các thánh tông đồ xưa, tình hình sa sút đức tin và đạo đức là do Satan, các ngôn sứ giả và các thói xấu chung của tập thể và tính yếu đuối của con người.
Theo cái nhìn của các bậc có trách nhiệm hiện nay, tình hình sa sút phần lớn là do sự xuất hiện và bành trướng các chủ thuyết xấu, các phong trào tệ hại trong xã hội. Như chủ thuyết thế tục hoá, tương đối hoá. Như phong trào hưởng thụ, thực dụng, kiêu căng tự đắc.
Nguyên nhân phổ thông nhất là sự bỏ dần việc cầu nguyện. Sự phát triển tính kiêu căng, tính ác độc và thói sống buông thả cũng là nguyên nhân đáng kể của sự suy thoái đức tin.
3/ Hậu quả cuộc khủng hoảng
Dù nguyên nhân là gì, thì sự sa sút về đức tin và về đạo đức cũng chắc chắn sẽ đưa tới tình trạng nguy hiểm, đó là tội lỗi sẽ tăng, do đó hình phạt cũng sẽ tăng và sẽ mau xảy tới.
Kinh Thánh quả quyết: Hậu quả dành cho kẻ phạm tội sẽ là hình phạt. Hình phạt nặng nhất sẽ là không được lên thiên đàng, hơn nữa còn phải bị ném xuống hoả ngục, chịu hành hạ muôn đời muôn kiếp.
Hình phạt bởi tội là rất khủng khiếp. Khủng khiếp ở đời sau, và cũng có thể ngay ở đời này.
Chúa Giêsu xuống thế làm người, là để cứu con người khỏi sa vào đàng tội, kẻo sẽ phải chịu khổ cực, nhưng sẽ được lên thiên đàng.
Đức Mẹ, những lần hiện ra ở La Salette, Lộ Đức, Fatima , đều khuyên nhủ loài người hãy sám hối, bỏ đàng tội, trở về với Chúa. Cùng với lời khuyên đó, Đức Mẹ cảnh báo nhiều hình phạt sẽ tới, nếu người ta cứ tiếp tục đi sâu vào con đường tội lỗi.
4/ Những việc nên làm
Mặc dù có những khuyên răn và cảnh báo, tình hình sa sút về đức tin và đạo đức vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển. Trước tình hình này, chúng ta nên làm gì?
Thiết nghĩ, việc đầu tiên ta nên làm là hãy đến bên Đức Mẹ, cầu nguyện với Đức Mẹ, ở lại với Đức Mẹ, khiêm tốn hỏi Đức Mẹ và lắng nghe Đức Mẹ.
Chúng ta sẽ được Đức Mẹ cho biết: Chính bản thân ta cũng rất cần nhạy bén về nguy cơ suy thoái đức tin và đạo đức. Biết đâu chính ta đã và đang góp phần vào tình hình suy thoái hiện nay.
Tác giả sách Khải Huyền cho thấy: Nguyên nhân góp phần vào việc suy thoái đạo đức và đức tin nhiều khi không phải là những tội ghê gớm, mà mới chỉ là những tình trạng không đủ tích cực. Như sự nguội lạnh (x. Kh 3,16), sự dung túng những kẻ bê bối (x. Kh 2,20), sự chấp nhận những thầy dạy điều sai lạc (x. Kh 2,15), sự đánh mất tình yêu thuở ban đầu (x. Kh 2,4), thiếu tỉnh thức (x. Kh 3,2).
Việc thứ hai nên làm tiếp đó là khẩn khoản xin Đức Mẹ ban ơn giúp chúng ta đón nhận ơn đức tin.
Thực chất đức tin không phải là chấp nhận suông một hệ thống tín điều, mà là khiêm tốn đón nhận Lời Chúa, tình yêu Chúa, ý Chúa, đời sống của Chúa và chính Chúa Giêsu. Thái độ mở lòng ra, khiêm tốn đón nhận, để rồi gắn bó với Chúa Giêsu, sẽ làm cho ta cảm nhận được ánh sáng và ngọt ngào thiêng liêng. Từ đó đời sống đức tin của ta sẽ là dấn thân đi trên con đường dẫn tới thiên đàng một cách có bảo đảm chắc chắn.
Việc thứ ba thiết tưởng nên làm là xin Đức Mẹ giúp chúng ta được nên giống Đức Mẹ ở thái độ "xin vâng ý Chúa". Chúa Giêsu phán: "Không phải những người thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng là những người thi hành ý muốn của Cha Thầy, là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi" (Mt 7,21). Ý muốn rõ ràng nhất và quan trọng nhất của Chúa là chúng ta yêu thương nhau và ở lại trong tình yêu của Chúa. Với mọi dấn thân, mà bác ái đòi hỏi.
Sau cùng, chúng ta cần nhận thức điều này.
Đức tin là một hồng ân của Chúa. Hồng ân đó kèm theo một chương trình của Chúa. Những người được Chúa ban ơn đức tin cũng nhận được một sự Chúa sai đi. Qua đời sống thường ngày, chúng ta sẽ làm chứng về Đấng mà chúng ta tin. Vì "Tôi biết tôi tin vào ai" (2 Tm 1,12)Đức tin là một hồng ân của Chúa. Hồng ân đó kèm theo một chương trình của Chúa. Những người được Chúa ban ơn đức tin cũng nhận được một sự Chúa sai đi. Qua đời sống thường ngày, chúng ta sẽ làm chứng về Đấng mà chúng ta tin. Vì "Tôi biết tôi tin vào ai" (2 Tm 1,12).
Cúi xin Đức Mẹ trên trời thương cứu giúp tình hình đức tin của đoàn con đang hành hương trên cuộc sống trần gian khổ ải này.
Views: 0