Uncategorized

Xin cho chúng con yêu nhau hằng ngày

Nếu có yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ
Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi qua đời
Đừng đợi ngày mai đến khi tôi thành mây khói
Cát bụi làm sao mà biết lụy người.

Nếu có yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ
Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi qua đời
Đừng đợi ngày mai đến khi tôi thành mây khói
Cát bụi làm sao mà biết lụy người.

Nhạc sĩ Trần Duy Đức qua nhạc phẩm “Nếu có yêu tôi” đã thổi vào tâm tư người nghe những tư tưởng tình yêu và tình đời. Nó phảng phất một triết lý hư mà thực, có mà không, không mà có mang mác trong tình trường. Như hai kẻ yêu nhau thề non hẹn biển, nhưng rồi chẳng làm gì cho nhau, ngược lại, tối ngày cắn cấu, hằn học, cãi vã nhau chợt đến khi một trong hai người chết đi, kẻ còn sống mới gào thét, than trời, trách đất. Cái đang nắm trong tay lại buông thả, giơ tay chụp bắt cái mình không có. Thói đời là vậy. Cái đang có trước mặt thì lại không quí, không tha thiết, mà chỉ sống, chỉ tìm những cái gì đó trong mơ mộng hão huyền.

 

Ngay bây giờ, và ngay lúc này. Đó cũng là ý tưởng chính xây dựng đề tài “Xin Cho Chúng Con Yêu Nhau Hằng Ngày” do Linh mục đan sỹ Phạm Sỹ Hanh trình bày trong Đêm Gia Đình, ngày 11 tháng 4 năm 2014 tại Trung Tâm Công Giáo. Cũng như những Đêm Gia Đình trong quá khứ, Đêm Gia Đình lần này đã thành công và thu hút nhiều người nghe cùng với sự góp mặt của Bác Sĩ, Ca Sĩ Trung Chỉnh qua đề tài “Càng Già, Càng Khỏe, Càng Vui.” Dĩ nhiên, phải yêu nhau ngay bây giờ và yêu nhau hằng ngày thì tuổi già mới khỏe, và mới vui được.

 

Trong khi khai triển đề tài và để dẫn thính giả đến thực tế là vợ chồng phải yêu nhau hằng ngày, cha Hanh đã dựa vào nền tảng Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước. Phần áp dụng thực hành diễn giả đã dùng chính lời nói và tư tưởng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi Ngài kêu gọi các đôi uyên ương trong Ngày Lễ Tình Yêu, 14 tháng 2 năm 2014, rằng họ phải thương yêu nhau, quan tâm đến nhau không phải chỉ hôm qua, hôm nay, ngày mai, mà hằng ngày trong cuộc sống. 

Một trong những hình ảnh so sánh được coi như lột tả tính thần học của ơn gọi hôn nhân, đặc biệt là hôn nhân Kitô Giáo, đó là lời của Giavê Thiên Chúa phán trong Sáng Thế Ký khi tạo dựng nên con người: “Ta hãy tạo dựng nên con người mang hình ảnh Ta” (Sáng Thế Ký 1:26). Và “Ngài đã tạo dựng họ có nam, có nữ” (1:27). Từ đó, diễn giả đã khéo léo đặt vấn đề với người nghe khi nêu lên ý tưởng là con người chỉ là hình ảnh của Thượng Đế thôi, và cái làm nên con người ấy là nam và nữ. Ở điểm này, chỉ trong ơn gọi hôn nhân người ta mới tìm được hình ảnh Thượng Đế một cách đầy đủ và rõ ràng nhất. Bởi vì cũng chỉ trong hôn nhân, người nam và người nữ kia khi kết hợp nên một với nhau, mới phản ảnh trọn vẹn hình ảnh mà Thượng Đế muốn nói đến trong công trình tạo dựng của Ngài. Nhưng cũng chính trong ý nghĩa ấy mà ta lại khám phá ra sự thật khác nữa về con người, đó là con người bất toàn. Con người chỉ là phản ảnh của Thiên Chúa. Và vì thế, sự bất toàn luôn luôn là một cái gì gắn liền với thân phận con người. 

 

Trở lại ý nghĩa của lời cầu: “Xin cho chúng con yêu nhau hằng ngày”, diễn giả dùng một thuật ngữ gồm hai chữ “now” và “here”, có nghĩa là ở đây và lúc này. Nếu vợ chồng đã yêu nhau thì không có lý do gì để trì hoãn, để suy nghĩ, hoặc để đắn đo. Bởi vì ngày hôm qua đã không thuộc về mình, một giây, một phút trong tương lai cũng không thuộc về mình. Nhưng chỉ có hiện tại, và ngay giây phút này là của mình. Và đó là cái mà vợ chồng có thể cho nhau. Khi gom hai chữ “now” và “here” lại cũng là chữ “nowhere” không đâu cả. Một mặt trái mang tính tiêu cực của tình yêu trì hoãn, của tình yêu hứa hẹn, tình yêu ảo tưởng, ảo giác, và có điều kiện, như Trần Duy Đức đã viết: 

 

“Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi qua đời
Đừng đợi ngày mai đến khi tôi thành mây khói”

 

Vì lúc đó, “Cát bụi làm sao mà biết lụy người.” Người nằm đó đâu nghe, đâu hiểu, và đâu cảm được gì?!

 

Và để đi đến kết luận thực hành, diễn giả khuyên vợ chồng hãy dùng ba từ ngữ rất quen thuộc trong tương quan giao tiếp thường ngày để sống và để trọn vẹn tình yêu hằng ngày với nhau, đó là please, thank, và sorry. Nếu vợ chồng muốn làm cho nhau được hạnh phúc thì tiên vàn phải biết nương theo nhau, phải biết cám ơn nhau, và phải biết xin lỗi nhau mỗi khi lầm lỗi, mỗi khi gây đau khổ và hiểu lầm nhau. Tuy nhiên, diễn giả cũng tỏ ra dễ dãi với những yếu đuối của con người khi nhắc lại tư tưởng của Đức Phanxicô. Trong tương quan vợ chồng, Ngài nói với các bạn trẻ rằng, nếu cần cãi nhau cứ cãi nhau, nếu bát đĩa bay, cứ để cho bát đĩa bay. Nhưng quan trọng là trước khi kết thúc một ngày, trước khi lên giường ngủ vợ chồng phải tha thứ, và làm hòa. Và đây là một trong những thực hành quan trọng, bởi vì một ngày sống sẽ không vui, không yêu nhau, không ý nghĩa nếu như nó kết thúc bằng giấc ngủ mang những ý nghĩ hận thù và giận hờn. “Đồng sàng mà dị mộng”!

 

Tiếp đến trong phần tâm lý, xã hội, bác sĩ, ca sĩ Trung Chỉnh đã dẫn người nghe đi vào sự tiết chế cần thiết, một sự tiết chế không chỉ đem lại sức khỏe thân xác, mà còn nâng cao đời sống tâm lý và tâm linh nữa. Đề tài “Càng già, càng khỏe, càng vui” mới nghe xem ra không ăn nhập gì với những suy tư tu đức, và thần học của linh mục Phạm Sỹ Hanh. Nhưng suy nghĩ một chút lại thấy nó như bổ túc và hòa hợp với ý nghĩa tình yêu trọn vẹn.

 

Khi trình bày về quan niệm sống khỏe, bác sĩ đã đưa ra một câu chuyện mang tính dụ ngôn, nhưng rất giá trị:

 

Chuyện kể một chàng trai thấy ba bô lão đang vui vẻ lao động bên đường. Tò mò chàng hỏi về sức khỏe, tuổi tác của ba vị thì được cho biết tất cả đều trên 70 tuổi và cả ba điều rất khỏe mạnh. Nhưng có lẽ điều mà chàng muốn biết hơn là bí quyết nào đã làm cho ba cụ thọ, khỏe và yêu đời như vậy.

 

Cụ thứ nhất trả lời: Vợ xấu.
Cụ thứ hai trả lời: Bữa tối ăn ít.
Cụ thứ ba trả lời: Không nằm sấp để ngủ.

 

Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao lại có ba câu trả lời coi như không ăn khớp gì với nhau nhưng lại liên quan đến tuổi thọ, sức khỏe và hạnh phúc của tuổi cao niên. Chỉ cần suy nghĩ một chút, người nghe liền hiểu rằng cả ba câu trả lời ấy đều qui về một ý nghĩa, đó là phải biết sống tiết độ. Mà theo khoa học, tiết độ là yếu tố cần thiết cho một cuộc sống lành mạnh. Muốn sống thọ, sống khỏe, và sống vui vẻ, người ta phải tiết độ. Tiết độ về thể xác, tiết độ về tâm lý, tình cảm, và tâm sinh lý. 

 

Người vợ xấu và không được nằm sấp để ngủ là hình ảnh tiết độ tâm sinh lý, một hình thức kiềm chế tính dục. Vì vợ trẻ, đẹp luôn luôn là sức quyến dũ và tăng sự ham muốn của người chồng. Trong tầm nhìn tâm lý, vợ đẹp còn là cớ để tạo nên những ghen tương, giận hờn. Tất cả những thứ này đều không hợp cho sức khỏe tâm lý và sự trưởng thành tâm linh. Và sau cùng “nằm sấp” tự nó cũng đã vẽ lên hình ảnh liên quan đến những ham muốn dục vọng.

 

Bữa cơm tối ăn ít là sự kiềm chế tính tham ăn. Theo y khoa, phần lớn những bệnh tật đều do sự thác loạn, và ham mê ăn uống: “Thần khẩu hại xác phàm”. Ăn no trước khi ngủ thì dễ xình bụng, khó tiêu, khó ngủ và nặng nề xác thịt. Và điều này cũng không làm cho con người nâng cao tâm hồn. Tiết chế ham mê ăn uống cũng là quan niệm của một vị chân tu thánh thiện. Thánh Anphonsô cũng đồng ý cho rằng, cái đói của bữa ăn tối chỉ là cái đói giả và ngụ ý nói đến sự tiết chế tính ham mê ăn uống.

 

Con người được hình thành với ba mạnh sống gắn bó và liên kết với nhau: Sống thể lý, sống tâm lý và sống tâm linh. Về mặt tâm linh diễn giả cũng nêu lên một hình ảnh tích cực liên quan giữa tâm linh và sức khỏe phần xác được minh chứng qua chính kinh nghiệm sống của diễn giả.

 

Tóm lại, đây là một buổi hội thảo hay và giá trị. Những ai may mắn có mặt trong Đêm Gia Đình này đều cảm thấy rất ích lợi, và học hỏi rất nhiều.  Ước mong những Đêm Gia Đình trong tương lai sẽ được phổ biến rộng rãi hơn để có đông hơn người tham dự, như vậy sẽ có nhiều người cùng lãnh hội được những kết quả tốt đẹp, và để đời sống hạnh phúc hôn nhân của nhiều gia đình ngày càng thêm phấn khởi, duy trì và phát triển.

 

Gia Đình Nazareth đồng hành với các gia đình.

13/4/2014
Trần Mỹ Duyệt 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.