VATICAN CITY (CNS) – Với những cuộc hội thảo mang chủ đề như “Benedict XVI, lạm dụng tính dục và báo The New York Times” trên chương trình nghị luận, người ta không ngạc nhiên khi thấy một hội nghị các nhà làm truyền thông Công giáo tại Rome năm nay đã gây ra được nhiều chú ý hơn thường lệ mỗi năm.
Nhưng những người chờ đợi sẽ có một loạt những vụ phê bình chỉ trích giới truyền thông sẽ phải thất vọng. Hầu hết những cuộc thảo luận trong cuộc hội nghị tuần qua tập trung vào vấn đề làm cách nào để cho chính giáo hội trở thành trong sáng hơn, tác động tích cực hơn trong công tác truyền thông và thuận thảo hơn với giới ký giả nếu giáo hội muốn cho sứ điệp của mình về vụ tai tiếng tính dục do giáo sĩ gây ra được mọi người lắng nghe.
Cuộc hội nghị này được trường Đại học Thánh giá của Phủ Giáo hoàng do tổ chức Opus Dei điều hành, trải qua nhiều năm đã trở thành một cơ hội gặp gỡ thường xuyên đối với hàng trăm nhân viên truyền thông của giáo hội, trong đó có những người phát ngôn của các giáo phận.
Những loạt bài báo tiết lộ mới đây về vụ lạm dụng tính dục của giáo sĩ, như một cơn bão thổi tới Vatican, cũng đã ảnh hưởng đến những nhà chuyên môn về truyền thông Công giáo tại các địa phương, đa số là các giáo dân.
Người ta đã tưởng là cuộc hội thảo sẽ dùng báo The New York Times làm chủ đề chỉ trích. Được biết loạt bài về các vụ lạm dụng tính dục mới đây của báo này đã bị nhiều viên chức cao cấp trong giáo hội phê phán là bất công.
Thế nhưng, ông Diego Contreras, viện trưởng khoa truyền thông của trường Đại học Thánh giá, lại bắt đầu cuộc hội nghị bằng lời tuyên bố rằng, nói chung, báo chí đã giữ vai trò tích cực trong việc đem các vụ lạm dụng tính dục ra ngoài ánh sáng và giúp làm cho sự việc trở thành một vấn đề ưu tiên đối với giáo hội.
Sau đó ông trình bầy nội vụ “chỉ nguyên các sự kiện mà thôi”. Ông nói: Trong 7 tuần lễ vừa qua, báo The New York Times đã đăng 65 bản tường trình về giáo hội và vụ lạm dụng tính dục trong ấn bản in trên báo giấy, gồm có 10 bản tin trên trang nhất, cũng như 12 mục góp ý, một bài bình luận, một cuộc phỏng vấn và 29 lá thư của độc giả.
Ông phân tích theo thống kê thấy rằng hầu hết những “thông điệp” chung loan đi qua những bài vở và những nhan đề bài báo, cho thấy vụ tai tiếng này trực tiếp ảnh hưởng đến Đức giáo hoàng Benedict. Cảm tưởng cho thấy, tuy không phải lúc nào cũng được nói ra rõ rệt, là Đức giáo hoàng đã biết về các vụ lạm dụng tính dục vậy mà ngài không nói hoặc không làm gì cả.
Ông Contreras kết luận: báo The New York Times rõ rệt đã có một nỗ lực lớn khi cung cấp tin tức về vụ khủng hoảng này. Những khó khăn tạo ra, theo lời ông, là cách thức trình bầy và giải thích của báo, và điều mà ông gọi là những bài tường thuật này dựa quá nhiều vào những chuyện kể cung cấp bởi các luật sư liên quan đến các vụ kiện lạm dụng tính dục.
Bà Rachel Donadio, thông tín viên của báo The New York Times tại Rome, sau này có nói truyện với ông Contreras và bảo ông rằng tuy đôi lúc người ta phàn nàn là các luật sư đã lèo lái câu chuyện này, nhưng thật rất khó để có được lời tường thuật khác đi xuất phát từ Vatican.
Bà Donadio ngày hôm trước cũng đã nói truyện trước hội nghị, cho biết là loan tải tin tức về Vatican là công việc khó khăn nhất trong cuộc đời của bà. Bà nói: Vatican, dưới nhiều hình thức, vẫn duy trì “một nền văn hóa tu viện, không muốn được biết hay được giải thích.”
Loan tải tin tức về vụ tai tiếng lạm dụng tính dục đã là một công việc đặc biệt khó khăn, và đôi khi bà có cảm tưởng như mình là một thông dịch viên đứng giữa các nền văn hóa khác biệt nhau:
“Đã có lúc, tôi cảm thấy như mình đang cố gắng giải thích cho độc giả Mỹ hay rằng Đức giáo hoàng không phải như người đứng đầu hãng xe hơi Toyota. Ngài không đứng ra trước một cuộc họp báo và xin lỗi vì thắng xe vận hành sai lạc. Vatican không hoạt động như vậy.”
Bà nói: Đồng thời tôi cũng đã giải thích cho một số vị trong giáo triều Roma rằng “vụ lạm dụng tính dục trong giáo hội… không phải là vấn đề báo The New York Times hoặc bất cứ ai trong báo giới bịa đặt ra.”
“Đây là một vấn đề trong nội bộ Giáo hội Công giáo, không chỉ là việc báo chí chống lại giáo hội.”
Một số những lời bình luận thách đố nhất trong hội nghị đến từ các người làm công tác truyền thông trong chương trình.
Bà Pia de Solenni, một nhà thần học Công giáo Hoa kỳ và một nhà văn, cảm thấy bị phiền hà vì một số viên chức trong giáo hội dường như đã tỏ ra có “một thứ giọng điệu đui điếc” trong các bình luận chống đỡ về vụ lạm dụng tính dục. Bà nói sẽ chẳng giúp gì cho giáo hội khi tự mô tả mình đang bị bách hại, hay nói rằng vì chỉ có một tỷ lệ nhỏ nhoi các linh mục phạm tội lạm dụng, “chúng tôi cũng như những người, những tổ chức khác.”
Bà nói sứ điệp của giáo hội nên nhắm vào một số yếu tố chính yếu: xin các nạn nhân tha thứ, quy nhận trách nhiệm cho những người đã phạm phải lầm lỗi, và trong sáng giải thích xem các vụ như thế đã được giải quyết ra sao. Đã có những mẫu mực tốt đối với việc này, chẳng hạn như ở Hoa kỳ, nhưng phải được thực thi ở mỗi giáo phận trên khắp thế giới.
Giáo hội cũng cần phổ biến những tin tức tốt, chẳng hạn như con số rất thấp những vụ lạm dụng tính dục mới đã được báo cáo. Trên hết cả, theo lời bà, giáo hội cần phải tích cực hoạt động, tiếp xúc với báo giới và đưa tin tức cho họ, đừng đợi cho chuyện nổ ra làm chúng ta lung túng.”
Điều làm hại đến các nỗ lực truyền thông về vụ lạm dụng tính dục là “những lời tuyên bố mâu thuẫn và không phối hợp với nhau”, đặc biệt là khi liên hệ đến các vấn đề dễ làm lạc hướng như đồng tính luyến ái, hay “những bãi mìn văn hóa” như vụ Holocaust chẳng hạn.
Tuy bà Solenni không nêu đích danh người nào, nhưng nhiều người trong hội nghị nghĩ tới một số lời tuyên bố mới đây và có vẻ như là không được chin chắn của các giới chức ở Vatican về những đề tài liên hệ, đã chỉ làm cho công việc trở thành khó khăn hơn.
Là những người tuân theo khít khao chính sách thông tin của Tòa thánh, họ có cảm tình với người phát ngôn của Vatican, linh mục Dòng Tên Federico Lombardi. Cha được họ tin là đã thắng được một số áp lực nội bộ trong nỗ lực công bố các tin tức với nhiều chi tiết và đúng thời gian hơn trong các vụ lạm dụng tính dục và các chính sách.
Trong ngày cuối của cuộc hội nghị, cha Lombardi đã gặp các tham dự viên tại Vatican và cho họ biết rằng chính sách toàn diện của ngài đặt trên một nguyên tắc giản dị: đó là Vatican nên cung cấp càng nhiều những thông tin có thể được, nhằm “giảm thiểu cảm tưởng tràn lan rằng chúng ta có một thứ văn hóa bí mật hoặc đang cố giấu diếm chuyện nào đó.”
Ngài cũng nói rằng, đáp ứng lại vụ tai tiếng lạm dụng tính dục phải đi xa hơn việc trả lời những cáo buộc của giới phê bình hoặc truyền thông. Một công tác căn bản – trong đó các người làm truyền thông Công giáo tại địa phương có thể nắm vai trò lãnh đạo – là đưa ra những tấm gương cụ thể minh họa giáo hội ngày nay là một môi trường gương mẫu đối với sự an toàn của trẻ thơ.
Người phát ngôn của Tòa thánh đã nhận được từ thính giả một điều mà ngài ít lâu nay chưa được nghe: một tràng pháo tay hoan hô rất lớn.
Phụng Nghi
Views: 0