Uncategorized

WYD 2011: Thánh Lễ Bế Mạc

Sáng sớm hôm nay, Chúa Nhật 21/8, Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã cử hành thánh lễ Bế Mạc ngày Quốc Tế Giới Trẻ kéo dài từ hôm thứ Ba 16/8 cho đến nay.

 

Sáng sớm hôm nay, Chúa Nhật 21/8, Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã cử hành thánh lễ Bế Mạc ngày Quốc Tế Giới Trẻ kéo dài từ hôm thứ Ba 16/8 cho đến nay.

 

Lúc 9 giờ sáng, Đức Thánh Cha đã được các bạn trẻ chào đón nồng nhiệt tại sân bay Cuatro Vientos cách trung tâm thành phố 8km về phiá Tây Nam. Theo thống kê sơ khởi của cảnh sát, con số các bạn trẻ tham dự thánh lễ bế mạc sáng nay có lẽ đã vượt quá con số ước tính ban đầu là 2 triệu bạn trẻ.

 

Trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã ban huấn dụ chi các bạn trẻ như sau:

 

Với việc cử hành Thánh Lễ này chúng ta đã đạt đến cao điểm của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Lòng cha tràn ngập niềm vui khi thấy chúng con tụ họp ở đây với vô số các bạn từ khắp nơi trên thế giới. Cha nghĩ đến Chúa Giêsu đang trìu mến nhìn chúng con. Phải, Chúa yêu chúng con và gọi chúng con là bạn hữu (x. Ga 15:15) của Người. Người tiến ra để gặp chúng con và Người muốn đồng hành với chúng con trên cuộc hành trình của chúng con, để mở cửa cho chúng con vào một cuộc sống sung mãn, và cho chúng con được chia sẻ chính sự thân mật của Người với Chúa Cha. Về phần chúng ta, chúng ta đã biết được sự vô biên trong tình yêu của Người và muốn quảng đại đáp lại tình yêu ấy bằng cách chia sẻ với những người khác niềm vui mà chúng ta đã nhận được. Chắc chắn rằng có nhiều người ngày nay đang cảm thấy bị thu hút bởi dung mạo Đức Kitô và muốn biết Người một cách rõ ràng hơn. Họ nhận ra rằng Người là câu trả lời cho nhiều thắc mắc sâu thẳm nhất của chúng ta. Nhưng Người thật sự là ai? Làm sao mà một người sống trên thế gian qua xa xưa lại có những gì giống như tôi hôm nay?

 

Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe (x. Mt 16:13-20) đưa ea cho chúng ta hai cách để biết Chúa Giêsu. Một là nhận biết Ngài cách khách quan, thông qua dư luận người đời. Khi Chúa Giêsu hỏi: “Người ta bảo Con Người là ai?”, các môn đệ trẻ lời: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, người khác bảo là Êlia, và những ngưởi khác nữa lại bảo là Giêrêmia hay một ngôn sứ nào khác.” Nói cách khác, Đức Kitô được người ta coi không khác hơn những nhân vật tôn giáo khác đã đi trước Người. Rồi Chúa Giêsu hướng về các môn đệ mà hỏi các ông: “Nhưng các con bảo Thầy là ai?” Thánh Phêrô trả lời bằng điều mà chúng ta thường mệnh danh là Lời Tuyên Xưng Đức Tin Đầu Tiên: “Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống”. Đức tin là điều gì trỗi vượt hơn những sự kiện thực nghiệm hay lịch sử; nó là khả năng hiểu được mầu nhiệm về Đức Kitô trong tất cả bề sâu của Ngài.

 

Nhưng đức tin không phải là kết quả của nỗ lực của con người, của lý luận nhân loại, nhưng là một hồng ân của Thiên Chúa: “Phúc cho con, Simon con ông Giôna! Vì không phải xác thịt và huyết thống mặc khải điều này cho con, nhưng Cha Thầy trên Trời.” Đức tin thực sự được bắt đầu từ Thiên Chúa, Đấng mở lòng Ngài ra cho chúng ta và mời chúng ta chia sẻ chính đời sống thần linh của Ngài. Đức tin không đơn thuần cung cấp thông tin về Chúa Giêsu là ai; nhưng đứng trước sự kiện Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho chúng ta trước, đức tin đòi hỏi một liên hệ cá nhân với Đức Kitô, một sự phó thác toàn thể con người của mình, cùng với tất cả sự hiểu biết, ý chí và cảm giác của mình. Cho nên câu hỏi của Chúa Giêsu: “Nhưng các con bảo Thầy là ai?” chung cuộc là một thách đố đối với các môn đệ để đưa ra quyết định cá vị về Người. Đức tin vào Đức Kitô và việc làm môn đệ liên hệ rất chặt chẽ với nhau.

 

Và vì đức tin liên hệ đến việc đi theo Thầy, nó phải luôn luôn trở nên mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn và trưởng thành hơn, đến độ dẫn đến một liên hệ gần gũi hơn và mật thiết hơn với Chúa Giêsu. Thánh Phêrô và các môn đệ khác cũng phải lớn lên cách này, cho đến khi các ngài gặp Chúa Phục Sinh và được Người mở mắt các ngài để thấy sự sung mãn của đức tin.

 

Các bạn trẻ thân yêu, hôm nay đây Đức Kitô cũng đang hỏi chúng con cùng một câu hỏi mà Người đã từng hỏi các Thánh Tông Đồ: “Chúng con bảo Thầy là ai?” Hãy trả lời Người với sự quảng đại và lòng cam đảm, thích hợp với những tâm hồn trẻ như tâm hồn của chúng con. Hãy thưa với Người: “Lạy Chúa Giêsu, con biết Chúa là Con Thiên Chúa, Đấng đã hiến mạng sống cho con. Con muốn trung thành theo Chúa và được Lời Chúa dẫn dắt. Chúa biết con và Chúa yêu con. Con tín thác vào Chúa và đặt trọn cuộc đời con trong tay Chúa. Con muốn Chúa thành sức mạnh nâng đỡ con và niềm vui không bao giờ rời xa con”.

 

Chúa Giêsu trả lời cho lời tuyên xưng của Thánh Phêrô bằng cách nói về Hội Thánh: “Và Thầy bảo con, con là Phêrô, nghĩa là Đá, và trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh Thầy”. Những lời ấy có ý nghĩa gì? nếu không phải là lời khẳng định của Chúa Giêsu rằng Ngài sẽ xây dựng Hội Thánh trên tảng đá đức tin của Thánh Phêrô, là người tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa.

 

Như vậy, Hội Thánh, không chỉ là một cơ chế nhân loại, như những cơ chế khác. Nhưng Hội Thánh được gắn liền với Thiên Chúa. Chính Đức Kitô gọi Hội Thánh là Hội Thánh “của Người”. Đức Kitô không thể tách rời khỏi Hội Thánh được như đầu không thể tách rời khỏi thân thể (x. 1 Cor 12:12). Hội Thánh không rút sự sống ra từ chính mình, nhưng từ Chúa.

 

Các bạn trẻ thân yêu, như người Kế Vị Thánh Phêrô, cha van nài chúng con hãy củng cố đức tin này là đức tin được truyền lại cho chúng ta từ thời các Tông Đồ. Hãy làm cho Đức Kitô, Con Thiên Chúa, thành trọng tâm của cuộc sống chúng con. Nhưng Cha cũng xin nhắc nhở chúng con rằng theo Chúa Giêsu trong đức tin có nghĩa là đi bên cạnh Người trong sự hiệp thông với Hội Thánh. Chúng ta không thể theo Chúa Giêsu bằng cách riêng của mình. Bất cứ ai dám đi theo Chúa “bằng cách riêng của mình”, hoặc tiếp cận đời sống đức tin với chủ nghĩa cá nhân đang quá thịnh hành ngày nay, sẽ có nguy cơ không bao giờ thật sự gặp được Chúa Giêsu, hay chung cuộc sẽ theo một Giêsu giả.

 

Có đức tin có nghĩa là tìm sự nâng đỡ từ đức tin của các anh chị em chúng con, cũng như chính đức tin của chúng con được dùng để nâng đỡ đức tin của người khác. Các bạn thân mến, cha xin chúng con hãy yêu Hội Thánh là [người] đã sinh ra chúng con trong đức tin, giúp chúng con lớn lên trong sự hiểu biết về Đức Kitô và dẫn chúng con đến việc khám phá ra vẻ đẹp của Tình Yêu Người. Lớn lên trong tình bằng hữu với Đức Kitô phải có nghĩa là nhận ra tầm quan trọng của việc tham gia cách vui vẻ vào đời sống của các giáo xứ, các cộng đồng và các phong trào của chúng con, cũng như việc cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật, năng lãnh nhận bí tích Hòa Giải, và vun trồng đời sống cầu nguyện cá nhân và suy niệm Lời Chúa.

 

Tình bằng hữu với Chúa Giêsu cũng sẽ dẫn đưa chúng con đến việc làm nhân chứng cho đức tin ở bất cứ nơi nào, ngay cả khi gặp sự chối từ hay thờ ơ. Chúng ta không thể gặp Đức Kitô mà không muốn làm cho những người khác biết Người. Đừng giữ Đức Kitô cho riêng mình! Hãy chia sẻ với tha nhân niềm vui về đức tin của chúng con. Thế giới cần chứng từ về đức tin của chúng con, và chắc chắn rằng nó cần Thiên Chúa. Cha nghĩ rằng sự hiện diện của rất nhiều người trẻ ở đây, đến từ khắp nơi trên thế giới, là một bằng chứng tuyệt vời về thành quả của mệnh lệnh mà Đức Kitô truyền cho Hội Thánh: “Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16:15). Chúng con cũng được trao cho công tác phi thường là làm môn đệ và thừa sai của Đức Kitô trong những vùng đất và quốc gia khác đầy những người trẻ đang tìm kiếm một điều gì lớn lao hơn, và vì lòng họ bảo họ rằng thật sự có những giá trị chân thật hơn, nên họ không để cho mình bị quyến rũ bởi những lời hứa xuông của một cách sống không có một chỗ nào dành cho Thiên Chúa.

 

Các người trẻ thân yêu, cha cầu nguyện cho chúng con với một lòng yêu mến chân thành. Cha dâng tất cả chúng con cho Đức Trinh Nữ Maria và xin Mẹ đồng hành với chúng con luôn luôn bằng sự bầu cử từ mẫu của Mẹ, và dạy chúng con làm sao luôn trung thành với Lời Chúa. Cha xin chúng con cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, như người Kế Vị Thánh Phêrô, để ngài luôn củng cố đức tin của các anh chị em ngài. Nguyện xin cho tất cả chúng ta trong Hội Thánh, các mục tử cũng như các tín hữu, xích lại gần Chúa mỗi ngày một hơn. Xin cho chúng ta lớn lên trong sự thánh thiện của đời sống và là những nhân chứng hữu hiệu cho sự thật là Đức Chúa Giêsu Kitô quả thật là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ toàn thể nhân loại và nguồn mạch hằng sống của niềm hy vọng của chúng ta. Amen.

 

Cuối thánh lễ Bế Mạc, Đức Thánh Cha đã công bố ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần tới sẽ diễn ra vào năm 2013 tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil. Cha Federico Lombardi, trưởng phòng báo chí Tòa Thánh nói rằng thời gian diễn ra Đại hội này được xếp đặt sớm hơn một năm, nhằm tránh xung đột với việc tổ chức Giải Vô địch Bóng đá thế giới (World Cup), sẽ được tổ chức tại Brazil năm 2014.

 

Sau thánh lễ Bế Mạc, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ những thiện nguyện viên vào lúc 5h30 trước khi ngài ra phi trường Barajas để trở về Rôma kết thúc tốt đẹp cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ tại Madrid.

 

Kính thưa quý cha và anh chị em,

 

Trên đường tới một Tây Ban Nha đang gặp khủng hoảng xã hội nặng nề, ngài biết rõ: rất nhiều người trẻ lâm vào tình thế bấp bênh, mất hết viễn tượng. Nên ngài đã trình bày với các nhà báo đôi điều về học thuyết xã hội của Giáo Hội: “Con người phải ở tâm điểm của kinh tế. Kinh tế phải từ bỏ lợi nhuận tối đa và lưu ý tới ích chung cũng như việc làm cho mọi người. Nó phải bảo vệ hành tinh của ta”.

 

Đức Bênêđíctô XVI nhắc người ta nhớ tới tính trầm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chánh.

 

Đứng trước người trẻ của năm 2011, là thế hệ của khủng hoảng kinh tế, chắc chắn Đức Bênêđíctô đã đề xuất một lối sống khác đặt căn bản trên dấn thân, tình huynh đệ và sự tiết độ theo đường hướng của thông điệp Đức Ái trong Sự Thật. Nhưng không hẳn chỉ đọc một sứ điệp, nhân cơ hội này, ngài cũng đã mời gọi giới trẻ trở về với những điều nền tảng của đức tin. Chỉ cần nhìn vào chủ đề của Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần này: "Bén rễ và xây dựng trong Chúa Giêsu Kitô, vững mạnh trong đức tin", một câu trích từ Thánh Phaolô, ta sẽ thấy trọn vẹn "chương trình thần học" của Đức Bênêđíctô XVI.

 

Giống như ở Cologne, và hơn nữa, ở Sydney, Đức Bênêđíctô XVI đã đưa ra phong độ riêng của ngài bằng cách nhấn mạnh tới những giờ phút cử hành bí tích và tôn thờ Thánh Thể. Năm nay, Đức Giáo Hoàng còn ngồi tòa giải tội cho người trẻ nữa. Điều này đem lại cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới dáng dấp một "bài giáo lý vĩ đại". Để, như ngài từng nói ở Sydney, biến những ngày này thành "đỉnh cao cho con đường trên đó ta đi gặp gỡ nhau, và trên đó ta cùng đi gặp gỡ Chúa Kitô".

 

Trong thánh lễ chào đón tại Plaza de Cebeles, Đức Thánh Cha thúc giục các bạn trẻ:

 

Các con thân mến, hãy lắng nghe những lời của Chúa, những lời có thể đem lại cho các con "tinh thần và cuộc sống" (Ga 6:63), là như những gốc rễ nuôi dưỡng sự sống của các con, là quy luật của cuộc sống mà so sánh chúng ta – tâm hồn nghèo khó, khao khát công lý, đầy lòng thương xót, tinh khiết trong trái tim, những người yêu hòa bình – con người của Chúa Kitô. Khi chúng ta nghe lời Chúa thường xuyên mỗi ngày như là một người không lừa dối, là nơi mà chúng ta muốn chia sẻ con đường của cuộc sống. Tất nhiên, các con biết rằng khi chúng ta không đi bên cạnh Chúa Kitô, người hướng đạo của chúng ta, chúng ta bị lạc trên những con đường khác, giống như con đường mù quáng và ích kỷ, hoặc đường phỉnh nịnh tâng bốc, lừa dối và hay thay đổi, những con đường để lại sự trống rỗng và thất vọng khi tỉnh giấc.
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.