Ngày ấy, bắt được Chúa Giêsu, toán lính Do thái trói Ngài và dẫn đến nhà ông Anna, rồi đến nhà ông Caipha, cuối cùng đến pháp đình. Trước tòa Philatô, cuộc đối chất giữa Chúa Giêsu và Philatô bắt đầu.
Ðể trả lời cho câu hỏi của Philatô: “Vậy ông là vua sao?” Chúa Giêsu đã không trực tiếp trả lời cho ông Ngài có phải là vua hay không, nhưng Ngài lại hỏi lại: “ Ngài tự ý nói điều đó, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?”; câu hỏi ấy thầm trách Philatô là ông đã không tìm biết Thiên Chúa, đã không được nghe nói đến một vị cứu tinh của dân Do thái như Thiên Chúa đã hứa với dân riêng của Ngài, không nghe biết gì về lịch sử cứu dộ của Thiên Chúa. Và Philatô đã hỏi lại Chúa: “Tôi là người Do thái sao?” Câu hỏi ấy gián tiếp trả lời ông là người không tin vào Thiên Chúa, không thuộc dân riêng của Ngài, ông là dân ngoại. Do đó Chúa Giêsu mới xác nhận với Philatô: “Quan nói đúng: Tôi là Vua”; nhưng không phải là vua theo quan niệm và cách hành xử của người trần, không phải chỉ là vua của một nước một dân tộc nào đó trên thế gian này; nhưng là vua của mọi người, của mọi dân tộc, là vua tâm linh, vua lòng người;
và “ Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do thái”.
Vua Giêsu đứng đơn độc, không vũ khí, không người bảo vệ trước quan Tổng trấn Philatô, một con người đầy quyền lực, có hàng ngàn quan lính dưới quyền ông, nhưng Vua Giêsu lại cao trọng không ai sánh bằng. Ngài không cai trị bằng quyền lực và thống trị, nhưng bằng mời gọi và yêu thương, Ngài không dùng quyền lực chính trị để ép buộc người khác phải làm theo ý mình hay áp bức, gây chết chóc cho con người, nhưng đem đến cho con người sự sống và tự do.
Nói đến một vị vua trần thế là chúng ta nghĩ đến một ngai vàng, một vương miện, một cung điện, sự giàu sang, quyền lực, một nội các, một đoàn binh lính; nhưng Vua trên trời lại không có ngai vàng, không vương miện, không người cung phụng, không quân lính. Vi Vua ấy không xe ngựa, nhưng rảo bộ trên khắp nẻo đường ở xứ Palestine với một nhóm môn đệ, hoà lẫn với những người bệnh tật đói nghèo, những người tội lỗi, những người bị gạt ra bên lề xã hội.
Ðặc điểm chính dung mạo của Ðấng làm Chủ tể vũ trụ, làm chủ cuộc đời của con người là gì?
Trong một thị kiến ban đêm, tiên tri Ðanien đã nhìn thấy dung mạo của Vua Sự Thật như sau: “ Tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời. Ngài tiến đến vị Bô lão.Vị này ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: tất cả các dân tộc, chi họ và tiếng nói đều phụng sự Ngài; quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất, vương quốc của Ngài không khi nào bị phá hủy”. ( Bài đọc 1). Ðấng ấy là Ðấng có quyền năng vĩnh cửu, là vua vũ trụ, vua muôn loài; vương quốc của Vua ấy không thế lực nào có thể phá hủy, gồm mọi dân tộc trên trái đất.
Và thánh Gioan trong sách Khải Huyền đã mô tả dung mạo của Chúa Giêsu Kitô “là chứng tá trung thành, là trưởng tử kẻ chết, là thủ lãnh các vua trần thế, là Ðấng đã yêu thương chúng ta, Ngài đã dùng máu Ngài mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi, và làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa, Cha của Ngài”.( Bài đọc 2).
Như thế Chúa Giêsu là vua trên các vua trần thế, vua trên trời chứ không phải là vua thuộc thế gian của một nước hay của môt dân tộc nào đó, là vua của nhân loại, vua của vũ trụ, đích danh của Ngài là vua sự thật; thần dân của vị vua ấy, của vương quốc ấy là những ai nghe tiếng của vua ấy, là những ai đứng về phía sự thật, là những ai đặt niềm tin vào Ngài. Ngài là Ðấng chăm sóc con người như mục tử chăm sóc đàn chiên và hy sinh chính mình trên thập giá để cứu rỗi con người khỏi ách kìm kẹp của sự dữ, của tôi lỗi. Ngài quy tụ những “ai đứng về sự thật và nghe tiếng Ngài” thành một cộng đoàn của Ngài. Phương tiện thực thi vương quyền của Ngài là nhập thể cứu chuộc và rao giảng, làm chứng cho sự thật, là thể hiện tình yêu đối với con người như Ngài đã khẳng định “ Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về sự thật thì nghe tiếng tôi”.
Ðêm đến, có hai đàn chiên được nhốt chung trong một chuồng. Sáng sớm, một mục tử đến mở cửa chuồng và kêu lớn: “Marah”, tiếng Ả rập có nghiã là “ Hãy theo ta”, và mọi con chiên trong chuồng đều theo anh ta.
Một người nhìn thấy cảnh tượng ấy, rất thích thú. Anh mượn tấm áo và chiếc gậy của mục tử kia và cũng kêu to: “ Marah”. Thế nhưng không một con chiên nào nhúc nhích. Anh đến gặp người chăn chiên và hỏi có khi nào chiên đi theo một người khác không phải là anh ta không. Mục tử trả lời: “ Có chứ! Ðôi khi có một con chiên nào đó bị yếu bệnh qúa nặng nên bất kỳ ai nó cũng đi theo”.
Sứ mạng của Chúa Giêsu là thực hiện vương quốc và vương quyền của Thiên Chúa nơi trần thế, nơi tâm hồøn của con người. Những gì Ngài nói và làm chứng đều là chân lý, là sự thật; trong Ngài có sự thật và Ngài là sự thật, Ngài xuống trần gian để làm chứng cho sự thật và Ngài là Vua Sự Thật.
Quyền lực của một ông vua trần thế dựa vào người khác, dựa vào những phương tiện vật chất…Quyền lựïc của Vua Giêsu là quyền lực tự thân, một thứ quyền lựïc nội tại không lệ thuộc bất cứ một phương tiện nào, quyền lực ấy là đường, là chân lý, là sự thật, là yêu thương. Tự bản chất, Chúa Giêsu trổi vượt lên trên hết mọi quyền lực thế gian, nhưng Ngài lại không muốn con người nhìn Ngài với một một cái nhìn xa cách, không muốn sống cách biệt với con người, nhưng là người bạn, người tình, người cùng cảnh ngộ như con người; Ngài không muốn là một nhân vật ngồi trên ngai vàng để cho người ta sủng bái, nhưng là người đồng hành, cùng chịu chung cảnh ngộ với con người, một ông vua đi xuống với con người, một ông vua phục vụ con người hơn là để con người phục vụ.
Nói sự thật , làm chứng cho sự thật luôn phải trả rất đắt. Chúa Giêsu vì trung thành với sự thật, làm chứng cho sự thật, đã bị treo trên thập gía.
Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng Vua Sự Thật. Là Kitô hữu, có chất Kitô trong mình, chúng ta đã nghe tiếng Chúa, đã đứng về phía sự thật. Chúa Giêsu muốn chúng ta thể hiện tính vua của mình ( tiên tri và tư tế) trong cuộc sống giữa anh em đồng loại để làm chứng cho sự thật. Một sự thật được treo giá nơi bách hại, ghen hét, vay hãm, đố kỵ, cấm cách.Thập giá của chúng ta được tạo thành từ muôn vàn hy sinh trong cuộc sống. Muốn tránh thập gía thì chỉ cần thoả hiệp với thế gian. Trung thành với sự thật của Chúa đòi hỏi chúng ta phải trả giá bằng mọi thiệt thòi, ngay cả đến sinh mạng.
Mang danh Kitô hữu là chấp nhận làm con dân của Vua Giêsu Kitô, là những người “đứng về sự thật”, thì nhiệm vụ của người Kitô hữu là làm chứng cho sự thật, lắng nghe và đáp lại tiếng kêu gọi của Vua Sự Thật.
Làm chứng về sự thật Kitô trong lời nói, hành động để tất cả cùng hiểu được và đi theo sự thật Kitô, để đạt đến đích điểm cuối cùng của loài người và vũ trụ là quy tất cả vào trong Chúa Giêsu Kitô, Vua Sự Thật.
Chúng ta vui mừng, hãnh diện gọi Chúa Giêsu Kitô là Vua của chúng ta. Là thần dân của Ngài, chúng ta cam kết một lòng trung tín với Ngài mà không dành cho bất cứ quyền lực nào khác trên thế gian. Cuộc sống của mỗi người trong chúng ta là để làm chứng cho vương quốc của Ngài.
Sử gia Arnold Toynbee đã làm việc nhiều năm để hoàn thành bộ lịch sử thế giới đồ sộ của ông. Ban đầu, ông rất lưỡng lự trước khối lượng công việc nặng nhọc. Nhưng khi công trình gần hoàn thành, ông đã ghi lại một đoạn văn rất ý nghiã như thế này:
“Khi khởi sự công trình này, chúng tôi thấy mình như thể đang nhìn vào một cuộc diễu hành vĩ đại. Nhưng thời gian trôi qua, tất cả các nhân vật tham dự cuộc diễu hành ấy, lần lượt từng người một, đã ngã xuống bên vệ đường. Và giờ đây, chỉ còn lại một nhân vật duy nhất; mỗi bước chân của nhân vật ấy càng lúc càng lớn thêm, lớn mãi”.
Những vua chúa trần gian, những nhà độc tài khét tiếng…có thể vùng vẫy trên sân khấu cuộc đời trong một thời gian nào đó, nhưng rồi cuối cùng cũng biến mất. Người diễu hành duy nhất còn lại đó là Vua Giêsu Kitô, là chứng nhân trung thành của Thiên Chúa đang mãi mãi cùng hành trình với dân Ngài.
Views: 0