Uncategorized

Với cả tâm trình!

Cuộc đời của Đức Giêsu – kể từ khi công khai rao giảng Tin Mừng – là những chuyến lữ hành không ngơi nghỉ.

 

Cuộc đời của Đức Giêsu – kể từ khi công khai rao giảng Tin Mừng – là những chuyến lữ hành không ngơi nghỉ.

 

Có thể nói – Đức Giêsu không cố định một nơi nào cho những hoạt động truyền giảng của Ngài. Khởi đi từ Galilê; Ngài đến sông Jordan : “và được ông Gioan làm phép rửa” (Mc 1,9). Sau khi : “ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ” –  Đức Giêsu khởi sự sứ vụ; bắt đầu từ thành Caphanaum – nơi được coi như một trung tâm truyền giáo – với một bài giảng “nảy lửa” khiến cho toàn thể mọi người hiện diện nơi đó đều phải : “Sửng sốt về lời giảng dạy của Người” (Mc 1,21).

 

Hành trình của Đức Giêsu xuyên suốt toàn xứ sở Palestin. Từ : “vùng đất của dân Ghê-ra-sê” cho đến : “Tia và Sidôn” với bao phép lạ như : “trừ quỷ cho con gái một bà gốc Phê-ni-xi xứ Xy-ri. Chữa một người vừa điếc vừa ngọng. Và một người mù ở Giê-ri-khô” cũng đã được Ngài cứu chữa nhờ vào lòng tin của anh ta. Có thể ví những cuộc hành trình đó là những cuộc hành-trình-thoi-đưa.

 

Hôm nay; cuộc hành-trình-thoi-đưa đó đã “đưa” : “Thầy trò đến Giêrusalem” (Mc 11,15). Đây không phải là lần đầu tiên Đức Giêsu lên “Đền Thờ”. Thuở còn thơ ấu : “khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse (đã) đem (Ngài) lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa”.(Lc 2,22).

 

Hai thập kỷ đã trôi qua – đã có lần : “cả gia đình cùng lên đến thờ – khi (Đức Giêsu) được mười hai tuổi – (để) mừng lễ Vượt qua”.(Lc 2, 41). Hôm đó Cậu nhỏ Giêsu đã làm cho bất cứ ai – kể cả các “bậc thầy Do Thái”. “Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu” (Lc 2, 47). Giêrusalem đã để lại trong ký ức cậu Giêsu nhiều điều đáng nhớ.

 

Vậy mà hôm nay… Ôi ! tệ thật !!! Khi trở lại Giêrusalem. Một sự “bát nháo” nơi Đền Thờ đập vào đôi mắt Đức Giêsu đã kiến Ngài nổi giận. Đền thờ Giêrusalem – nơi được gọi là : “Ngai tòa của Đức Chúa” (Gr 3, 17) đã bị : “biến thành sào huyệt của bọn cướp” (Mc11, …17). Một bọn “quân cướp” đội lốt “kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng…(ra rả) đọc kinh cầu nguyện lâu giờ (nhưng luôn rình rập để) nuốt hết tài sản của các bà góa” (Mc 12, 38-40). Đền Thờ Giêrusalem hôm nay; quả là như hai mặt của một đồng tiền. Một mặt là những kẻ giàu sang thích phô trương và : “ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc” (Mc 12,30). Còn mặt kia là những kẻ : “(nghèo khó và) túng thiếu” nhưng đã dám : “bỏ vào (Đền thờ) tất cả tài sản, tất cả những gì (đã) có để nuôi sống mình”(Mc12, ..44).

 

Một chút tâm tình.

 

Đối nghịch với sự ồn ào náo nhiệt bởi đám đông lũ lượt tiến vào Đền thờ là một người phụ nữ.Thánh sử Macco mô tả người phụ nữ này là : “một bà góa nghèo” (Mc 12, 42). Bà ta vui mừng “tiến-lên-đền-thờ-Thiên-Chúa” với những lời hát thì thầm; hòa theo cung điệu của dàn kèn đồng lanh lảnh rúc lên từng hồi từ trong Đền Thánh vang ra; với âm điệu du dương của những bài Thánh vịnh chúc tụng Thiên Chúa.

 

Bà ta khe khẽ nguyện cầu : “Ôi ! Lạy Giavê Thiên Chúa ! Phải chi con là nam giới để được phép bước vào Đền Thờ !!!”. Chắc hẳn khung cảnh trong Đền Thánh phải là rực rỡ nguy nga; với những bức tường cao vời vợi; được dát bằng bích ngọc và thành được làm từ những miếng vàng Ôphia; theo như lời kể của nhiều người.

 

Bà ta tiến đến “thùng tiền” – nơi luôn có những vị “cảnh sát tôn giáo” hiện diện canh chừng. Đây là thùng tiền dâng cúng cho Đền thờ. Mọi người từng bước tiến đến bỏ tiền dâng. Có người bỏ vào một cách kín đáo. Có đôi người đi qua nhưng chẳng bỏ đồng nào. Nhưng cũng có kẻ cố ý bỏ thật chậm trãi; từng tờ.. từng đồng… với những động tác gây chú ý; khiến cho nhiều người chung quanh nhìn thấy phải ồ lên vì sự hào phóng !!

 

Bà góa nghèo ngập ngừng. Dâng hay không là tùy tâm tùy ý; không bắt buộc. Tệ thật ! Chỉ còn có hai đồng… Chẳng ai bắt buộc mình phải dâng cúng. Mình nghèo mà… Hay bỏ một đồng; còn một thì giữ lại !!! Ôi ! không được. Như thế thì còn gì là sự nhiệt thành dâng trọn vẹn tấm lòng cho Thiên Chúa. Một quyết định thật khó khăn. Nhưng cuối cùng khi vượt qua được sự giằng co của tư tưởng; bà ta đã : “bỏ vào đó hai đồng tiền; trị giá một phần tư đồng Rôma” (Mc 12,42) – hai đồng tiền kẽm nhỏ bé lẫn vào những tờ bạc mệnh giá lớn lấp lánh… Rồi bà ta mau chóng đi ra… Bà ta có cảm tưởng như có ai đó nhìn theo mình. Phải chăng là hai ông “cảnh sát tôn giáo” soi mói nhìn mình khi nãy ! Ôi ! không phải… Hình như lúc nãy một người có khuôn mặt trông quen quen : “ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng”… Ông ta : “quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao”.

 

Thôi đúng rồi ! Ông ta là Giêsu mà khi ở Xê-da-rê Philippê đã được môn đệ Phêrô tuyên tín là : “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” – Trên đường về nhà, bà ta cảm thấy lòng thật bình an. Bình an bởi bà ta đã nghe; chính con người này – khi ở Caphanaum đã tuyên bố rằng : “Ai đến với tôi,không hề phải đói; ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ” (Ga 6, 35).

 

Một phút suy tư.

 

William Barclay đã kể lại câu chuyện sau đây: “Có một anh lính kia bị trọng thương ngoài chiến trường. Vị tuyên úy bò tới bên anh và làm tất cả những gì có thể làm được. Ngài ở lại với anh khi mà đồng đội đã rút lui hết. Trong cái nóng nực của ban trưa, ngài đã cho anh tất cả số nước trong bình của ngài, trong khi chính ngài cũng đang bị nung nấu bởi cái khát. Đêm đến, khi sương giá lạnh lẽo ập xuống, ngài lấy chiếc áo khoác của mình mà đắp cho anh lính. Cuối cùng, anh lính ngước nhìn lên vị tuyên úy và hỏi: “Thưa tuyên úy, ông là Kitô hữu phải không?” Vị tuyên úy trả lời: “Tôi cố gắng để là người Kitô hữu”. Anh lính nói: “Nếu Kitô giáo dạy người ta làm cho người khác những việc mà ông đã làm cho tôi, thì ông hãy dạy cho tôi biết đạo Kitô giáo đi. Vì tôi cũng muốn trở thành Kitô hữu”..

(nguồn : ngọn nến nhỏ)

 

Giữa hai câu chuyện “bà góa nghèo và vị tuyên úy” đã cho chúng ta thấy rằng : của cho không bằng cách cho. Có thể chúng ta cho là vì bất đắc dĩ. Điều đó cũng tốt thôi. Có thể chúng ta cho là vì bổn phận. Được như thế thì quá tốt. Nhưng sẽ là tốt nhất, tuyệt vời nhất nếu chúng ta cho là vì “tình yêu thương” như người Samari nhân lành đã cho đi với tất cả ‘lòng thương xót’.

 

Hãy nhớ rằng Đức Giêsu đã nói : “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần tế lễ”(Mt 12,7).

 

Petrus.tran

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.