Uncategorized

Vẫy tay và xua tay

65 năm (1945 – 2010) từ khi ra đời đến nay, cơ quan quốc tế lớn nhất hành tinh, – Liên Hiệp Quốc – luôn gặp bế tắc trong những khi muốn đưa ra những quyết định quan trọng, vì năm lá phiếu phủ quyết (veto) do một nhúm nhỏ năm quốc gia nắm giữ.

 

65 năm (1945 – 2010) từ khi ra đời đến nay, cơ quan quốc tế lớn nhất hành tinh, – Liên Hiệp Quốc – luôn gặp bế tắc trong những khi muốn đưa ra những quyết định quan trọng, vì năm lá phiếu phủ quyết (veto) do một nhúm nhỏ năm quốc gia nắm giữ.

 

Giai đoạn đầu là những phủ quyết theo ý thức hệ, đặc thù chiến tranh lạnh giữa hai khối tự do và cộng sản. Đã thành lệ và gần như là “bổn phận” của một bên (Anh, Pháp, nhất là Hoa Kỳ) phải nói “trắng” khi bên kia (Trung Quốc, đặc biệt là Liên Xô) nói “đen” và ngược lại. Ý thức hệ không quan tâm đến con người, mà chỉ lợi ích chính trị và kèm theo đó là bá quyền sô-vanh. Khi khối cộng sản sụp đổ tan tành, thì vẫn năm lá phiếu phủ quyết ấy, nhưng được chuyển thành lợi ích kinh tế và tranh giành ảnh hưởng. Lần nữa, con người chẳng là gì trước lợi ích kinh tế.

Ranh giới thiện ác không còn ý nghĩa gì. Dâm ô, trụy lạc, tội ác thênh thang đi vào thế giới, thâm nhập tận những ngõ ngách xa xôi, kín đáo và đạo đức nhất. Ý thức tội lỗi mất dần và nhục dục cùng lợi ích kinh tế đã khiến con người trơ tráo biện hộ cho tội ác. Toà giải tội thưa thớt dần đến mức báo động đỏ. Ngụp lặn và nhầy nhụa trong vũng bùn xác thịt, với những thứ “tình yêu” chớp nhoáng và chóng tàn, con người không còn thấy và không còn tin vào tình yêu đích thực, không thấy lỗi đạo với Người Cha nhân từ hằng mong những đứa con lầm lạc và lầm than trở về. Dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay đã được khai thác, suy tư, nguyện ngắm rất nhiều, nhiều đến nỗi nó trở thành một câu chuyện tuy thật hay, nhưng nhàm chán vì được nghe kể quá nhiều, chẳng khác nào con cháu của một cựu chiến binh phải tỏ ra lịch sự, để nghe người cha người ông của mình kể đi kể lại hàng trăm lần những trận đánh, những chiến công xa xưa. Điều chúng ta muốn làm hôm nay, là viết phần kết mà Chúa Giêsu cố tình bỏ lững, để chúng ta hoàn chỉnh câu chuyện về ba cha con trong dụ ngôn. Có thể nói : chúng ta đóng vai người con cả và sẽ cho câu chuyện nầy có được kết thúc có hậu (happy end) hoặc một kết thúc bi đát. Lá phiếu phủ quyết và vận mệnh của nhiều anh em đang nằm trong tay chúng ta.

Sự chân thành và trung thực, thẳng thắn lúc nầy lại đang bị thử thách nghiêm trọng, có thể lật ngược thế cờ của hai anh em, tức là thế cờ có khả năng biến người anh nên thiện hoặc ác. Vô tình vì ghen ghét, định kiến, mà người anh phạm một lỗi lầm khó cảm thông : vu oan cho người em! Người em có thể hoang phí, sống vô trật tự, nhưng không hoang dâm sa đoạ “với bọn đĩ điếm”, như lời người anh thêm thắt. Cặp “người cha nhân từ và đứa con hoang đàng” khiến ta liên tưởng đến cặp “người mẹ nhân từ và đứa con hoang đàng” là Nữ Thánh Mônica và Thánh Augustinô. Cũng như “đứa con hoang đàng” trong Tin Mừng Luca, Thánh Augustinô phung phí thời giờ, tiền bạc, nhưng không sa đà vào dâm ô, trác táng. Giáo dục, lời cầu nguyện và tình thương của người cha (trong Tin Mừng) và người mẹ (theo hạnh các thánh) đã ăn sâu trong tâm trí những người con và họ có thể lầm lạc, nhưng không thể hư mất. Đó là đặc thù của cái “gien” giáo dục đức tin Công giáo! Người em từ “đồ bỏ đi”, đang trở về, đang ăn năn, đang từ người lầm đường lạc lối quyết tâm nên người lương thiện, hữu ích, hiếu thảo; trong khi nguời anh đang sống tử tế, lương thiện, bỗng vì giận dữ, ghen ghét mà biến thành người xấu, lòng dạ hẹp hòi, muốn bày ra cảnh “nồi da xáo thịt”, “chó nhai xương chó”. Với anh em mà còn như thế, sẽ khắt khe và bất bao dung thế nào đối với những người có tội và phạm lỗi lầm khác?

Ở một số địa phương miền Bắc và miền Trung, khi cây ăn trái – đặc biệt là cây thân gỗ – không cho hoa trái, người ta có thói quen dùng roi đánh mạnh vào thân cây và thật lạ lùng, những cây ‘vô sinh’ như thế sẽ sum suê hoa trái. Thương con cho roi cho vọt. Người đánh đau hơn người ăn đòn. Phải gia hình vì muốn điều hay, điều tốt, chứ không vì hận thù, ghét bỏ. Ngay một loài cây cối, đánh roi để nó ‘đau’ và sinh hoa trái, huống hồ một con người. Nhà Phật nói : cứu được một người, còn hơn xây bảy cái tháp. Nhưng đó lại là điều mà chúng ta thường phạm phải. Đọc Kinh Thánh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, lắm khi có cảm tưởng như Thiên Chúa hụt cả hơi vì thanh minh. Cách suy nghĩ và hành xử của những dân Chúa, – trước là Dân Do Thái, nay là Kitô hữu,- khác hoàn toàn với lời giáo huấn của Chúa và Giáo Hội, có thể dùng một câu hát để lột tả :”tôi là ai mà còn trần gian thế!” (Tôi ơi đừng tuyệt vọng. Trịnh Công Sơn). Thiên Chúa phải không ngừng lập đi lập lại, là Người không hề ác (như rất nhiều Kitô hữu), “chậm bất bình, giàu nhân từ yêu thương, sẵn sàng tha thứ tội nhân”: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn và được sống” (Ez 33,11).

Những người có tội, những kẻ phạm lỗi lầm, những người đang muốn tìm về với Chúa, cả những người lân cận và con cái chúng ta, nhìn vào hành xử “kiểu xã hội đen”, ăn miếng trả miếng (luật Talion của Do Thái giáo : mắt đền mắt, răng thế răng), vô tâm vô tình và không mảy may đượm tinh thần Kinh Thánh của chúng ta, không thể không nhìn Thiên Chúa như một “Ông Ác”, một thứ “thiên lôi”, khiến họ ngán ngẫm, thất vọng và quay lại với giáo lý Phật từ bi, với giáo huấn nhân ái của Khổng, thậm chí chọn Mahomet, vì chí ít bạo lực cũng rõ ràng. Nếu chúng ta hiểu biết, sống theo, làm gương và chỉ bảo về lòng yêu thương vô bờ và lòng nhân từ dịu dàng vô biên của Thiên Chúa, thì làm gì có cảnh Bí tích Hoà Giải ngày càng thưa vắng, thanh thiếu niên xa lánh các Bí Tích? Những toà án vô thần,độc tài, còn cho tội nhân được biện hộ,được nói lời cuối cùng; còn chúng ta vội vàng kết án anh em,khắt khe và nặng nề. Bàn tay chúng ta chìa ra cho anh em là bàn tay vẫy gọi, cảm thông, chia sẻ,hiệp nhất, hay là một bàn tay xua đuổi, lạnh lùng, kẻ cả?

Hãy nhìn Đức giáo Tông Biển-Đức XVI, một người trước nay ai cũng ngán sợ vì nỗi tiềng là nghiêm khắc, cứng rắn và bảo thủ. Nhưng những gì người làm đều khiến mọi người chưng hững. Còn hơn là những cuộc “cách mạng” nữa! Người giang rộng tay đón chính những anh em Huynh Đoàn Piô X “nỗi loạn”, từng gây bao đau khổ, thiệt hại cho Giáo Hội. Người mở rộng tấm lòng đón những cộng đoàn Anh giáo trở về hiệp nhất với Giáo Hội, mặc dù không mấy ai cảm thông con đường Người mở ra cho họ qua tông hiến Anglicanorum Coetibus có một không hai. Người mở rộng con tim và cánh cửa đại kết, hiệp nhất với Chính Thống giáo, Tin Lành, Do Thái giáo và cả Hồi giáo, mà vào Mùa Chay, theo lời văn trong ngắm các sự thương khó, chúng ta dễ bị cám dỗ gọi là “quân Giu-dêu” hoặc những “ thằng Giu-dà”. Tất cả những người nầy, những giáo phái nầy, những tôn giáo nầy “mềm ra như sáp ong ở gần lửa”, ngọn lửa yêu mến, chân thành, bao la của Đấng đại diện Chúa Giêsu Kitô trên trần gian. Họ không phát hiện được nơi Người bất cứ một vết trí trá, mưu mô, vụ lợi nào, mà chỉ nhìn thấy, ngửi thấy, nếm cảm tình thương và lòng chân thành phát xuất từ con tim của Vị Mục Tử Hoàn Vũ Công giáo, Đấng đến với họ chỉ vì muốn là cha, là bạn, của họ, trong tư cách con người và trong tư cách con cùng một Cha. Nếu tất cả mọi hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân Công giáo có được một phần tình thương chân thành và lòng chân thành yêu thương như Đức giáo tông, thì đối thoại hay đại kết đã không vất vả, khó khăn, đầy ngờ vực thủ thế như vậy. Lời của Sandro Magister có thể hơi bị thổi phồng, nhưng cũng cho thấy đau khổ của Đức giáo tông, chẳng khác nào tro Mùa Chay mà Người nhận : “Mối ưu tư của Người : đức tin biến mất! Chương trình của Người : dẫn con người về với Thiên Chúa. Công cụ Người ưa thích : giảng dạy. Nhưng ở Vatican, giáo triều giúp cho Người rất ít. Và thỉnh thoảng lại còn làm hại Người” (Chiesa, 17.02.2010 : Carême 2010. Les cendres du pape Benoit XVI). Tôn Thọ Tường có câu: “muối xát lòng ai, nấy mặn mòi”. Nhưng dường như không ít chức sắc trong Giáo Hội thích thú dùng muốn xát mạnh vào trái tim của Cha mình!

Có hai câu nầy nên suy gẫm:
1. “Lót đáy hoả ngục là những ý ngay lành” (L’enfer est pavé de bonnes intentions – Thánh Bernard) [đã được ‘cải biên’ và thông dụng: “l’enfer est pavé de prêtres”!]
2. Những người thu thuế và phường đĩ điếm sẽ vào nước Đức Chúa Trời trước các ông” (Mt 21,32)

VẪY TAY HOẶC XUA TAY : cử chỉ tưởng chừng đơn giản, không quyết định tương lai một con người được vẫy mời hay bị xua đuổi lánh xa, cho bằng cách sống đạo và truyền giáo của chúng ta.

TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY (Năm C) – Luc 15, 1-3.11-32

CVK Nguyễn Thế Bài

 

HÃY HÁT LỜI TÌNH YÊU – THÁNH VỊNH 40:

NGƯỜI BẠN ĐÃ CHIA SẺ CƠM BÁNH VỚI TÔI

Trong lời cầu nguyện nầy, làm sao khỏi cảm nhận cơn xúc động mạnh mẽ xâm chiếm Chúa Giêsu chiều Tiệc Ly, trước sự phản bội khó hiểu và ghê tởm của một trong các người của Người? Biết bao lần trong Phúc Âm, người ta đã chẳng bất chợt gặp thấy cơn đau nhói lòng, không thể kìm nén :”Một trong các con là ma qủy” (Ga 6,70). “Các con sạch,nhưng không phải tất cả “ (Ga 13,10) hoặc là :”Bị xúc động mãnh liệt, Người long trọng tuyên bố : quả thực,quả thực,Ta bảo các con, một người trong các con sắp phản bội Ta” (Ga 13,21). Vậy mà chính những lời của Thánh Vịnh nầy hiện lên trong ký ức như một lời loan báo tiên tri về thử thách nầy tàn nhẫn hơn bất kỳ thử thách nào khác :”Kinh Thánh phải được nên trọn : Kẻ ăn bánh với Ta, giơ gót chân chống lại Ta”( Ga 13,18). Đó quả là một trong những kinh nghiệm tàn nhẫn nhất, mà kinh nghiệm về sự trống rỗng thỉnh thảng khiến chúng ta hụt hẩng. Trong khi sự dữ vây hãm,đè nặng chúng ta; trong khi mất tin tưởng nơi chính mình, ý thức về sự nghèo hèn và lỗi lầm bản thân; trong khi lẽ ra chúng ta cần rất nhiều đến tình bạn’ thì sự sáng suốt tỉnh táo nầy,do bất hạnh đem cho, làm cho chúng ta khám phá sự lãnh đạm của mọi người, việc họ vội vàng rủ bỏ khỏi chúng ta!…Chính Thiên Chúa là Đấng sẽ ban thưởng cho những tâm hồn biết thương xót và sẽ trả lại gấp trăm lòng xót thương của họ :”Những gì các ngươi làm cho kẻ bé mọn nhất trong những kẻ theo Ta,đó là các ngươi làm cho chính Ta” (Mt 25,40)

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.