Việt Nam hai tiếng nói rất thân thương đối với đất nước tôi, những người xa xứ, ôm đầy hoài vọng về một cố hương nơi sẽ sớm có tự do dân chủ, tự lực tự cường, và đầy tính dân tộc…Tiếng Việt, chữ Việt như máu, như thịt in sâu vào tôi tự thủa nào:
"Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ
Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió
Tôi hỏi nội tôi: “Dừa có tự bao giờ?” (Dừa ơi – Lê Anh Xuân)
Ai tuy xa quê, nhưng luôn gìn giữ nét đẹp chung cho Việt Nam. Ai nói tôi khó khăn hay thủ cựu quá, tôi xin chấp nhận chứ không bao giờ tôi dám lấy quốc gia, dân tộc mà làm trò hề để cho các dân tộc khác ở cái xứ sở tạm dung này khinh khi hay coi thường mà ông, bà và các bậc tiền nhân sẽ quở tôi chết!
Số là hôm rồi ngồi nghe chia sẻ về tình trạng người Việt sinh sống ở nam California và các vấn nạn xoay quanh người Việt sống ở nước ngoài có tật ăn cắp vặt cụ thể là ăn cắp ở các siêu thị, ăn cắp thông tin thẻ credit card, rồi đến các chậu hoa, chậu kiển, cây mai, vòi tưới nước…ở trước sân nhà không cánh mà biến mất, bị chặt gốc; rồi đâu đó ở trước các chợ lại có người bày bán với giá rẻ…
Những trường hợp người Việt bị bắt phạt vì ăn cắp ở nước ngoài không phải là chuyện mới lạ gì, nhưng nó dấy lên một số phản ứng khá gay gắt về các con sâu làm rầu nồi canh này. Tuy đa số đều cảm thấy tức giận, nhưng một số không nhỏ có những phản ứng có thể nói là rất thiếu văn hóa, mâu thuẩn, nếu không muốn nói là ấu trỹ.
Người thì cho rằng ở Mỹ, Pháp, Nhật, các nước Châu Âu đâu đâu cũng có người ăn cắp, chứ có riêng gì người Việt Nam đâu mà lên án.
Người thì chấp nhận số mệnh “của đi thay người”, không trình báo cảnh sát.
Người thì nói ăn cắp ở nước ngoài là bôi nhọ dân tộc, là không có ý xây dựng, gìn giữ nét đẹp dân tộc.
Người còn đi xa hơn là không thèm nói tiếng Việt và không chơi với người Việt; họ nói tiếng bản xứ và không nhận mình là người Việt Nam.
Chúng ta phải khẳng định rằng nói ra sự thật về thói quen tật xấu của người Việt là một cách đóng góp gián tiếp vào việc xây dựng cộng đồng tốt hơn ở trong cũng như ngoài nước, một tương lai tốt hơn cho thế hệ con em tiếp nối. Chính cách nói hết và nói tất cả đó mà đưa ra một giải pháp, từ mỗi cá nhân, mỗi gia đình cùng với địa phương mình sống cùng hợp tác là cảnh giác giống như các chương trình “Neighborhood watch”, hướng dẫn, giúp đỡ nhau canh chừng kẻ gian, không chỉ riêng cho dân tộc mình mà cho tất cả các sắc dân để không làm hổ thẹn cho con dân Nước Việt.
Chúng ta nghĩ gì về tư tưởng Hồ Chí Minh với phương châm “mười năm trồng cây, Trăm năm trồng người” đã đào tạo ra một đám người mới “Xã hội chủ nghĩa” trên cả giai cấp bóc lột, chuyên ăn cướp, tham nhũng của dân tộc ở Việt Nam; ác với dân, nhục và lòn cúi với ngoại bang…những hạng này đi ra nước ngoài chúng ta sẽ thấy ngay cái “phẩm chất cách mạng” của họ. Nhưng đối với chúng ta, những người sống lưu vong có khả năng thay đổi chính mình theo chiều hướng tốt hơn từ một thành viên tốt trong một xã hội thay đổi tích cực, đưa cộng đồng cũng sẽ thay đổi theo.
Thói xấu, kể cả thói ăn cắp của người Việt chẳng phải là cái gì mới lạ; nó đã có từ lúc lập quốc xa xưa được các sử gia ghi lại. Từ Nguyễn Trường Tộ, đến các nhà nho cấp tiến, tới các trí thức tây học, như cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Ngô Đức Kế, Phan Khôi, Ngô Tất Tố, Tản Đà v. v.. tới Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Huy Liệu, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, … người nào cũng có đóng góp vào việc cảnh tỉnh, và việc vạch ra những thói hư tật xấu, hòng đưa dân tộc bước vào giai đoạn lịch sử hiện đại. Trong “Việt Nam sử lược” (1919) của Trần Trọng Kim, phần viết về người Việt, tác giả viết:
“Tâm địa thì nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma quỉ, sùng sự lễ bái, nhưng mà vẫn không nhiệt tin tôn giáo nào cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác …”.
Còn các học giả yêu nước khác, tâm huyết với tinh thần dân tộc thì đưa ra cách nhìn chung về các thói xấu của người Việt mình hình thành như sau:
Ăn ở luộm thuộm, ăn xổi ở thì, vụng nói chuyện, nếp sống buông tuồng tùy tiện, a dua làm bậy, thị hiếu tầm thường, ham mê cờ bạc. Dễ tin nhảm, lòng tin sơ sài, biến thành mê muội. Quan niệm nông nổi về cuộc sống.
Bảo thủ ngại thay đổi, cam chịu, đầu hàng hoàn cảnh, khiếp nhược trước những giáo điều ngoại nhập, suy đồi thoái hóa, hư vô trống rỗng. Bịp nhau chọe nhau, hay diễn trò, đạo đức giả, nhìn hàng xóm như kẻ thù, với người nước ngoài không thật lòng và đầy nghi kỵ.
Sống rời rạc đèn nhà ai nhà nấy rạng, kém ý thức pháp luật, đặt quyền lợi riêng lên trên cái chung. Tinh tướng khôn vặt “ ăn cỗ đi trước lội nước đi sau”, thực dụng vụ lợi vặt vãnh. Không trọng chữ tín. Không có khả năng đặt mình vào địa vị người khác. Quan hệ với thiên nhiên cẩu thả, thiếu tinh thần hướng thượng và óc lãng mạn chân chính.
Đời sống tinh thần nghèo nàn, dễ thỏa mãn, không chuyên chú học hỏi nghiên cứu; học không biết cách, chỉ giỏi học lỏm. Nội dung văn chương học thuật phù phiếm. Bằng lòng với tình trạng tự phát, không đặt trí óc vào công việc.
Tầm nhìn hẹp, không có nhu cầu hoàn thiện, không cái gì đi tới cùng. Tình trạng phi chuẩn kéo dài, không có khả năng tự sàng lọc, không hình thành nổi bộ phận tinh hoa, dìm dập níu kéo nhau trong tình trạng bảo thủ trì trệ.
Sau nữa là sĩ diện, che giấu, dễ dãi với bản thân, không lo tự hoàn thiện mà chỉ sợ người ta biết thói xấu của mình.
Tôi không dám mạn bàn như ông Tản Đà từng ta thán cho dân mình:
“Dân hai lăm triệu ai người lớn
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con.”
Thật ra người Việt “trẻ con” lắm, thích khen, ảo tưởng rất nặng trong tâm lý. Tôi không dám quơ đũa cả nắm vì số người Việt thành công rực rỡ rất nhiều ở những nơi đã đi qua, những nơi dung thân, hay tị nạn; nhưng có không ít một số sống với người nước ngoài lâu năm, ban đầu e dè, ngại, nếu không muốn nói là kỳ thị, sau đó học lỏm, học không đến nơi đến chốn, khôn ranh, kém bản lĩnh trong việc học tập nước ngoài và lại ngại khó, lề mề, biếc nhác…
Không biết từ lâu rồi các câu dí dỏm nhạo dân ta hình thành như lời nói cửa miệng, ca dao mới:
“Người Việt Nam sống rãi rác khắp nơi trên thế giới” là người Việt sống ở đâu thì “rải rác” ở khắp nơi đó.
“Không ăn đậu không phải Mễ
Không đi trễ không phải Việt nam.”
“Bosa đất rộng, người đông
Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều.”
(Còn tiếp)
California USA Tháng 02 năm 2016
Views: 0