“Cuộc gặp gỡ anh em của chúng tôi hôm nay là một bước mới mẻ và cần thiết trên hành trình tiến tới hợp nhất là điều chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể dẫn chúng tôi tới được, sự hợp nhất của hiệp thông trong tính đa dạng hợp pháp”.
Sau đây là tuyên bố chung do Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Thượng Phụ Đại Kết Barthôlômêô I đưa ra, khi các ngài gặp nhau hôm nay (25 tháng 5, 2014) tại Đất Thánh, để đánh dấu 50 năm cuộc gặp gỡ của các vị tiền nhiệm các ngài, là Đức Phaolô VI và Đức Athenagoras.
1. Giống như các vị tiền nhiệm đáng kính của chúng tôi là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Đại Kết Athenagoras, những vị đã gặp gỡ nhau tại đây, tại Giêrusalem này, 50 năm trước đây, chúng tôi, Giáo Hoàng Phanxicô và Thượng Phụ Đại Kết Barthôlômêô, cũng cương quyết gặp nhau tại Đất Thánh “nơi Đấng Cứu Chuộc chung của chúng tôi, là Chúa Kitô, đã sống, đã giảng dạy, đã chết, đã sống lại, và đã lên trời, mà từ đó, Người đã sai Chúa Thánh Thần xuống trên Giáo Hội non trẻ” (Thông Cáo Chung của Đức GH Phaolô VI và Đức TH Athenagoras, công bố sau cuộc gặp gỡ ngày 6 tháng Giêng năm 1964). Cuộc hội ngộ của chúng tôi, một cuộc gặp gỡ khác của các Giám Mục Các Giáo Hội Rôma và Constantinople, được lần lượt thành lập bởi hai Tông Đồ Anh Em Phêrô và Anrê, là một nguồn vui thiêng liêng sâu sắc đối với chúng tôi. Nó đem lại một cơ hội đầy tính quan phòng để suy niệm về chiều sâu và chiều chân thực trong các dây nối kết hiện có giữa chúng tôi; các dây nối kết này quả là hoa trái của cuộc hành trình đầy ơn thánh mà trên đó Chúa từng hướng dẫn chúng tôi kể từ ngày diễm phúc cách nay 50 năm.
2. Cuộc gặp gỡ anh em của chúng tôi hôm nay là một bước mới mẻ và cần thiết trên hành trình tiến tới hợp nhất là điều chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể dẫn chúng tôi tới được, sự hợp nhất của hiệp thông trong tính đa dạng hợp pháp. Với lòng biết ơn sâu xa, chúng tôi nhớ lại các bước tiến mà Chúa đã giúp chúng tôi thực hiện được. Cái ôm hôn được trao đổi giữa Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Athenagoras tại Giêrusalem này, sau nhiều thế kỷ lặng thinh, đã dọn đường cho một cử chỉ quan trọng, đó là việc cất bỏ khỏi ký ức và khỏi tâm trí Giáo Hội các hành vi tuyệt thông hỗ tương năm 1054. Tiếp theo việc này là việc trao đổi thăm viếng giữa các Tòa Rôma và Tòa Constantinople, là việc thư từ thường xuyên và sau đó, là quyết định do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Thượng Phụ Dimitrios, cả hai đều được tôn kính tưởng nhớ, công bố nhằm khởi diễn cuộc đối thoại chân lý giữa người Công Giáo và người Chính Thống Giáo. Trong những năm tháng này, Thiên Chúa, nguồn mạch mọi bình an và yêu thương, vốn dạy chúng ta coi nhau như thành viên của cùng một gia đình Kitô Giáo, dưới cùng một Chúa và Đấng Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô, và yêu thương nhau, ngõ hầu chúng ta có thể tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào cùng một Tin Mừng của Chúa Kitô, như các Tông Đồ đã tiếp nhận, và được các Công Đồng Chung và các Giáo Phụ phát biểu và lưu truyền cho chúng ta. Dù ý thức trọn vẹn được việc chưa đạt tới mục tiêu hiệp thông hoàn toàn, hôm nay chúng tôi vẫn xác nhận sự cam kết của chúng tôi trong việc tiếp tục tiến bước với nhau hướng về sự hợp nhất mà Chúa Kitô, Chúa chúng ta, từng cầu với Chúa Cha để “chúng nên một” (Ga 17:21).
3. Vì ý thức rõ rằng hợp nhất được bày tỏ trong tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân, nên chúng tôi hết sức trông mong tới ngày trong đó cuối cùng chúng tôi được cùng nhau tham dự chung bàn tiệc Thánh Thể. Theo giáo huấn của Thánh Irênê thành Lyon (Chống Các Lạc Giáo, IV,18,5, PG 7,1028), là Kitô hữu, chúng tôi được mời gọi chuẩn bị tiếp nhận hồng phúc hiệp thông Thánh Thể bằng cách tuyên xưng cùng một đức tin, chuyên chăm cầu nguyện, hồi hướng nội tâm, canh tân đời sống và đối thoại huynh đệ. Nhờ thực hiện được mục tiêu hằng hy vọng này, chúng tôi sẽ bày tỏ cho thế giới thấy tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu mà nhờ nó, chúng tôi được thừa nhận là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô (Xem Ga 13:35).
4. Để đạt được mục đích trên, cuộc đối thoại thần học do Ủy Ban Hỗn Hợp Quốc Tế đảm nhiệm đã mang lại một đóng góp nền tảng cho việc mưu cầu sự hiệp thông trọn vẹn giữa người Công Giáo và người Chính Thống Giáo. Suốt các thời kỳ sau đó của các Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI, và của Đức Thượng Phụ Dimitrios, tiến độ trong các cuộc gặp gỡ thần học của chúng ta hết sức có chất lượng. Ngày nay, tự đáy lòng, chúng tôi xin nói lên sự đánh giá cao của chúng tôi đối với các thành tựu từ trước tới nay, cũng như đối với các cố gắng hiện thời. Đây không phải chỉ đơn thuần là một thao tác lý thuyết, mà là một thao tác trong sự thật và tình yêu, một thao tác đòi phải hiểu biết sâu sắc các truyền thống của nhau ngõ hầu hiểu được chúng và học hỏi được từ chúng. Do đó, chúng tôi xin quả quyết một lần nữa rằng cuộc đối thoại thần học không đi tìm một mẫu số chung thần học thấp nhất để dựa vào đó mà đạt thỏa hiệp, mà đúng hơn là việc thâm hậu hóa việc ta nắm được toàn bộ sự thật mà Chúa Kitô vốn đã ban cho Giáo Hội của Người, một sự thật mà chúng tôi chưa bao giờ ngưng để hiểu tốt hơn nhờ tuân theo các thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Từ đó, chúng tôi cùng quả quyết với nhau rằng lòng trung thành của chúng tôi với Chúa đòi chúng tôi phải gặp nhau trong tình anh em và đối thoại chân thực. Cuộc theo đuổi chung như thế này không dẫn chúng tôi ra xa sự thật; đúng hơn, nhờ trao đổi các hồng ân, nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn, nó sẽ dẫn chúng tôi vào mọi sự thật (xem Ga 16:13).
5. Ấy thế nhưng, ngay khi thực hiện cuộc hành trình hướng tới hiệp thông trọn vẹn, chúng tôi vốn đã có bổn phận phải đưa ra chứng tá chung cho tình yêu Thiên Chúa dành cho mọi người bằng cách cùng nhau làm việc để phục vụ nhân loại, nhất là để bênh vực phẩm giá của con người nhân bản ở mọi giai đoạn của đời người và tính thánh thiêng của gia đình đặt căn bản trên hôn nhân, cổ vũ hòa bình và ích chung, và đáp ứng các đau đớn đang tiếp tục làm khổ thế giới chúng ta. Chúng tôi nhìn nhận rằng đói kém, nghèo khổ, mù chữ, phân phối bất công các tài nguyên cần phải được thường xuyên giải quyết. Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm cách cùng nhau xây dựng một xã hội công bằng và nhân ái trong đó không ai cảm thấy bị loại trừ hay bị đẩy ra bên lề.
6. Xác tín sâu xa của chúng tôi là tương lai của gia đình nhân loại cũng tùy thuộc cách ta bảo vệ hồng ân tạo dựng mà Thiên Chúa đã ủy thác cho ta, bảo vệ một cách vừa khôn ngoan vừa cảm thông, với công lý và ngay thẳng. Do đó, trong thống hối, chúng tôi thừa nhận việc đối xử sai lầm với hành tinh của mình, một việc ngang với việc phạm tội trước mặt Thiên Chúa. Chúng tôi xin tái khẳng định trách nhiệm và bổn phận của chúng tôi phải phát huy cảm thức khiêm tốn và chừng mực để mọi người cảm nhận được nhu cầu tôn trọng sáng thế và bảo vệ nó cách cẩn mật. Chúng tôi cùng nhau đưa ra cam kết sẽ nâng cao ý thức về việc quản lý sáng thế; chúng tôi kêu gọi mọi người thiện chí cân nhắc các phương cách sống bớt phí phạm đi và nhiều thanh đạm hơn, chứng tỏ mình ít tham lam đi và nhiều đại lượng hơn để bảo vệ thế giới của Thiên Chúa và gây ích lợi cho dân của Người.
7. Hiện cũng đang có nhu cầu cấp thiết cần phải có sự hợp tác hữu hiệu và đầy dấn thân của các Kitô hữu ngõ hầu bảo vệ ở khắp nơi quyền được phát biểu công khai niềm tin của mình và được đối xử công bằng khi cổ vũ điều được Kitô Giáo tiếp tục cung hiến cho xã hội và nền văn hóa đương đại. Về phương diện này, chúng tôi mời gọi mọi Kitô hữu cổ vũ cuộc đối thoại chân chính với Do Thái Giáo, Hồi Giáo và các truyền thống tôn giáo khác. Dửng dưng và u mê hỗ tương chỉ có thể dẫn tới việc không tin tưởng nhau và chẳng may còn cả tranh chấp nữa.
8. Từ thành thánh Giêrusalem này, chúng tôi xin bày tỏ quan tâm sâu xa của chúng tôi đối với tình hình của các Kitô hữu tại Trung Đông và đối với quyền của họ được là những công dân đầy đủ trên chính quê hương của họ. Với tâm tình tín thác, chúng tôi hướng lên Thiên Chúa toàn năng và hay thương xót trong lời cầu nguyện cho hòa bình tại Đất Thánh và tại Trung Đông nói chung. Đặc biệt, chúng tôi xin cầu nguyện cho các Giáo Hội ở Ai Cập, Syria, và Iraq, là các Giáo Hội đang hết sức đau khổ do các biến cố gần đây gây ra. Chúng tôi khuyến khích mọi phía, bất kể xác tín tôn giáo, tiếp tục hành động cho hòa giải và cho việc thừa nhận chính đáng các quyền của người ta. Chúng tôi tin chắc rằng không phải vũ khí mà là đối thoại, tha thứ và hoà giải mới là các phương thế khả hữu đạt được hòa bình.
9. Trong bối cảnh lịch sử đánh dấu bằng bạo lực, dửng dưng và vị kỷ, nhiều người nam nữ ngày nay cảm thấy họ đã mất hết phương hướng. Chính nhờ chứng tá chung của chúng tôi đối với tin mừng Phúc Âm mà chúng tôi có khả năng giúp được người của thời ta tái khám phá ra con đường dẫn tới chân lý, công lý và hòa bình. Hợp nhất trong các ý định của mình, và nhớ lại gương sáng, cách nay đã 50 năm, của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và của Đức Thượng Phụ Athenagoras, chúng tôi kêu gọi mọi Kitô hữu, cùng với các tín hữu của mọi truyền thống tôn giáo và mọi người thiện chí, nhìn nhận tính khẩn trương của thời điểm này khiến ta buộc phải đi tìm sự hòa giải và hợp nhất cho gia đình nhân loại, trong khi vẫn tôn trọng trọn vẹn các dị biệt hợp pháp, vì lợi ích của mọi con người và của các thế hệ tương lai.
10. Khi thực hiện chuyến hành hương chung này tới địa điểm nơi cùng một Chúa chúng tôi là Chúa Giêsu Kitô đã bị đóng đinh, được chôn cất và đã sống lại, chúng tôi khiêm cung phó thác cho sự bầu cử của Đức Maria chí thánh trọn đời đồng trinh các bước đi trong tương lai của chúng tôi trên đường hướng tới sự hợp nhất viên mãn, phó thác toàn thể gia đình nhân loại cho tình yêu vô tận của Thiên Chúa.
“Xin Chúa để khuôn mặt Người chiếu rọi lên anh em, và tỏ lòng nhân từ đối với anh em! Chúa nhìn anh em cách nhân từ và ban hòa bình cho anh em!” (Dân Số 6:25-26).
Giêrusalem, ngày 25 tháng 5 năm 2014
Vũ Văn An5/26/2014
Views: 0