Tôi muốn dùng những dòng nhật ký của một nữ y tá từng phục vụ nhiều năm trong lãnh vực tâm thần để làm nền chuyển đạt những suy tư liên quan đến ảnh hưởng của gia đình đối với hạnh phúc tương lai của con cái. Những câu chuyện thật và đầy xúc động đã được diễn tả một cách tài tình của nhà văn Phượng Vũ càng làm cho người đọc cảm thấy như gần gũi trong tương quan giữa cha mẹ và con cái, giữa những gì mà cha mẹ có thể làm cho con cái, cũng như những gì con cái đang kỳ vọng nơi cha mẹ. Nếu “Gia đình là điều quan trọng nhất trên thế giới này” (Công Nương Diana), thì những việc mà cha mẹ làm để cho ảnh hưởng của gia đình trở thành không quan trọng nữa đối với con cái đều được coi là những hành động tội lỗi, phản giáo dục.
Ngày…tháng…năm 2013
Sau hai ngày off, tôi trở lại làm việc với tâm trạng nhẹ nhàng thư thái hơn. Khi bắt đầu sửa soạn phát thuốc cho các bịnh nhân thì Vanessa ghé tai tôi bỏ nhỏ:
– Emily mới vừa tự tử hôm qua!
– Sao vậy ? Nó bị put “one to one” mà!
Mấy cô y tá trong bịnh viện này biết tôi quan tâm đặc biệt tới các bịnh nhân Việt Nam, nên khi có tin tức gì liên quan tới các em, họ đều kể cho tôi nghe!
Câu chuyện về hoàn cảnh Emily lại trở về trong tâm trí tôi: Emily, cô bé sinh viên trẻ trung, xinh đẹp học rất giỏi của trường đại học Santa Cruz. Trước đây, ba em ngoại tình nhiều lần, bầu khí gia đình luôn căng thẳng và gây gổ. Tuổi thơ em đã bị đánh cắp, không còn chút niềm vui nào trong gia đình, vì những trận cãi cọ liên miên giũa ba mẹ! Cuối cùng họ đã quyết định ly dị, ba đi theo người đàn bà kia, em về sống với mẹ. Em thương mẹ nên cố gắng học thật giỏi để mẹ vui lòng, em muốn bù đắp cho mẹ bởi vì mẹ khổ quá nhiều vì ba rồi…Vài năm sau mẹ quen và tái hôn với người đàn ông trông hiền lành đứng đắn, xem ra yêu mẹ rất nhiều. Nhìn gương mặt mẹ rạng ngời với hạnh phúc mới, Emily mừng thầm cho mẹ. Emily vào đại học và xin ở nội trú để mẹ có một không gian hạnh phúc riêng. Thỉnh thoảng dịp lễ lớn hay hè Emily mới về thăm và sống với mẹ. Tưởng cuộc đời cứ trôi êm ả như thế này để em mau chóng quên đi quá khứ đau buồn đổ vỡ của gia đình. Lần nghỉ lễ đó mẹ có công tác đột xuất đi xa, Emily ở lại nhà thêm một ngày rồi mai sẽ thu xếp hành trang vào trường, nhưng buổi tối định mệnh đó đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời Emily. Người bố dượng, sau khi mẹ đi rồi đã lên kế hoạch hãm hại đời Emily, trong khi em vẫn ngây thơ tin tưởng vào sự “hiền lành, đứng đắn” của bố dượng, nên ngủ say không khóa cửa phòng…
Sau biến cố đó em suy sụp tinh thần, sức học em tuột nhanh. Em không dám tâm sự với ai, cũng không dám hé môi cho mẹ biết vì sợ mẹ shoc vì đau buồn. Em rơi vào trầm cảm nặng nề, tìm quên lãng nơi rượu và ma túy, em chỉ muốn tự tử chết để giải thoát cho cuộc đời nhiều bất hạnh của mình!
Vào bệnh viện, em chỉ biết khóc và khóc, em đã rơi vào tình trạng tâm thần phân liệt, em luôn được theo dõi rất sát (24/24). Hôm qua em xin đi toilet, rồi cởi áo jacket quật lên bóng đèn nhiều lần cho tới khi bóng đèn vỡ ra, rơi xuống. Em nhặt lấy mảnh vỡ đó và cứa vào mạch máu ở cổ tay tự tử. May là em luôn được theo sát, thấy nghi, người ta đã phá cửa xông vào và đem em đi cấp cứu…Nhìn khuôn mặt xanh xao của em, tôi không biết nói gì hơn là nắm lấy bàn tay gầy gò của em như muốn chuyền chút hơi ấm tình thương. Em nhìn tôi với đôi mắt ngấn lệ khẽ nói:
– Cứu em làm gì, hãy để cho em chết. Người ta nói: “Có một nơi để về, đó là mái nhà. Có cha mẹ để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai là Hạnh Phúc”. Còn em, I have nothing, không có nơi nào để về, cũng không có ai để yêu thương, đời em là chuỗi dài bất hạnh thì em sống để làm gì hở cô? “Xin Chúa nhận con đi, dẫu địa ngục hay Thiên đàng”…
Tôi nghe em tỉ tê mà nước mắt tự dưng ứa ra, nhưng tôi không được phép khóc, khóc là không “Pro” (chuyên môn), tôi phải chạy vội vào rest room để lau khô dòng nước mắt cứ tuôn ra. Tôi không biết trách ai trong chuyện buồn của em. Trách người đàn ông dâm tặc đội lốt “hiền lành, đứng đắn”??? Trách người cha “ham vui” ngoại tình nhiều lần gây nên đổ vở gia đình??? Hay trách xả hội Mỹ luôn đề cao chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ và hưởng thụ! Tội nghiệp em và tội nghiệp cả mẹ em, đang quay quắt như người điên dại. Thương cho thân phận phụ nữ thời nào cũng chịu nhiều thiệt thòi, mất mát:
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” (N.D.)
Đâu rồi hình ảnh gia đình Việt Nam khi xưa, cha mẹ toàn tâm, toàn ý hy sinh cho con, cuộc sống tuy nghèo nhưng ấm áp. Ngày nay hội nhập xứ Mỹ vật chất sung túc, dư thừa nhưng tình nghĩa vợ chồng, gia đình đã bị đánh rơi tự lúc nào. Con cái không còn là ưu tiên hàng đầu, tiền tài, danh vọng, hưởng thụ cá nhân mới là chính. Tỷ lệ “single mom” tăng đến 38% tổng số các bà mẹ ở Mỹ, bên cạnh đó tỷ lệ đàn ông bỏ con càng tăng nhanh hơn.
Ngày …tháng… năm 2013
Mỗi sáng trước khi đi làm, tôi cố gắng dậy sớm đi lễ để cầu xin Chúa cho tôi có đủ sức vững vàng đối diện với nhiều khó khăn bất ngờ trong một ngày làm việc. Tôi đau lòng khi hằng ngày phải nghe tin tự tử của bịnh nhân. Lạy chúa xin cho những người đang bị nghiền nát dưới những gánh nặng của đau khổ đến nỗi không còn muốn sống, được cảm nhận sự an ủi, nâng đỡ của tình yêu Chúa vì họ không phải “sinh ra để chết”. Nhiều khi công việc stress quá, tôi cũng muốn bỏ việc, nhưng không biết tự bao giờ tôi cảm thấy gắn bó với những “bệnh nhân đau khổ “của tôi và nhờ đó tôi luôn biết tạ ơn Chúa vì thấy mình còn nhiều may mắn trong cuộc sống nên tôi phải cố gắng để xẻ chia niềm đau với họ.
Sau giờ ăn trưa, gặp Bình ngoài hành lang, tôi cười hỏi thăm:
– Dạo này em đã chịu uống thuốc đều rồi chứ? (Trước đây em hay tìm mọi cách liệng thuốc đi).
– Cô có chắc là không cho em uống thuốc độc chứ? Bây giờ em hết tin nổi người lớn rồi!
Tội nghiệp, Bình đã chịu một cú shoc rất lớn về người cha của mình. Ba mẹ em đều là dân trí thức, sang Mỹ ba em muốn học lại để thi lấy bằng hành nghề cũ, mẹ em chấp nhận hy sinh đi làm baby-sitter cho một gia đình quen, mỗi ngày từ sáng tới tối, lấy tiền mặt chi dùng trong nhà để gia đình tiếp tục hưởng trợ cấp chính phủ, hầu ba có nhiều thời gian rảnh rỗi để học thi. Nhưng sau nhiều năm ba vẫn không lấy được bằng hành nghề cũ. Mỗi lần ba nhận được thư báo rớt là gia đình lại rơi vào địa ngục, tội nghiệp nhất là mẹ vì bao nhiêu tức tối, bất mãn ba đều trút lên đầu mẹ. Mẹ chỉ còn biết nuốt nước mắt vào trong nhẫn nhịn và nhẫn nhục với niềm “hy vọng sẽ vươn lên, trong màn đêm bao ưu phiền”. Ba rất khó tính, xét nét, bắt bẻ, la rầy từ ly từ tý, mọi người trong nhà đều rất sợ ba…Nhưng ngược lại khi ra ngoài ba lại là người luôn vui vẻ, tử tế, lịch sự được bạn bè yêu quý, kính trọng! Bình hay tự hỏi: “Ba có 2 bộ mặt sao? Vậy đâu là bộ mặt thật?
Một chiều tan trường về nhà, không thấy ba ở nhà, Bình thầm nghĩ như vậy là mình sẽ có được một khoảng thời gian “free”, không có con mắt soi mói kiểm soát của ba. Thôi lục phim ra xem giải trí một lát cho khỏe! Bình lui cui lục lọi đám phim trong tủ, phía dưới tivi, tuốt trong cùng thấy có một cái ghi hàng chữ nhỏ “Secret”, chắc là hấp dẫn, Bình bỏ vô đầu máy để xem, vô tủ lạnh rót 1 ly nước uống rồi ra ngồi enjoy phim. Bỗng dưng Bình hốt hoảng:
– Trời ơi! Cái gì vậy???
Bình không tin vào mắt mình vì trên màn hình là cảnh ba đang trần truồng làm tình với một người đàn bà lạ ngay tại phòng khách này, ngay trong căn nhà này. Họ đang diễn những màn ái ân cụp lạc…Bình dụi mắt mấy lần tới đỏ hoe nhưng nó vẫn là sự thật phủ phàng! Bình tắt máy vì kinh tởm không thể xem tiếp, Bình muốn hét thật to cho bể phổi, cho thấu tới trời xanh:
– Trời ơi! như vậy là sao ? Một người cha lúc nào cũng đạo mạo, khắt khe với vợ con từng chút, mà bây giờ có thể làm trò này ngay trong căn nhà này rồi còn ghi hình làm kỷ niệm! Tội nghiệp mẹ đi làm Ô sin cực khổ để ông có giờ rãnh học thi, học kiểu này hèn gì rớt hoài rồi về dằn vặt làm khổ vợ con dài dài.
Sau khi suy nghĩ, Bình ngao ngán xếp mọi thứ trả về chỗ cũ, nếu về thấy mọi thứ sai chỗ, ông sẽ làm lớn chuyện vì vi phạm vào lệnh cấm coi phim của ông, dù là phim giải trí, lúc nào ông cũng chỉ bắt học và học. Bây giờ nói ra chỉ làm mẹ khổ thêm, mẹ đã khổ nhiều rồi! Trong bụng Bình muốn nổi loạn, nhưng ngoài mặt vẫn phải “im lặng thở dài”.
Hằng ngày Bình vẫn phải tiếp tục đối diện với con người đáng kinh tởm đó, rồi hằng tuần lại phải ngồi nghe ông “moral” về đạo đức, luân lý cả giờ. Đôi lúc Bình muốn hét to vào mặt ông: “Ông không đủ tư cách để dạy dỗ tôi! Ông chỉ là thứ “mồ mả tô vôi” Tôi ghê tởm ông!”
Đến một ngày không thể chịu đựng sự giả hình và câm nín mãi, Bình bỏ nhà đi bụi đời, em sẽ hóa điên nếu cứ tiếp tục đè nén mãi…
Cha mẹ cần là tấm gương sáng để giáo dục tốt cho con cái. “10 bài giáo dục tốt không giá trị bằng 1 hành động tốt”. Ngoài ra sự chung thủy giữa cha mẹ là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với con cái vì “Tình yêu lớn nhất người cha dành cho con là hãy yêu thương mẹ chúng”. Một mái ấm gia đình hạnh phúc là cái nôi tốt nhất nuôi dưỡng đứa con thành danh và thành thân. Nhưng trong quá trình hội nhập xứ Mỹ, nhiều gia đình đã đánh rơi những giá trị thương yêu, tình nghĩa gắn bó. Tỷ lệ gia đình Việt Nam ly dị mỗi lúc một tăng cao, riết trở thành phổ biến. Người ta có thể nhìn thấy quảng cáo “ly dị: 275$” dán ở khắp nơi trong khu Lillte Saigon.
…. Hằng năm cứ vào cuối năm học, báo chí Việt Nam lại hãnh diện loan tin nhiều học sinh Việt Nam chiếm thủ khoa các trường trung học trong vùng và nhiều tin chúc mừng tốt nghiệp Bác Sĩ, Nha sĩ, Dược sĩ, Luật sư…của các gia đình Việt Nam. Nhưng có ai biết đằng sau những vầng hào quang rực rỡ đó, có biết bao nhiêu cuộc đời mà “tuổi trẻ bị đánh cắp”, tương lai bị chôn vùi âm thầm trong các nhà tù, trại giáo huấn hay các bệnh viện tâm thần.…
(Trích “Tuổi Trẻ Bị Đánh Cắp” – Nhật ký của một y tá Việt Nam đã được phổ biến trên www.giadinhnazareth.org)
Những trường hợp đau lòng trên, hoặc những trường hợp tương tự vẫn xẩy ra hằng ngày trong nhiều gia đình. Thật ra, đó cũng là những điều mà người viết đã từng cảm nghiệm và ưu tư trong lãnh vực nghề nghiệp. Thông thường khi phụ huynh than phiền về con cái hư hỏng, bỏ nhà, trốn học, hoặc những lỗi lầm khác, việc đầu tiên là phủ nhận họ là nguyên nhân gây ra những thứ đó. Tiếp đến là đổ thừa và qui những lỗi lầm của con cái, thiếu sót trong lãnh vực giáo dục cho nhau. Và sau cùng là đổ lỗi cho ảnh hưởng nền văn hóa và giáo dục tự do của xã hội Mỹ đã làm hư con của họ.
Nhưng nếu ai đã từng làm việc với tuổi trẻ, lắng nghe các em thổ lộ tâm tình, thì mới thấy rằng những lý do mà các phụ huynh đó đưa ra để biện hộ đều là giả tạo, gian dối, và vô trách nhiệm. Biết làm gì hơn khi mà người chồng, người cha không nhận mình có lỗi mặc dù luôn miệng chửi bới, la mắng con cái, và bên trong vẫn gian dối vợ bằng những cuộc tình vụng trộm? Hoặc làm sao có thể giải thích cho một người mẹ vì tham lam tiền bạc mà bỏ bê con cái. Không những không giáo dục con, mà còn tạo ra những khó khăn cho chồng trong việc giáo dục bằng thái độ lấn lướt, coi thường, chửi rủa, hoặc dạo dẫm đòi ly thân, ly dị. Trong những gia đình như thế, bầu khí thật ảm đạm, ngột ngạt, và dĩ nhiên, không thể trở thành môi trường giáo dục tốt cho con cái.
Phần đông các nhà giáo dục, các nhà tâm lý, đặc biệt là tâm lý phát triển và tâm lý giáo dục, cũng như các nhà đạo đức học đều công nhận rằng gia đình có một ảnh hưởng rất lớn lao trên việc hình thành cá tính, nhân cách và đạo đức của một em bé.
Ngày nay, do ảnh hưởng của trào lưu duy vật, hưởng thụ, cá nhân chủ nghĩa, ảnh hưởng gia đình được xếp sau ảnh hưởng của xã hội và học đường. Điều này có nghĩa là đạo đức cá nhân, đạo đức gia đình, và ngay cả đạo đức xã hội không quan trọng bằng việc làm giầu, bằng việc nắm được nhiều quyền hành, và đạt được nhiều thành công trong xã hội. Nó cũng cho biết thêm là những kiến thức khoa học, mảnh bằng quan trọng hơn, giá trị hơn tư cách, hơn đạo đức mà con người học được trên gối mẹ và trong gia đình.
Tóm lại, cái lầm lẫn lớn lao nhất của phần đông phụ huynh ngày nay là nghĩ rằng họ cứ việc lo kiếm tiền, làm giầu, tranh dành quyền lực, hoặc lo hưởng thụ. Con cái phó mặc cho nhà trường, cho xã hội. Một số khác lại nghĩ rằng với số tiền mà họ có trong chương mục kia đủ để bảo đảm cho con cái họ sống một đời sống sung túc sau này. Thực ra, đó là những suy nghĩ nông cạn, và là hành động của những phụ huynh thiếu trách nhiệm và ích kỷ. Ai cũng biết tiền bạc không mua được hạnh phúc. Ai cũng biết trong lãnh vực giáo dục “bé không vin, cả gẫy ngành”. Và ai cũng biết ảnh hưởng lớn nhất của giáo dục là nền giáo dục gia đình, là gương sáng của cha mẹ. Nhưng vì có những suy nghĩ và hành động trái ngược mà ngày nay tuổi trẻ đang bị đánh cắp từ trong cái nôi gia đình, và những kẻ cắp kia lại chính là phụ huynh của các em. Và đó là một tai họa lớn lao cho các em cũng như cho xã hội.
Views: 0