Nhìn vào cái tướng tá thiếu thước tấc nhưng với cái tên đẹp đẽ của tôi ai cũng thấy hơi tội nghiệp.
Một số bạn bè nói, ông có cái tên đẹp, nhưng nhìn cái dáng đi lù khù, cái bộ hình thiếu thước tấc của ông thật không xứng. Chắc bố mẹ ông muốn ông vui nên đã đặt cho cái tên kêu để an ủi.
Nói vậy là hơi có vẻ coi thường và miệt thị Tửu tôi, thực ra, so sánh với nhiều người bộ mã của tôi cũng được lắm. Chẳng vậy, lúc mới quen nhau, nàng đã có lần thỏ thẻ bên tai tôi: “Em thương anh vì anh đẹp trai, và có phong độ.” Không ngờ lời khen này mà nay đã làm khốn thân tôi khi tôi bước vào cái tuổi thất thập cổ lai hy!
Bạn bè khi đọc hai bài “nhật ký tuổi về hưu” của tôi tới tấp gọi về đứa khen, đứa chê loạn xạ. Khen thì khích lệ tôi viết tiếp biết đâu sau này xuất bản thành sách best sell hốt bạc cho chúng nó nhờ. Đứa khó tính thì cho là viết lách kiểu đó làm nhục cho tuổi già chúng nó. Làm nản chí chúng nó trong lúc tuổi về hưu. Có đứa còn sợ cho rằng như vậy các bà sẽ thừa thắng xông lên mà “trả thù dân tộc”, đầy đọa chúng nó khi chúng trở thành “những con sư tử già” hết xài.
Nhưng Tửu đâu có muốn làm ai buồn, làm ai nản chí đâu. Chuyện gì cũng phải công bằng, đàn ông cũng như đàn bà ai làm gì tốt thì mình khen, ai làm gì xấu thì phải sửa chứ sống theo quan niệm “cả vú lấp miệng em” là unfair, là thiếu “bình quyền”. Bà xã của Tủu, nàng ít khi khen văn tài của Tửu, nhưng lần này thì nàng khen thật. Nàng rất âu yếm, và nhẹ nhàng nói với tôi:
– Anh ơi! Về hưu rồi, việc xã hội để xã hội lo. Việc đời để đời gánh vác. Còn lại, anh lo cái việc gia đình thay em để em có giờ mà sửa soạn, đi shopping, và yêu đời, yêu người một chút. Em mà chờ đến tuổi về hưu như anh thì còn làm ăn gì được phải không? Vả lại những điều anh viết cũng có lợi cho phụ nữ chúng em, nhiều đứa bạn em chúng nó thích lắm. Đứa nào mà chả muốn chồng con ít ra cũng phải biết điều, bỏ cái thói quan liêu, thói gia trưởng, thói chồng chúa vợ tôi đi, nhất là cái thói văng tục, chửi thề, nhậu nhẹt không giống ai. Thời đại này mà còn khư khư giữ và sống theo những quan niệm đó vừa lỗi thời, vừa chỉ thiệt cho mình. Đàn bà con gái thời nay coi vậy có giá lắm đó anh.
-“Đàn bà con gái có giá!” Em muốn nói đến vẻ đẹp nội tâm hay vẻ đẹp bên ngoài mà các văn phòng bác sĩ thẩm mỹ ban cho?
– Không anh đừng hiểu lầm. Dầu sao thì chúng em cũng muốn có giá cả tâm hồn và bề ngoài nữa. Anh thấy con Tâm Hường không, bằng tuổi em mà nó trông trẻ đẹp giống như gái đôi mươi vậy. Nghe đâu cô nàng vừa đi qua “máy hấp” đấy.
Lợi dụng lúc nàng đang hăng say với cái giá, cái đẹp, Tửu tôi khen nàng một phát, hy vọng nàng bớt giao công tác cho lúc một mình ở nhà:
– Theo anh, đàn bà có giá không phải mái tóc, làn môi, khoé mắt, hàm răng, đôi chân dài, bộ ngực nở. Cái đó tất nhiên là hợp nhãn cho một số người. Nhưng cái đắt giá nhất của phụ nữ, theo anh là vai trò làm vợ và làm mẹ. Những phụ nữ này giống như me anh, mẹ em, và chính em đây thật đáng yêu và đáng mến lắm. Em biết là anh không biết “nịnh đầm”, mà nói với cả tấm lòng. Đặc biệt, những phụ nữ đang sống trong cái thế giới hiện nay như em, khi mà vừa phải làm vợ, làm mẹ, lại vừa phải làm thư ký, nhân công, bác sĩ, luật sĩ, nha sĩ… Ngay cả lớp trẻ sau khi đã làm mẹ như con gái của chúng mình chẳng hạn.
Nghe trúng tim đen, nàng ửng hồng đôi má khiến tôi nhớ lại đôi má lúc đầu vừa gặp nhau. Má nàng cũng ửng hồng, đôi mi chớp chớp làm Tửu tôi như bủn rủn tay chân. Câu chuyện đầu ngày đang vui, bỗng nhiên nàng chuyển đề tài một cách hết sức đột ngột:
– À! Chút nữa em quên. Hôm nay ở nhà có thùng quần áo anh lo giặt giũ và là ủi cho em để chiều về còn giờ em đi shopping một chút. Em cần mấy bộ đồ mỏng, ngắn mặc cho mát mẻ. Nhớ đừng quên như hôm qua anh quên mua khổ qua đó nha. Tha cho anh đó.
Nói xong nàng ngúng nguẩy lên xe, đề máy rồi rồ ga… Khi chiếc xe nàng vừa đi khỏi, bỗng một ý tưởng “đột xuất” làm Tửu thấy có lý: Người ta nói nhiều về cái thú ngủ nướng. Cả đời làm cu ly bên Mỹ chưa ngày nào ngủ nướng, hôm nay nhân dịp về hưu, vợ đi làm và còn sớm nên cũng phải tự thưởng cho mình một kinh nghiệm ngủ nướng xem sao. Thế là Tửu tôi leo lên giường, mở máy hát lên với mấy bài ca tiền chiến mơ màng rồi thả hồn về với dĩ vãng xa xăm, cho đến khi giật mình tỉnh giấc thì đã gần 11 giờ trưa. Như vậy là ngủ quên đi lễ sáng luôn. Cuối cùng thì cũng tự an ủi, thôi Chúa không chấp tội đâu. Vả lại đây mới là lần đầu chứ đâu phải lần cuối. Vừa tung mình ra khỏi giường là điện thoại reo:
– Anh hả, đi lễ về rồi hả. Anh ăn uống gì chưa. Nhớ giặt quần áo nha anh.
– Còn đống chén bát hôm qua thì sao?
– Tiện tay anh giúp hộ em đi. Thương anh mà. Lâu lâu cho vợ nghỉ một bữa đi.
Lễ lậy gì! Ngủ vừa dậy. Nhưng thôi nói làm gì lại bị lên lớp thiếu đạo đức. Bắt tay vào việc rửa đống chén bát còn để sót lại tối hôm qua, Tửu tôi khám phá ra được chân lý này: Đàn ông hay đàn bà khi đụng đến mấy cái “chuyện nhỏ” này cũng thấy ngán ngẩm. Chẳng vậy, mỗi lần khi nhà có tiệc tùng gì, tôi hay nghe nàng than thở: “Làm bếp, nấu nướng không ngại, nhưng rửa một đống chén bát, nồi niêu ớn muốn chết luôn!” Và khi chính mình phải “ra tay” vào bếp, rửa chén bát Tửu mới thấy thương cho vợ con, nhất là những bà mẹ của các gia đình đông con. Nhiều bà cứ héo hắt đi vì chồng con, trong đó có me của Tửu bởi phải luôn chân, luôn tay với những việc gọi là “không tên” như thế này.
Xong đống chén bát, Tửu tôi mới xuống garage xem coi thùng quần áo cần phải giặt giũ như thế nào. Sống ở Mỹ quá nửa đời người mà cũng không biết sử dụng máy giặt và sấy ra sao. Nhưng vợ nó bảo giặt thì mình giặt, không giặt chiều về nó chửi thối đầu. Gìa rồi bị vợ chửi “xui” lắm.
Thế là Tửu tôi tuồn hết thùng quần áo vào cái máy giặt, đổ một mớ bột giặt, rồi mở máy cho máy chạy và lên nhà ngồi xem TV. Chờ khoảng 30 phút, Tửu xuống xem quần áo ra sao. Chúa mẹ ơi! Vì không để ý đến chỉ dẫn về màu sắc, vải vóc, và cách dùng thuốc giặt nên thùng quần áo hôm ấy trở thành multicolor, nghĩa là giống như một bức tranh của Picasso vậy, màu sắc lung tung thấm từ cái này qua cái khác, xanh đỏ, loang lổ trông rất thảm. Nhưng biết sao bây giờ. Hoảng quá, Tửu bèn vứt đại qua máy sấy, lại cũng bật nút để cho máy chạy và lên nhà ngồi chờ kết quả.
Nghe tiếng máy ngừng, Tửu lò mò xuống lấy quần áo. Lạy Chúa tôi! Phen này mới là chết thật. Lại quên không để ý đến mấy cái nút nhiệt độ nóng, ấm nhiều ít nên đống quần áo “hoa lá cành kia” bây giờ thật sự trở thành đống lòng bong. Cái thì co rút lại, cái thì nhão ra vì sức nóng quá độ biến thái hình dạng không thể nhận ra được nữa. Tửu nhìn thành tích giặt ủi của mình mà trong lòng ngao ngán và hồi hộp. Biết mình ngu và có lỗi thì phải chạy tội. Tửu bốc phôn lên gọi nàng trong sở:
– Em nghe đây có gì không anh?
– Không! Thấy nhớ và thương em thì gọi hỏi thăm thôi?
– Sao hôm nay có chuyện lạ vậy? Mưu đồ gì đây?
– Anh thấy em làm việc vất vả, còn anh hôm nay thấy lười nấu nướng nên nói với em là chiều nay khi em đi làm về anh em mình đi ăn nhà hàng nghe em. Anh được mấy đồng sở nó cho lúc về hưu nên phải bao em chứ!
Nàng nhận lời. Tửu tôi thấy khỏe trong người một chút. Và như đã dự định, chiều hôm đó vợ chồng Tửu đi ăn nhà hàng. Nhưng sau khi vừa từ nhà hàng về, nàng vào ngay nhà bếp kiểm tra đống bát đĩa tôi rửa:
– Trời đất! Sao anh rửa bát kiểu gì mà còn dơ hầy à! Không dùng xa bông rửa chén phải không? Lần sau rửa chén bát anh nhớ dùng xà bông nhiều một chút cho sạch nghe chưa. Khổ quá, rửa có mấy cái chén bát mà cũng phải để vợ rửa lại.
Xong cái đống bát đĩa, nàng quay sang thùng quần áo.
– Thùng quần áo anh giặt chưa? Sao không thấy?
– Anh giặt, nhưng hư hết rồi?
Nghe vậy, nàng lên giọng tiếp:
– Hư hết tức là làm sao? Bộ anh chưa giặt phải không?
– Không. Anh giặt mà hư hết rồi.
Đúng như đã tiên đoán, nàng nổi cơn tam bành lên khi nhìn vào đống quần áo cái co rút, cái nhão nhều, cái màu mè loang lổ rồi la lên:
– Anh giặt giũ kiểu gì mà lạ lùng vậy. Dùng thuốc giặt sai phải không? Không phân biệt vải và màu trước khi cho vào máy giặt phải không? Và sấy không theo nhiệt độ từng loại vải phải không? Em có linh tính khi anh gọi lúc sáng là có chuyện gì ở nhà rồi, nhưng không ngờ lại quá tệ như vậy. Hỏi mà còn dấu. Em mà biết thế, không thèm đi ăn với anh chiều nay luôn.
Sau một hồi lên lớp về cách thức dùng xà bông rửa chén bát, xà bông giặt, cách chọn màu, cách chọn vải, cách chọn thời gian giặt, cách chọn nhiệt độ và thời gian sấy. Nàng nghiêm nét mặt phán:
– Từ hôm nay anh bị đuổi việc!
Views: 0