Ngày thứ Bảy 21 tháng 6 vừa qua, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã bắt đầu 'chiến dịch 2 tuần tranh đấu cho Tự Do Tôn Giáo tại Hoa Kỳ năm 2013' (2013 Fortnight for Freedom). Đức Tổng Giám mục Lori, chủ tịch Ủy ban Tự Do Tôn giáo của HĐGM HK chủ tọa thánh lễ khai mạc tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Lên Trời, ở Baltimore, Maryland cảnh báo rằng Chính quyền đang nỗ lực hạn chế các hoạt động đức tin và tín ngưỡng, ngài tuyên bố mạnh mẽ "Caesar đang lấy đi những gì thuộc về Thiên Chúa".
Wow! Tự Do Tôn Giáo đang lâm nguy ở Hoa Kỳ?
Người Việt sống ở Hoa Kỳ hẳn phải nghĩ rằng không đâu có nhiều tự do hơn Mỹ, mọi tôn giáo đều được bảo vệ. Ai muốn làm gì thì làm, nói gì thì nói, vô tội vạ… trừ phi, và cũng là hợp lý mà thôi, trừ phi 'bạn đe doạ hay sỉ nhục người khác', và ngay cả trong những trường hợp như thế, bạn vẫn có đủ mọi quyền cho đến khi 'bị chứng minh là cố tình!
Bảo vệ Tôn Giáo không chỉ là một chính sách mà thôi, nó là một quyền được ghi trong Hiến Pháp. Ngay từ đầu và trên hết, người ta đã thêm vào bản Hiến Pháp Hoa Kỳ một Tu Chính án xác định bốn quyền tự do bất khả xâp phạm và liệt kê thứ tự như sau: Tự Do Tôn Giáo, Tự Do Ngôn Luận, Tự Do Báo Chí, Tự Do Hội Họp ôn hoà và Tự Do Khiếu Nại với chính phủ.
Vậy thì, chiến dịch gọi là '2 tuần tranh đấu cho Tự Do Tôn Giáo' mà Tổng Giám mục Lori vừa 'khai quân' có phải chỉ là một khẩu hiệu 'nói cho kêu', một chiêu bài 'tuyên truyền' để đạt được một vị thế chính trị nào đó mà thôi không?
Xin trả lời ngay, đây không phải là một 'khẩu hiệu' cũng chẳng phải là một 'chiêu bài', mà là một 'thực tế'. Thực tế này không chỉ riêng có Công Giáo và Tin Lành mới lo lắng mà thôi, nhưng tất cả các tôn giáo khác cũng cùng chia sẻ mối lo chung với chúng ta.
Theo lời của linh mục tiến sĩ Chính Thống Giáo Chad Hatfield, viện trưởng viện thần học Vladimir's Orthodox Theological Seminary ở New York thì "thực tế này đơn giản đến không thể ngờ được, vì vậy mà chúng ta đã không nhìn thấy dấu hiệu cuả nó.”
Theo Rabbi Cohen, một giáo sĩ Do Thái giáo tăm tiếng ở Chicago, thì những qui định mới đây cuả chính quyền "không chỉ làm tổn thương cho tổ chức tôn giáo mà thôi, mà còn làm tổn thương đến vai trò cuả tôn giáo trong xã hội".
Bà Shaykha Reima Yosif, một thần học gia của Hồi Giáo và là một trong những sáng lập viên cho hiệp hội phụ nữ Hồi Giáo, trong 'đại hội Tự Do Tôn Giáo Mỹ ' (American Religious Freedom conference), đã lên tiếng tố cáo những viên chức trong chính quyền hiện tại là "những nhóm nhỏ đang cố gắng để ra lệnh những gì là tôn giáo, và các nhóm nhỏ ấy đang cố tình xâm phạm vào quyền cuả người dân muốn duy trì bản sắc tôn giáo và việc thực hành đức tin riêng cuả mình."
Nhưng trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta vẫn thấy các tôn giáo dựng nhà thờ, lập trường học, xây nhà thương và không hề bị cản trở dự lễ, đọc kinh, vậy thì Tự Do Tôn Giáo đang lâm nguy ở chỗ nào?
Nhiều lắm chứ! viết ra thì dài quá, vậy xin đan cử một số thí dụ vừa xảy ra cho Công Giáo trong năm vừa qua mà thôi.
Những tổn thất
1- Tất cả các cơ sở bác ái cuả Công Giáo về chăm sóc nuôi dưỡng trẻ mồ côi ở Boston, San Francisco, District of Columbia, và tiểu bang Illinois đã phải đóng cửa vì bị thu hồi giấy phép, hoặc bị loại ra khỏi hợp đồng cuả chính phủ, bởi vì những cơ sở từ thiện ấy từ chối đặt con nuôi với các cặp vợ chồng đồng tính hoặc chưa lập gia đình.
2- Một số tiểu bang đã ban hành những luật lệ cấm những gì mà họ cho là "chứa chấp" những người 'nhập cư lậu'. Vậy, tất cả các cơ sở bác ái Kitô giáo đang cung cấp dịch vụ khẩn cấp cho những người 'xa cơ lỡ vận', vì không bao giờ 'điều tra' tông tích và tôn giáo cuả 'nạn nhân', cho nên sẽ một ngày nào đó trở thành 'đồng loã' tội phạm.
3-Theo những tin bị 'lộ' về vụ bê bối ở Sở Thuế (IRS) thì nhiều hiệp hội 'phò sự sống' và 'bảo vệ hôn nhân' của Công Giáo đã bị Sở Thuế (IRS) làm khó dễ nhiều năm về đơn xin 'tình trạng phi lợi nhuận'. Cho đến nay một số vẫn chưa có giấy phép. Ngoài ra một số giáo sư đại học Công Giáo đã bị quấy nhiễu, thí dụ bà GS Xã hội học Anne Hendershott tiết lộ rằng bà đã bị sở thuế điều tra sau khi viết một bài chống phe 'Công Giáo Giả' ủng hộ Tổng Thống Obama. Việc điều tra (hỏi cung) của sở Thuế làm cho bà nhột chí và không dám viết thêm bài phê bình chính sách của cả chính quyền nữa.
4- Một thẩm phán ở New Jersey đã phán quyết rằng một nhà thờ Methodist vi phạm pháp luật khi từ chối không cho hai phụ nữ tổ chức "lễ cưới dân sự" trong khuôn viên nhà thờ. Cũng thế, tại Hawaii, đang có một đơn kiện Giáo Hội Công Giáo từ chối làm lễ "hôn phối" đồng tính trong nhà thờ.
5-Địa phận Công Giáo Cincinnati, Ohio đã bị phạt 170 ngàn vì sa thải một giáo viên của một trường Công Giáo vì lý do cô giáo viên này độc thân mà lại mang thai do thụ tinh nhân tạo, một hành động đi ngược với giáo huấn cuả Công Giáo mà khi xin việc cô ta đã ký kết tuân theo. Lý do Địa phận bị phạt là do luật cấm phân biệt đối xử với người đồng tính. Đây là vụ kiện thứ hai mà Địa phận bị kiện vì sa thải giáo viên không tuân giữ những cam kết tuân giữ luật Công Giáo.
6- Thành phố New York đã thông qua một chính sách cấm nhà thờ 'the Bronx Household of Faith' và các nhà thờ khác thuê trường công lập vào cuối tuần để làm việc thờ phượng, trong khi đó thì các tổ chức phi tôn giáo vẫn có thể thuê trường cho những công việc khác. Tranh tụng trong trường hợp này hiện đang tiếp tục.
7- Dịch vụ giúp người tị nạn và di cư cuả HĐGM Hoa Kỳ (MRS) đã bị loại ra khỏi hợp đồng với chính phủ Hoa Kỳ mặc dù là cơ quan có điểm cao nhất, vì chính quyền mới đây đưa thêm một điều lệ mới là bắt buộc MRS phải cung cấp hoặc giới thiệu những dịch vụ phá thai.
8- Đại học California Hastings College of Law đã khai trừ hội 'Luật Gia Kitô Hữu' ('Christian Legal Society',) từng hoạt động 100 năm, bởi vì điều lệ cuả tổ chức đòi hỏi người lãnh đạo phải là một Kitô hữu và không có những hoạt động tình dục ngoài hôn nhân.
9-Một số tài liệu huấn luyện cuả quân trừ bị Hoa Kỳ đã liệt kê Công Giáo, Tin Lành là những tổ chức 'cực đoan' giống như "Al Qaeda”, “Hamas” và “KKK" và cảnh báo quân nhân nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu trở thành 'hội viên hoạt động' cuả những tổ chức đó. Văn phòng Tuyên úy Công Giáo đã phản đối lên Bộ Quốc Phòng.
Những bằng chứng nêu trên cho thấy hình thức 'cấm đạo' ngày nay tuy không còn là những cảnh 'thịt nát đầu rơi' như ngày xưa, nhưng hậu quả thì thảm khốc hơn nhiều bởi vì, như linh mục tiến sĩ Chính Thống Giáo Chad Hatfield đã nhận định là "thực tế này đơn giản đến không thể ngờ được", thực tế mà ông ta nói ở đây chính là dùng những luật lệ và chính sách với những danh xưng rất 'kêu' và 'mị dân' để như một viên thuốc 'bọc đường' đưa những loại thuốc độc vào phá hoại thân thể cuả Giáo Hội.
Những viên thuốc độc
Thí dụ quan niệm về 'diễn văn thù hận' (hate speech), bề ngoài là ngăn ngừa sự reo rắc thù hận trong xã hội, nhưng đã gây ra không ít các vụ kiện cáo cho rằng giáo huấn về tính dục cuả Giáo Hội Công Giáo là loại 'diễn văn thù hận' vì chống lại 'khuynh hướng tình dục' cuả người đồng tính. Nếu một ngày nào đó một vụ kiện nói trên được thưởng tiền phạt thì trong tương lai sẽ có nhiều linh mục, giám mục, giáo viên và giáo sĩ bị lôi ra toà vì tội 'hận thù'. Hãy tưởng tượng hằng trăm nhà thờ bị phạt vạ mỗi nơi vài trăm triệu thì tương lai cuả Giáo Hội Mỹ sẽ đi về đâu?
Thí dụ luật 'bình đẳng hôn nhân', bề ngoài là bảo vệ 'nhân phẩm' cho người đồng tính, nhưng hậu quả thi hành thì là việc đóng cửa tất cả các cơ quan bác ái xã hội cuả Kitô giáo và rất có thể các nhà trường tôn giáo cũng sẽ đi theo con đường u tối đó trong nay mai.
Thí dụ sắc lệnh y tế (HHS) sắp được thi hành, bề ngoài là bảo đảm một mức tối thiểu về y tế cho mọi người, nhưng hậu quả sẽ là việc đóng cửa hoặc tách rời ra khỏi Giáo Hội tất cả các trường đại học và bệnh viện Công Giáo.
Đức Tổng Giám mục Lori giải thích rằng "Giáo Hội không phải là một vị thiên thần có hai cánh: một cánh bên phải là 'đức tin và tế tự', và bên trái là 'dịch vụ bác ái'". Nhưng, ngài nói, "Giáo Hội chỉ là một, những gì chúng ta tin và thờ phượng đưa tới những việc làm công cộng.”
Những việc làm trong lãnh vực giáo dục, y tế và bác ái không phải là một chi nhánh biệt lập của đức tin Công Giáo, Đức Tổng Giám mục nhấn mạnh, nhưng "các hoạt động này là một phần của DNA (di truyền) mà chúng ta lãnh nhận khi chịu phép rửa tội làm người Công Giáo.”
"Vậy thì không đáng ngạc nhiên khi chúng ta phải rùng mình và phản ứng mạnh mẽ, trước việc chính phủ cố gắng cắt hoặc thái mỏng Giáo Hội của chúng ta bằng cách dùng pháp luật và chính sách để tách biệt nhà thờ ra khỏi các cơ sở từ thiện, y tế và giáo dục. Tạo ra một loại 'bảng ghi điểm' để phân định một cơ sở nào đó là 'bằng' hay 'ít tôn giáo' hơn một nhà thờ.”
Nhu cầu củng cố niềm tin
Trong hành vi vi phạm tự do tôn giáo, "Chính phủ của chúng ta là không chỉ lấy những gì thuộc về Thiên Chúa, họ cũng lấy từ những gì thuộc về phẩm giá con người và công ích," Đức Tổng Giám mục Lori noí tiếp.
"Làm suy yếu tự do tôn giáo thì tất cả các quyền cuả con người sẽ bị rủi ro.”
Đức Tổng giám mục giải thích "quyền được sống, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và tự do hội họp thì liên kết chặt chẽ với nhau. Những quyền này không phải là do Nhà Nước cung cấp cho chúng ta nhưng bởi chính Đấng Tạo Hóa.”
Đức tin là nguồn gốc của các giá trị dẫn đến những hành động cho lợi ích chung, ngài nói.
"Nhờ đức tin, chúng ta hiểu rằng tất cả mọi người được kêu gọi để chia sẻ cuộc sống của Thiên Chúa. Đức tin chỉ cho chúng ta thấy dễ dàng những gì là một xã hội thực sự công bằng và nhân đạo và chúng ta nhận được sức mạnh cần thiết để xây dựng một nền văn minh thực sự của chân lý và tình yêu.”
Do đó, ngài nhấn mạnh, niềm tin tôn giáo mang lại lợi ích cho quảng trường công cộng "không chỉ bởi mức độ của các dịch vụ nhân đạo lớn lao nhưng còn cung cấp các nhân chứng cho Chúa Giêsu Kitô, làm chứng cho những sự thật đạo đức và các giá trị mà không một nền dân chủ nào có thể phát triển mà không có chúng."
Đức Tổng Giám Mục cũng giải thích rằng việc duy trì tự do tôn giáo là quan trọng không chỉ cho các Kitô hữu ở Mỹ, nhưng cho tất cả các tín hữu của tất cả các tôn giáo trên toàn thế giới.
"Chúng ta tiếp tục sống trong thời đại của các vị tử đạo – khi các tín hữu, không chỉ riêng Kitô hữu mà thôi, đang bị bức hại vì tuyên xưng và thực hành đức tin – khi họ bị tra tấn và giết chết chỉ vì họ là một tín hữu, ở những nơi như Iran, Iraq, Trung Quốc và Nigeria.”
Vậy thì việc tranh đấu cho tự do tôn giáo tại Hoa kỳ không chỉ là cuộc tranh đấu cho chúng ta mà thôi, nhưng còn là một trách nhiệm giữ vững niềm tin để mang lại hy vọng cho các nơi khác.
"Chúng ta hãy giữ cho ngọn lửa đức tin và ngọn lửa của tự do bốc cháy không chỉ dành cho thế hệ con em và các thế hệ cháu chắt", Đức Tổng Giám mục Lori khẩn khoản nài xin, "nhưng cũng vì lợi ích của các tín hữu đang bị bắt bớ. Họ lả những người đang nhìn về vùng đất rộng mênh mông và hình thức chính quyền cuả chúng ta như là một ngọn hải đăng của hy vọng.”
Xin xem thêm HĐGM Hoa Kỳ phát động chiến dịch '2013 Fortnight for Freedom' tranh đấu cho Tự Do Tôn Giáo
Trần Mạnh Trác 6/24/2013
Views: 0