Ngày xưa, khi luận bàn một vấn đề quan trọng nào, thì các nhà tư tưởng Đông phương hay dùng chữ “duy” (維), có nghĩa là dây buộc mui xe, dây ở bốn góc lưới, nghĩa thông dụng phiên Nôm thuần Việt là “giềng mối” để chỉ điều căn cốt thiết yếu của vấn đề.
Ví dụ như trong cuốn “Quản Tử” tương truyền là tác phẩm của Quản Trọng (mất năm 645 BC) có nói đến “quốc hữu tứ duy” (國有四維), nghĩa là nước có bốn giềng mối: lễ – nghĩa- liêm-sỉ; một giềng mối đứt thì nghiêng, hai giềng mối đứt thì nguy, ba giềng mối đứt thì đổ, bốn giềng mối đứt thì mất (Cit. LM Thomas Nguyễn-Văn Hiệp, Gp Phan Thiết – Khánh Nhật Truyền Giáo 09/10/2011)
1. TRUYỀN THỐNG.
1.1. ĐỊNH NGHĨA
“Truyền thống” là cụm từ được nói đến nhiều nhất và cũng bị lạm dụng khá nhiều, khi người ta muốn vận động hoặc áp đặt một điều gợi lại một tập tục,một “nếp cũ”, một nét văn hoá vật thể hoặc phi vật thể, nhằm duy trì,nhắc nhở,củng cố và tiếp nối những điều được cho là tốt đẹp truyền từ xa xưa. Vì thế, một định nghĩa cụm từ “Truyền Thống” là điều cần thiết.
Có rất nhiều định nghĩa từ nầy. Wikitionary tiếng Việt định nghĩa Truyền Thống là Đức tính, tập quán, tư tưởng, lối sống… được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Pascal trong Pensées viết : Truyền Thống là sự lưu truyền các sự kiện lịch sử, các học thuyêt tôn giáo, các truyền thuyết từ đời nọ sang đời kia qua khẩu truyền mà không có chứng cứ xác thực và được ghi lại…Do các sự kiện được lưu truyền như vậy, rất nhiều nét lịch sử chỉ là những truyền thống sai. Tự điển ngôn ngữ Pháp “Littré” cũng đồng ý như vậy. Khác hơn một chút, triết gia Jouffroy và nhà xã hội học Boudon-Bourr cho rằng : Truyền thống là hành động, cách thức lưu truyền một kiến thức, trừu tượng hay cụ thể, từ thế hệ nầy qua thế hệ khác, bằng truyền khẩu, ký tự hay bằng ví dụ. …
Truyền thống không phải là một quá khứ không thể ràng buộc vào lý trí hay tư duy, hoặc ép buộc chúng ta bằng cả trọng lượng của nó. Truyền thống là một quá trình qua đó cấu thành một kinh nghiệm sống và có thể thích nghi. So sánh chung, nhận thấy định nghĩa đầy đủ nhất là của Trung Tâm Quốc Gia các Nguồn Văn Bản và Tự Điển (Centre National de Resources Textuelles et Lexicales): Truyền Thống là di sản qua đó quá khứ tồn tại trong hiện tại. Truyền Thống là tổng thể của văn hoá và văn minh với tính chất được lưu giữ và lưu truyền qua các phương tiện và mô thức xã hội hoá.
Tuy vậy, “truyền thống” thay đổi dưới mắt mỗi cá nhân: kẻ thì cho rằng truyền thống là tinh hoa, cần duy trì và nhân rộng; người khác lại nghĩ rắng truyền thống là hình ảnh của những gì tồn đọng, cũ kỹ,lỗi thời, chỉ có giá trị lịch sử, không thể ứng dụng trong thời đại công nghệ thông tin thay đổi nhanh đến chóng mặt nầy. Như vậy,câu hỏi đặt ra : lịệu Truyền Thống có và còn là giềng mối liên kết xưa và nay,cũ và mới?
1.2. THÀNH PHÂN CẤU TẠO
Truyền thống nằm ở cả hai phạm trù : cụ thể và trừu tượng,hay cũng có thể gọi là vật thể và phi vật thể.
a) Cụ thể: đó là mái nhà,mái đình,các lẽ hội,các thực hành phong tục tập quán (ma chay, cưới hỏi),rước sách, xã giao (chào hỏi, xử đối)…. Những truyền thống nầy, dù thời gian trôi qua, dù không còn giữ nguyên nội dung và giá trị ban sơ, thì vẫn là nét tinh hoa của một thời và làm nên nét đẹp của một dân tộc. Tà áo dài có thể sẽ biến mất theo thời gian, nhưng là nét đẹp tôn vinh người phụ nữ Việt Nam trong một thời dan dài. Tóm lại, hình thức cụ thể có thể mờ dần hoặc biến mất,nhưng “cái hồn” vẫn giữ nguyên giá trị.
b) Trừu tượng: là những truyền thuyết, những điều không được hoăc không thể chứng minh, nhưng rất nhiều trong số đó trở thành “quốc hồn quốc tuý” và có giá trị lâu bền. Lạc Long Quân và Âu Cơ (cũng như An Dương Vương) vốn chỉ là truyền thuyết và không một ai ngây thơ tin rằng truyện sinh bọc trăm trứng là có thật, song cũng không một ai phủ nhận nó, trái lại, vẫn hãnh diện với gốc tích Con Rồng Cháu Tiên của mình.
Cả hai phạm trù vật thể và phi vật thể trong truyền thống đều đã trải qua thời gian,không gian và lịch sử, chịu rất nhiều sàng lọc, được bổ sung hoặc cắt xén, chịu nhiều lạm dụng đến mức khó nhận ra ‘nguyên bản’, nhưng tựu trung, chúng vẫn giữ được cái hồn và lưu truyền cho hậu thế, mặc cho hậu thế đánh giá,sử dụng như thế nào, quý trọng hay khinh chê ra sao. Nhưng một quốc gia,một dân tộc,một nhóm người,một gia tôc, sẽ không thể tồn tại, nếu không có Truyền Thống hoặc không thể giữ gìn và lưu truyền Truyền Thống. Tôn giáo cũng có Truyền Thống và ít nhiều truyền thống tôn giáo cũng chịu những định luật lịch sử như mọi truyền thống khác (văn hoá, đạo đức).
2. TRUYỀN THỐNG CÒN LÀ GIỀNG MỐI LIÊN KẾT XƯA VÀ NAY?
2.1. Cha mẹ đặt đâu,con cái ngồi đấy : truyền thống duy trì ưu thế?
Đây là tập tục có từ lâu đời và được thực hiện rất tự nhiên, gần như không có sai sót, ngoại trừ thỉnh thoảng có những trường họp “đặc biệt” , như là xé rào trước hôn nhân, kèm theo các hình phạt không nhẹ của lệ làng, gây nên nỗi tuỷ hổ cho gia tộc và gia đình. Bên cạnh việc tạo được sự ổn định trong xã hội và gia đình, tục lệ nầy đã tạo nên áp lưc tinh thần cho con cái và đã bị tư duy cải cách xã hội lên án, đem ra nhiều mô thức thay đổi, rồi bị lạm dụng đến mức xuất hiện nhiều hình thức có tính chất biến thái,như tự do luyến ái, sống chung trước hôn nhân và các hình thái đời sống tình dục không thể chấp nhận như đồng tính, sống chung trước hôn nhân. Hôn nhân dị giáo – dù được bao dung cho phép vói điều kiện – cũng là một sự vượt rào quan niệm “cha mẹ đặt đâu,con cái ngồi đấy”. Thực tế chứng minh cho thấy rất nhiều trục trặc và bất ưng trong hôn nhân nầy.Nói như thế không có nghĩa là bênh vực quan điểm xưa cũ ấy. Khi nói “cha mẹ đặt đâu,con cái ngồi đấy”, không chỉ nói về hôn nhân, mà còn liên quan đến chọn lựa đời sống, định hướng nghề nghiệp. Xã hội nông nghiệp không cho phép nhiều chọn lưa,ngoài tiến thân bằng khoa cử,mà không phải ai cũng dám mơ ước và có thể thực hiện. Trong luỹ tre làng, truyền thống luôn chiếm ưu thế và bất cứ một lệch lạc cố tình hay hữu ý, đều bị xã hội lên án. Ưu thế nầy đã không giữ được mãi. Thay đổi quá nhanh không chỉ làm cho truyền thống bị đặt vấn đề, mà chính các thế hệ cha ông cũng bị hụt hẩng. Đô thị hoá nông thôn cùng làn sóng ồ ạt ra thành phố – mà một số người biện minh là “ly nông,bất ly hương” – đã góp phần đẩy truyền thống vào “thế thủ”, mặc cho những con sóng “hiện đại hoá” xô đẩy,vùi dập. Suy nghĩ ấy, cảm giác ấy càng rõ rệt,bùi ngùi, khi có dịp đứng trước hoăc tham quan những nơi được gọi là “nhà truyền thống”: chúng lưu giữ những nét văn hoá truyền thống vật thể; chúng nhắc nhở quá khứ hào hung, nhưng cũng không che đậy được một sự thật chua chát ,rằng chúng chỉ còn là kỷ niệm,là nơi để thưa thớt người đến tham quan sống lại kỷ niệm cũ, nghe thuyết minh về những giai đoạn lịch sử “vang bóng một thời”. Bên ngoài các “nhà truyền thống” ấy, cuộc sống hối hả,xô bồ và dững dưng, vô tình, khác xa với sự tĩnh lặng, êm ả,lắng đọng của bên trong, bên trong nhà truyền thống và cả bên trong tâm hồn những lớp người có tuổi, đang tiếc nuối truyền thống, đang chứng kiến truyền thống dân tộc, gia đình biến mất, âm thầm,nhưng rõ rệt.
Với những người (Việt) sống ở nước ngoài sau 1975, đặc biệt ở các nước Âu Mỹ, truyền thống đã mau chóng bị thử thách và bị lu mờ,rất khó giữ trong các gia đình,trước sự lo âu và bất lực của các bậc phụ huynh và những người có tâm huyết với phong tục tập quán Á Đông đầy tình người. Văn hoá “you” ở Mỹ hay “vous”,”tu” ở Châu Âu đánh đồng mọi giới,mọi tuổi, mọi quan hệ trong xã hội, không phân biệt “trong nhà ngoài phố”,phá bỏ lớp lang trật tự trên dưới. Thành trì Nho giáo mau chóng bị triệt hạ. Lớp trẻ sinh ra và trưởng thành ở hải ngoại may mắn lắm còn nói được tiếng Việt (một số ít biết đọc và số ít hơn biết viết). Họ mang quốc tịch Âu Mỹ và Việt Nam là “ngoại quốc”. Sợ rằng họ còn khó nhận ra và chỉ đúng vị trí nước Việt Nam trên bản đồ thế giới. Truyền thống còn chút ý nghĩa chăng, là hình ảnh cha mẹ chúng kính trọng và chăm sóc ông bà hơn là dân “bản địa”, là những tiếng xưng hô và chào hỏi khá phức tạp trong gia tộc,gia đình,là những lễ hội được các thế hệ cha anh tái hiện vội vã, nhếch nhác, thưa thớt dần, mà thiếu đi cũng chẳng gây nên điều gì,ngoài ánh mất thẩn thờ, buồn bả của các lớp cha anh.
Abyssus abyssum vocat. Vực thẳm kêu gào vực thẳm. Cưc đoan thường tiếp sau những ưu thế “quá khích” nầy : con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy.
2.2. Con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy: truyền thống mất đi vị trí ?
Một cuộc lật đổ,hoán ngôi ngoạn mục! Cùng với thời gian và ảnh hưởng nhiều nền văn hoá và việc con cái làm chủ kinh tế trong gia đình,cung cấp các tiện nghi đời sống hiện đại cho cha mẹ (ăn uống,giải trí, đi lại,…), dù con cái không nói ra hay đòi hỏi, cha mẹ cũng thấy mình bị đẩy vào vị trí thứ yếu trong các quyết định không chỉ về hôn nhân của con cái,mà cả về trật tự gia đình (kinh tế, văn hoá,quan hệ…). Bậc phụ huynh chỉ mơ hồ nhận thấy con cái vuột khỏi tầm tay của mình và những lời răn dạy,khuyên can “truyền thống” thưa thớt dần, ”nhẹ” dần rồi biến mất. Công ăn việc làm,cha mẹ không biết đã đành, mà những mối giao du trong công việc và nhất là trong tình cảm, cũng mù tịt hoàn toàn. Việc dẫn một cô gái hay chàng trai về ‘trình diện’, không nhằm hỏi ý kiến hay xin phép cha mẹ, mà chỉ để giới thiệu. Đổ vỡ là chuyện thường nghe thấy, vì nhiều trường hợp chỉ quen biết sơ sài một thòi gian ngắn, chủ yếu là hợp nhãn và hợp “gu” (ăn chơi,hút xách,đàn đúm,…), mà không tìm hiểu tường tận gia thế (cây tốt vẫn có khả năng trái không tốt, nhưng cây xấu không thể sinh trái tốt), tính tình (ở bất kỳ thời đại nào, dù không giữ quan niệm cực đoan, thì công,dung,ngôn, hạnh vẫn luôn là “câu giữ mình” của nữ giới và nhân,nghĩa,lễ,trí,tín vẫn luôn là nguyên tắc sống và giao tế của mọi người). Phim ảnh góp phần rất lớn trong quan niệm sống của giới trẻ, làm đảo lộn xã hội và làm cho truyền thống mất dần vị trí. Một thời người Á Đông – đặc biệt dân Việt – say mê phim Hàn Quốc, vì khai thác nhiều khía cạnh tâm lý gia đình rất cảm động, với những tình tiết được trình bày khéo léo, giải quyết thấu tình hợp lý những mâu thuẫn rất đời thường trong xã hội,trong gia đình,trong công việc, trong giao tiếp. Các giá trị truyền thống được tôn vinh một cách kín đáo với hy vọng mưa dầm thấm sâu, sẽ phần nào giữ được truyền thống như bộ Hàn phục của dân tộc Hàn hay bộ Kimono của Nhât. Nhưng thời đại ngự trị của loạt phim Hàn Quốc qua mau, nhường chỗ cho những phim “hành động” và “cởi mở” theo kiểu Âu Mỹ, với nhan nhãn phim khiêu dâm hoặc tràn ngập cảnh khiêu dâm, bạo lực, pha nhiều chất thần thoại,hoang đường. Từ những quốc gia,dân tộc giàu truyền thống, hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tự tử. Hàn Quốc có xu hướng tự tử theo người nỗi tiếng và “thủ phạm” chính gây nên làn sóng tự tử là Internet.
Sức mạnh của Internet thì ngày nay không ai có thể phủ nhận. Các nước vùng Trung Đông và Ả Rập vốn tương đối khép kín và cố níu kéo truyền thống đạo Hồi, với những luật lệ hà khắc và bảo thủ – đặc biệt với nữ giới – đã không ngăn được những đợt sóng thần “cách mạng hoa lài”, vì không thể ngăn chận Internet mở ra chân trời mới cho giới trẻ, từ văn hoá đến chính trị, từ quan điểm tôn giáo đến nhân sinh quan (và có thể nhín thấy sự tan rã – disintegration – của đạo Hồi được “học và hành’ như hiện nay). Các chính thể độc tài,đôc trị đang hết sức lo lắng về sức công phá của Internet và tìm mọi biện pháp để bưng bít. Truyền Thống không là ngoại lệ : những thay đổi đến chóng mặt trong công nghệ thông tin kéo theo những thay đổi lớn lao trong quan niệm sống và gặm nhấm,bào mòn truyền thống.
Trở lại với định nghĩa của Trung tâm Quốc Gia các Nguồn Văn Bản và Tự Điển: “Truyền Thống là di sản qua đó quá khứ tồn tại trong hiện tại. Truyền Thống là tổng thể của văn hoá và văn minh với tính chất được lưu giữ và lưu truyền qua các phương tiện và mô thức xã hội hoá”, quả là khá chính xác. Nó là “di sản”, để cho quá khứ tồn tại trong hiện tại, còn tác động của “quá khứ” nầy thế nào đối với “hiện tại”, thì phụ thuộc rất lớn vào nhiều yếu tố, trước sự gần như là bất lực của con người : truyền thống được thanh lọc để sẽ giữ lâu bền những nét tinh hoa của đạo làm người (trong đó có giềng mối gia đình,mà Đạo Hiếu có tầm quan trọng sống còn,dù chữ Hiếu được hiểu ra sao); hoặc sẽ mờ nhạt dần và bị đào thải, khi không còn phù hợp và nhất là không còn được nối tiếp mà bị gián đoạn. Mắt xích bị đứt lìa chính là giới trẻ và các thế hệ trẻ. Truyền thống khi ấy có nguy cơ trở thành một kỷ niệm “vang bóng một thời”, nằm chờ bị bụi thời gian phủ dày trong các viện bảo tàng hay thư khố.
Những thực tế nầy liệu có xảy đến với Truyền Thống Công Giáo?
3. TRUYỀN THỐNG CÔNG GIÁO VIỆT NAM
Là một thực thể trong thế giới, giữa xã hội con người, Giáo Hội được thừa hưởng những thành quả phát triển đi lên của xã hội về mọi mặt, nhưng cũng chịu ảnh hưởng và tác động tiêu cực của xã hội. Trong khi đóng góp một phần rất lớn của mình vào nền văn hoá, văn minh nhân loại, Giáo Hội – [bài viết chỉ thu hẹp trong phạm vi Giáo Hội Công Giáo] – với các cấu trúc trần tục, vẫn tuân thủ những cơ cấu tổ chức hiện hữu ở mỗi thời và chỉ hành xử quyền (và bổn phận) nắm giữ chân lý Tin Mừng, thể hiện qua vai trò hướng đạo và điều chỉnh, sửa sai những gì liên quan đến Tín Lý và Luân Lý. Và đó là “truyền thống” của Giáo Hội và trong Gíao Hội. Vì lẽ ấy, Giáo Hội,hay đúng hơn,”truyền thống” Giáo Hội cũng chịu định luật lịch sử đối với những gì nằm trong lịch sử ( cấu trúc và tổ chức trần thế). Ở đây, tưởng cũng nên tách bạch và phân biệt rõ ràng giữa “truyền thống” viết thường và “truyền thống” viết hoa, mà điển ngữ Công Giáo gọi là Thánh Truyền, vốn là một trong các trụ cột của Huấn Quyền, thuộc các yếu tố đức tin cốt lõi, thường kèm theo tiền tố “Thánh” (Sainte, Sacred/Holy). Wikipedia định nghĩa Thánh Truyền khá đầy đủ và chính xác : “The teachings of Tradition are not necessarily written down, but are lived and are handed on by the lives of those who lived according to its teachings, according to the example of Christ and the Apostles (I Cor 11:2; II,Tex 2:15). This perpetual handing on of the teachings of Tradition is called a living Tradition; it is the transmission of the teachings of Tradition from one generation to the next. The term "deposit of faith" refers to the entirety of Jesus Christ's revelation, and is passed to successive generations in two different forms, sacred scripture (the Bible) and sacred tradition (apostolic succession)”. Và vì thế, non mutatur (không thay đổi), non tollitur (không mất đi), được lưu giữ,lưu truyền và thi hành trọn vẹn.
3.1. Một Truyền Thống tốt đẹp
Trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo, so với các quốc gia Châu Âu và cả Châu Mỹ, thì Việt Nam vẫn là “hậu bối” về thời gian được truyền bá Đức Tin và Tin Mừng. Nhưng ngày nay, ở Á Châu, Việt Nam chỉ đứng sau Phi Luật Tân về con số tín hữu (khoảng 6,5 triệu # 7% dân số). Con số xin gia nhập Công giáo năm sau cao hơn năm trước và vị thế Công giáo tăng cao cùng với tiếng nói của nhiều bậc trong Giáo Hội Việt Nam về các lãnh vực xã hội, như chính trị, tôn giáo,nhân quyền,…Chắc chắn đó là thành quả của một truyền thống đã bén rễ sâu trong mọi tầng lớp tín hữu, được duy trì và phát huy, nhờ kết cấu chặt chẽ và hữu hiệu của tổ chức nội tại (inner) của Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ và Giáo Hội Việt Nam: gắn liền và hoà quyện trong một thể thống nhất cơ cấu hữu hình và vô hình, trần tục và thượng giới. Giáo Hội là thân thể,mỗi tín hữu là chi thể,mà Chúa Giêsu là Đầu. “Truyền Thống Công Giáo” – hiểu sát từ ngữ (literally), do vậy chỉ là được dùng để chỉ một tinh thần sống đạo, chứ không bao hàm nội dung các cấu trúc nội tại, vốn chỉ có phần cơ cấu trần thế (kiến trúc, mô hình [ tổ chức] giáo phận,giáo xứ và các công trình vật thể và phi vật thể liên quan) là nằm trong “truyền thống”,do vậy, chịu tác động biến đổi theo lịch sử và thời gian.
Dù Phật giáo đã du nhập Việt Nam ngay từ đầu Công nguyên và đã có những giai đoạn phát triển cực thịnh (đời nhà Lý,nhà Trần rất được coi trọng ), nhưng từ thời Hậu Lê,Nho giáo được coi là quốc giáo,trong khi Phật giáo suy thoái. Nho giáo tập hợp và hệ thống hoá những quy tắc hành xử để tạo ra và duy trì một xã hội trật tự và ổn định, xoay quanh hai trục chính là triều đình và gia đình. Tuỳ theo thời đại,mà những quy tắc nầy được phát triển hay bị lạm dụng để có lợi cho một chế độ. Vì thế bên cạnh ảnh hưởng “tích cực” không thể phủ nhận được của Nho giáo (còn gọi là Khổng giáo, vì chính Khổng Tử là người có công trong việc tập hợp và hệ thống hoá, được các môn sinh ghi lại trong Bộ Ngũ Thư), thì có thể nói Nho giáo cũng ảnh hưởng “tiêu cực” đến xã hội, chính trị,kinh tế,văn hoá, nhân sinh quan và do vậy đã là rào cản cho sự phát triển các phạm trù nầy. Và khi mà người ta cho rằng Nho giáo là “tội đồ”, thì “trăm dâu đổ đầu tằm” : cùng vói sự sụp đổ của các chế độ vua quan, người ta đả phá Nho giáo, tìm cách loại bỏ hệ tư tưởng truyền thống và vội vàng lấp chỗ trống to lớn ấy bằng những cái “thời thượng”, “hiện đại”, không gì ngăn cản nỗi,cho đến khi – và điều đó đang xảy ra,mau chóng hơn mọi dự đoán – người ta nhận ra khoảng trống và khoảng tối của những chắp vá nầy còn nghiêm trọng hơn nhiều những ảnh hưởng “tiêu cực” của Nho giáo : các mối tương quan xã hội,gia đình bị phá vỡ; các quan hệ trở nên mong manh, mỏng dòn, khó lòng khôi phục, trong sự tiếc nuối của mọi người; mọi giá trị bị đảo lộn. Tiền tái,vật chất và cuộc sống “duy hiện sinh” (existentialist) đẩy con người đến chỗ tha hoá. Các tiêu chuẩn đạo đức, những phạm trù thánh thiêng, các giá trị luân lý bị đặt vấn đề và bị khoác cho bộ mặt “truyền thống”, nghĩa là phải bị đào thải,biến đi và cần thay thế.
Đạo Công Giáo được truyền vào Việt Nam trong bối cảnh Nho giáo đã bén rễ sâu trong xã hội và mọi tầng lớp. Ngoài “sự cố” gây thiệt hại không ít cho việc phát triển và nên một trong ca1c nguyên cớ cho những cấm cách,bách hại Đạo – không dâng bái hương tổ tiên – (ở Trung Hoa còn nặng nề hơn ỏ Việt Nam), thì Công Giáo được hưởng lợi rất lớn từ hệ thống tư tưởng và đạo đức theo Nho giáo nầy : nông nghiệp làm chủ và văn hoá “luỹ tre làng” đã tạo nên những xã hội hiền hoà, trọng lễ giáo,kính trên nhường dưới, gia đình trật tự, trong đó “trai thời trung hiếu làm đầu, gái thì trinh tiết là câu giữ mình”. Tam cương, ngũ thường, tam tòng,tứ đức luôn được đề cao và không chấp nhận sự phản kháng hoặc hành xử ngược lại. Quan niệm “trung quân ái quốc”, “quân sư phụ” (trên là vua,kế đến là thầy,sau mới là cha), có khi đòi buộc gắt gao cực đoan như “quân xử thần tử,thần bất tử bất trung” (vua xử tội chết, bề tôi không [chấp hành] chết tức là [mang tội] bất trung với vua), đã tạo nên những luồng tư tưởng đối nghịch, chẳng khác nào những hoả diệm sơn ngấm ngầm hoạt động, chờ dịp phun trào,đốt cháy những quan niệm “truyền thống” nầy. Là dân tộc có nguồn gốc theo mẫu hệ, nhưng người nữ Việt Nam chỉ giữ vai trò thứ yếu trong xã hội và gia đình và sự phục tùng gần như tuyệt đối – không khác bao nhiêu so với vị trí phụ nữ Hồi giáo – một mặt góp phần tạo nên sự ổn định xã hội, măt khác cũng tiềm ẩn nguy cơ bất ổn trong xã hội,nhất là trong gia đình – và cả trong Giáo Hội Việt Nam – với phong trào bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ. Vì quả thật, vai trò nữ giới (các bà mẹ Công Giáo) trong việc giáo dục đức tin, duy trì nền tảng đạo đức và đạo hạnh trong gia đình (có thể gọi là “truyền thống Công giáo”), đôn đốc giữ và thực hành Đạo (kinh,lễ, sinh hoạt các lóp giáo lý,đoàn thể, sự kính trọng và giúp đỡ các Vị phục vụ Nhà Chúa – linh mục,tu sĩ – …) là yếu tố hết sức quan trọng và sống còn. Do vậy, khi nữ giới đi vào xã hội, không chấp nhận gò bó và khép kính trong sinh hoạt gia đình (nội trợ), mà chỉ chăm chú,hăng say với các hoạt động xã hội (chính trị,kinh tế), thì chính gia đình và tôn giáo là hai đối tượng bị thiệt thòi nhất.
Những ngày nầy, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đang họp Đại Hội thường niên kỳ I/2012. Trong nghị trình, có đề cập đến việc xem xét và phê duyệt Quy Chế Hội Đồng Giáo Dân (Ban Hành Giáo, Họi Đồng Giáo Xứ), mà bản văn hỏi ý kiến cính thức được đưa lên mạng cách nay vài ba tháng. Vẫn chỉ là “bổn cũ” trong cái vỏ có vẻ mới, mà những ban soạn thảo có thể tưởng là ‘dân chủ”, kỳ thực hết sức ”bảo thủ” và vẫn không thoát được não trạng giáo dân là thành phần “xin – cho”, nhận và thi hành lệnh, phuc tùng nhưng không vì đã được Giáo Hội “ban” ‘nhưng không”, phục vụ “nhưng không”. Một văn bản mà chưa chắc các Vị đã đoc qua hết bố cục (nói chi Nội Dung được trình bày rất lộn xộn và duy ý chí). Cái gây trì trệ nhất cho Giáo Hội nói chung, cách riêng cho Giáo Hội Việt Nam và đặc biệt là hàng linh mục Việt Nam, là vật chất ( tài sản, tiền bạc) thì vẫn là đôc quyền của linh mục (quản xứ), tuỳ nghi sử dụng (khi cần thủ tục “hợp pháp hoá” thì có ngay chữ ký của HĐGX). Giáo Hội Việt Nam cứ thế giàu lên, không chỉ dẫm vào vết xe cũ, mà còn như thách thức những đổi thay lớn lao trong Giáo Hội Toàn Cầu khi khắp nơi cố gắng rủ bỏ sự dính líu sâu tới vật chất, tiền tài, để tập trung vào “dạy dỗ,tha thứ, an ủi,tế lễ, và kết hợp mối tình yêu mến ràng buộc lòng Chúa với loài người ta” (kinh cầu cho các linh mục). Tức là tích cực SỐNG ĐỨC NGHÈO KHÓ. Một ví dụ nhỏ : mới năm 2011, phần đông giáo xứ Hoa Kỳ vẫn dùng câu thưa “và ở cùng Cha” (and also with you), nhưng từ đầu năm 2012, câu thưa nầy đồng loạt đổi lại [thực chất là dịch cho đúng nguyên bản phụng vụ Giáo Hội] trong mọi Nhà Thờ Mỹ : “and also with your spirit” (và cũng ở với tâm hồn Cha). Việc Giáo Dân – HĐGX – nhận, thu, chi mọi khoản trong giáo xứ – (có họp bàn và ý kiến của linh mục QUẢN NHIỆM) là thành nền nếp. Hình ảnh các linh mục Mỹ “thoát tục”, được giáo dân quý trọng, rất tự nhiên,quen thuộc. Các linh muc người Việt – ở Việt Nam hay ở hải ngoại – vẫn chưa tài nào thoát được não trạng thâm căn cố đế ấy. Đúng hơn, các Vị không đủ can đảm lột xác, dứt bỏ một thói quen,một nếp nghĩ,một lối sống mà BIẾT CHẮC đã và đang làm hại vô cùng cho Giáo Hội và cho chính các Vị. Giải pháp cho vấn đề không thiếu- nhiều là đàng khác – song quan trọng là các Giám Mục và Linh Mục có quyết tâm đi theo Chúa Kitô trong cuộc sống NGHÈO KHÓ không!
3.2. Một truyền thống bị lợi dụng và lạm dụng
Người ta dễ bị ru ngủ và tự an ủi,tự trấn an mình, khi nhìn vào những Thánh Đường chật ních trong các ngày Lễ Chúa Nhật và Lễ Buộc. Số người chịu các Bí Tích vẫn đông.Các lớp sinh hoạt, giáo lỳ vẫn tấp nập. Sau những giai đoạn khó khăn, các sinh hoạt tôn giáo (lễ hội, rước kiệu, hành hương) được tương đối thoải mái, “dễ thở” hơn. Và người ta ngủ say trên chiến thắng, bất động và bất biến trong một thế giới đầy biến động, đòi hỏi thay đổi hằng ngày. “Hãy tỉnh thức” không chỉ vì Chúa đén bất ngờ, mà còn – và chủ yếu – vì không để “kẻ trộm đào ngạch khoét vách”. Satan không mệt mỏi đào bới,phân rẻ,phá hoại, lợi dụng mọi kẻ hở để gây hại cho Giáo Hội, qua tín hữu. Điều đáng sợ nhất mà Satan thành công gieo vào lòng các tín hữu, ấy là sự trì trệ, tâm lý “hãy để ngày mai”, rằng “ còn nhiều thòi giờ”, Việc nầy đâu thể giải quyết một mình và ngày một ngày hai”. Những suy nghĩ nầy vẫn kéo dài và ngày có vẻ như đặt dấu chấm hết, khi được khoác mặt nạ : PHÓ DÂNG CHO CHÚA!
Một linh mục quản nhiệm một giáo xứ lớn ở Tây Nguyên (Việt Nam) thổ lộ “bí quyết” giúp Ngài thành công trong việc cai quản, là “nắm được các bà” : sự ổn định, phát triển [theo nghĩa của Ngài là “xây dựng”, tổ chức lễ hội] và đời sống vật chất của linh mục quản xứ được bảo đảm khi nắm được…hầu bao của các bà mẹ trong giáo xứ. Quả không sai! Sức sống của một giáo xứ tuỳ thuộc vào mức độ tham gia của giáo dân và nhân tố thúc đẩy, duy trì sức sống ấy, chính là nữ giới, được gọi chung dưới tên “bà mẹ Công Giáo”, thường lấy Thánh Nữ Monica làm Bổn Mạng. Nhưng việc chỉ lợi dụng – pha chút không coi trọng gì – và không tìm cách nâng cao mọi lãnh vực cho nữ giới, nhất là trước phig trào nữ quyền vốn bị lái lệch lạc , không hướng dẫn chị em hiểu và sống phù hợp “các dầu chỉ thời đại”, đã khiến (và biến) các bà mẹ Công giáo thành người phục vụ, mà không còn là những nhà giáo dục căn bản, không còn ảnh hưởng nhiều đến con cháu và mau chóng chịu cảnh “con cái đặt đâu,cha mẹ ngồi đấy”. Giới trẻ – con,cháu – dễ đánh đồng Đạo và các thực hành Đạo với Bà,Mẹ. Chúng kính trọng bao lâu cần phải và sẵn sàng “thoát ly” khi cần, khi đến lúc. Muốn đánh giá mức độ “truyền thống giữ Đạo”, hãy nhìn thanh thiếu niên tham gia phụng vụ, cả chất lượng (thái độ phụng vụ, tự nguyện và xác tín) lẫn số lượng. Sự thật đau lòng,là hai chỉ số ấy đang xuống thấp thảm hại. Cây ăn trái mà chỉ biết khai thác,hưởng dùng, không chăm chú coi sóc, bồi bổ, thì chẳng thể bền lâu.
Tâm lý “ăn xổi ở thì”, – chỉ nhìn cái lợi trước mắt – tiếc thay, lại bám chặt vào não trạng số đông hàng giáo sĩ người Việt. Chúng ta giật mình trước việc các linh mục tỏ ra “cảm thông”, “chịu chơi”, khi chỉ dạy qua loa cho anh chị em tân tong,rồi cho chịu Bí Tích Rửa Tội; hay một “khoá” Giáo Lý Hôn Nhân chỉ gồm năm ba giờ học “cho có lệ” và cho nhận Bí Tích Hôn Phối mau lẹ, “quên mất” rằng các đôi hôn nhân phải tườn tận Giáo Ký Công Giáo, để giúp ho5so61ng hôn nhân trọn vẹn,thánh thiện và giáo dục con cái theo Ý Chúa và Giáo Hội. Một nhiệm vụ kép nặng nề như thế, mà linh mục coi nhẹ và làm chiếu lệ. Thử hỏi làm sao chống lại được các “chấn động” ghê gớm đang diễn ra trong xã hội ngày nay, với bàn tay đạo diễn của Satan : ly dị, nạo phá thai, kết hợp đồng tính, an tử, tự tử, cám dỗ vât chất xác thịt,v..v…Chẳng khác nào “đem con bỏ chợ” : Ai sẽ chịu trách nhiệm? – Không ai cả!
Truyền thống đạo đức nơi người Việt được truy rèn và bén rễ sâu. Đó là điều mọi tín hữu người Việt phải tạ ơn Thiên Chúa, song Chúa cần đến sự cộng tác của con người, mà niệm vụ hàng đầu chắc chắn là của các mục tử: Giám Mục và Linh Mục. Ỷ y vào những thành quả đang có,đang được hưởng, mà quê đi hoặc lơ là với việc vun trồng, chăm nom và phát triển, thì một ngày không xa, truyền thống ấy sẽ chỉ còn là cái bong mờ, một kỷ niệm để chúng ta tiếc nuối trong bất lực. ”Hãy đi khi trời còn sáng”
Chăc chắn không có linh mục nào thời đại nầy còn giữ suy nghĩ “ngu dân” để dễ bề cai trị, giống như một số chế độ đang hoặc đã từng làm, cũng như không còn quan niệm linh mục là người toàn tri (omniscient), thông tỏ mọi sự. Ngay cả những lãnh vực dành riêng cho linh mục,như nghiên cứu Kinh Thánh, Thần Học,Giáo Luật,Phụng vụ,….,ngày càng có nhiều chuyên gia với chuyên môn và bằng cấp cao hơn đa số các linh mục. Ở đây cũng xin nhận định rằng: rất nhiều linh mục bằng lòng với những kiến tức nhận được trong chủng viện, và viện nhiều cớ để không còn nghiên cứu,đọc sách,viết bài sau khi thụ phong linh mục. Một số hài lòng với những bổ sung ít oi,căn bản trong các dịp thường huấn.
4. GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ DUY TRÌ VÀ PHÁT TRIỂN TRUYỀN THỐNG
4.1. Bố tan ca đêm,mẹ vào ca sáng
Trong một bài viết đầu năm nay, tôi đã có dịp tai nghe mắt thấy (và giới thiệu) một giáo xứ giữ vững “truyền thống” và tuân giữ Luật Hội Thánh: hon 50 năm toàn giáo xứ và mọi giới “không làm việc xác này Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc”. Thật hi hữu và đáng khâm phục, noi gương. “Kỳ công” nầy không phải do công của một cá nhân (dù cho đó là cha cố quản xứ thánh thiện Nguyễn Văn Kiều), mà là sự hiểu biết,xác tín, cố gắng và hy sinh của mỗi giáo dân thuộc giáo xứ Vinh Hà (xã Bình Giả), giáo phận Bà Ria, là dưới sự hướng dẫn, đôn đốc,nêu gương và cầu nguyện của Vị mục tử đáng kính nầy. Giáo dân phải tin tưởng đến mức nào, để dám cưỡng lại cám dỗ “làm việc ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ Buộc”, khi mà rất nhiều công việc buôn bán, giao dịch làm ngày Chúa Nhật sẽ đem lại lợi nhuận to lớn ( hơn là ngày thường) và việc “làm việc xác ngày Chúa Nhật” gần như mặc nhiên được chấp nhận (dù không đấng bậc nào công nhận).
Ngày nay, những vần thơ cấp I trên đây lột tả hết tình huống xã hội và kinh tế mà nhiều gia đình đang phải đương đầu, trong đó không loại trừ những gia đình Công giáo. Con cái chứng kiến cảnh mẹ vào ca sang,trong khi bố tan ca đêm, không gặp được nhau hay không có nhiều thời giờ bên nhau. Ia đình đứng trước thử thách khá nghiệt ngã nầy rrong xã hội công nghiệp. Kèm theo đó là những cám dỗ tình dục khi ngày ngày xa vợ xa chồng, lại thường xuyên tiếp xúc với đồng nghiệp khác giới đều đặn và lâu dài. Bàn ăn hiếm khi đủ mặt cả nhà; nói ci giờ Kinh Tối, giờ cầu nguyện,trong gia đình Công giáo, vốn là những điều lôn được tực hiện và gắn bó với ý niệm gia đình, trở thành sinh hoạt không thể thiếu của một gia đình và mỗi gia đính Công giáo. Chúng làm nên “truyền thống” gia đình Công Giáo. Mục vụ gia đình đã không chú tâm đến khía cạnh đáng sợ nầy và nhiều gia đình bị phân tán,đổ vỡ vì không được thăm nom,hướng dẫn, động viên.
4.2 Tầm quan trọng của bửa cơm tối và giờ Kinh Tối gia đình
Bửa cơm tối và Giờ Kinh Tối gia đình Công giáo phải được khuyến khích, duy trì tối đa và ngoại trừ những trường hợp cụ thể bất khả kháng, thì phụ huynh phải để tâm tổ chức giờ Kinh Tối hợp lý, cả về thời giờ lẫn nội dung, sao cho mọi người trong nhà thấy thoải mái, tự nguyện, cứ không chán nản, gò bó, bị ép buộc. Buổi tối ai cũng phải trở về nhà. Giải thích,động viên để ai nấy đều có mặt quanh mâm cơm,rồi sau đó – với cách bố trí thời giờ hợp lý, không kéo dài quá 15 phút – là những thời khắc cùng nhau ca tụng và tạ ơn Thiên Chúa,cũng như phó dâng trong tay Chúa mỗi cá nhân và toàn gia đình. Không chỉ lòng đạo, đức tin, mà ngay chính công việc,hạnh phúc gia đình được tăng tiến, bền vững và trên hết là niềm vui thánh thiện luôn tràn ngập gia đình. Quan sát gia đình ở nước ngoài, sự xa cách, thiếu tình thương, đến từ những bửa cơm – không chỉ bửa tối – mà ông bà hoặc cha mẹ nhìn nhau thở dài,nuốt vội chén cơm (và cả nước mắt). Quanh năm suốt tháng là như thế. “ruyền thống gia đình” (nếu có) bị gián đoạn, bị từ chối. Lòng hiếu thảo chỉ còn lại ở việc cung cấp lương thực và tiện nghi đời sống tối thiểu,theo khả năng tài chính và công ăn việc làm của con cái (cho dù trên thực tế, con cái đi làm được hoàn thuế không nhỏ khi khai nuôi nấng cha mẹ già – financial support – nôm na không mấy đẹp,là “lấy mỡ rán thịt” mà thôi!). Điều nầy cũng nên được các Đấng quan tâm đôn đốc, không phải để thành phong trào, mà để xây dựng và duy trì một “truyền thống” tốt đẹp, mà chính giáo xứ,Giáo Hội được hưởng thành quả. Khi người người,nhà nhà cùng quy tụ cho bửa cơm tối và giờ Kinh Tối, thì nhiều thói hư tật xấu sẽ mất dần và những người làm khác đi sẽ tự thấy trơ trẽn, cô độc và hổ ngươi. Ở một số nơi lợi dụng sự nới lỏng tự do tôn giáo, đã có giờ Kinh Tối chung toàn giáo xứ mỗi tối,được phát đúng giờ và mọi gia đình quen dần bố trí thời giờ,công việc để hoà chung lời cầu nguyện. Dĩ nhiên phải là xứ toàn tòng,để không xâm phạm quyền tự do và sự nghỉ ngơi của những anh chị em ngoài Công giáo. Mọi con đường đều dẫn về La Mã. Bất cứ việc gì làm để tôn vinh Chúa và mưu ích cho cộng đoàn Dân Chúa, đều nên được suy nghĩ, quan tâm,chăm chút. Một chi tiết cần lưu ý trong giờ Kinh Tối, là không được bỏ qua Kinh Thánh và Chuỗi Hạt Mân Côi. Lòng tôn sùng Đức Mẹ vốn là truyền thống của mọi tín hữu Việt Nam và cũng chính lòng tôn sùng đặc biệt nầy giúp duy trì bên vững truyền thống đạo đức Công giáo của người Việt.
5. BỎ ĐI HAY GIỮ LẠI ?
Hạnh phúc thay xã hội,gia đình có được truyền thống. Nó làm cho những con người của xã hội ấy, dân tộc ấy, gia đình ấy biết mình có cội nguồn, có những liên kết mật thiết “máu đào hơn ao nước lã”, không phải là “ốc đảo”! Truyền thống càng có chiều dài lịch sử, càng chứng tỏ sức sống mãnh liệt của dân tộc ấy, gia đình ấy. Nó giúp phát huy “tính người” và tình người trong mỗi cá thể, và kèm theo đó là ý thức trách nhiệm đối với ‘quần thể’ và những cá thể khác thuộc ‘quần thể’ ấy, đồng thời được hưởng những lợi ích tinh thần, vật chất mà xã hội liên kết ấy mang lại. Truyền thống vốn ‘không tên’, bàng bạc tiềm ẩn và thấm nhuần vào cuộc sống của mỗi người. Tuy thế, một cá thể vô tình hay hữu ý gạt bỏ truyền thống (cha ông), sẽ thấy mình mất dần ý nghĩa và lý tưởng sống, để chỉ còn là một con số, vô nghĩa và lạc lõng, cô đơn và phơi mình cho những tác động xấu của xã hội không truyền thống, duy vật chất. Hẳn chúng ta đã nghe câu nói : nếu bạn bắn vào hiện tại bằng súng ngắn, thì tương lai sẽ bắn vào bạn bằng đại bác! Quan niệm sống bất cần và bất chấp truyền thống ấy – vô tình hay hữu ý – đều phải trả giá, khi các thế hệ sau (mà trực tiếp là con cháu họ) xử đối vô tâm, vô tình với chính họ, chứ không chỉ “con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy”. Lòng yêu nước, tình đồng bào, tình thâm gia đình, chỉ có được khi người ta có và sống ‘truyền thống’, chắt lọc và trân trọng những gì là tinh hoa và bỏ đi những điều được du nhập theo thời gian, khiến cho truyền thống nên rườm rà, nặng nề, thậm chí khó lòng chấp nhận. Thái độ khắt khe cực đoan, chê trách, đả kích và gạt bỏ truyền thống chứng tỏ sự thiếu bản lãnh, sự vô ơn và thật đáng trách. Song cũng đáng trách không kém, là những người hiểu truyền thống không theo cách “gìn vàng giữ ngọc’, mà chỉ tự an ủi rằng ‘ giấy rách phải giữ lấy lề’. Cái lề sờn cũ ấy liệu sẽ giữ được bao lâu? Quan niệm như thế, sống như thế, chẳng khác nào đào mồ chon truyền thống. Cái giá phải trả thì không ai không nhận thấy, cả trong xã hội,lẫn trong tôn giáo. Không có luật trừ cho Công Gíao! Giới trẻ, thế hệ kế thừa, (mà không ít những người có trách nhiệm quan tâm,giáo dục coi là ‘bất trị’, ‘đáng thất vọng) đang xa dần truyền thống, có nghĩa là xã hội, gia đình do họ – mà giới trẻ thế hệ kế thừa – xây dựng, làm chủ, sẽ chẳng mặn mà gì với truyền thống. Đừng trách sao giới trẻ Công Giáo ngày càng xa lánh ‘nhà thờ’ (phụng vụ,sinh hoạt hội đoàn, và nhất là các Bí Tích), khi mà những người có trách nhiệm vẫn không thay đổi quan niệm, vẫn khư khư sống trong não trạng bảo thủ,trì trệ, độc tôn độc đoán, tự tại, dễ dãi, thay vì coi đó là mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất trong công tác mục vụ của mình. Từ “mục vụ” (pastorale) chẳng phải là “công việc chăm sóc đoàn chiên” sao? Mục tử nào chỉ biết khai thác, tận hưởng (‘bú sữa’) từ đoàn chiên, mà không tận tình, tận lực vì đoàn chiên, thì có khác gì bọn trộm đạo! Giữ vững, phát huy được truyền thống, chắt lọc tinh hoa, gạn bỏ những thêm thắt, cặn bả, cũng chính là hỗ trợ mạnh mẽ cho việc xây dựng và củng cố xã hội, gia đình và Giáo Xứ.
Trên hành tinh nầy, không thiếu những dân tộc không có hoặc đánh mất truyền thống. Cái giá phải trả không hề nhỏ! Các nước Châu Âu đánh mất căn tính Kitô-giáo của mình. Với Châu Âu, căn tính Kitô giáo chính là truyền thống. Mất đi truyền thống, Châu Âu trở thành châu lục lạnh lẽo, làm mồi cho đủ thứ xấu xa tệ hại, những lệch lạc trong tư duy và nhân sinh quan, về cả tín lý lẫn luân lý. Giáo Hội Công Giáo Châu Âu dường như bó tay thúc thủ, nhìn những cộng đoàn ngày càng vơi đi mau lẹ, xa dần Giáo Hội,dững dưng và thậm chí đối địch vói Giáo Hội. Người ta thường nói đùa : to begin by the beginning (bắt đầu từ đầu/ bắt đầu từ nguyên do). Song, hàng bao thế kỷ trôi qua, Giáo Hội Châu Âu đã làm được gì cho việc “gìn vàng giữ ngọc” căn tính Kitô giáo, thay vì chạy theo chủ nghĩa duy lý (idealism), chạy theo “thị hiếu”, để khi tỉnh giấc, nhận ra sự hụt hẩng, nhận thấy hố sâu mênh mông giữa xã hội trần thế và Đạo, và không biết phải bắt đầu lại từ đâu! Đức Thánh Cha Biển Đức XVI thấy rõ điều ấy từ lâu, cho nên khi lên ngôi Giáo Hoàng, với tâm tình mục tử nhân lành, với tấm lòng một người cha nhân hậu yêu thương và cũng với tình cảm sâu rộng với châu lục và đất nước cội nguồn của Người ( Đức quốc), Người không ngừng kêu gọi, nhắn nhủ, nhắc nhở (và cả chỉ thị cho các Hội Đồng Giám Mục) phải quay về với căn tính Kitô giáo. Trong những buổi triều yết riêng các phái đoàn ngoại giao các quốc gia Châu Âu – bất kể con số tín hữu Công giáo ở quốc gia đó thế nào – Đức Biển Đức XVI luôn nhấn mạnh đến “căn tính Kitô giáo” (Christian identity) và giọng điệu của Người không hề là lời khuyên, mà là lời yêu cầu, hàm chứa một cảnh báo,một mệnh lệnh. Truyền thống (căn tính) Kitô giáo không giữ được, thì hiện tại và tương lai của các quốc gia và các dân tộc Châu Âu chắc chắn sẽ đen tối. Bất cứ ai cũng dễ dàng nhận ra điều đó, nhưng ai là người sẽ bắt tay vào hành động? Câu hỏi nầy xin dành ưu tiên cho các Đấng Bậc trong Giáo Hội, đặc biệt Giáo Hội Việt Nam, dường như đang theo vết xe đổ của Giáo Hội Châu Âu! Xin đừng “phó thác” (ở đây là “quy lỗi”) hết cho Chúa!
Yuse Nguyễn-Thế-Bài
Views: 0