Uncategorized

Truyện ngắn Cỏ Nội Hương Đồng

Dòng sông mang phù sa theo thủy triều lên xuống chảy ngang trước nhà Vũ khá sâu, bờ này qua bờ kia khá rộng, tuy không lớn như sông Ðáy, sông Ðuống, sông Ninh Cơ – những nhánh của sông Hồng – nhưng với tuổi của Vũ, Vũ chưa thể bơi qua bờ bên kia được.

Dòng sông mang phù sa theo thủy triều lên xuống chảy ngang trước nhà Vũ khá sâu, bờ này qua bờ kia khá rộng, tuy không lớn như sông Ðáy, sông Ðuống, sông Ninh Cơ – những nhánh của sông Hồng – nhưng với tuổi của Vũ, Vũ chưa thể bơi qua bờ bên kia được. Hè này, Vũ mới sáu tuổi và điều quan trọng đối với cha mẹ Vũ – ông bà Đông A – là đi học chứ không phải tập bơi để bơi qua bờ bên kia dù nhiều lần tắm với các anh trai, anh rể, Vũ muốn bơi qua đó lắm. Vũ muốn coi xem sau những bụi tre gai và những lùm cây rậm rạp mà đã một lần Vũ mất con diều dài hơn cánh tay, phất cậy kĩ lưỡng chỉ vì con diều vướng vào cành cây bông gạo cao nghệu bên đó. Vũ muốn “thám hiểm” vùng đất xem có những gì, có nhiều chim không mà từ bên này bờ, Vũ chỉ nhìn thấy chim chóc bay ra bay vào những ngọn cây, có lẽ là những cái tổ, đôi khi chúng kêu inh ỏi càng làm tăng trí tò mò của Vũ.

Con sông chảy quanh tổng Trà Lũ và nhiều tổng kế cận mang nước sạch, cung cấp cho cả vùng phủ Xuân Trường này bởi nơi đây dân làng không đào giếng mà nước ao tù không ăn được, chỉ dùng để giặt giũ. Có những người đã đi tới hai đầu con sông ngoằn ngoèo này nói đầu phía tây nó nối với sông Ninh Cơ, còn đầu phía đông với sông cái ra cửa Ngô Đồng. Phù sa từ hai con sông lớn này đổ vào con sông nhỏ, Vũ đặt tên cho nó là sông Trà Lũ, làm phì nhiêu cả ngàn mẫu ruộng nó băng qua. Hai bên bờ con sông là nhà cửa, thôn xóm, chợ búa, chùa chiền, nhà thờ, miếu mạo, rất sầm uất. Khu nào cả hai bên bờ đều có nhà cửa, dân làng xây những cái cầu hai mố bằng gạch thẻ, nhịp cầu bằng gỗ để đi lại cho tiện. Cầu khá cao để thuyền bè chui qua được. Ở khúc dòng sông bị thắt lại như quả bầu, người ta bắc chiếc cầu khỉ, chênh vênh, ẻo lả nhưng có mà đi cũng tốt khỏi mua đường. Bên ngoài khu vực gia cư là ruộng đồng bát ngát, lúa cấy hai vụ, vụ chiêm và vụ mùa. Nhờ dòng sông Trà Lũ cung cấp đủ nước, vùng này trù phú hơn nhiều nơi khác trong tỉnh Nam Định.

Lúa tháng năm đã bắt đầu chín. Cánh đồng nhìn xa một mầu vàng ươm. Từng cơn gió làm những bông lúa uốn mình như những làn sóng trên biển vàng. Rải rác đã có ruộng được gặt vì cấy sớm. Khoảng ba tuần nữa mới chính là lúc gặt đại trà, lúa chín kĩ. Lúa chín phải gặt ngay kẻo để ngoài đồng hư hao vì chim, vì chuột.

Mặt trời làm như ở ngay trên đỉnh đầu, gần thật gần. Nóng quá là nóng, người nào người nấy mồ hôi mồ kê nhễ nhãi, cái áo cánh nâu ướt đẫm như người vừa lội sông lên. Nhiều người đàn ông thì cái áo lại bạc phếch vì mồ hôi muối. Làm sao được khi ở trong bóng râm cũng còn nóng như điên huống hồ làm việc ngoài trời. Lúa sắp được gặt là phải chuẩn bị thuyền đi chở nếu ruộng xa nhà hoặc lạt tre, đòn xóc để quảy về, sân gạch để phơi phóng, ra chợ mướn thợ gặt, thợ vò nếu nhà làm không xuể, cơm nước cho thợ ăn v.v…biết bao nhiêu là công việc mà toàn việc ở ngoài trời, dãi dầu dưới cái nắng như thiêu như đốt. Chẳng trách các cụ nói:”nắng lửa, mưa dầu”.

Gió Nam thoảng nhẹ không làm sao đuổi được cái nóng bức ghê gớm mà hình như nó càng quạt cái nóng hầm hập váo mặt, vào ngưòi. Dù sao hương lúa chín từ ngoài đồng phả vào mũi ngái ngái, ngát ngát cái mùi cỏ nội dễ thương của miền quê dân dã cũng làm khuây đôi chút cái nóng “nung người nóng nóng ghê” như cụ Nguyễn Khuyến đã tả.

Vào những lúc như thế này, nếu Vũ có nhào xuống dòng sông Trà Lũ đỏ mầu phù sa, Vũ vẫn thấy nóng. Nước không mát mà nóng, gần như nước đun để tắm về mùa đông. Tắm xong lên vẫn nóng, may ra chỉ bớt được một tí tẹo.

Tại cổng ngõ, hai con Vện và Vàng nằm thở phì phò, lưỡi thè dài. Chúng cũng cuống lên vì nóng, hơi chểnh mảng trong việc coi nhà.

Thầy Vũ mới về thăm gia đình mấy bữa nay. Ông đi luôn luôn, ít khi ở nhà. Công việc thường xuyên của ông không phải ở quê mà tại thành phố Hải phòng, nơi ông hành nghề Đông Y sĩ. Ông có đông bệnh nhân mời ông đi thăm bệnh rồi bốc thuốc. Dạo đó thuốc tây mới du nhập vào Việt Nam nên chưa có nhiều loại hơn nữa, thuốc tây đắt tiền, chỉ những người khá giả mới có thể mua được ấy là chưa kể phải đến xin điều trị tại một ông bác sĩ người Pháp, phải ai cũng biết tiếng Pháp để kể bệnh và nghe lời khuyên dặn đâu. Ngoài việc chữa bệnh, ông Đông A cũng còn một lớp dạy buổi tối cho những người – toàn người lớn – muốn thụ huấn Nho học vì người Pháp tuy đã bỏ thi Hương (từ thập kỉ 10, thế kỉ trước) nhưng tinh thần Nho giáo còn bàng bạc khá mạnh mẽ trong quần chúng Việt nhất là những gia đình nệ cổ, tôn trọng thuần phong mĩ tục, bảo tồn văn hóa truyền thống của cha ông.

Vì thế, trong xã hội chia ra hai phe đối nghịch nhau kịch liệt trong âm thầm. Phe tân học theo văn hóa Pháp, chỉ trau dồi Pháp ngữ, đi học thành tài rồi ra làm việc với người Pháp, có quyền có thế, có lương bổng, ăn tiêu phủ phê, nhất là khi lọt được vào hàng quan trường dù rằng lúc đó muốn được cử đi tri huyện, tri phủ hay tri châu phải có bằng Cử nhân Luật khoa, rất ít người có đủ điều kiện.

Phe nhà nho thất thời thất chí, luôn luôn chê bai tân học “lấc cấc, nông cạn, nhố nhăng, chướng tai gai mắt, mất gốc” trong khi chính nhà Nho lâm vào đường cùng:

Cái học nhà Nho đã hỏng rồi
Mười người đi học, chín người thôi
Cô hàng bán sách lim dim ngủ
Thầy khóa tư lương nhấp nhổm ngồi
Sĩ khí rụt rè gà phải cáo
Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi
Tôi đâu có mỉa làng tôi nhỉ
Trình có quan tiên, thứ chỉ tôi.

Hoặc:
Nào có ra gì cái chữ Nho
Ông nghè ông cống cũng nằm co
Sao bằng đi học làm thầy phán
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò.
(Trần tế Xương)

Sống giữa buổi giao thời đó, kẻ sĩ càng cảm thấy bất lực, càng gặp nhiều khó khăn trở ngại trong cuộc sống, nhất là nhiều khi lại dở thầy, dở thợ, quen nếp sống thư sinh chân yếu tay mềm, dài lưng tốn vải, trói gà không chặt. Làm thợ thì yếu đuối, không nghề không ngỗng. Làm thầy thì không có học trò “Mười người đi học, chín người thôi.” mà giả dụ có làm thầy được nữa, với một nghề thầy duy nhất không đủ tiền nuôi thân mình và vợ con vì Nho giáo khi xưa, ông thầy không thu học phí môn sinh mà chỉ xuân thu nhị kì, mùa màng, lúa mới, học trò kiếm chút quà, như mươi đấu gạo mới, hay gạo nếp. đôi gà, vài con cá mới đánh dưới ao lên, chục cam, vài nải chuối v.v… biếu thầy đồ gọi là đền ơn “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” mà thôi. Tình cảnh ông thầy, ngay lúc Nho học còn được trọng vọng mà cũng đã:

Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái
Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi!
(Cao bá Quát)

Thế thì lúc Nho giáo suy vi, tân học bành trướng, tình cảnh ấy còn bi đát đến đâu!

Ông Đông A cũng là một trong những nhà Nho bất đắc chí ấy nhưng thay vì tiêu cực ngồi than thân trách phận, sau khoá thi Hương bị người Pháp bãi bỏ mà ông đã kì vọng từ lâu quyết phải trả nợ bút nghiên, ông xoay qua học Y lí Đông phương với một ông thầy nổi danh thiện y, sau khi học xong với thời gian bảy năm, sư phụ khuyên ông xuống núi giúp đời, giúp người.

 

Và thế là ông ra Hà nội, rồi xuống cảng Hải Phòng trương tấm biển nhỏ, xem mạch, cắt thuốc. Vì có từ tâm, người nghèo khổ không có tiền, ông cũng cắt thuốc tặng không nên chẳng bao lâu vùng Thái Hà ấp Hà Nội và khắp thành phố Hải phòng và phụ cận như Trại Cau, Cầu Rào, Đồ Sơn, sang qua đò Bính tới Triều Khê, Quảng Yên v.v…, nhiều người đến nhờ ông trị bệnh.

Ông vui với công việc, luôn luôn tâm niệm “lương y như từ mẫu” ông phải cố làm sao không phụ lòng tin cậy và mong mỏi của bệnh nhân. Có khi nửa đêm có người gõ cửa, nói người nhà bệnh nặng mời ông đến cứu bệnh, ông vui vẻ ra đi mang theo một ít thuốc trị những trường hợp khẩn cấp. Rồi nhiều người thoát hiểm, khỏi những cơn bệnh ngặt nghèo, danh tiếng “cụ lang Đông A” được nhiều người biết và tin tưởng. Nhưng không vì thế mà tự kiêu, luôn luôn ông Đông A nghĩ đến cái âm đức phải dành lại cho con cháu sau này. Bệnh nhân đông, mỗi ngày ông làm việc 12-15 giờ, mướn hai người đàn ông khoẻ mạnh để làm cao đan hoàn tán nhưng chẳng bao giờ giầu, mãi mãi ông chỉ đủ tiền nuôi gia đình. Ông đã gia nhập phong trào cách mạng, lúc đó gọi là hội kín, hô hào quần chúng đứng lên đuổi thực dân Pháp, giành lại nền độc lập, tự chủ cho nước nhà. Và cũng vì thế, dù trốn tránh, cải trang, ông đã bị Mật thám Pháp bắt hai lần và ở tù hai lần, một lần hơn một năm và một lần sáu tháng.
Lúc đó phong trào Đông du của các cụ Phan Bội Châu, Phan chu Trinh đang rầm rộ, ông đã cùng bạn đồng chí bôn ba sang Tàu rồi sang Nhật. Khi Việt Minh nổi lên cướp chính quyền, ông đã tiên đoán, ông Hồ chí Minh (tức Nguyễn ái Quốc, tức Lý Thụy, tức Trần Dân Tiên…) là một người rất gian hùng, xảo trá và sau này ông Hồ sẽ bán nước cho ngoại bang nhưng trong lúc đó, toàn dân Việt đang khao khát độc lập và say sưa với những viễn ảnh tốt đẹp do ông Hồ và đệ tam quốc tế Cộng sản trưng ra như Độc lập, Tự do, Hạnh phúc, giải phóng áp bức, công bằng xã hội, dân chủ tự do v.v…. Rồi sau đó, cũng chính ông Hồ chủ động hai cuộc chiến tranh, theo lệnh Cộng sản quốc tế, từ 1945-1954 và từ 1954-1975 đã giết oan 10 triệu dân Việt cả hai miền Nam-Bắc, kể cả gần nửa triệu nông dân bị giết thảm trong những cuộc đấu tố “trí phú địa hào”và cải cách ruộng đất, cao điểm vào năm 1956 tại Bắc Việt và Bắc Trung Việt. Sau khi Thế chiến thứ II kết thúc, Nhật-Ý-Đức đầu hàng Đồng Minh, nhiều nước Á Phi trước kia cũng bị đô hộ nhưng đều được trả Độc lập như Phi luật tân, Mã lai v.v.. mà không tốn một giọt máu. Sau ngày 30-4-1975, khi Cộng sản tràn vào cưỡng chiếm miền Nam, hơn nửa triệu người đã bỏ thây trên biển Đông và các đường rừng vì vượt biển, vượt rừng chạy trốn chế độ bạo tàn Cộng sản. Khoảng gần hai triệu may mắn đã đến được bến bờ Tự do.

 

***

Anh chị Thạch vào đến sân. Hai con chó thấy người nhà chồm lên mừng, rít trong họng, đuôi ngoe nguẩy. Hai anh chị vào phòng khách tức căn giữa của ngôi nhà gạch, gỗ lim, mái ngói đỏ. Ông Đông A đang ngồi trên cái sập gụ bóng như gương, đàng sau ông là cái tủ chè cũng làm bằng gỗ gụ chạm trổ long li, qui, phượng. Phía ngoài cái sập là bộ bàn ghế. Ông đeo kính, đang đọc một cuốn sách chữ Nho. Trên sập còn vài cuốn sách nữa và một cái điếu thuốc lào, cần trúc dài uốn cong vút. Ngọn đèn Hoa Kỳ ngọn thật nhỏ để cạnh cùng với một cái hộp thiếc nhỏ đựng thuốc lào. Trên mặt bàn là một bộ tách ấm uống trà mầu da chu.
“Thưa thầy, thầy mới về !”

Ông Ðông A rời trang sách nhìn ra. Vợ chồng người con gái thứ ba của ông tên Thạch, đang làm Hương sư tại xã Trà Đoài. Chị Thạch nói:” Con xin phép thầy.” xong bước xuống nhà bếp, ở đó, mẹ chị đang cùng mấy chị em của chị sửa soạn bữa cơm tối.

“Anh ngồi đây !” Ông Ðông A trỏ cái ghế đối diện.

“Con xin phép thầy.” Anh Thạch kéo ghế, ngồi xuống.

“Thưa thầy, thầy ở nhà được lâu không ạ ?”

“Thầy chỉ ở nhà được một tuần. Ngoài chuyện thăm mẹ và các con, thầy cũng phải kiếm chỗ học cho Vũ. Nó đã sáu tuổi rồi.”

“Thưa thầy, thầy định cho em Vũ học chữ Nho hay chữ Pháp ?”

Ông Ðông A kéo cái điếu thuốc lào, ông bỏ một mồi thuốc vào nõ nhưng không hút ngay:

“Như anh biết, thầy thù ghét người Pháp tận xương tủy nên cái gì dính dáng đến họ thầy đều không ưa. Nhưng khổ nỗi, thời đại này là thời đại của họ, tất cả văn từ hành chánh cho đến báo chí thông tin đều dùng tân học, chữ Pháp hoặc quốc ngữ. “Cái học nhà Nho đã hỏng rồi.” Anh thấy không ? Nếu không cho Vũ học theo tân học thì mai này ra đời làm sao kiếm sống ?

Nhưng học cái thứ tiếng của thực dân, áp dụng văn hoá của thực dân cho lớp trẻ thực là một điều đau lòng. Thầy định cho Vũ học tân học nhưng vẫn cứ theo Nho học kiếm it chữ thánh hiền. Anh nghĩ sao ?”

Ông Ðông A lấy cái đóm nứa hơ vào ngọn đèn Hoa kỳ ngọn lửa leo lét. Ðóm cháy, ông hơi ngửa người hút điếu thuốc, tiếng lách cách kêu dòn trong bát điếu. Rồi ông thở khói lên khoảng không, buông tay cho cái xe điếu bung ra.

Anh Thạch đợi ông hút xong điếu thuốc mới nói:

“Thưa thầy, chương trình con dạy tại Xã từ lớp Vỡ lòng tức là lớp Ðồng Ấu lên đến lớp Ba, ngày học hai buổi, chỉ nghỉ thứ năm, thứ bảy, chủ nhật. Con e không còn giờ cho em Vũ học thêm chữ Hán, mặc dầu em rất thông minh. Ngoài ra, vì ở xa thầy, nếu muốn học chữ Nho, em Vũ phải đến thụ giáo một thầy đồ gần nhà để đi về cho tiện. Các thầy đồ miền quê mà thầy cũng đã từng dậy thầy biết, bắt học trò phải tới trường mỗi ngày vì nếu học trò không tiến hoặc đi thi không đỗ, thầy mang tiếng dậy dở. Theo thiển ý của con, cứ cho em Vũ học tân học. Kỳ hè ra chơi với thầy ở Hải Phòng, thầy kèm cặp cho một ít chữ Hán đủ để thông hiểu ít nhiều sau này. Còn như học chữ Hán đến nơi đến chốn, sửa soạn lều chõng đi thi như thầy hồi xưa thì chúng con không làm được.”

Ông Ðông A mỉm cười với chàng rể:

“Chúng tôi học được thì các anh học được. Quan trọng là có chịu dùi mài kinh sử không thôi. Chữ Nho quả có khó hơn quốc ngữ và cả chữ Pháp vì Quốc ngữ và chữ Pháp có 24 mẫu tự abc…Thầy không học ai một ngày nhưng mua một cuốn vần quốc ngữ, tự lần mò học lấy cũng đọc, cũng viết được trôi chảy. Chữ Pháp khó hơn vì không phải tiếng mẹ đẻ của mình nhưng có thông minh và trí nhớ thì người ta tới đâu, mình cũng tới đó. Riêng chữ Nho thì khó hơn vì nó không có vần, chữ nào riêng chữ ấy do nhiều bộ, nhiều nét ghép vào. Có chữ cả mười mấy, hai chục nét, phải cố mà nhớ, sai một nét không được và nghĩa thì bao la. Thầy nghĩ người Tàu không tiến được mau như Tây phương là vì thứ chữ và cái học cử nghiệp của họ.

Và trong nhiều thế kỉ, người Việt mình cũng theo y văn hóa, văn tự Tàu, cũng cái học từ chương cử nghiệp, xa rời thực tế, xa rời khoa học kĩ thuật nên giống như người Tàu, cũng không tiến được!”

Vừa lúc đó, chị Thạch từ dưới bếp lên:

“ Thưa thầy, mời thầy xuống xơi cơm.”

Căn nhà ngang năm gian, thường bao giờ cũng nhỏ hơn căn nhà chính, dùng để kê phản ăn cơm, đặt cối xay thóc, cối giã gạo hoặc ngày tư ngày tết là chỗ để dọn cỗ bàn, sửa soạn món ăn vv…Hai gian cuối là bếp, ở trong cùng có tấm vách ngăn non nửa gian nhà dùng chứa rơm, rạ, củi để đun bếp. Kế bếp thường là chuồng lợn và chuồng gà, vịt. Sau đó là một khu vườn, rộng, hẹp tùy từng gia đình có nhiều hay có ít đất.

“Hôm nay bà cho bố con tôi ăn sang thế này !”

Ông Ðông A vừa nói với nụ cười vừa ngồi xuống phía trong, chỗ dành cho gia trưởng. Kế ông, một bên là bà Ðông A, bên kia là người con rể lớn nhất trong bữa đó. Rồi cứ thế mà ngồi xuống cho đến sát phía ngoài là một nồi cơm lớn, hoặc hai nồi nhỏ sao cho ai cũng ăn đủ. Hai bên nồi cơm là hai chị lớn, khéo tay khéo chân, đảm đương việc xới cơm trao cho người ngồi kế để chuyển vào bên trong.

Bà Ðông A được chồng khen sung sướng, mặt bà hồng lên, không biết vì lời khen của ông hay vì bà mới từ bếp ra, lửa rơm nóng mùa hè làm da mặt bà trắng hồng càng thêm hồng.
Anh Thạch rót rượu thuốc ra vài cái chén nhỏ. Ông Ðông A có thói quen uống rượu thuốc mỗi bữa cơm chiều. Ông có một cái vò lớn, bên dưới phình ra như trái bí ngô, bên trên miệng chỉ bằng nắm tay đứa trẻ. Rượu đậu người quen cất thật ngon, ông đổ gần đầy, cũng khoảng bốn lít, xong ông tự cắt vài thang thuốc, toàn vị tốt, vị bổ như: thục địa, xuyên khung, xuyên qui, bạch thược, đại hồng sâm, táo, cam thảo vv… cả thảy gần ba mươi vị, ông cho vào ngâm, sau một năm mới uống. Khi ông không có nhà, hũ rượu để yên trong buồng, không ai đụng đậy cho đến khi ông về mới lấy ra uống hoặc tiếp khách quí. Thường ông ngâm ba, bốn vò một lượt nên không bao giờ phải uống rượu chưa đủ tháng.

“Mẹ uống một chút rượu nhá mẹ ?” anh Thạch hỏi.

“ Không, mẹ không uống đâu.”

Mâm cơm có vài đĩa thịt gà luộc, vài đĩa quay chả, hai tô miến, hai đĩa đu đủ xanh xào lòng gà và một đĩa tôm rim mặn. Ở nhà quê lúc đó, có mâm cơm như vậy đã được kể là khá giả. Do địa dư, đất đai, khí hậu, miền Bắc làm ăn khó khăn hơn miền Nam nhưng miền Trung lại còn khó khăn hơn miền Bắc nữa. Khó khăn nên con người sinh ra tần tiện, dè sẻn cũng là lẽ đương nhiên. Chúng ta vẫn thường nghe ông bà nói:”Phú quí sinh lễ nghĩa” và trái lại “Bần cùng sinh đạo tặc”.

Ông Ðông A uống hai chén mắt trâu rượu thuốc rồi ăn cơm. Ông không uống nhiều nhưng không có, ông đâm nhớ. Ông nói thuốc Bắc ngâm rượu là một phương thuốc giữ sức khoẻ rất tốt, chống đau xương, đau gân, phong thấp, suy nhược. Nhưng kỵ uống nhiều. Các con rể, con trai ông, anh nào uống nhiều là ông la, ông cấm. Ông nói, rượu biết dùng thì tốt mà lạm dụng thì rất hại, gần như thuốc phiện.

Với phụ nữ ở thôn quê khi xưa, không riêng bà Đông A mà hầu như tất cả mọi người không bao giờ uống rượu, dù tại mâm cơm gia đình hay đi đám cưới đám giỗ. Vì vậy, nơi đình đám, chỉ có các mâm đàn ông mới có cút rượu, tuyệt nhiên gia chủ không bao giờ tiếp rượu đến mâm các bà. Cũng có thể có vài trường hợp ngoại lệ. Một bà cụ phải uống rượu ngâm thuốc vì chứng phong thấp v.v…uống lâu thành quen, thành nghiện nhưng khi uống, bà uống trong buồng nơi kín đáo, trước khi đi ngủ chẳng hạn, chứ không bao giờ ngồi trước măt đông người uống công khai. Các cu không muốn trai trẻ nhìn thấy bắt chước.

Chị Thạch bưng khay nước trà đặt vào giữa phản sau khi đã cùng các em dọn mâm bát. Vũ cũng ngồi uống nước. Ông Ðông A trực nhớ lại câu chuyện bàn với Thạch trước khi ăn cơm, ông bảo Vũ:

“ Năm nay con bắt đầu đi học vào mùa Thu này. Giá con ở gần thầy thì thầy dạy chữ Nho cho con nhưng vì con còn phải ở nhà với mẹ, thầy lại luôn luôn ở xa vì công ăn việc làm, nên con theo anh Thạch đi học ngay trường anh dạy. Cố học cho giỏi và ngoan. Mỗi kỳ hè ba tháng, con ra Phòng với thầy, hoặc ra Hà nội nếu lúc đó thầy ở Hà nội, rồi thầy dạy Hán văn cho con, nghe không Vũ ?”

“ Thưa thầy, vâng.”

Anh Thạch góp ý:

“ Thưa thầy mẹ, thầy mẹ giao em Vũ cho con thì con xin hết lòng lo cho em. Mỗi ngày con đi dạy, con cũng đi qua nhà ta, em Vũ đứng đón con ở đầu ngõ rồi cùng đi. Buổi trưa, em mang theo chút cơm nắm ăn đỡ lòng để học tiếp buổi chiều. Năm giờ chiều, anh em chúng con lại về, con đưa Vũ về đây cho mẹ rồi mới về nhà con.”

“ Khoảng tháng mấy năm nay khai trường vậy con ? “ Bà Ðông A hỏi Thạch.

“ Năm nào cũng đầu tháng 9 dương lịch, thưa mẹ. Có năm sớm một hoặc hai tuần nhưng không bao giờ trước 15 tháng 8.”

Chị Thảo, kế Vũ, đứng gần đó xen vào:

“ Như vậy Vũ còn được chơi gần hai tháng nữa.”

“ Chơi lắm hư người đi,” bà Ðông A tiếp, “Anh Thach mua dùm mẹ cuốn vần Quốc ngữ rồi thỉnh thoảng lại chỉ cho em tập đọc, tập viết đi. Lúc rảnh, mẹ hay các chị cũng chỉ cho Vũ được. Cần đọc cho nhanh và viết cho đẹp, mai mốt anh Thạch đỡ vất vả.”

Hồi chuông thu không gióng lên từ chùa ông sư Quyết được một lúc thì trời tối mịt. Vài ngọn đèn dầu được thắp lên nhưng ánh sáng yếu ớt. Vợ chồng chị Thạch cáo từ ra về. Ông bà Ðông A và các con cũng sửa soạn đi ngủ. Mùa hè nên những con đom đóm bay đầy ngõ. Côn trùng lên điệu nhạc đồng quê qua các ao chuông, bờ mương suốt đêm trường. Có tiếng tù và từ xa, vài tiếng chó sủa trong xóm. Thời gian này tuần đinh phải đi canh lúa đề phòng những kẻ cắt trộm.

 

*****

Một cái cặp bằng da bò, thứ da mới thuộc còn sần sùi, hai cuốn vở mới, một cuốn sách Tập đọc cho lớp Ðồng Ấu, một cây bút mực, một bình mực tím, một cái bút chì và một cục tẩy. Ðó là cả gia tài cơ nghiệp của Vũ ngày khai trường. Trời đã vào Thu, hơi lạnh lạnh nên Vũ phải mặc quần dài, áo sơ-mi, bên ngoài là cái áo len chị Thảo đan cho.

Bà Ðông A bảo con:

“ Vũ đã xong chưa con ? Con ra đầu ngõ đứng chờ anh Thạch đến rồi cùng đi với anh !”
“Mẹ ra với con !”

“Ðây ra đầu ngõ mà con không đi một mình được sao? Mẹ đang dở tay sắp xếp mấy món hàng để còn đi chợ.”

Nhưng chưa nói hết câu, bà kịp ngưng lại. Bà vừa nhìn thấy cậu con trai út yêu quí của bà mặt xịu xuống. Bà bỏ tá khăn mặt xuống, đứng lên: “ Nào thì đi !”

Hai mẹ con ra khỏi cổng thì anh Thạch cũng vừa tới :

“Thưa mẹ, để con dẫn em đi.”

Bà Ðông A đứng tại cổng nhìn hai anh em đi khuất dạng, bà mới vào nhà. Bà lẩm bẩm một mình: “Thằng chó sáu tuổi rồi mà còn làm nũng mẹ đến vậy.” Bà nhớ lại, hồi bốn tuổi đi chơi với bạn rồi mà Vũ lát lát lại về nhà vạch vú mẹ ra bú. Bà Ðông A chiều con, vả lại Vũ là con út nên hễ còn sữa mà Vũ muốn bú thì cứ cho Vũ bú. Nhiều đứa trẻ hàng xóm trông thấy chế nhạo:”Lêu lêu, có anh lớn cồ đầu còn bú mẹ.” Lúc đó Vũ mới nhả vú chạy ra.

Vũ theo anh Thạch đi trên con đường làng khúc khủyu vì trâu bò đi lại nhiều. Cũng con đường mọi ngày đã đi mà sao hôm nay Vũ thấy mọi thứ đều lạ, từ cây cối, bụi tre bên đường cho đến cây cầu bắc qua sông và những mái lá nằm khuất sau rặng cau. Cái lạ đó thật ra nó bắt nguồn từ một nguyên nhân sâu xa thay đổi đời sống Vũ: hôm nay Vũ bắt đầu đi học. Và Vũ cảm thấy nao nao trong lòng, không buồn nhưng cũng không vui, không hiểu rồi bài vở có khó quá không, có theo học được với bè bạn không ?

Phải như mọi ngày giờ này, thằng Ưởng và thằng Tất đến rủ, Vũ đã đi chơi với chúng, hoặc đi bắt tổ chim, đi bẫy chim khuyên hay đến chùa Trung bẻ trộm hoa sen của ông sư Quyết.
Chỉ có khoảng hơn 4 cây số mà phải đi bộ đến 50 phút. Dọc đường những người quen biết anh Thạch đều lễ phép chào:” Chào thầy giáo”, anh Thạch chào lại. Những người đi chợ lũ lượt, họ chuyện trò vui vẻ. Ðàn bà đội, đàn ông gánh không như nhiều vùng khác như Thái Bình, Hải dương, Hải phòng vv… đàn bà cũng gánh chứ không đội. Dùng cái vai để chịu sức nặng có lẽ tốt hơn dùng cái cổ.

Gà còn gáy đợt chót trước khi ngưng cho đến giữa trưa. Những con gà mái đẻ kêu “cục tác” rộn rã trong xóm. Nông phu đánh trâu bò ra đồng, hoặc bắt chúng làm việc, hoặc để chúng tha thẩn gặm cỏ trên các gò đống hoặc bờ ruộng, có trẻ mục đồng cai quản. Chỉ tháng rưỡi nữa là vụ mùa, lúa được gặt, nhà nông tha hồ mà bận bịu.

Vũ đi chơi khắp vùng với bạn bè nhưng chưa hề đến cái trường Sơ học này bao giờ. Ðó là ngôi nhà lớn gọi là hội quán của nhà thờ Thôn Ðông, thuộc về làng Trà Ðoài. Hội quán rất ít dùng nên họ đạo cho làng mượn để làm nơi dạy cho trẻ em bậc Sơ học. Anh Thạch mới mười tám tuổi đậu bằng Tiểu học Pháp Việt thời đó nên được bổ làm Hương sư cho làng Trà Ðoài tức là thầy giáo làng. Hương sư chỉ dạy hết lớp Ba (Cours Élémentaire), từ lớp Nhì trở lên, học sinh phải đi trường khác. Ðể trả lương Hương sư, làng cấp cho anh Thạch hai mẫu ruộng công điền của làng khu nhất đẳng điền. Anh Thạch và gia đình tùy tiện mướn người cấy hái hoặc cho người ta cấy rẽ vv…Ngoài ra, Hương sư không còn lợi nhuận nào khác.

Trường quay mặt ra một cái sân gạch rộng dùng làm sân chơi. Hết sân thì đến mặt tiền nhà thờ Thôn Ðông, to lớn như nhiều nhà thờ trong vùng, có thể chứa khoảng 500-600 người. Hai bên nhà thờ là vườn trồng nhiều cây lớn cho bóng mát. Kế vườn là một cái hồ lớn chữ nhật, khá sâu, xưa kia tiền nhân đào hồ lấy đất đắp cao nền nhà thờ và các nhà phụ thuộc.
Anh Thạch vừa vào đến sân trường thì đã nghe nhao nhao khắp mọi phía:

“Lậy thầy ạ. “ “Lậy thầy ạ.”

Một hồi trống dòn dã đánh lên trong khi đám trẻ ùa tới chào thầy giáo và vui sướng khi thầy nhớ tên, xoa đầu hỏi han. Hôm nay là ngày khai trường nên anh Thạch thật bận rộn. Sau những lời chào hỏi ồn ào, anh Thạch đứng trước mặt tiền trường bảo các học sinh im lặng, xong anh nói:

“Các em học sinh thân mến,

Hôm nay là ngày khai trường. Các em đã đưọc ghi danh bởi cha mẹ các em trong tuần lễ ghi danh vừa qua. Em nào hôm nay không đến học mà không có lý do chính đáng, sẽ bị gạch tên . Mỗi ngày chúng ta đều làm lễ chào cờ xong mới vào học.Vậy hôm nay thầy xếp cho các em đứng, lớp nào đứng theo lớp đó, thấp trước, cao sau. Từ ngày mai, mỗi khi xếp hàng vào lớp thì phải nhớ đứng như vậy cho đến hết năm học. Trò nào không đi học thì chỗ đó bỏ trống để thầy biết mà ghi sổ mỗi ngày. Tất cả nghe rõ chưa ?”

Gần ba mươi cái miệng đồng một loạt:

“Dạ, thưa thầy nghe rõ.”

Anh Thạch xuống sân giơ tay làm hiệu:

“ Lớp Năm hay lớp Ðồng Ấu đứng ở chỗ này. Ðây là lớp Tư hay lớp Dự bị. Chỗ này là lớp Ba. Nào, lớp nào đứng vào lớp đó. Cao sau, thấp trước. Cánh tay phải giơ ra chạm vai người đứng trước làm khoảng cách. Làm nhanh nhanh cho thầy coi nào. Ðược, tốt. Bây giờ tan hàng, làm lại xem đã nhớ chỗ chưa. Hai em đứng hàng đầu nhớ đứng vào ngay chỗ, các em sau cứ nhớ mình đứng sau ai thì không sai được. ”

Anh Thạch dượt đi dượt lại nhiều lần kỳ cho những đứa trẻ vốn chậm chạp đã biết ngay chỗ của chúng. Xong anh Thạch cho chúng vào lớp. Ba dẫy bàn kê theo hàng dọc, mỗi lớp một dẫy. Cũng thấp, bé ngồi trước, cao, lớn ngồi sau. Mấy đứa trẻ cao lớn là những đứa đi học trễ, có khi 10 hoặc 12 tuổi mới vào lớp Ðồng Ấu. Thường chúng thuộc những gia đình nghèo, cha mẹ không thể cho chúng đi học từ hồi 6, 7 tuổi. Nhưng cũng có những con nhà khá giả lười biếng hoặc dốt, không dám đến trường, xin cha mẹ ở nhà đi chăn trâu cắt cỏ. Giờ này đã lớn, bị cha mẹ thúc bách quá phải đi nhưng nhiều đứa học chẳng ra sao.

Thầy trò đang tíu tít sắp xếp chỗ ngồi thì bỗng “ tùng, tùng…….tùng” ba tiếng trống vang lên báo hiệu giờ ra chơi. Những đứa trẻ ùa ra sân. Anh Thạch cũng đi xuống nhà ông câu, câu của nhà thờ đồng thời tùy phái cho thầy giáo, đánh trống các giờ học và quét dọn lau chùi bàn ghế. Bác tùy phái tên Gừng có căn nhà cạnh trường học, bác đã làm việc này 5 năm nay và làng cũng cấp cho bác mẫu rưỡi công điền thứ nhị đẳng điền làm kế sinh nhai.

“Mời thầy giáo vào đây. Tôi mới có bánh thuốc lào Tiên Lãng ngon lắm. Mời thầy một điếu.”

“ Thôi bác, cám ơn bác. Cháu hút vào là say không dạy học được, để hôm nào rảnh rỗi đã. Bác có nước cho cháu xin một bát.”

Bác Gừng gái vừa bưng bát nước chè khô ra, còn bốc khói:

“ Mời thầy giáo xơi nước.”

Anh Thạch đỡ lấy bát nước và ngồi xuống một cái ghế. Uống xong bát nước, anh nói cám ơn và đi trở lên lớp. Bác Gừng cũng lên hàng hiên lớp học cầm dùi đánh ba tiếng. Học trò đang chơi đùa, la hét bỗng im bặt bỏ cuộc chơi đứng xếp hàng và đi vào lớp.

Anh Thạch cầm cuốn sổ điểm danh mỗi lớp, nhận diện những trò mới, xong anh cho học sinh biết phải mua những sách vở gì, bút thước ra sao, nhất nhất học sinh phải ghi xuống để ngày mai có đủ. Thấy đã xong mọi thủ tục cho ngày khai trường, anh đứng trên bục, bảo học sinh:

“ Thầy đã dặn dò hết, còn trò nào chưa rõ muốn thầy nhắc lại không ?” Cả ba lớp im lặng.

“Vậy thủ tục ngày khai trường đã xong. Thầy cho các em về. Mai phải đi học đúng giờ.” Cả ba lớp đứng dậy và đồng thanh:” Lậy thầy ạ.” Xong chúng ùa ra cửa như đàn ong vỡ tổ.

Vũ thong thả sắp bút vở vào cặp. Vũ không cần vội vàng vì dù có vội vàng cũng không về ngay được. Anh Thạch về thì Vũ mới được về. Vũ ôm cặp ra ngồi ở bậc thềm nhìn người qua lại và nhìn đàn sẻ bay xuống kiếm ăn trên sân nhà thờ. Trời nắng ráo, gió heo may thổi nhẹ nhàng. Những người từ chợ về gánh đội lũ lượt. Một hồi chuông nhà thờ chợt trổi lên báo hiệu đã 12 giờ. Anh Thạch đứng sau lưng Vũ tự lúc nào:

“ Về thôi, Vũ.”

Vũ đáp lời anh Thạch và đứng dậy đi theo anh. Lại đi trở lại con đường buổi sáng, anh Thạch đưa Vũ vào đến sân rồi anh mới trở ra về nhà. Bà Ðông A ra bảo anh:

“ Anh ở đây ăn cơm với em tiện thể rồi hãy về !”

“ Cám ơn mẹ. Nhà con chờ cơm ở nhà. Con về kẻo nhà con không biết đi đâu.”

Còn mình Vũ, mâm cơm đã để sẵn ở phản. Bà Ðông A mở lồng bàn, xới cơm cho con. Bà ngồi xuống phản, hỏi con:

“ Hôm nay đã học được giờ nào chưa con ?”

Vũ nhai xong miếng cơm:

“ Hôm nay chỉ làm thủ tục và sắp xếp chỗ ngồi, anh Thạch dặn dò những gì cần mua rồi anh cho về, mẹ à. Ngày mai chúng con mới bắt đầu có bài học. À, mẹ. Hôm nay mẹ không ngồi chợ, hả mẹ? ” Bà Đông A có gánh hàng xén bán ở các chợ phiên.

“Mẹ đã đi nhưng rồi mẹ lại về, để chị Thạch và chị Thảo bán. Mẹ thấy chị Thạch nói hôm nay con sẽ về sớm vì ngày khai trường. Mẹ về đón con.”

Vũ cảm động vì tình thương của mẹ. Bà Đông A lại hỏi:

“Thế sách vở, bút thước mẹ mua cho con vậy đã đủ chưa ?”

“Ðủ rồi mẹ. Mỗi ngày con không cần phải đưa lọ mực đi như trước kia học trò phải mang đi vì tại bàn, thợ mộc đã khoét những cái lỗ vừa khít lọ mực bỏ lọt thỏm xuống, khi hết mực thì châm thêm. Muốn cẩn thận thì kiếm một cái nút chai vừa bằng miệng lọ, lúc về nút lại, tiện lắm mẹ.”

“Tối nay mẹ thổi cơm rồi lấy mo cau nắm cho con để sáng mai không quá vội vã. Thế lúc khát nước thì kiếm đâu ra nước ? Hay mẹ kiếm cái chai nhỏ, con mang nước chè hay nước nụ vối đi uống nhé ?”

“Không cần đâu mẹ. Trường mỗi ngày có đun một nồi lớn nước vối cho học sinh uống. Khi nào hết, con có thể vào nhà bác tùy phái xin nước uống. Bác biết con là em anh Thạch, bác đối đãi tử tế lắm. À mà dưa ở đâu đây mẹ ?”

Ăn cơm xong, Vũ lấy dao bổ đôi quả dưa hồng. Quả dưa đã chín kỹ, muốn nứt da ra. Lần vỏ mỏng mầu vàng tươi bóc dóc đi dễ dàng. Mùi thơm của dưa ngào ngạt . Thịt dưa nổi cát và trắng tươi, Vũ lấy dao đẩy hết cái ruột và hột ra ngoài, xong cắt dưa thành những miếng nhỏ và lấy hũ đường bỏ vào vài muỗng.

“Chị Thạch sáng mang đến hai quả đó. Nhà ta cũng có nhưng phải hơn tuần nữa mới chín.”
“Mẹ ăn dưa với con !”

“Con ăn đi. Lúc nãy mẹ với chị Thạch đã ăn một quả rồi.”

Vũ xúc một miếng nhỏ đưa lên miệng, cảm thấy hết cái ngọt, cái mát, cái ý vị và mềm mại của dưa. Cơn mệt vừa nãy cũng tan biến. Mùi dưa vẫn thoang thoảng, thơm tho, tinh khiết. Thịt dưa trắng nõn trắng nà chỉ ở trong lòng là có mầu vàng nhạt của ruột và nước. Chút nước nào còn giữ lại được thì ngọt làm cho vị dưa đậm đà thêm. Sau này khi lớn lên đọc nhiều sách, Vũ đã đọc một truyện ngắn nhan đề “Quả dưa bở” của một nhà văn nào đó không nhớ tên, cũng tả thứ dưa hồng này. Tuy gọi dưa hồng nhưng vỏ dưa mầu vàng. Ông Ðông A cũng như Vũ, chỉ thích dưa hồng. Dưa hấu, dưa gang ông cũng ăn nhưng khen cái vị thì ông dành cho dưa hồng.

Sáng hôm sau, đúng giờ, Vũ đã có mặt ở bến đá đầu ngõ. Anh Thạch đến và hai anh em đi. Anh Thạch, vì là thầy giáo nên lúc nào cũng xách một cái cặp da mầu nâu thẫm, bóng như gương. Ông Ðông A đã tặng con rể chiếc cặp này mua từ Hải phòng, khi anh Thạch được bổ Hương sư đi dậy. Ngoài cái cặp đựng sách vở, anh Thạch còn có thêm cái hộp đan bằng mây rất xinh, chỉ vừa chỗ cho nắm cơm và mấy con tôm hay mấy miếng thịt kho chị Thạch đã bỏ vào đó cho anh từ tối hôm qua. Buổi trưa, khi học trò về ăn cơm thì hai anh em anh Thạch sắp cơm ra bàn ngồi ăn với nhau, có khi cơm và thức ăn nhiều quá ăn không hết. Sau đó, hai anh em sang nhà bác Gừng uống nước, anh Thạch ngồi chơi ở đó cho đến khi trống vào, còn Vũ thì ra mấy gốc chay ngồi ngó trời, ngó đất, ngó những con chim bồ câu, chim sẻ dẫn con đi kiếm ăn.

Hai giờ thiếu năm phút. Bác Gừng, dù đang nói chuyện với ai hoặc với anh Thạch, bác cũng cáo lỗi rồi thủng thỉnh lên hành lang lớp học, đánh một hồi trống. Hồi trống thứ hai sau đó mười lăm phút tức 2giờ15 là vào học. Rồi ra chơi mười lăm phút, sau đó lại vào học cho đến 5 giờ là tan học. Như thế buổi chiều học sinh được học 2 giờ rưỡi, buổi sáng 3 giờ, tuần học 4 ngày, nghỉ thứ năm, thứ bảy và chủ nhật.

Mùa hè, sự đi lại ở thôn quê dễ dàng nhưng mùa mưa lụt hay mùa đông, có những đoạn đường ngập nước, trâu bò lội vào xoáy sâu thêm thành những lỗ lội, đứng sâu đến ngang hông hay ngang bụng. Những lỗ lội dài, người ta phải bắc cầu khỉ, đi chênh vênh trên đó rất nguy hiểm, trượt té như chơi, nhất là những người đàn bà đội nặng. Nếu có sông ở ngay cạnh đường, song song với con đường, người ta thường cho một cái đò chở từ đầu này qua đầu kia. Mỗi người đi đò phải trả nửa chinh. Lại có những lỗ lội có người cõng. Anh thanh niên khoẻ mạnh đứng sẵn ở đó, nếu mình bằng lòng trả công anh ta thì áp người vào lưng, ôm lấy cổ anh ta, anh cõng mình lội qua lỗ lội còn mình vẫn khô ráo như thường. Sang bờ bên kia tiếp tục đi.

Có một chuyện tức cười dạo đó. Số là cô Lụa, mới tuổi chanh cốm, con gái cưng ông đương kim chánh tổng, tổng Vạn, kế cận với Trà Lũ. Cô khá xinh lại con nhà giầu, thế lực nên cô vênh váo, kiêu căng coi đám trai làng, trai tổng chẳng có kí lô nào. Vốn chanh chua, cong cớn, anh thanh niên nào “uống thuốc liều” ghẹo cô là cô tế cho như tế sao, quá lắm cô méc bố cô thế là bố mẹ anh kia phải đến xin lỗi.

Bữa nọ cô đi qua lỗ lội đó. Cô ăn diện thật đẹp, nào áo tứ thân, quần lĩnh, thắt lưng mớ ba, đầu vấn khăn nhung, chân dận dép nhung. Có lẽ cô đi ăn cưới ở làng bên. Cô ngao ngán đứng nhìn cái lỗ lội nhưng không còn con đường nào khác. Nhìn thấy anh thanh niên cõng mướn, lúc đầu cô ngần ngại, nhưng sau thấy mọi người đều phải nhờ anh ta cõng nên cô cũng phải bằng lòng. Sau khi trao đổi đồng ý, anh thanh niên ngồi lên mố đất đưa lưng vào cho cô ta ôm lấy cổ để anh cõng qua. Lỗ lội dài khoảng hơn ba chục bước chân người lớn. Mới đầu cô dùng dằng nhưng nghe anh thanh niên giục giã, cô vén xống áo rùn người ôm lấy cổ anh thanh niên. Khi đặt người vào, thay vì cô áp ngực cô vào lưng anh, để xuôi hai chân xuống, giạng ra hai bên như mọi người, cô lại cụp hai đầu gối của cô vào lưng anh thanh niên làm anh ta vừa cõng vừa kêu ôi ối là nó cấn lưng quá. Anh thanh niên bảo:

“Cô phải thả chân xuống thì tôi mới lội được chứ?”

Cô trả lời:

“Anh chịu khó vậy. Tôi không thả chân xuống được đâu.”

“Tại sao vậy?”

Cô không trả lời. Lúc đó hai người đã ra đến giữa lỗ là chỗ sâu nhất. Bất chợt anh thanh niên bước hụt xuống một cái hố, lạng người đi, vứt cô Lụa xuống đống bùn. Cả hai cùng té, nước và bùn văng lên tung toé, mặt mày quần áo cả hai không chỗ nào là không có bùn. Cô Lụa ré lên như trời sập. Cô tru tréo:”Anh giết tôi rồi. Thế là anh giết tôi rồi. Trời đất thiên địa ôi!” Miệng cô cũng đầy bùn và nước, cô vừa phì bùn ra vừa la. Anh thanh niên cố chống chế:”Tại cô hết cả. Tôi đã bảo cô thả chân xuống cô không chịu thả. Thôi bám vào cổ để tôi cõng lên bờ về nhà tắm rửa.” Cô Lụa, dù đanh đá như bà chằn, đến nước này đành phải chịu một phép. Lần này hai chân cô bỏ thõng, giạng ra, không cần anh thanh niên phải nhắc. Người đi chợ về khá đông, cả hai, ba chục người. Họ đứng hai bên bờ cười đau bụng. Có người đàn bà còn nói:” Đáng đời, chanh chua cho lắm vào.” Hai, ba anh thanh niên khác thì nói với nhau:”Thằng Tập – tên anh cõng – hôm nay trúng số độc đắc chúng mày ạ. Biết vậy sáng nay tao bỏ buổi làm ra đây cõng mướn.” Người nghe càng cười. Còn cô Lụa quá mắc cở. Khi anh Tập đặt cô lên bờ đường, từ đầu đến chân cô bùn trát khắp, chỉ còn chừa hai con mắt. Cô tất tả chạy về nhà như con ma bùn có người rượt.

Cụ Tam Nguyên Yên Đổ cũng rất cắc cớ với cái “Lỗ lội làng Ngang”. Từ tuốt đàng xa ngó những cô gái quê nhấc cao váy lên lội qua lỗ lội, không hiểu sao cụ vẫn nhìn thấy:”cái gì trăng trắng như con cúi” mới là tài.

Trong ba năm học trường Sơ học làng Trà Đoài, không năm nào Vũ không phải lội qua cái lỗ lội tai hại này mỗi ngày hai lần, về mùa mưa lụt.
 

 

Xuân Vũ TRẦN ĐÌNH NGỌC

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.