Uncategorized

Trinh Nữ Maria: Mẹ của Bạn tôi

Ngày nay, danh xưng Nữ Đồng Trinh Maria đã đi vào lòng nhân loại vì nhiều người dù không có đạo cũng biết rằng Trinh Nữ Maria là Mẹ Chúa Cứu Thế Giê-su trong hình ảnh rất quen thuộc: một hài nhi bé bỏng nằm trong máng cỏ, và bên cạnh cái nôi lót bằng rơm

Ngày nay, danh xưng Nữ Đồng Trinh Maria đã đi vào lòng nhân loại vì nhiều người dù không có đạo cũng biết rằng Trinh Nữ Maria là Mẹ Chúa Cứu Thế Giê-su trong hình ảnh rất quen thuộc: một hài nhi bé bỏng nằm trong máng cỏ, và bên cạnh cái nôi lót bằng rơm khô ấy là dáng dấp dịu dàng, thánh khiết của Mẹ Maria cùng với sự cung nghinh của người dưỡng phụ trần thế, Giu-se, như được chép trong thánh kinh:

“Ngày sinh nở của Maria đã đến. Người sinh con trai đầu lòng, lấy khăn bọc con mình, đặt nằm trong máng cỏ, vì nhà quán không có đủ chỗ ở.” (Lu-ca 2:6-7)

Hình ảnh quen thuộc ấy không bén rễ sâu hơn nữa trong đời tôi, khi tôi còn là một tín đồ Tin-Lành, vì kể từ ngày theo mẹ đi nhà thờ, tôi không được nghe một bài giảng nào về Bà. Trong lớp kinh thánh trường Chúa Nhật mà tôi theo học hàng tuần, tôi cũng chẳng được dạy dỗ thêm về đời sống và tâm tình của Trinh Nữ Maria, ngoại trừ một điều căn bản: Đức Chúa Trời chỉ dùng Bà Mary để sinh ra Chúa Giê-su, sau đó sự liên hệ thiêng liêng giữa Chúa và Mẹ Chúa không còn nữa!?!

Chưa bao giờ tôi thắc mắc về sự chấm dứt của mối liên hệ thiêng liêng này vì nhiều lẽ: Trí óc tôi còn non nớt? Tôi là đứa trẻ năng động nên ít để tâm suy nghĩ sâu xa? Cũng có thể vì hoàn cảnh của tôi lúc đó: mặc dù anh em chúng tôi được mẹ dẫn dắt theo đức tin Ki-tô giáo khi mẹ tôi trở thành tín đồ Tin-Lành; nhưng vì chiều ‎bà ngoại, mẹ tôi để tôi đi theo đạo của bà, Phật giáo. Về phần tôi, trong khi hấp thụ hai tín ngưỡng, tôi nghiêng về đức tin Ki-tô giáo hơn, nên chỉ tiếp nhận những điều học hỏi ở nhà thờ một cách trang trọng, trong sự vâng phục. Điều căn bản và cũng là cái neo của đức tin Tin-Lành mà tôi được dạy dỗ là: “Chúa Giê-su là Bạn tôi và đời tôi chỉ cần có Chúa là đủ” như lời của bài thánh ca:

“Bạn thân tôi ấy là Giê-su, Đấng lo lắng cho tôi trọn đời. Ngài đẹp xinh vui tươi thay quán quân trong muôn người. Thật tôi xem Chúa như hoa huệ, trong trũng hương thơm nhẹ nhàng, Ngài thay đổi ác tâm này nên trắng trong vẹn toàn…”

Lớn lên trong nền nếp của đời sống Tin-Lành – trực tiếp đến với Chúa không cần qua trung gian – là làm đúng lời thánh kinh nên tôi tâm tình với Chúa hàng ngày mà chẳng biết nói lời gì để chào Mẹ của Ngài là chuyện rất bình thường. Cho đến một hôm, khi tôi học hết bậc tiểu học và đỗ kỳ thi tuyển vào trường nữ trung học Trưng Vương, tôi mới xin mẹ thưởng cho đi chơi xa một lần. Đó là chuyến đi thăm nhà một người bạn học cùng lớp, theo như lời mời: “Tới nhà tao chơi đi, nhà tao ở đằng sau nhà thờ Đồng Tiến, có con kinh và bãi cỏ to lắm, tha hồ mà chạy.”

Bạn đến đón tôi và dắt tôi về nhà chơi. Chúng tôi đi vào bằng cổng sau để tôi tìm ông, bà, bố và mẹ của bạn chào như điều mẹ tôi dặn phải làm. Khi theo bạn đi lên phòng khách, tôi bỗng khựng lại vì bất ngờ thấy bức tượng Bà Mary thật to trên bàn thờ, dưới chân thánh giá Chúa chịu nạn. Tôi đã từng thấy tượng Bà Mary nhiều lần ở trong các nhà hàng xóm, nhưng chưa bao giờ tôi có dịp đến sát bàn thờ như lần này: Bà thật đẹp! Tuy nhiên, không hiểu vì sao mà tôi lại hồi hộp, chẳng dám nhìn Bà lâu, liếc nhanh đi chỗ khác, tôi vội vã chạy vụt ra ngoài như lẩn trốn. Thế rồi sau chuyến đi chơi xa ấy, những suy nghĩ bình thường của tôi về Bà Maria bỗng nhiên trở thành bất bình thường với điều băn khoăn mới: “Chúa Giê-su là Bạn thân thiết của mình, còn Mẹ Chúa thì sao?!?”

Tôi ôm ấp nỗi băn khoăn này khá lâu rồi một hôm đánh bạo hỏi mẹ tôi, mẹ tôi bảo: “Con cứ đi hỏi ông mục sư xem ông trả lời thế nào.” Tôi nhớ lần gặp ông mục sư với câu hỏi trên, ông lấy ngay quyển kinh thánh ra, đọc thật chậm cho tôi nghe điều răn thứ nhất, rồi ông nhẹ nhàng bảo: “Mình không thờ Bà Mary như người Công Giáo đâu, mình kính Bà ở trong lòng thôi.”

Tôi tin vào lời giải thích được dẫn chứng bằng kinh thánh của ông và kể từ ngày ấy, mỗi lần thấy người Công Giáo ngồi đọc kinh trước tượng Bà Mary, Mẹ của Bạn tôi, tôi không còn băn khoăn nữa mà thản nhiên nhìn Bà, và có đôi khi, tôi lại khe khẽ pha vào lời kinh Mân Côi của họ, lời chào Bà của mình bằng Điều Răn Thứ Nhất:

“Ngươi sẽ không có những thần khác trước nhan Ta.
Ngươi sẽ không tạc tượng thần, tạc hình vật gì nơi trời bên trên hay nơi đất bên dưới, hay trong nước bên dưới đất.”
(Xuất-Hành 20:3-4)

Ngày đó, tôi biết rất ít về Trinh Nữ Maria nên tình của tôi dành cho Mẹ thật nghèo nàn. Nếu tính theo trị số từ một tới mười (1, 2,…,9 ,10) mà những chuyên viên tâm lí‎ của xã hội Mỹ bây giờ thường dùng trong các cuộc nghiên cứu, để đo lường nấc thang tình cảm của con người – từ hờ hững tới nồng nàn – thì tôi phải thành thật chọn số nhỏ nhất: số một, để diễn tả tình yêu tôi dành cho Mẹ Maria: vì giữa tôi với Mẹ có gì đâu để mà lưu luyến…

“Lạy Chúa, khi đi ngược thời gian trở lại những chặng đường bước theo Ngài, con tạ ơn Chúa đã cho con nhận ra sự trống trải của một trái tim thiếu Mẹ Maria, để cầu nguyện cho những ai chưa từng được hưởng hạnh phúc có Mẹ trong đời. Amen”

Đặng Thị Kim Dung
January 1, 2009

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.