Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Asianews hôm 5.5.2011, Linh mục Rafik Greich, trưởng phòng báo chí kiêm phát ngôn viên của 7 Giáo hội Công giáo tại Ai cập, cho rằng tổ chức "Huynh Đệ Hồi Giáo" (Muslim Brotherhood) còn nguy hiểm hơn cả Osama bin Laden.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết trên thế giới hiện có khoảng 105 tổ chức khủng bố quốc tế, hoạt động trên nhiều lãnh thổ khác nhau, chẳng hạn như Abu Nidal Organization, Algerian Terrorism, al-Jihad, Armed Islamic Group, Black September, Fatah Revolutionary Council, v.v.
Theo tài liệu của FBI, tại Hoa Kỳ hiện nay có khoảng 30 nhóm khủng bố quốc nội đang hoạt động, chẳng hạn như Army of God, Colorado First Light Infantry, Freeman, Ku Klux Klan, Michigan Militia, Texas Militia, v.v.
Trong tất cả các tổ chức nói trên, al-Qaeda được coi là nguy hiểm nhất. Al-Qaeda do Osama bin Laden thành lập khoảng năm 1998 và lãnh đạo lúc ban đầu. Đến nay nhóm này đã mở rộng hoạt động trong khoảng 120 quốc gia trên thế giới. Vậy, tổ chức "Huynh Đệ Hồi Giáo" là tổ chức nào mà được coi là nguy hiểm hơn bin Laden, tức hơn al-Qaeda?
SƠ LƯỢC VỀ HUYNH ĐỆ HỒI GIÁO
Tổ chức "Huynh Đệ Hồi Giáo" (HĐHG) được Hassan al-Banna thành lập từ năm 1928 tại Ai Cập. Chủ trương của nhóm này được xác định như sau:
– Hồi giáo là giải pháp,
– Allah là Chúa của tôi,
– Hồi giáo là cuộc sống của tôi,
– Kinh Qur’an là hướng dẫn của tôi,
– Tiên tri (Muhammad) là mẫu gương của tôi,
– Sunnah (cách sống của người Hồi Giáo) là thực hành của tôi,
– Thánh chiến là tinh thần của tôi…
Đây là một tổ chức hoạt động bí mật, bị cấm hoạt động tại nhiều quốc gia A-rập và Bắc Phi, nên rất khó biết được cơ cấu tổ chức của nhóm này. Lãnh tụ của nhóm này hiện nay là Abdel Monem Abul Fotoh, người đã từng tuyên bố sẽ ra ứng cử Tổng Thống Ai-cập.
Ai-cập là nơi HĐHG có cơ sở lớn nhất. Mặc dầu trước đây nhóm bị Tổng Thống Mubarak cầm hoạt động, nhưng nhóm vẫn có trên một triệu rưởi đoàn viên và hiện đang kiểm soát nhiều bệnh viện, trường học và tổ chức từ thiện, và đã từng chiếm được 88 ghế trong tổng số 454 ghế tại nghị viện.
Nhóm cũng có nhiều tổ chức tại hải ngoại để vận động chính trị và kinh tài cho nhóm, đặc biệt là tại Hoa Kỳ. Trong bài “FBI: Muslim Brotherhood deeply rooted inside U.S.” (FBI: Huynh Đệ Hồi Giáo đã cắm rễ sau bên trong Hoa Kỳ) của nhà phân tích Paul Sperry đăng trên nhiều báo và websites ở Mỹ ngày 21.2.2011, cho biết nhân viên điều tra của Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện và Hạ Viện tại Hoa Hoa Kỳ báo động nhóm hồi giáo cực đoan HĐHG đang đe dọa nền an ninh Hoa Kỳ, nhất là có những hoạt động xuyên qua chính phủ Hoa Kỳ.
Ông John Guandolo, một cựu nhân viên FBI đã từng theo dõi các vụ khủng bố liên quan đến nhóm HĐHG nói: “Hầu hết các tổ chức Hồi Giáo nổi tiếng tại Hoa Kỳ đều đặt dưới sự kiểm soát của nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo”. Các tổ chức hoạt động cho Hồi Giáo thường phủ nhận không dính líu với HDHG ở Mỹ. Nhưng thực tế không phải vậy. Tổ chức này đã quyên góp hàng triệu triệu USD để yểm trợ cho các nhóm dính líu tới khủng bố và chống Mỹ như Hamas, al-Qaeda.
Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đã nhận dạng được ít nhứt 61 chi nhánh HĐHG đang hoạt động ở Mỹ, cụ thể và tiêu biểu như Islamic Society of North America, North American Islamic Trust, The Washington-based Council on American-Islamic Relations, Holy Land Foundation for Relief and Development, v.v…
DÙNG GẬY ÔNG ĐẬP LƯNG ÔNG
Mục tiêu của nhóm HĐHG lúc nào cũng như đã nói trên, nhưng về chiến luợc và chiến thuật để tiến tới mục tiêu, HĐHG không ôm chặt “Bốn Không” như Tổng Thống Thiệu và làm mất nước, họ luôn tùy cơ ứng biến.
Lúc đầu, nhóm này cũng chủ trương bạo động để đánh đuổi người Tây phương và nền văn minh Thiên Chúa Giáo ra khỏi bán đảo A-rập và các quốc gia Hồi Giáo. Như chúng tôi đã nói, năm 1982, nhóm HĐHG quyết định dùng bạo loạn để cướp chính quyền tại Syria. Tổng Thống Hafez al-Assad đã dùng pháo binh san bằng nhiều phần của thành phố Hama, nơi tập trung của nhóm HĐHG, khiến từ 10.000 tới 25.000 người chết và bị thương. Sau đó, nhóm HĐHG bị cấm hoạt động tại Syria. Tổng Thống Mubarak của Ai-cập cũng cấm nhóm này hoạt động tại Ai-cập.
Nhận thấy rằng khó có thể dùng bạo động để chống lại các quốc gia Tây phương, nhóm này đã thay đổi chiến thuật, quay lại thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình”: Đòi hỏi thực hiện dân chủ, bầu cử tự do – một chiêu bài mà Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương thường đưa cao – để tiến tới nắm chính quyền ở các quốc gia Hồi Giáo. Họ tin rằng với các cuộc bầu cử tự do, nhóm họ sẽ thắng.
Biết rõ nhóm HĐHG sẽ nắm chính quyền nếu bầu cử tự do, trong nhiều thập niên qua, Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương đã yểm trợ các nhà độc tài và quân phiệt tại các quốc gia Hồi Giáo, dùng bầu cử mánh mung để nắm chính quyền và khống chế các nhóm Hồi Giáo cực đoan, bảo vệ các quyền lợi của Mỹ, nhất là quyền lợi về dầu lửa. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, khi cuộc chiến tranh dầu lửa xẩy ra giữ Trung Quốc – Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương, một số nhà độc tài ở bán đảo A-rập và Bắc Phi đã tỏ ra không còn “tuyệt đối trung thành” với Hoa Kỳ nữa, nhất là Tổng Thống Mubarak của Ai-cập, Hoa Kỳ và các nước Tây phương đã quyết định dùng “cách mạnh hoa lài” để loại các nhà lãnh đạo này đi và thiết lập những chế độ mới. Nhóm HĐHG nhận rõ tình hình và nhập cuộc ngay. FBI cho biết, trong biến cố ở Ai-cập vừa qua, nhiều cán bộ của HĐHG đã góp rất nhiều ý kiến cho Mỹ để dàn xếp cho Tổng Thống Mubarak từ chức.
Nhưng nhiều người nghi ngờ sự hợp tác này chỉ là một chiến thuật của nhóm HĐHG, mượn bàn tay Hoa Kỳ lật đỗ Mubarak rồi dùng áp lực đòi thực hiện “tự do dân chủ” để đưa các thành phần của nhóm ra nắm chính quyền.
Hiện nay, tại các nước Libya, Yemen và Syria, nhóm HĐHG đều bị cấm hoạt động, nên nhân cuộc “cách mạng hoa lài”, nhóm này vừa yểm trợ các phong trào đứng lên đòi hỏi tự do dân chủ, vừa ủng hộ Hoa Kỳ và các cuốc gia Tây phương loại bỏ các tổng thống đọc tài lâu năm ở các nuớc này. Họ tin rằng qua các cuộc bầu cử tự do, họ sẽ nắm được chính quyền tại các nước đó.
RỒI SẼ ĐI TỚI ĐÂU?
Trong một bài viết dưới nhan đề “How not to promote democracy in Egypt” (Sao lại không quảng bá dân chủ tại Ai Cập) đăng trên tờ Washington Post ngày 24.2.2011, Thomas Carothers, Phó Chủ Tịch của nhóm nghiên cứu The Carnegie Endowment for International Peace tiết lộ rằng đã từ 10 năm nay một cơ quan có tên là National Democratic Institute (Viện Dân Chủ Quốc Gia), hoạt động bằng tiền chính phủ liên bang, đã ủng hộ việc phát triển các đảng chính trị tại nhiều quốc gia A-rập như Islamic Action Front (Mặt Trận Hồi Giáo Hành Động) tại Jordan, the Party for Justice and Development (Đảng vì Công Lý và Phát Triển) tại Morocco, và Islah tại Yemen, v.v. Việc hỗ trợ này nhằm lôi kéo Hồi Giáo đứng về phía Mỹ.
Ông cho biết mới đây cựu đại sứ Mỹ Martin Indyk đã kêu gọi chính phủ Mỹ vận dụng tiền tài trợ dân chủ để “có thể giúp lực lượng thế tục tuổi trẻ Ai-cập tổ chức cho các cuộc bầu cử sắp tới.”
Thật ra, Hoa Kỳ đã hình thành sẵn tại các quốc gia A-rập những phong trào chính trị với hai mục tiêu: Mục tiêu thứ nhất là để đối kháng với các tổ chức Hồi Giáo cực đoan và mục tiêu thứ hai là để khi cần, dùng các phong trào này để lật đổ những nhà độc tài không chịu đi theo đường lối của Mỹ. Trường hợp của Mubarak và Gaddafi là những thí dụ điển hình.
Ông Carothers lưu ý rằng nếu dân Ai-cập cho phép Huynh Đệ Hồi Giáo tham dự tranh cử Tổng Thống và Quốc Hội sắp tới, một quyết định mà họ sẽ đưa ra từ việc cải cách Hiến Pháp, thì chúng ta [Mỹ] sẽ phải có quyết định rõ ràng là có muốn trợ giúp phát triển đảng phái chính trị Ai-cập hay không. Ông nói: “Hoặc là chúng ta mở chương trình cho tất cả các đảng phái bất bạo động có ghi danh, hoặc là chúng ta tách lìa ra khỏi việc hỗ trợ đảng phái chính trị.”
Vấn đề là khi A-rập tổ chức bầu cử tự do và công bằng và nhóm HĐHG thắng cử, chuyện gì sẽ xẩy ra? Ai-cập sẽ tuyên bố hủy bỏ hiệp ước hoà bình với Israel và luật Sharia sẽ được áp dụng?
Trong cuộc điều trần của Bộ Ngoại Giao về việc lật đỗ Tổng Thống Mubarack, bà Lieana Ros-Lehtien, Chủ tịch tiểu ban đối ngoại Hạ viện Mỹ đã nêu ra nỗi ám ảnh bậc nhất của Mỹ trong lúc này. Bà nói với Thứ trưởng ngoại giao Steinberg:
“Không có chuyện dính dáng đến phong trào Huynh Đệ Hồi Giáo đâu nhé!”.
Rồi bà hạch hỏi:
“Từ Li-băng cho đến Ai-cập, lập trường của hành pháp về Huynh Đệ Hồi Giáo như thế nào? Sách lược của Mỹ đối với Ai-cập cũng như cho việc hỗ trợ quá trình chuyển tiếp bao gồm các chi tiết dự phòng chuyên biệt ra sao?”.
Khi được biết nhóm HĐHG vẫn hoạt động bất hợp pháp ở Ai Cập và nguy cơ chính trường Ai-cập nay để trống, dễ bị tổ chức này thôn tính, bà Ros-Lehtien lại nói:
“Nếu như mục tiêu chính của Mỹ là ngăn ngừa Huynh đệ Hồi giáo chiếm chính quyền, ấy vậy mà nay họ lại có được cơ sở như thế!”
Còn dân biểu Rep. Howard Berman lưu ý rằng “chúng ta không nói với người Ai-cập rằng chúng ta có thể tham dự vào đời sống chính trị của họ”, tuy nhiên, “công việc của chúng ta là tạo dựng một cái gì khác với Huynh Đệ Hồi Giáo”.
TÌNH TRẠNG ĐANG DIỄN BIẾN
Linh mục Greich cho biết nhiều người hồi giáo đã phải bỏ nước ra đi vì sợ những người hồi giáo cực đoan hiện đang độc quyền chiếm giữ một số đài truyền hình, báo chí và trang mạng Internet ở Ai-cập.
Trong nhiều tháng qua, kể từ khi có “cách mạng hoa lài”, các lãnh tụ hồi giáo không ngừng lên tiếng kêu gọi chống Kitô giáo. Bầu khí khủng bố tâm lý đang tạo ra sợ hãi nơi những người muốn thấy có dân chủ trong đất nước.
Dĩ nhiên, nhóm HĐHG không bao giờ xuất hiện như một tổ chức khủng bố, mà họ dùng những tổ chức ngoại vi để thực hiện những công tác đó, nhất là tổ chức Salafi, còn được gọi là “Wahhabi”. Đây là một tổ chức Hồi Giáo nổi tiếng cực đoan.
Vì luật pháp Ai-cập không cho phép các đảng phái tôn giáo được ra tranh cử, nên tổ chức HĐHG đã thành lập ra 4 đảng chính trị để ra tranh cử vào tháng 9. Bề mặt, các đảng phái này gạt bỏ mọi qui chiếu về Hồi giáo, nhưng đảng nào cũng có một cương lĩnh cực đoan.
Hiện nay chỉ có giới trẻ tham gia cuộc cách mạng tại quảng trường Tahrir là những người có đầu óc "thế tục", tức không muốn biến đất nước thành một quốc gia Hồi Giáo, đặt dưới quyền lãnh đạo của các giáo chủ. Tuy nhiên, sau cuộc “cách mạng hoa lài”, họ đã phân tán thành 16 nhóm khác nhau, nhóm nào cũng muốn thành lập một đảng phái riêng. Cũng có nhiều người trẻ bị tổ chức HĐHG lôi kéo. Do đó phải một thời gian nữa mới biết rõ những hệ lụy tốt hay xấu của cuộc cách mạng vừa qua.
Theo hãng thông tấn Asianews, Huynh Đệ Hồi Giáo sẽ chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử sắp tới.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Asianews ngày 9.5.2011, Linh mục Rafic Greich nói rằng nước này đang bắt đầu đi vào một cuộc nội chiến.
Các cuộc đụng độ ngày 7.5.2011 giữa các tín hữu Chính thống Copte và người Hồi giáo khiến cho 12 người chết và gần 200 người bị thương. Sáng 9.5.2011, quân đội đã đưa hàng ngàn binh sĩ đến thủ đô và các vùng ngọai ô. Để đề phòng các cuộc bạo động, các lực lượng an ninh đã bắt giữ 190 người, Hồi giáo lẫn Kitô giáo, và cho biết sẽ phạt tử hình tất cả những ai gieo rắc hận thù giữa các tôn giáo.
Linh mục Greich cho biết: tình hình rất căng thẳng. Chính phủ do quân đội lãnh đạo quá yếu và sợ các nhóm Hồi Giáo cực đoan như Hồi giáo Salafi là những người đang tạo ra bất ổn và hổn lọan khắp nơi.
Linh mục cũng cho biết thêm Giáo hội Công giáo Copte đang lâm nguy, mặc dù cho tới nay chưa có nhà thờ công giáo nào thuộc giáo hội của họ bị tấn công. Tuy nhiên, liền sau cuộc tấn công vào nhà thờ thánh Mina Imbada ở mạn đông bắc thủ đô Cairo, linh mục Chính thống quản nhiệm giáo xứ đã phải đến tá túc tại nhà thờ Công giáo bên cạnh. Trong những cuộc đụng độ, người Hồi Giáo Salafi đã giết một thiếu niên 16 tuổi, cháu của vị Giám mục địa phương.
Nói tóm lại, các tổ chức đấu tranh Hồi Giáo đang dùng kế sách HAI MẶT GIÁP CÔNG để chống lại Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương, một mặt dùng khủng bố do nhóm al-Qaeda và một số nhóm khác thực hiện, mặt khác dùng chiến lược “diễn biến hoà bình” do nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo đảm trách. Nhóm này dùng ngay chiêu bài của Mỹ là đòi thực thi dân chủ và bầu cử tự do tại các nước Hồi Giáo để chiếm lại chính quyền đang do Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương chi phối. Nhưng nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo nguy hiểm hơn.
Moshe Dann, giáo sư sử học tại The City University of New York, đã nhận định trong bài “The Muslim Brotherhood: Islam’s Global Challenge to the West” như sau:
“Huynh Đệ Hồi Giáo là một trong những nhóm Hồi Giáo nguy hiểm nhất trong thế giới ngày nay, không phải chỉ vì nhóm này yểm trợ cho khủng bố – như cung cấp sự ủng hộ về chính trị và tài chánh cho nhóm Hamas thuộc Palestine chẳng hạn – mà là vì nhóm này là một phần trong mạng lưới toàn cầu của Hồi Giáo và đã đề xướng một lý tưởng khuyến khích chủ nghĩa cực đoan và khủng bố.”
Về hành động, nhóm này luôn thay đổi vị thế, thay đổi phương thức hành động, thay đổi luôn cả những lời tuyên bố cho phù hợp với mỗi tình thế, và đã xuất hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau, thiên biến vạn hóa, nên có thể đến bất cứ nơi đâu.
Cựu Thứ Trưởng Quốc Phòng Richard Perle nói:
“Nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo nắm chính quyền (ở Ai-cập) dù có lãnh tụ Mohamed ElBaradei hay không, có thể có nghĩa là chấm dứt sự hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ với Ai-cập”.
Ngày 17.5.2011
Lữ Giang
Views: 0