Uncategorized

Trầm tư Mùa Chay

Hiện diện giữa lòng trần thế trong thế giới hôm nay, chúng tôi nghe đó là âm vang của tinh thần Vaticanô II, can đảm, không sợ hãi, không thỏa hiệp với quyền lực của trần thế, một trần thế đang bị bóng tối của tội lỗi, của tội ác, hiện thân của Satan sai khiến.

 

 

1-Hành trang của đời tôi

 

Hiện diện giữa lòng trần thế trong thế giới hôm nay, chúng tôi nghe đó là âm vang của tinh thần Vaticanô II, can đảm, không sợ hãi, không thỏa hiệp với quyền lực của trần thế, một trần thế đang bị bóng tối của tội lỗi, của tội ác, hiện thân của Satan sai khiến.

 

 

1-Hành trang của đời tôi

 

Thế giới này chúng ta đang sống, thời đại này chúng ta đang có mặt, đất nước Việt Nam lắm nỗi đau thương, nhưng có một truyền thống văn hiến, một dòng suối Ca Dao đậm đà tình người, mà Nguyễn Đình Thi gọi là Kinh Thi, gợi ý nâng Ca Dao Việt Nam lên bậc Kinh, chứ không phải là loại thi ca bình thương.Chính nơi này và trong tinh thần này mà tôi đã được sinh ra.Vì vậy, dòng máu Việt Nam chảy trong huyết mạch tôi. Tinh thần tôi được tắm gội trong dòng văn hiến và Kinh Thi ấy. Đây là một con suối ngọt ngào cho tôi tinh thần nhân bản, liên đới và một không gian thân tình với cây đa, với giếng nước đầu làng.Điều này có lẽ đã gây cảm xúc cho Hồng y TGM Giáo phận Sàigòn những năm trước đây khi ngài nói chuyện với hơn một ngàn giáo dân, lúc đó đang đồng hành với Giáo hội trong các giáo xứ thuộc Giáo phận Sàigòn. Ngài trao cho họ sứ mạng làm thế nào để mỗi giáo xứ trở nên “giếng nước đầu làng”.

 

Tinh thần của giếng nước đầu làng là tương quan thân tình giữa người và người.Còn giáo xứ, vì là giáo xứ thuộc Giáo hội Việt Nam, nên ngoài tinh thần của giếng nước đầu làng, người Công giáo Việt Nam còn một tinh thần khác. Đó là tinh thần của một Bản Hiến chương do Thầy Giêsu ban bố trên núi.(Mt 5, 1-12; Lc 6, 20-23).Tôi là người Việt Nam trong thân xác. Còn linh hồn tôi, tâm linh tôi thì thuộc về Chúa, về Thầy Giêsu. Người trao cho tôi Bản Hiến chương Nước Trời và những Điều răn. Đây là dòng suối ngọt ngào hơn mật ong. Người giáo hữu sống như thế nào với Bản Hiến chương và những điều răn này để có một đời sống tâm linh, một linh hồn thanh tịnh trước những đau thương, những thử thách, những cạm bẫy đang xảy ra trên thế giới và trên đất nước Việt Nam.

 

Những dòng dưới đây mang tinh thần trầm tư mùa Chay Thánh năm 2011.Vì là những trăn trở trong trạng thái trầm tư, nên chúng tôi không phê phán về những tiêu cực không thể không có. Mục đích bài này chỉ là những trăn trở của một thành viên của một giáo hội nhỏ, giáo hội địa phương. Nhưng giáo hội hôm nay sống trong thế giới hôm nay, không phải là một giáo hội khép kín như trong hầm trú. Cho nên, người Kitô hữu cũng không còn lý do để sợ hãi, song phải mở rộng tình liên đới với mọi thành phần trong xã hội nhất là với những con người khốn cùng, nạn nhân của chiến tranh, khủng bố và tai họa từ thiên nhiên, từ chính con người.

 

2- Nhìn ra thế giới

 

Năm 2011 này, Giáo hội vừa bước vào mùa Chay thì xẩy ra trận động đất và sóng thần khủng khiếp tại Nhật Bản, tiếp theo nước Nhật lại gặp cảnh rò rỉ chất phóng xạ từ mấy lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Tại một phiên họp quốc hội, ngày 29.3, Thủ tướng Naoto Kan tuyên bố chính quyền Tokyo đang được đặt trong tình trạng báo động cao nhất để tránh một thảm họa môi trường do Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi gây nên sau khi phát hiện plutonium trên mặt đất và phóng xạ trong nước biển.Từ sự kiện hạt nhân này, nhiều ý kiến của các chuyên gia hay các nhà nghiên cứu về hạt nhân đã nêu ra. Chúng tôi mượn 2 trong số những ý kiến về vấn đề này :

 

-Giáo sư danh dự Keith Barnham, nhà vật lý của Đại học Imperial College London, nhận định : “Nhật là một trong những nước có nền công nghệ tiên tiến nhất thế giới, vậy mà ai cũng có thể nhìn thấy họ đang phải chật vật đối phó ở nhà máy Fukushima Daiichi như thế nào. Do vậy người ta càng cảm thấy lo ngại với những lò phản ứng đang có kế họach xây dựng hoặc đang họat động ở những khu vực không an toàn về tự nhiên, hoặc ở những nước có nền công nghệ kém phát triển”.

 

-Phó giám đốc phụ trách an toàn hạt nhân của nhà máy Chemobyl, cho rằng thế giới phải luôn ghi nhớ thảm họa này. 25 năm sau, Chemobyl vẫn còn có thể gây nguy hiểm cho châu Âu từ cách xa 2.000km, hàng trăm ngàn người vẫn đang sống với nhiều di chứng.

Việt Nam cũng đang có chương trình xây dựng một nhà máy hạt nhân !

Ngày 26/3, hai trận động đất đả xảy ra tại miền Đông – Bắc Miến Điện, có cường độ 7 độ Richter. Không có sóng thần vì trận động đất xảy ra trong đất liền, gần biên giới Thái Lan. Mấy tỉnh ở Thái Lan chịu ảnh hương của dư chấn, lan tới cả Hà Nội.Cùng ngày, một trận động đất 5 độ Richter cũng đã xảy ra tại miền Nam Đài Loan.

 

Mặt khác, thế giới Ả Rập, từ Syria, Yemen đến Ả Rập Saudi, Algeria, người dân đang biểu tình đòi cải cách chính trị. Đặc biệt là tình hình tại Libya, Tổng thống nước này là ông Gaddafi phải đương đầu với một Liên minh Anh-Pháp-Mỹ. Chưa có dấu hiệu gì cho thấy cuộc chiến này sẽ sớm kết thúc.

 

Tình hình thế giới trên đây đã làm cho lạm phát và giá thực phẩm tăng cao.
(Tổng hợp tin tức báo chí)

 

3- Nhìn vào Giáo hội Công giáo Việt Nam hiện nay

 

.-Những thành phần trong Dân Chúa đang đồng hành cùng Giáo hội

 

Nói đến mùa Chay thường người giáo hữu nghĩ đến sám hối, đến xưng tội để lòng mình được sạch, tâm trí được bình an. Nếu có thời giờ thì đi nghe giảng tĩnh tâm dành cho giới của mình, như Thiếu nhi, Người lớn và Giới trẻ. Một người Công giáo bình thường mà làm tốt ba việc trên đây thì kể là người giữ đạo sốt sắng.

 

Thành phần thứ hai, tiến thêm một bước nữa là người ấy tham gia vào các sinh họat đoàn thể Công giáo Tiến hành, từ tổ chức này, người ta sẽ đi làm công tác từ thiện ở những nơi xa. Chẳng hạn đến các trại phong, trại trẻ em mồ côi, trại bệnh nhân AIDS, trại dưỡng lão, hoặc tới các giáo xứ của người thiểu số ở vùng cao.Có đoàn thể thì mỗi tuần cử hai người đi đọc kình tại các gia đình có bệnh nhân nằm ở nhà, hoặc đến các gia đình rối, các gia đình có người bỏ xưng tội, bỏ đi lễ lâu năm v.v…Nhờ tham gia vào các công tác từ thiện, bác ái này, người giáo dân sẽ sống cởi mở hơn, hòa đồng hơn, biết sống với tập thể hơn. Họ cũng biết bổn phận của mình với bản thân, với gia đình, với giáo xứ và Giáo hội. Họ có mối tương quan tốt, thân thiện với các gia đình trong xóm đạo, biết cách cư xử với những người khác tôn giáo với mình.

 

Thành phần thứ ba, một số ít trong thành phần thứ hai, với khả năng và uy tín, họ tiến lên bậc thứ ba, nghĩa là họ tham gia vào Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, cùng với Lm Chính xứ, họ có tiếng nói trong các cuộc họp hàng tháng hay hàng quý với Lm Chính xứ. Chẳng hạn, tổ chức lễ mừng Bổn mạng của Giáo xứ, Bổn mạng của cha Chính xứ, mừng lễ Cung hiến nhà thờ v.v…Đây là thành phần được hàng Giáo sĩ, Giáo phẩm quan tâm. Vì rõ ràng các linh mục không thể một mình làm được hết mọi việc trong giáo xứ. Chính điều này mà có không ít vị linh mục tìm mọi cách để “nắm” được toàn thể HĐMVGX, hay ít ra cũng phải có 2/3 số người trong Hội đồng này ngả theo ngài. Để có được việc này, có Linh mục đã không khéo trong điều hành, gây mâu thuẫn trong Hội đồng với con số từ 40-50 người. Một vị Linh mục chính xứ nào thiếu lòng khiêm tốn, ngả theo bạc tiền, ưa thích người giàu, trong khi lại không tế nhị với người kém may mắn, nghèo nàn, lam lũ thì làm giảm căn tính của chức Linh mục. Cũng có giáo xứ, cha sở không có Ban hành giáo, không có giáo lý viên. Quan điểm của ngài, là Linh mục thì phải dạy giáo lý cho giáo dân. Còn Ban hành giáo thì một là ngài không tin họ, hoặc có họ thì có nhiều phiền hà, rắc rối, lộn xộn như ở nơi khác; hoặc ngài độc tài. Cũng có giáo xứ với một HĐMVGX lón, có bầu bán mỗi nhiệm kỳ đàng hoàng: một Chánh trương, hai Phó (nội vụ và ngọai vụ), thủ quỹ và thư ký. Tất cả 5 người. Nhưng, thủ quỹ thì không giữ tiền và thư ký thì không cầm bút! Một hội đồng có cũng như không.

 

Một cộng đoàn đặc biệt

 

Giáo hội tôi lúc này còn có những cộng đoàn.đặc biệt và bất ngờ khi chúng tôi được mời tham dự một buổi họp mặt hàng tuần tại một gia đình,mà người chủ là thành viên của cộng đoàn thân hữu này. Tôi gọi là thân hữu vì không có danh xưng. Đây là một tập họp của một số bạn hữu với nhau, thuộc thành phần lao động, tuổi trên dưới 50.Mỗi tuần họ gặp gỡ nhau một lần tại nhà một thành viên để đọc kinh cầu nguyện, chia sẻ lời Chúa , chia sẻ tâm tư và cách riêng hướng về một bệnh nhân trong họ hay một ai khác nhờ họ cầu nguyện.Họ không thuộc về một giáo xứ nào như các đoàn thể Công giáo Tiến hành. Tuy nhiên, mỗi thành viên của họ cũng có lúc là hội viên của đoàn thể này hay đoàn thể kia.

 

Chúng tôi không biết một cộng đoàn nhỏ tự phát như trên đây, có khoảng 20 người, đều là nam giới, có nhiều tại Giáo phận Tp.HCM không ? Tuy nhiên, sự xuất hiện của họ, dù chỉ là số ít, cũng nói lên nhiều điều : Họ cần có nhau, cần một sự liên đới, thân hữu, anh em hòa hợp, chia sẻ tâm tư.Họ muốn tạo ra một không gian thân tình, như một bày tỏ, một chọn lựa thái độ sống, phong cách sống giữa một thế giới khủng khoảng, bạo lực, ô nhiễm môi trường sống và tinh thần trục vật.Từ đó những buổi cầu nguyện có ý nghĩa thiêng liêng hơn,sốt sắng hơn chất chứa nhiều hơn tình cảm anh em con một Cha trên trời.

 

Ban Giáo lý viên, các Ca đoàn và ban Mục vụ Giới trẻ

 

Nói tới những đoàn thể trên đây mà không nói đến các đoàn thể khác cũng đang đồng hành cùng giáo hội là một bất công, nhất là họ thuộc những thành phần trí thức trẻ. Đó là ban Giáo lý viên, các ban Thánh ca và ban Mục vụ giới trẻ Chúng tôi mộ mến ba thành phần này.

 

Giáo lý viên đều thuộc thành phần trẻ, họ có bổn phận nặng nề với gia đình và chính bản thân họ.Nhưng khi chấp nhận làm một giáo lý viên của giáo xứ, họ có những thử thách khác. Trước hết họ phải tập luyện tính kiên nhẫn, tập luyện lời nói, hiền hòa, chịu đựng trước những em thiếu nhi nghịch ngợm, bướng bỉnh, hay nói chuyện trong nhà thờ và trong lớp học. Họ còn phải hy sinh thời gian, gác việc nhà, việc mình để phục vụ nhà thờ, phục vụ các em thiếu nhi, nhất là vào các dịp Tết Trung Thu, lễ Giáng Sinh, các lễ Thêm Sức và Rước lễ lần đầu. của các em.

 

Một giáo xứ sinh động một phần nhờ vào sự đóng góp tích cực của ban Mục vụ giới trẻ. Họ có một ca đoàn, một thánh lễ riêng trong ngày Chúa nhật. Họ hoàn toàn phụ trách những việc như tập hát với cộng đoàn trước thánh lễ, hát thánh ca, đọc sách thánh, đọc lời nguyện tín hữu, sóc giỏ trong thánh lễ này. Trong các thánh lễ dành cho giới trẻ, họ phân công cho nhau những vị trí để hướng dẫn những người đi dự lễ vào chỗ ngồi.Cho nên không có cảnh người đứng ở ngoài nhìn vào nhà thờ dự lễ, ngoại trừ các lễ Trọng, nhà thờ không còn ghế trống. Tại một giáo xứ ở Tân Bình,Tp. HCM, ban Mục vụ giới trẻ tổ chức được đều đặn mỗi đầu tháng giờ cầu nguyện cho giới của mình, tại Nhà Chầu Thánh Thể của giáo xứ. Họ còn tự mình tổ chức những chuyến đi làm việc từ thiện, bác ái ở những trại mồ côi, khuyết tật, bệnh nhân ma túy v.v…Ban Mục vụ giới trẻ có một ưu điểm là ngoài xã hội, họ cũng có những vị trí tốt, những quan hệ tốt trong các môi trường nghề nghiệp.Một vài người trong họ thuộc thành phần trí thức trẻ, khoa bảng. Còn thì đang đi học, sinh viên và lao động. Họ tự tin và trưởng thành.

 

Ngày nay, thánh lễ cử hành trong bất cứ giờ nào trong ngày cũng không thể thiếu ca đoàn.Bài hát phù hợp với các bài thánh thư, nhầt là bài Tin Mừng, cộng với các cung giọng nam nữ, tiếng đàn, đều là các yếu tố quan trọng giúp cộng đoàn tham dự thánh lễ tăng lòng mến, đưa họ vào mầu nhiệm Chúa nhập thể, thương khó và phục sinh. Nhận thức được vấn đề này, Linh mục Chính xứ của giáo xứ trên đây đã tổ chức được những ban Thánh ca tại 6 giáo họ, vì giáo xứ này có 6 giáo họ, trên 5.000 giáo dân, không kể 4 ban Thánh ca chuyên biệt có từ trước. Trong số này có ban Thánh ca của Giới trẻ, ban Thánh ca của Thiếu nhi, phục vụ trong các thánh lễ dành cho giới mình. Còn một ca đoàn nữa, gọi là Ca đoàn Tổng hợp gồm một số ca viên trong các ban Thánh ca kia, phục vụ trong các thánh lễ trọng và các dịp lễ đặc biệt.

 

Xã hội Việt Nam ngày nay đang tôn vinh các thần tượng bóng đá và ca sĩ. Âm nhạc lên ngôi, nhưng bộc lộ nhiều ung nhọt, vì là có việc nhái bài hát của nước ngoài bị phát giác.Còn không thì các bài hát của Việt Nam ngày nay, ca sĩ hầu như chỉ hát một lần rồi bỏ ! Về phía Thánh ca Công giáo, từ nhiều năm nay, các nhạc sĩ : Linh mục, Tu sĩ và một ít giáo dân, đã tích cực múc nguồn sáng tác của mình từ Kinh thánh, Tin Mừng, nhất là các Thánh Vịnh, phục vụ trong các mùa theo lịch Phụng vụ, như mùa Vọng, Giáng Sinh, mùa Thường niên, mùa Chay, Thương khó và Phục Sinh. Ngoài ra còn các Thánh ca về Đức Mẹ, phải nói là hết sức phong phú, sâu thẳm về tâm linh, huyền nhiệm và tuyệt vời về ngôn từ, về thanh âm .

 

Thánh ca đã góp phần rất lớn trong các thánh lễ, giúp cộng đoàn tham dự bước vào mầu nhiệm Thánh Thể, tình yêu của Thiên Chúa, lòng từ ái của Mẹ Maria. Để có được điều này, không thể bỏ ra ngoài người ca trưởng của các ban Thánh ca.Nếu là trí thức và có một đời sống đạo chiều sâu, người ca trưởng này chắc chắn sẽ dẫn ca đoàn của họ hiểu được một điều căn bản : Đó là việc hát Thánh ca nhằm phục vụ Thiên Chúa, chứ không phải nhằm đưa cái cá nhân của mình lên.

 

Hiệp Hội Sống Tin Mừng Thánh Tâm Chúa Giêsu

 

Khi chúng tôi có ý định viết về một số đoàn thể đang sinh họat tại một giáo xứ hay nhiều giáo xứ, chúng tôi có ý định viết về một cộng đoàn không thuộc giáo xứ cũng không thuộc Giáo phân nào ở Việt Nam, nhưng có trụ sở chính đặt tại Paris (Pháp).Đó là Hiệp Hội Sống Tin Mừng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tôi có chút quan tâm tới cộng đoàn này vì tính cách đặc thù. Đó là việc hàng tuần họ có buổi cầu nguyện tại nhà của một giáo dân, thành viên của cộng đoàn. Cách đây mấy năm,cộng đoàn này tạiViệt Nam đã cử một hay hai thành viên của mình đi Pháp,dự Tổng Đại Hội tại Naudière, trong suốt tuần lễ, đã nói lên tính cách quan trọng chẳng những của một Tổng Đại Hội mà còn của cộng đoàn này nữa.

 

Bản Nội quy của Hiệp Hội Sống Tin Mừng Thánh Tâm Chúa Giêsu (TTCG) có 113 Điều, trong đó có ba phần chính :

 

I-Một lời mời gọi ngỏ với chúng ta.

II.Kế hoạch sống của chúng ta.

III. Tổ chức và quản trị.

 

-Hiệp hội sống Tin mừng TTCG là một thành viên trong gia đình thiêng liêng của các Nhóm Tin mừng và Sứ mạng. Họat động trong chiều hướng trung thành với đoàn sủng của cha Phêrô De Clorivière.

 

Đó là một hiệp hội tín hữu công, có tính cách quốc tế, được nhìn nhận như một pháp nhân và được điều hành theo nội quy hiện hành của Hiệp hội, theo luật của các hiệp hội và theo luật Giáo hội, trụ sở chính của hiệp hội đặt tại Paris (Pháp).(Điều 1)

 

Hiệp hội tiếp nhận các thành phần Dân Chúa, nam cũng như nữ thuộc mọi văn hóa và quốc gia, kết hôn, góa bụa và độc thân, giáo sĩ lẫn giáo dân.(Điều 2)

 

Theo truyền thống thánh Inhã, hiệp hội mời gọi mỗi hội viên, tùy theo bậc sống của mình, theo đuổi một cuộc sống Tin mừng vừa chiêm niệm vừa hoạt động bằng cách dấn thân làm tông đồ giữa lòng thế giới. (Điều 3)

 

Một điều chúng tôi ghi nhận trong Nội quy của Hiệp hội là sự “mời gọi ta nên thánh” qua việc dấn thân, “hiện diện với anh em mình một cách tích cực và đầy tình yêu thương, dù có phải gặp mâu thuẫn và chống đối. Chúng ta coi sự hiện diện ấy là cách ta thi hành sứ mạng và chiêm ngắm Chúa. Chúng ta sẽ cố gắng hiện diện một cách khiêm tốn và vui tươi, không mệt mỏi, lúc nào cũng sẵn sàng bước ra khỏi mình.” (Điều 21)

 

Hiện diện giữa lòng trần thế trong thế giới hôm nay, chúng tôi nghe đó là âm vang của tinh thần Vaticanô II, can đảm, không sợ hãi, không thỏa hiệp với quyền lực của trần thế, một trần thế đang bị bóng tối của tội lỗi, của tội ác, hiện thân của Satan sai khiến. Nhận biết những hiểm nguy này, hội viên của Hiệp hội Sống Tin mừng TTCG cam kết 3 điều , bằng cách tự nguyện đoan hứa với Chúa :

 

• Sẽ bước theo Đức Giêsu, bằng cách hiến dâng trọn vẹn con người của mình cho Chúa, trong bậc sống của mình.

 

• Ngay giữa thế giới này, khi khiêm tốn phục vụ mọi người

 

• Qua đời sống vừa chiêm niệm vừa họat động, cùng với các bạn đường, theo tinh thần của Cha Phêrô De Clorivière trong Hiệp hội sống Tin mừng TTCG.

 

Việc cam kết này sẽ đặt những người chọn sống độc thân vào bậc sống ấy. (Điều 25)

 

Ngoài ra, trong Trái Tim Chúa Giêsu, họ còn có một kế họach sống, như : Cầu nguyện và chiêm ngắm, sống khiết tịnh và cởi mở, sống khó nghèo và luôn sẵn sàng, sống huynh đệ và liên đới.Điều này giúp họ thiết tha với thế giới như chính Chúa Cha đã yêu thế gian, yêu nhân lọai đến nỗi ban Con Một của Người là Chúa Giêsu cho thế gian, để nhờ Người nhân loại được cứu chuộc bởi cuộc khổ nạn của Người mà Giáo hội đang sống những ngày chay thánh, dọn đường cho ngày Vượt Qua.

 

Khải Triều
(Ngày 7/4/2011)

 

 

 

 

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.