Một trong những thay đổi những năm đầu thiên niên kỷ nầy, trong sinh hoạt chính trị trên thế giới, là việc bỏ phiếu bất tín nhiệm, xảy ra gần như cơm bửa trên khắp thế giới: ở Séc, ở Thái Lan, ở Malaysia và hiện đang nóng bỏng ở Georgia.
Mục đich là để loại bỏ một chính phủ,một lãnh đạo chính phủ hoăc bộ nghành vì bị coi là yếu kém,không hoàn thành nhiệm vụ, để xảy ra những sự cố làm ảnh hưởng đến thể diện quốc gia hoặc gây hại cho nền tài chính, kinh tế. Chỉ cần số phiếu bất tín nhiệm cao hơn, thì sẽ có áp lực lớn dẫn đến từ chức, cách chức. Không chỉ trên vũ đài chính trị, mà ở các lãnh vực khác , người ta cũng bỏ phiếu bất tín nhiệm. Dưới chẳng còn tin trên nữa. Thay đổi là điều cần thiết khi sự tín nhiệm tụt dốc.
Đầu tuần nầy, ban đầu ngỡ là sáu, sau đó chỉ còn bốn cây anh đào được ghép từ bốn trăm cành hoa mang từ nước Nhật sang để cho người dân Việt-Nam thưởng ngoạn,nhưng người ta phải bố trí năm trăm nhân viên an ninh canh giữ, tránh tái diễn cảnh bứt hoa vặt cành lá như năm trước, rất đáng chê trách xấu hổ. Cùng ngày, Sở thể dục thể thao và ban quản lý Sân Vinh phải bố trí một ngàn công an để giữ không xảy ra cảnh hỗn loạn giữa cổ động viên hai bên có thể dẫn tới thương vong như nhữg lần trước. Trên không còn tin dưới nữa.Niềm tin là kết quả của giáo dục, văn hóa và văn minh. Niềm tin bị khủng hoảng, khi cương thường bị đảo lộn, khi trong xã hội cái xấu,cái sai lấn át, đè bẹp cái thiện,cái đúng,nhất là những cảnh dốu trên gạt dưới, tham ô hủ hoá, mặt dày mày dạn xuyên tạc sự thật, những cảnh nén bạc đâm toạc tờ giấy. Niềm tin bị xói mòn,hủy hoại. Tội ác xảy ra hằng giờ, những vụ tự tử không ngày nào không nghe, tuổi trẻ hung ác giết người vì những nguyên do không đâu, tuổi mới lớn bắt chước những lối sống lập dị,vô luân : chỉ có hình ảnh những bãi rác khổng lồ,gây ô nhiễm trầm trọng, mới có thể so sánh được tình trạng ỗ nhiễm và hủy hoại lòng tin ngày nay,trên đất nước nầy.
Hôm nay, trong Giáo Hội sơ khai, ngay trong hàng ngũ lãnh đạo, đã xuất hiện khủng hoảng đức tin. Người ta có thể phỏng đoán tính cách sôi nỗi,nhiệt tình của Tôma chỉ xếp sau Phêrô (x. Ga 11,16),nhưng trong những lúc như thế nầy, khi mà các tông đồ đóng kín cửa vì sợ (x. Ga 20,19), thì Tôma vẫn không chấp nhận nhốt mình một chỗ. Việc ông không tin lời các bạn có lý do của nó : ông không tài nào còn đặt niềm tin vào những người anh em không chỉ chết nhát, mà đã bộc lộ hết sự hèn nhát khi bỏ Thầy trong cơn hoạn nạn. Chính ông cũng chẳng hơn gì. Có thể Tôma không hồ nghi gì về việc Chúa Giêsu sống lại, cho bằng việc Người vẫn còn đầy LÒNG XÓT THƯƠNG ,yêu mến và tin tưởng đối với đám môn đệ kém cõi đáng thất vọng nầy. Ông muốn có bằng chứng. Ông muốn mắt thấy tai nghe không chỉ năm dấu đanh, mà trên hết là thấy được tình thương của Chúa vẫn ắp đầy,không suy suyển. Mọi khủng hoảng niềm tin hoặc đức tin chỉ có thể được phục hồi bằng tình yêu thương và chỉ bằng tình yêu thương mà thôi. Tiếng kêu tâm phục khẩu phục của Tôma khi Chúa Giêsu hiện ra không thể chỉ là vì nhìn thấy các dấu đinh và vết đâm cạnh sườn, mà là sự tôn thờ, biết ơn, cảm động vì tình thương của Thầy đã không vơi đi,mà còn tăng lên muôn trùng, biểu hiện quanhững thương tích vẫn còn lưu giữ nguyên trạng, khi mà thân xác Người đã sống lại sáng láng vinh hiển.
Thế nhưng, sự cố nầy cũng cho chúng ta thấy : đã có khủng hoảng đức tin trong Giáo Hội, nơi các tông đồ, ngay từ khi Chúa Giêsu vẫn còn ở giữa họ. Đó cũng là một lý do khiến Chúa Giêsu không hiển hiện bên họ,giữa họ như thời gian ba năm qua. Người phải tập cho họ xác tín rằng dù vô hình, Người vẫn luôn ở bên các ông, hoàn toàn như khi Người ở với các ông một cách hữu hình. Họ phải tập để phân biệt giữa Thầy và ma, giữa những gì thuộc về Thiên Chúa với những gì là do ma qủy. Người không thể cầm tay dạy việc mãi, mà chính các môn đệ phải tự làm và chỉ bảo cho nhau. Người muốn họ phải tạo cho nhau niềm tin, phải tin nơi nhau và quan trọng là phải không ngừng củng cố đức tin cho nhau, xuất phát và đặt nền tảng trên đức tin nơi Người. Chúa Giêsu cho các môn đệ bài học thấm thía: là con người bất toàn,không thể tránh được nhiều người có những hồ nghi về những vấn đề đức tin. Là cộng đồng quy tụ những kẻ tin là con người, Giáo Hội không thể không đương đầu và chịu những cơn khủng hoảng đức tin có khi rất trầm trọng.
Lịch sử đã chứng minh điều ấy. Lịch sử cũng đã cho thấy : sau mỗi khủng hoảng đức tin, thì Giáo Hội càng thêm vững vàng. Khủng hoảng đức tin càng lớn, thì chiến thắng càng vang dội. Bao nhiêu đế quốc,chế độ, chính phủ,… đã sụp đổ vì đánh mất niềm tin của người dân, phát xuất từ tham vọng, vô thần, bạo lực hận thù và nghi ngờ. Đã bao phen Giáo Hội của Chúa bị lung lay, có khi tưởng chừng không gượng dậy được nữa, nhưng chính những khi khốn đốn ấy – như Tôma hôm nay – Giáo Hội bừng tỉnh và vươn lên cao, nhờ thông phần vào thập giá Chúa Kitô và được phục sinh với Chúa Kitô. Nên nhớ nguyên nghĩa của “sống lại”, là Phục-sinh – Ressuscité – Risen : trỗi dậy, đứng lên! Nếu có thể nói khủng hoảng đức tin trong Giáo Hội Tông Truyền là…di truyền, thì “phục sinh đức tin” cũng di truyền!
Người ta hay nói : easy come,easy go! Cái gì dễ đến ắt cũng dễ đi. Đức tin thì khác : khó đến nhưng lại dễ đi,dễ bị xói mòn, đánh mất. Không ai cân-đong-đo-đếm được đức tin, không ai dám nói đức tin mình là mạnh mẽ kiên vững và đầy dư, và vì thế cứ phải vun quén,tô bồi mãi bằng cầu nguyện,bằng hành động, bằng nhận lãnh và sống ,lớn lên bằng ân sủng bí tích. Lời Chúa Giêsu không ngớt dặn dò chúng ta phải tỉnh thức,chính là để chúng ta luôn lo bảo vệ,giữ gìn và củng cố đưc tin, không để cho những thói xấu, những đam mê dục vọng, thói ích kỷ, kiêu căng và sự ươn lười đào ngạch khoét vách.
Không tin hữu Công giáo nào còn coi mình là con cái và yêu mến Giáo Hội, mà không quặn thắt, ê chề và lo lắng về”những điều trông thấy mà đau đớn lòng” đang xảy ra trong Giáo Hội trên khắp thế giới. Tất cả đều biểu hiện khủng hoảng đức tin: những giáo sĩ không có đời sống yêu mến gắn bó với Thánh Thể và chuỗi Mân Côi; những giáo sĩ muốn thể hiện “độc lập,tự do,hạnh phúc” mà không muốn sống nghèo khó,trong sạch,vâng lời, thì những tội dâm ô, ấu dục chỉ là vấn đề thời gian. Những vụ việc như một tổng giám mục (Milingo) nhiều lần vi phạm cả luật Chúa lẫn giáo luật và gian dối lừa lọc; những chuyện như bí mật vị linh mục sáng lập Đạo Binh Chúa Kitô hoá ra sống hai mặt và đã lén lút có con, cũng như trường hợp cựu giám mục Lugo nay là tổng thống nươc Pêru, phá giới làm chính trị và phá giới vụng trộm với một cô gái chỉ đáng tuổi cháu và có con,cũng là kết quả tất yếu. Cũng tỷ như việc những giáo sĩ Công giáo Việt-Nam cho con chiên Chúa giao cho mình ăn những của độc hại, làm sai lạc đức tin, vẫn chỉ là “việc gì phải đên,sẽ đến” khi các Vị không thấy cần thiết bám chặt vào Thánh Thể và chuỗi hạt Mân Côi, mà chỉ thấy vinh quang, ý chí đạt được (và được ngụy trang tinh vi bằng vỏ bọc “nhiệt tâm Nhà Chúa” qua sự ngất ngây chiêm ngưỡng và noi theo,ăn theo sự thành công của một người và một phương pháp hoàn toàn xa lạ và sai lệch đức tin Công giáo. Hàng tỷ đô la đền bù, tuy gây khốn đốn cho các Giáo Hội địa phương, nhưng cả Giáo Hội hoàn vũ không kịp vuốt mặt, khi nhìn kẻ thù bêu rếu,xúi giục con cái Giáo Hội rời bỏ Giáo Hội và cả Chúa.
Không chỉ là chuyện con sâu bỏ rầu nồi canh, mà hàng loạt gương xấu bị phơi ra, tạo thành một cú đánh quá mức nặng nề,mà bất cứ tổ chức nào ngoài Giáo Hội Công giáo cũng đã sụp đổ, vô phương cứu chữa. Con thuyền Giáo Hội Công giáo đã lung lay, đã lắc lư giữa cơn phong ba kinh hoàng ấy ( vẫn chưa hoàn toàn sóng yên biển lặng) nhưng đã vượt qua cơn bão tố, khiến kẻ thù phải kinh ngạc và không thể hiểu được. Những gì diễn ra trong trình thuật Phúc Âm hôm nay, hoàn toàn giống như những gì đã, đang cà sẽ xảy đên cho Giáo Hội,cho mỗi tín hữu chúng ta. Quan trọng là khi đã nhìn thấy Chúa, hiểu ý Người, chúng ta có khiêm nhường và biết ơn mà thưa lên: ”Lạy Đức Chúa của con,lạy Thiên Chúa của con”?
Cuối cùng, những gì đang xảy ra trong Giáo Hội, cho Giáo Hội,cho cá nhân Đấng Đại Diện Chúa Kitô trên trần gian, phải trở thành dịp tốt để ta nhìn lại độ sâu, độ dày, độ bền. độ nóng của đức tin chúng ta. Giáo Hội chịu áp bức, thù ghét, xuyên tạc chỉ trích một cách hung hãn, điên cuồng,xấu xa và hèn hạ nhất. Không có gì mà Satan và những thế lực vô thần xấu xa đã không làm để tấn công Giao Hội, để lung lạc và đi đến sụp đổ tan tành đức tin của Giáo Hội nơi Chúa Kitô và niềm tin của tíin hữu nơi Giáo Hội. Phải nói rằng với sự tiếp tay của những con cái Giáo Hội mà cuộc sống nghịch Tin Mừng, gây gương mù gương xấu hoặc của những chức sắc Đạo kiêu căng suy nghĩ,huênh hoang phát biểu,viết lách, du nhập sách báo sai lạc đức tin Công giáo nhằm chống lại Giáo Hội và cá nhân Đấng Kế Vị Thánh Phêrô, đã giúp Satan không tốn nhiều công sức mà vẫn đạt được không ít thành công. Giáo Hội Công giáo tin tưởng đang vượt qua cơn bão dữ, về bến an lành, vì tin vào Chúa Kitô, vì được lèo lái bằng đôi tay và con tim nồng nàn yêu mến,thánh thiện và khôn ngoan của Đức Thánh Cha . Giáo Hội vẫn phát triển “nhờ công phúc đức tin của Người” (lời nguyện cho Đức giáo hoàng sau Truyền Phép). Không ngạc nhiên gì khi mọi mưu toan thâm độc và xấu xa, đê hèn nhất được dựng lên, được đưa ra, nhằm vào Vị thuyền trưởng. Điều đáng ngạc nhiên là rất nhiều con cái Giáo Hội có những biểu hiện và hành động khó lòng tưởng tượng và không thể chấp nhận được : hoặc hết sưc vô tâm vô tình đối với những gì đang xảy ra cho Giáo Hội CỦA HỌ và những lời nói,việc làm đê hèn đối với Vị Cha Chung CỦA HỌ. Sự bàng quan nầy còn gây quặn đau hơn cả sự chống đối phá hoại của kẻ thù. Sự tệ hại còn đi xa hơn nữa: những con cái vong ân bội nghĩa nầy không ít lần đem Giáo Hội và Vị Cha Chung CỦA HỌ ra đấu tố, hành tội với đủ ngôn từ chất chứa sai lầm,hận thù, như thể đối với kẻ thù truyền kiếp!
Nếu các tông đồ là những người đáng tin, thì Tôma đã không có những suy nghĩ và lời nói biểu hiện nghi ngờ tệ hại đến vậy! Lạy Chúa, nếu con đáng tin, nếu nhìn vào con mà người ta nhận ra Chúa qua các vết thương là những hy sinh trong đời con để sống xứng đáng là con cái Chúa và làm chứng nhân cho Chúa, thì anh em con đã không có quá nhiều người rơi vào khủng hoảng đức tin, đau khổ vì hoài nghi sự hiện diện và LÒNG XÓT THƯƠNG vô biên của Chúa, để rồi nhiều anh em con sụp đổ và mất đức tin. Lỗi tại con mọi đàng!
TÌNH CA CHO NGƯỜI ĐƯỢC YÊU (Năm IX) 150
CHÚA NHẬT LÒNG CHÚA XÓT THƯƠNG (Năm B) – Ga 20, 19 – 31
Views: 0